Thơ lục bát trong sáng tác của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 91 - 94)

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ

3.1. Thể thơ lục bát

3.1.2. Thơ lục bát trong sáng tác của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ

Với Nguyễn Duy, lục bát như cái duyên tiền định. Anh đến với lục bát như một duyên nợ với thơ. Xét trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của anh, số lượng bài thơ lục bát chiếm tỉ lệ khá cao. Từ tập thơ đầu tay Cát trắng, Ánh trăng, rồi đến Mẹ và em, Về, Vợ ơi, Bụi… hầu như không tập thơ nào của anh lại không có những bài thơ lục bát hay. Ta lấy một ví dụ, ở tập thơ Mẹ và em (1987) của Nguyễn Duy, tỉ lệ lục bát chiếm 41%, hay tập Bụi (1997), thì số lượng này còn cao hơn: 34/49 chiếm 69%....

Với số lượng đó đủ để khẳng định niềm say mê của nhà thơ với thể loại thơ dân tộc đến mức nào.

Nguyễn Duy đến với lục bát từ những tìm tòi thể nghiệm đầu tiên, để rồi thứ bùa mê đó đã làm anh gắn bó không thể rời xa trong suốt cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình. Nguyễn Duy phải lòng lục bát. Anh thấy giữa mình và lục bát biết bao nhiêu nghĩa cũ càng: "Câu thơ sáu nổi tám chìm / đụng thời xa lộ thông tin kẹt đường / vương thì tội bỏ thì thương / đành lê thê nốt đoạn trường mộng du". Vì thế, anh bền lòng chung thuỷ: "cứ bèo bọt bước thiên di / đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng".

Lục bát của Nguyễn Duy khởi nguồn từ ca dao truyền thống và ca dao hiện đại. Nguyễn Duy trở về với hình thức biểu đạt mang dáng dấp dân gian này, thể hiện một cách nhìn hồn hậu cái duyên quê, để góp phần khẳng định phong cách đằm thắm, duyên dáng của mình với văn hóa dân tộc. Nguyễn Duy đã từng tâm sự: “tôi đã thử theo nhiều nẻo đường thơ mong tìm cho mình một giọng điệu lạ, lòng vòng mãi, lại lần mò về chính cái điểm khởi đầu của cuộc hành trình của mình, đó là thơ sáu tám”[60;11].

Lục bát của Nguyễn Duy được khơi nguồn từ ca dao truyền thống. Bởi vậy

“đọc thơ Nguyễn Duy, ta như được gặp một thế giới ca dao sinh động, phập phồng, làm nền cho tiếng đàn độc huyền đầy sáng tạo”[74;200] .

Mặc dù có ảnh hưởng của ca dao nhưng thơ Nguyễn Duy không lẫn vào ca dao.

Mà bằng tình yêu và tài năng hiếm có về thơ lục bát, Nguyễn Duy đã phát triển ca dao một cách sáng tạo, khiến lục bát của anh “không rơi vào tình trạng quen tay, có sự chuyển động, biến đổi trong câu chữ. Phải chăng đó là do chuyển động nội tâm mà ứa ra câu chữ”[39;10] .

Nguyễn Duy sử dụng thể thơ lục bát thật nhuần nhị như một cách để tìm về với hồn quê, để gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quí báu đó. Thể thơ mang điệu hồn dân tộc ấy là một phương thức biểu đạt hữu hiệu nhất vẻ đẹp của hồn quê trong thơ anh.

Với gia tài lục bát hiện có, anh đã được mệnh danh là “nhà thơ tài hoa bậc nhất ở thể lục bát đương đại. Anh đã sử dụng thể lục bát với một sự biến hóa đáng khâm phục. Nguyễn Duy có những vần thơ mượt mà đến mức cổ điển”[13;189] :

Se se một chút lạnh lùng

mình sang với bạn sang cùng thu sang bạn đi như sợ lỡ làng

mùa thu đi trước lá vàng theo sau buồn vui đâu cũng giống nhau

lẻ loi kim tước chân cầu ngủ mơ...

(Một chút thu vàng)

Cùng với Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn cũng nổi lên như một tài năng lục bát hiếm có. “Bốn coi lục bát là thứ lộc trời cao sang, là ngai vàng một cõi, là bản thể văn hóa, là máu thịt gia đình và công đức mẹ cha”[12;600]. Đồng Đức Bốn đã từng thử sức qua nhiều thể thơ khác nhau. Anh bắt đầu bước chân vào làng thơ bằng một tập thơ theo thể tự do Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992). Tuy nhiên tập thơ đã bị

“dư luận nông nổi và bạc bẽo ngoảnh mặt đi, giống như gái nhà quê ra tỉnh gặp phải tay phàm”[12;536].

Tuy nhiên sau thất bại đầu tiên, “vừa tẽn tò, vừa ê chề” ấy, Đồng Đức Bốn đã khẳng định tên tuổi của mình bằng một loạt những tập thơ ra đời như đóng đinh vào tâm hồn độc giả: Chăn trâu đốt lửa (1993), Trở về với mẹ ta thôi (2000), Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000), rồi Chuông chùa kêu trong mưa (2002) và tập thơ cuối cùng dày nhất, trang trọng nhất là Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc (2006). Điều đặc biệt là trong sô đó có những tập 100% là thơ lục bát như Chuông chùa kêu trong mưa, Trở về với mẹ ta thôi, Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. Con số ấy đưa anh vào hàng

