Đồng Đức Bốn - Đời người đời thơ

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 1: VĂN HÓA LÀNG QUÊ VÀ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DUY- ĐỒNG ĐỨC BỐN - PHẠM CÔNG TRỨ

1.3. Hành trình sáng tạo thi ca của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ

1.3.2. Đồng Đức Bốn - Đời người đời thơ

Đồng Đức Bốn đã từng quan niệm: “Thơ hay là nhờ sự thăng hoa trời cho cộng với những trải nghiệm khổ hạnh của một đời người”[12;682]. Quan niệm trên đây đã

hé mở cho ta thấy phong cách nghệ thuật thi ca trên hành trình sáng tạo đầy vinh quang mà cũng lắm đắng cay của anh.

Đồng Đức Bốn sinh năm 1948, tại Hải Phòng, anh chịu ảnh hưởng sâu sắc của bề dày và bề sâu nền văn minh lúa nước - văn minh sông Hồng, tình cảm của một vùng đất in dấu đậm nét trong hành trình văn hóa Việt để trở thành môt trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ thời kì đổi mới.

Đồng Đức Bốn xuất thân trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của anh gắn bó chặt chẽ với ruộng đồng, bờ bãi làng quê. Đó là những buổi chiều lang thang trên đồng cỏ hoe vàng, bắt châu chấu về nướng ăn hay tát cá mang ra chợ bán kiếm tiền. Mẹ anh là người phụ nữ chân đất nhưng thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và những khúc hát ru.

Cha cũng tập tọng làm thơ nhưng không thành. Đồng Đức Bốn là sự hoàn thiện của hai tâm hồn. Có lẽ kỉ niệm của tuổi thơ ấy đã là một dấu ấn không thể phải mờ trong tâm hồn nhà thơ vì thế mà tiếng thơ của anh luôn có một nỗi buồn giăng mắc.

Tiễn biệt tuổi thơ lấm bùn đất nhiều khó nhọc, anh bước vào thời trai trẻ cống hiến sức mình để xây dựng Tổ quốc. Trở thành người lính, qua nhiều sóng gió cuộc đời, người trai miền biển với ước vọng mạnh mẽ, tâm hồn thơ luôn khát khao được cất tiếng. Những tiếng thơ đầu tiên của chàng thanh niên quê mùa ấy vừa cất lên vì không đủ độ vang, sự quyến rũ nên đã vội rơi vào quên lãng. Phận nghèo quấn riết lấy anh khiến anh không thể để hồn ràng buộc với thiên nhiên hoa lá cỏ cây được mãi, anh phải lo vật lộn với cuộc sống, làm đủ thứ nghề từ thợ gò, sửa chữa ôtô và cả ký kết những hợp đồng kinh tế.

Thời gian trôi đi, sự đời từng trải, “khi cuộc sống đã đầy”, hai mươi năm sau Đồng Đức Bốn làm thơ trở lại và ngay lập tức tỏa sáng, gây tiếng vang lớn trở thành

“một hiện tượng lạ”. Anh tâm sự: “Con người tôi đã nếm trải đủ mọi đắng cay ở đời rồi. Bây giờ chỉ chạm vào cây là ra quả, chạm vào lá là thành sương, vào dòng sông thì hóa phù sa”. Làm thơ giúp anh nghĩ về cuộc đời tốt đẹp hơn. Đồng Đức Bốn đến với thơ hơi muộn những đã sớm định hình một giọng điệu riêng: “Thơ hiện đại của Đồng Đức Bốn chính là hơi thở, là hồn vía của cuộc sống hôm nay được quản thúc trong nghiêm luật cổ truyền lục bát”[12;547]. Và đúng như Vương Trí Nhàn nhận xét: “ giọng thơ Đồng Đức Bốn là một giọng thơ dân gian hiện đại”[12;34]. Qua các tập thơ Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992), sản phẩm đầu tiên chưa gây được sự chú ý của dư luận nhưng đã thể hiện rõ thiên hướng thơ lục bát của một thi sĩ đồng quê. Rồi đến Chăn trâu đốt lửa (1993), Trở về với mẹ ta thôi (2000), Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000), Chuông chùa kêu trong mưa (2002), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc (2006) ta bắt gặp những suy tư của anh về cuộc đời, nhân tình thế thái, về tình yêu cuộc sống. Để có được những tập thơ này, anh đã phải đánh đổi rất nhiều những nỗi cay đắng cơ cực nhất của cuộc đời: mất cha, mất con, em ruột và hai người cháu ngoại bé bỏng tội nghiệp…Phải chăng con đường tư tưởng và nghệ thuật của Đồng Đức Bốn phải trải qua những giằng xé đau đớn đến dữ dội kiểu Aragông:

Tôi xé đời tôi và xé cả thơ tôi…

…Tôi xé tim tôi, tôi xé mộng tôi Từ mảnh vụn bình minh rồi sẽ dậy

Nói đến Đồng Đức Bốn, ai cũng dễ dàng nhận ra một phong cách lục bát riêng biệt với chất giọng lúc thiết tha, lúc tưng tửng, ngạo nghễ... với sự nối kết những câu từ bình dị nhưng mang đến cho người đọc một cấu tứ lạ, vừa triết lý, vừa hóm hỉnh, thâm trầm. Đậm đặc ở thơ anh - những câu chữ như gọi hồn người là bề sâu văn hóa trong mối liên tưởng sâu sắc. Cái nôi của nền văn minh sông Hồng cùng với điệu hò ru vỗ của mẹ qua những câu ca điệu hát của dân gian đã hòa quyện, xuyên thấm bám chặt lấy tâm hồn, tạo nên chất nhựa của thơ anh. Chính cái chất văn hóa đậm sâu ấy càng khiến thơ anh có sức cuốn hút và mê hoặc lòng người. Lí giải điều này, Đồng Đức Bốn đã nói: “Thơ phải đạt đến độ giản dị. Không có nghĩa có sao nói vậy, mà giản dị chính là cách tiếp cận để đến với bản chất cuộc đời cũng như cõi sâu xa của tâm hồn. Lối nói giản dị là lối nói của dân gian. Tri thức kinh nghiệm dân gian, chính là phần tiềm thức trong mỗi con người hiện đại”[12;690]. Gắn bó với cuộc sống lang bang, phiêu bạt, hiểu mọi căn nguyên của những nỗi đời, Đồng Đức Bốn cảm nhận rất rõ về sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa dân gian với thơ ca.

Tìm hiểu các tập thơ của Đồng Đức Bốn, ta nhận thấy hầu hết đề tài trong thơ đều được rút ra từ những mảnh đất nơi có những con người mà anh đã nặng lòng thương nhớ, đặc biệt là những con người của làng quê, phong cảnh của làng quê, từ làng Moi nơi anh cất tiếng khóc chào đời đến những miền quê khác nơi in dấu chân anh trên hành trình của số phận. Tất cả “nắng, mưa, sóng, gió, anh, em, tình yêu, mưa giông, củ khoai, hoa dong riềng…ai mà chẳng biết, nhưng qua tâm hồn và cách cấu trúc tứ thơ, cách sắp xếp ngôn từ của Đồng Đức Bốn thì các khái niệm, các sự vật ấy trở nên sống động và hàm chứa một nội dung mới, mang một ý nghĩa mới”[12;641].

Dường như lịch sử, văn hóa, hơi thở đời sống hàng ngày của làng quê đã thấm vào máu thịt anh và cảm xúc về làng quê chan chứa trong thơ ca. “Thơ anh là sự thăng hoa dữ dội của những tình cảm cơ bản nhất, bền vững nhất của người dân”[12;585].

Với sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật thi ca, đến nay, anh đã làm khoảng 600 bài thơ lục bát và 200 bài theo thể thơ tự do, trong đó có nhiều bài đặc sắc được coi là tác phẩm để đời như Chăn trâu đốt lửa, Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, Nhà quê, Chợ buồn, Trở về với mẹ ta thôi... Anh cũng đã kịp đoạt rất nhiều giải thưởng về thơ như giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1995, giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1998 - 2000, giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 1998 -2000, Giải thưởng cuộc thi thơ “Tầm nhìn thế kỷ” báo Tiền Phong, tặng thưởng hay nhất của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Với tất cả những gì đã cống hiến, anh xứng đáng được liệt vào bậc thi sĩ đồng quê kì tài về thơ lục bát:

Tôi là thi sĩ đồng quê

Dám đem lục bát làm mê cung đình

Và rồi giữa lúc sức viết và tài năng đang độ chín, Đồng Đức Bốn đã vội vã ra đi (14/2/2006), “trả bút cho trời” để lại bao tiếc nuối cho những người yêu thơ, để lại một

khoảng trống khó lấp trong chiếu thơ Việt hiện nay. Đồng Đức Bốn đã đi hết con đường thơ của mình, đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Từ cái lộc của trời cho, anh đã đi vững chắc trên hành trình sáng tạo thi ca bằng những câu thơ của trời cho riêng mình.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)