Những hình ảnh mượn lại từ ca dao, dân ca

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 100 - 103)

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ

3.3. Xây dựng hình ảnh

3.3.1. Những hình ảnh mượn lại từ ca dao, dân ca

Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ là những con người của quê hương. Hình ảnh quê hương và tình quê luôn vấn vương trong tâm hồn các anh. Trên hành trình sáng tạo của mình, bên cạnh những nỗ lực không ngừng, các anh còn mượn lại những hình ảnh của ca dao dân ca như một chất liệu đặc biệt để tạo nét văn hóa làng quê trong sáng tác của mình như: làng, vườn, dòng sông, con đò, trăng, mái đình, con cò, cánh đồng, dải yếm, nón mê, nón quai thao, bí bầu … Những hình ảnh này xuất hiện với tần suất rất lớn như một mô típ trong thơ các anh, đặc biệt là thơ lục bát.

Trong luận văn này chúng tôi chỉ xin đi vào tìm hiểu cách xây dựng những hình ảnh tiêu biểu nhất.

Đầu tiên là hình ảnh vườn quê. Vườn là biểu tượng về văn hóa làng quê Việt Nam, là hình ảnh thu nhỏ bức tranh thôn quê Việt Nam. Vì vậy mảnh vườn trở thành hình ảnh quen thuộc trong thơ viết về làng quê. Với Đồng Đức Bốn, vườn quê dù không phải là thứ không gian quan trọng nhất như các thi sĩ lãng mạn (1932-1945) ví như Nguyễn Bính – vườn trở thành nỗi ám ảnh trong thơ ông, nhưng cũng đủ làm xao lòng người đọc vì nó được viết ra từ những nhịp đập của con tim mang nặng mối tình với quê hương.

Xéo gai anh chẳng sợ đau Bởi yêu ruộng lúa vườn cau trước nhà

(Xéo gai anh chẳng sợ đau)

Giữa những khu vườn quê là những hàng rào quê thanh mảnh, được tô điểm bằng những cây cỏ, loài hoa(mồng tơi, cúc tần, tầm xuân, dâm bụt), khóm tre, cây đa cổ thụ...đã gắn bó với mỗi đời quê và làm nên thần hồn cho phong cảnh của làng quê:

Khổ thân cho cả bờ rào Dây tơ hồng héo quắt vào mùa thu

(Cơn mưa dừng ở Sóc Sơn)

Trong thơ của Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ ta cũng thấy hình ảnh vườn quê được nhắc đến bằng tất cả niềm yêu thương, trìu mến với những loài cỏ cây, hoa lá quen thuộc nơi đồng quê. Vườn là nơi gợi lên bao cảm xúc trong tâm hồn Nguyễn Duy khi anh nhớ về bạn của mình. Một xứ Huế mộng và thơ, thắng cảnh thiên nhiên đậm những nét trữ tình, thi vị hiện lên với bao nỗi lòng của thi nhân:

Bến Tuần loang thoáng hàng dâu em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi

lối mòn đá cuội rong chơi lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ

(Nhớ bạn)

Còn Phạm Công Trứ lặp lại vườn quê để cho ta thấy cái sự sống đơn điệu nơi làng quê còn lam lũ, tối tăm:

Xung quanh xám ngát một màu Gió rung lá chuối vườn sau rào rào

(Mọt nghiến vào đêm)

Một hình ảnh nữa luôn sóng sánh, đong đầy trong thơ các anh là dòng sông, con đò. Dòng sông - bến nước - con đò là hình ảnh biểu trưng quen thuộc và độc đáo gắn liền với đất và người Việt Nam. Từ ngàn xưa, những hình ảnh mỹ lệ và giàu sức gợi này đã làm nên hồn cốt và sức sống mãnh liệt cho biết bao câu ca dao, dân ca.

Đến nay chúng lại hiện lên đậm đặc trong thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ. Khảo sát tập Trở về với mẹ ta thôi, mô típ này được Đồng Đức Bốn sử dụng trong 14/45 bài (chiếm 31%) . Mô típ dòng sông con đò, thường được Đồng Đức Bốn gắn với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Dòng sông con đò như là kỉ niệm về làng quê. Nơi đó chứng kiến bao cảnh hợp tan của cuộc đời, có khi là những nỗi đau âm thầm:

Anh xa để lạnh đôi bờ Đò em cứ chảy lơ thơ giữa dòng Đừng buông giọt mắt xuống sông Anh về dẫu chỉ đò không vẫn chìm (Đêm sông Cầu)

Đặc biệt mô típ này trong thơ Đồng Đức Bốn luôn hiện lên đậm tính tượng trưng, đầy ám ảnh:

Cái đêm em ở với chồng Để ai hóa đá bên sông đợi đò

(Cái đêm em ở với chồng)

Cũng có khi hình ảnh dòng sông con đò được các nhà thơ xây dựng mang đậm ý nghĩa biểu tượng. Ví như dòng sông biểu tượng cho những khó khăn trong thơ Đồng Đức Bốn:

Tôi đi tìm một tình yêu

Trên dòng sông chứa rất nhiều ban mai Tôi đi trên dòng sông gai

Lốt chân chim đậu trên vai thành hồ

(Sông Thương ngày không em)

Là những vật vô tri, vô giác nhưng dòng sông, con đò đã đi vào thơ của các thi sĩ rất có hồn, mang đầy tâm trạng, hiện hình thật sống động. Có thể thấy, dòng sông, con đò là phần không thể thiếu trong bức tranh thơ về làng quê Việt Nam của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ.

