CHƯƠNG 1: VĂN HÓA LÀNG QUÊ VÀ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DUY- ĐỒNG ĐỨC BỐN - PHẠM CÔNG TRỨ
1.3. Hành trình sáng tạo thi ca của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ
1.3.3. Phạm Công Trứ - “ Người thơ gảy khúc trăng vàng ngõ quê”
Sinh năm 1953 ở vùng đồng chiêm trũng Nam Định, cái phong tình dân dã của hồn quê đồng bằng Bắc Bộ đã làm nên một Phạm Công Trứ “chân quê” với cái đằm thắm của duyên tình quê hương xen với cái vui say khỏe khoắn, tươi trẻ của con người thời đại. Anh là người suốt đời ám ảnh bởi lũy tre, cánh đồng, rơm rạ, củ khoai, con cá. Tạm biệt khoảng trời tuổi thơ trong veo, anh bước chân vào chiến trường với nhiều nỗi lòng thương nhớ đồng quê. Những năm tháng tuổi trẻ ở Trường Sơn, cũng va đập bom đạn, cái sống, cái chết như bao người lính trận và cũng những khắc nghiệt của thiên nhiên:
Có nơi nào mưa như ở đây?
Từ tháng bảy qua tháng mười hai chưa dứt Trời úp sụp một màu chì mọng nước Mây xà ngang đầu tưởng quờ được ngang tay
(Mưa ở đây)
Hòa mình vào cuộc sống chiến đấu, anh đã có những vần thơ hướng đến những đồng đội thân yêu trên cung đường Trường Sơn đầy khỏi lửa. Đây là những phút giây hạnh phúc hiếm hoi nơi cái chết và sự sống chỉ gần nhau gang tấc anh đã chộp được một cách thần tình:
Hỡi em cô gái tiền phương Áo xanh sắc lá tóc vương hoa rừng
Em hò chi để trêu anh
Cái giọng khu bốn rõ rành chẳng sai Chúng anh quê ở đằng ngoài Hò vè chẳng thạo, chỉ hoài ngắm em Mặt em? Không, mặt mùa xuân Tiếng em? Không, tiếng nắng ngân lưng trời
Đường cua em đã khuất rồi
Còn nghe khúc khích tiếng cười đuổi theo (Sáng nay )
Hiện thực cuộc chiến đã cho anh những cái nhìn nhiều chiều hơn về cuộc sống.
Thơ anh hướng đến nhiều số phận ở nhiều vùng quê trên những cung đường hành quân. Đó là những người mẹ nghèo lam lũ nơi vùng biển sâu, cát trắng:
Đường đánh giặc tôi qua nhiều miền quê Cũng những mẹ già cũng mùi nước mắm
Cái vị biển quê mình có bao giờ tôi lẫn Bỗng nhớ về khóe mắt lại rưng rưng (Vị quê)
Tạm biệt thời khói lửa, về lại cuộc sống hòa bình, cái duyên nợ với thơ văn đã không cho lòng anh ngủ yên. Sang Nga bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật, làm báo Pháp Luật nhưng từ sâu thẳm trái tim nàng thơ luôn khát khao cất tiếng. Anh là người giản dị, chân chất không cầu kì, tô vẽ vì ông bà cha mẹ anh cũng là con người của xứ đồng, nông dân chính hiệu. Về với cuộc sống đời thường, hồn thơ anh say đắm với những gì gần gũi với làng quê. Lối cảm xúc ấy đã tạo nên thương hiệu riêng cho anh. Năm 1990, anh trình làng tập thơ đầu tiên Lời thề cỏ may I và đã được bạn yêu thơ đón nhận bằng tình cảm chân thành, nồng nhiệt. Khác với nhiều người, anh đến với thành công khi trước đó anh chẳng có một giải thưởng văn học nào, cũng chẳng có ai đỡ đầu, đỡ chân mà mới chỉ có dăm bài thơ đăng báo. Vậy mà ngay sau khi Lời thề cỏ may I ra đời, anh đã định danh vị trí vững chắc trên thi đàn. Ngay từ đứa con đầu lòng này, người ta đã nhận ra cái chất giọng đặc biệt, cái “gu” thẩm mĩ trên hành trình sáng tạo của anh:
Tích tình tang! Tịch tình tang Người đi kiếm cái giàu sang Ta về gảy khúc trăng vàng ngõ quê
(Độc huyền tự khúc)
Anh cứ đau đáu về cái làng của mình, về cây gạo, ánh trăng, bờ đê, cô gái mặc áo phông, quần bò. Anh viết nhiều về nông dân. Đó là hình ảnh những người nông dân thời hội nhập với nhiều đổi thay không tránh khỏi của đời sống thời kinh tế thị trường.