“nhà thơ lục bát kỳ tài của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, “là người viết thơ lục bát hay vào loại hiếm hoi ở Việt Nam”[12;678]. “Đồng Đức Bốn là một nhà thơ kiệt xuất trong lục bát, có lẽ là hồn Việt chắt lọc ngàn năm để ứ dồn vào tâm hồn thi sĩ làm ta nghiêng ngả mê say những vần thơ như từ ca dao đi ra, như từ thơ đi vào ca dao, cứ

ngọt lịm và ở lại”[12;728-729], “Đồng Đức Bốn coi thơ lục bát là cõi hóa thân, là bản mệnh của mình”[12;597]. Và nói như nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn: “Lục bát của Đồng Đức Bốn từ tốn, chậm rãi như lời nói vẩn vơ của một người vừa ngán sự đời, vừa không thôi chiêm nghiệm sự đời”[12;545], “là hơi thở, là hồn vía của cuộc sống hôm nay được quản thúc trong nghiêm luật cổ truyền lục bát”[12;547] . Thơ lục bát của Đồng Đức Bốn thường ngắn, có hai, bốn, hoặc sáu, hoặc tám đến mười hai câu giống như ca dao. Đôi khi, nó có vẻ như một lời nói bâng quơ bình thường: “Xong rồi chả biết đi đâu /Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương”

Thơ lục bát Đồng Đức Bốn thiên về trực cảm bản năng, thơ anh dị ứng với những cách tân bí hiểm, trừu tượng. Nét hiện đại trong thơ anh chính là hơi thở, là hồn vía của cuộc sống hôm nay được quản thúc trong niêm luật cổ truyền lục bát. Anh đã sử dụng lục bát như một thể thơ đắc địa để thể hiện cái hồn nhiên, dân dã của tình cảm, cái nhìn về con người tự nhiên, cổ sơ thiên về cảm xúc. Đó là khuynh hướng “đào sâu vào truyền thống, nhưng là dùng ngôn ngữ hiện đại để thể hiện ngôn ngữ cổ sơ. Tìm cái chất hiện đại trong những cái nguyên xi, chưa bị cải biên, chưa bị gọt đẽo. Cái gồ ghề ấy nằm trong dân gian và phải tìm biết nó”[56;3]. Với những gì đã cống hiến suốt một đời thơ, sẽ không quá khi người ta nói: “Đồng Đức Bốn là câu chuyện hoang đường thời hiện đại mà có lẽ còn lâu lắm, một trăm năm hay một nghìn năm sau ở cái dẻo đất đồng bằng Bắc Bộ này mới lại có thể có được một người làm thơ lục bát hay đến thế”[12; 804] .

Còn Phạm Công Trứ - kẻ nhận mình là người của nhà quê, lại diễn đạt những nội dung hiện đại bằng thể lục bát với lối nghĩ, lối cảm quen thuộc dân dã: “Người đi kiếm cái giàu sang/Ta về gảy khúc trăng vàng ngõ quê(Độc huyền tự khúc). Qua các tập thơ Lời thề cỏ may (tập 1,2,3) mà sau này anh tập trung lại trong tuyển tập Cỏ may thi tập (2000), rồi đến Phồn thi I (2004), Phồn thi II (2006) và Phồn Thi III (2009) anh đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thi đàn và trong lòng bạn yêu thơ bằng thể thơ lục bát rất mực tài hoa.

Cũng giống như Đồng Đức Bốn, trước khi thành công với thể lục bát, Phạm Công Trứ đã thử độ cảm xúc và tài năng qua thể thơ khác như thể tự do. Những bài thơ tự do của anh cũng khá thành công. Nhưng tài năng thơ của Phạm Công Trứ thực sự phát tiết ra ngoài, lấp lánh nhiều màu vẻ khi anh quay về với cây đàn độc huyền - thể lục bát. “Lục bát là cả gia tài của anh”[49;69]: “Gia tài tôi? Đôi hàng lục bát

(Mười chín tuổi). Bảng thống kê sau sẽ cho ta thấy rõ điều này:

TT Tên tập thơ Tổng số bài thơ Số bài thơ lục bát Tỉ lệ %

1 Lời thề cỏ may(I) 38 25 65.8

2 Lời thề cỏ may(II) 40 24 60.0

3 Lời thề cỏ may (III) 44 24 54.5

4 Phồn thi (I) 52 19 36.5

5 Phồn thi (II) 53 24 45.3

6 Phồn thi (III) 57 18 31.6

Lục bát của Phạm Công Trứ có điểm giống với người đồng hương Nguyễn Bính ở cái mượt mà nhưng cũng không kém phần nhức nhối. Tuy nhiên nó không ở trạng thái hoài cảm, buồn sầu như thơ của nhiều thi sĩ khác. Mà nó hài hước, bông phèng, tếu táo. Và dù là làm bên ngành luật nhưng thơ của Phạm Công Trứ nói như Chu Văn Sơn thì không có khói súng, và “cơ hồ cũng không có chút luật nào”. Mà anh chủ trương quay về khơi tiếp cái mạch hồn quê, cái phong vị mà anh rất yêu trong thơ Nguyễn Bính. Điệu cảm xúc ấy hòa quyện với lục bát là một sự kết hợp tuyệt vời để làm nên tên tuổi của thi sĩ đồng quê này trên thi đàn Việt Nam.

Có thể thấy, trong giai đoạn văn học giãn nở, phát triển rầm rộ với nhiều thể loại thơ, khi người ta phải chóng mặt với những cách tân của kỹ nghệ thơ, thì việc tìm về và làm mới thể thơ dân tộc- thơ lục bát của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ là một hướng đi rất đáng trân trọng. Nó chính là một cách để làm cho văn hóa dân tộc không bị mai một. Đúng như một nhận xét: “Vốn văn hóa có liên quan đến truyền thống và cách tân sáng tạo (…) phải bắt đầu từ việc nắm vững văn hóa truyền thống, làm chủ và làm thành thạo những loại hình nghệ thuật truyền thống trước khi đến những sáng tạo mới”[64;35-36].

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 91 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)