Cùng với dòng sông, con đò, hình ảnh trăng cũng được các anh xây dựng trong thơ với nhiều ý nghĩa. Trăng được xuất hiện nhiều lần và mang những sắc thái khác nhau. Đó là hình ảnh võng trăng đẹp tuyệt trần giữa rừng Trường Sơn qua con mắt đa tình của Nguyễn Duy:

Khuya dần thiêm thiếp trăng non

Giữa rôm rã gió hãy còn vầng trăng (Võng trăng)

Với ý nghĩa biểu cảm sâu sắc, Ánh trăng đã được Nguyễn Duy chọn làm đề từ cho cả một tập thơ của mình. Ánh trăng đó như một ám ảnh nghệ thuật trong thơ anh.

Hay đó là vầng trăng gắn với cái buồn thương man mác vì một tình yêu không thành trong thơ Đồng Đức Bốn:

Tôi giờ còn có ai mong

Mà người mượn gió bẻ cong trăng ngà (Đời tôi)

Và đây là dòng sông trăng lung linh, quyến rũ nơi xứ Huế thơ mông:

Thuyền xưa còn đậu bến xa Hương Giang ngày ấy còn là sông trăng (Thăm Vỹ Dạ)

Là những thi sĩ đồng quê, khi nhắc đến làng quê của mình Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ không quên xây dựng hình ảnh cánh đồng quê. Hình ảnh cánh đồng xuất hiện nhiều trong thi ca thế giới đặc biệt là những thi sĩ đồng quê. Ví như hình ảnh cánh đồng trong thơ Exênhin - một hình ảnh quen thuộc, có sức ám gợi mạnh mẽ. Nó gợi lên hình ảnh của nước Nga, vẻ đẹp Nga, tâm hồn Nga, nó cũng gợi lên hình ảnh của biết bao miền quê thân thuộc trong thế giới bao la này.

Tôi nhìn ra đồng, tôi trông lên trời Thiên đường ở cả hai nơi đó Vẫn chưa cày nhưng đồng quê tôi Sẽ ngập trong núi bánh mì thơm phức.

Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ là người con của xứ đồng, lớn lên cùng rơm rạ, bùn đất, nên hình ảnh cánh đồng là hình ảnh xuất hiện với tần suất rất lớn trong thơ các anh.

Phạm Công Trứ xây dựng hình ảnh cánh đồng để lột tả cái vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của người dân quê mình:

Giật lùi mạ cắm xuống đồng Từng hàng nón trắng chĩa mông lên trời Đã qua thế kỷ hai mươi

Về làng còn thấy bao người bán mông (Về làng)

Ta về lội lại cánh đồng

Nhấp nhô nón trắng nhìn không thấy người

(Giao thừa thiên niên kỷ)

Nguyễn Duy thì gợi lên sự quyến rũ của cánh đồng ở vẻ đẹp của sự hài hòa:

Đồng chiêm phả nắng lên không Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng (Tiếng hát mùa gặt)

Bên cạnh việc xây dựng hình ảnh tiêu biểu cho thiên nhiên làng quê, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ còn mượn lại hình ảnh con cò trong ca dao làm biểu tượng cho sự cần cù, lam lũ của những người bà, người mẹ, của những người lao động nghèo Việt Nam. Hình ảnh con cò trong ca dao Việt Nam là biểu tượng văn hoá, một hiện thân của thân phận người Việt, và là một biểu trưng của tính thơ. Với tư cách là biểu tượng văn hoá, con cò là nhân vật đại diện cho chất thơ truyền thống Việt. Trên cái nền dân gian ấy, các anh đã tạo nên hình ảnh những con cò đầy sức gợi. Đó là con cò biểu tượng cho tình mẫu tử bất diệt trong thơ Nguyễn Duy:

Cái cò…sung chát…đào chua câu ca mẹ hát gió đưa về trời

ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

Thiên về lối tâm trạng hóa, hình ảnh cánh cò trong thơ Đồng Đức Bốn lại mất đi cái vẻ bình yên vốn có mà thay vào đó là sự long đong, phiêu bạt:

Chuông chùa tiếng đục tiếng trong Thảo nào cát bụi long đong thân cò (Viết ở bờ sông)

Ngoài những hình ảnh trên, đi vào thế giới thơ của các anh ta còn bắt gặp rất nhiều những ảnh của ca dao dân ca như ngõ trúc, cây đa, dải yếm, đôi mắt…chúng tạo thành một không gian văn hóa rất đặc trưng của làng quê:

Sân đình cỏ đã nhú non

Lòng trai dải yếm đang còn phất phơ (Tam khúc cửa đình)

Yếm đào còn ở chốn quê Nên cây trúc mọc còn mê sân đình

(Xéo gai anh chẳng sợ đau)

Mượn lại những hình ảnh đã tỏa bóng ngàn năm trong ca dao, dân ca, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ đã thể hiện sự gắn bó sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc và làm cho hình ảnh thơ có sức ám ảnh, hấp dẫn hơn rất nhiều.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)