Phạm Công Trứ bày tỏ, anh viết về người nông dân vì họ là hình bóng của anh, của cha mẹ anh. Người nông dân Việt Nam thiệt thòi nhiều, có lúc họ bị bỏ quên cả trong đời sống lẫn trong nghệ thuật. “Ngày xưa có dòng văn học về nông thôn rất rõ. Những Anh Thơ, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ… đã có thể tạo nên diện mạo của nông thôn.
Nhưng hôm nay thì diện mạo nông thôn không còn được rõ ràng, đẹp và có hồn như vậy nữa. Cái hồn quê đã phôi phai đi quá nhiều. Tôi nghĩ rằng có nhiều lý do, nhưng cơ bản là tâm thế người cầm bút hôm nay đã khác đi nhiều rồi. Xu thế hội nhập, quá trình đô thị hóa đã xâm chiếm vào ngòi bút nhà văn”[77].
Anh đã đến với thơ như thế. Anh viết nhiều như một sự câu thúc của trái tim để thể hiện sự trân trọng với cuộc đời, với làng quê, với nàng thơ của mình. Sau đứa con đầu lòng hạ sinh 1990, anh lại tiếp tục trình làng gương mặt Lời thề cỏ may II vào năm 1993 và Lời thề cỏ may III vào năm 1996. Ba tập thơ cho ta thấy rõ khuynh hướng sáng tác của anh: tìm về với cội nguồn như một sự cứu rỗi. Làng quê luôn trở thành một nỗi ám ảnh, một nỗi khát khao da diết trong anh. Đọc thơ anh, ta thấy ngay cái hơi hướng của làng quê Việt Nam qua cảnh, tình, qua lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm, gốc gác của làng quê Việt Nam.
Sau thành công với hồn quê, Phạm Công Trứ lại tiếp tục khẳng định khả năng thơ ca đặc biệt của mình qua các tập: Phồn thi I (2004), Phồn thi II ( 2006) và Phồn thi III (2009), những tập thơ mang đậm hồn phố. Tuy nhiên, người đọc vẫn nhận thấy ở đó cái mạch của hồn quê trong từng giai điệu phố.
Qua những tập thơ trên, chúng ta thấy thơ Phạm Công Trứ có cái mượt mà giống ca dao, dân ca nhưng bên cạnh đó là cái hóm hỉnh, tinh nghịch, thật, không trừu tượng, không hoa lá, không mỹ từ. Thơ anh không ở trạng thái hoài cảm, buồn sầu như thơ của nhiều thi sĩ khác. Mà nó hài hước, bông phèng, tếu táo. Cái chất trào lộng ấy đã định vị một chỗ đứng riêng của Phạm Công Trứ trong đời sống văn chương. Tuy nhiên, đằng sau cái bông đùa, tếu táo là rất nhiều suy ngẫm, là ăm ắp nỗi buồn:
Bây giờ lạ lắm người ta Hiền lành rồi cũng hóa ra lắm lời
Bây giờ lạ lắm cả tôi (Tự sự)
Anh luôn quan tâm đến những chuyện hôm nay, chuyện bây giờ, không né tránh chuyện thế sự. Làng quê trong thơ anh hiện hình sống động ở một sinh quyển gần gũi, gắn bó và thân thuộc: cây đa, bến nước, con đò, dòng sông cánh đồng, cánh cò, hội hè, lễ tết… Để thể hiện cái hồn quê ấy, anh đã chọn cho mình cây đàn đã cũ - thơ lục bát nhưng lại luôn trở thành mới qua lăng kính, cảm nhận tinh tế. Qua bàn tay tài hoa của anh, cây đàn đó đã gảy lên được những giai điệu không hề trộn lẫn giữa lúc người ta bị “bội thực” với đủ các thứ kĩ nghệ hiện đại. Trước khi đến với thể loại thơ
“anh minh” này, anh đã thử sức tài năng thơ ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng có lẽ sau nhiều thử nghiệm, anh đã lựa chọn được thể loại thích hợp nhất cho điệu tâm hồn mình: Thơ lục bát.
Trở về gảy khúc trăng vàng ngõ quê, Phạm Công Trứ đã thực sự chọn cho mình một lối đi riêng rất đáng trân trọng. Trên hành trình sáng tạo thi ca dẫu còn lắm bể dâu, chúng ta hi vọng rằng với bản lĩnh và tài năng nghệ thuật, anh sẽ làm được nhiều hơn thế cho nền thơ Việt Nam trong thời đại mới.
Với Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ tìm về với các giá trị cội nguồn, về với vẻ đẹp bình yên, thanh sơ chốn làng quê sẽ được nhấn mạnh như là sự lựa chọn cho “bút pháp thơ đại chúng vừa bảo lưu cái cổ truyền, vừa đối thoại với cái thời thượng học đòi”. Và như một sự tất yếu để tiếng thơ vang vọng hơn, thấm sâu hơn với văn hóa dân gian, các anh đã sử dụng thật đắc địa thể thơ dân tộc - thơ lục bát, thứ thơ dễ làm nhưng khó hay.
CHƯƠNG 2