Ngôn ngữ trong thơ lục bát Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 108 - 113)

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ

3.4.2. Ngôn ngữ trong thơ lục bát Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ

“Ngôn ngữ là phương tiện hình thức để biểu đạt văn hóa”[4;62]. Tìm hiểu thế giới thơ của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, ta nhận thấy rằng ngôn ngữ thơ các anh rất gần với cách nói của thơ ca dân gian, đậm đà tính dân tộc. Dường như vốn văn hóa dân gian đã ngấm sâu vào tâm hồn, nên ngôn ngữ dân gian xuất hiện với một tần suất lớn trong các tác phẩm thơ của họ.

Thơ ca dân gian là kho báu về ngôn ngữ đượm màu dân tộc. Là người hướng về cội nguồn, Nguyễn Duy đã tìm thấy trong đó nguồn từ vựng rất phong phú, đặc biệt là anh đã vận dụng nó một cách linh hoạt để làm nên tính chất đặc biệt cho thơ: truyền thống mà hiện đại. Nguyễn Duy đã sử dụng ngôn ngữ khá đa dạng kết hợp giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học, trong đó ngôn ngữ bình dân là dòng mạch chính.

Đầu tiên, là cách sử dụng lối xưng hô với các đại từ quen thuộc trong ca dao: mình và ta, ai, ấy, người dưng, đó, đây…. Hệ thống ngôn ngữ này đi vào thơ Nguyễn Duy đã tạo nên chất đằm thắm, tình tứ thường thấy của ca dao :

Thôi ta về với mình thôi chân trời đành để chim trời nó bay

(Đường xa) nhưng cũng rất suồng sã, tếu táo của lối nói hiện đại :

Mình vô tư với ta đi

vô tư nên chẳng cần chi nhiều lời (Vô tư)

Không chỉ vậy, ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy còn rất giàu hình ảnh, đậm tính họa.

Việc sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh cho nên cảnh sắc và con người ở làng quê hiện lên cụ thể, sinh động:

Rơm rạ ơi ta đã về đây

Nắng lóng lánh trong veo mầm mạ trắng (Về đồng)

Trong tâm cảm của Nguyễn Duy, hình ảnh bà, mẹ, cha và làng quê luôn là nguồn cội, thiêng liêng, phải thắp hương bái vọng. Vì vậy ngôn ngữ thơ anh dùng để nói về nguồn cội ấy là ngôn ngữ của đời sống nhưng chọn lọc, chân thật, trong sáng:

Ruột ta thắt mặt ta nhăn cha ta thì cứ không răng...cười cười

ta đi mơ mộng trên đời để cha cuốc đất một đời chưa xong

(Về làng)

Cùng với việc vận dụng thuần thục, nhuần nhị yếu tố của ca dao truyền thống, tục ngữ, thành ngữ, đọc thơ Nguyễn Duy chúng ta còn thấy đậm đặc chất thời đại ẩn đằng sau hệ thống ngôn ngữ đời thường được tác giả góp nhặt từ vỉa hè, lề đường, ở ngoài cuộc sống xô bồ: cực kì, hơi bị, cực thèm, cực nhớ, ngầu, khoái, vô tư đi… Điều này ta có thể bắt gặp ở các bài như Chạnh lòng 1, Chạnh lòng 2, Cơm bụi ca, Vô tư...

Giọt rơi hơi bị trong veo mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi

chân mây hơi bị cuối trời em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu (Chạnh lòng 1) Rồi :

Cực kỳ gốc sấu bóng me cực ngon cực nhẹ cực nhòe em ơi

(Cơ bụi ca) Vô tư thế chấp người đời

...

Liền em vô tư liền anh (Vô tư)

Tuy nhiên đằng sau cái kiểu tự trào của hề chèo dân gian trào phúng ấy là cả những nỗi niềm day dứt của nhà thơ, là những ẩn ức của một người cầm bút có trách nhiệm với đời, muốn níu giữ những nét đẹp thanh sạch của tâm hồn Việt .

Không chỉ gây ấn tượng với những từ ngữ mang đậm tính chất bụi bặm, đến với thế giới thơ của Nguyễn Duy, chúng ta như lạc vào ma trận của hệ thống những từ láy, lối tách chữ, ghép chữ kiểu dân gian nhưng mang thương hiệu của riêng anh: “Lụa chi mà nõn mà nà” (Bạch),ngon lành gió lửng mưa lơ” (Vô tư) . Anh đã dùng hệ thống từ láy một cách rất tài hoa để chuyển tải những tư tưởng thầm mỹ đến với độc giả theo một cách riêng mà không thể ai bắt chước. Hệ thống từ láy trong thơ anh rất đa dạng.

Anh không chỉ dùng láy đôi (tần suất cao nhất): thỗn thện, thui lui, hổn hển, phần phật, bát ngát, lăn tăn, lủng lẳng…mà còn dùng láy ba, láy bốn- láy kềnh càng (Nguyễn Thị Đỗ Quyên): toác toàng toang, ễnh ềnh ênh, hỏn hòn hon, xỉnh xình xinh, ngấp nga ngấp ngoáng, phấp pha phấp phới, thất tha thất thểu…thậm chí quy mô từ láy còn được mở rộng đến láy sáu (trường hợp ít gặp) :

Xanh xanh đỏ đỏ bừng bừng tứng từng tưng tửng từng tưng đã đời

(Cung văn)

Điều đặc biệt là nhờ bàn tay “phù thủy” của mình, Nguyễn Duy đã điều khiển đội quân ngôn ngữ đó đúng vị trí, miêu tả đúng đối tượng, bản chất nên nó có sức âm vang lớn. Nói đến cái trắng tay của người nhà quê khi vụ mùa bị lũ lụt tàn phá không gì hay hơn cách dùng từ như thế này :

Năm nay lại lụt trắng đồng quê ta lại tỏng tòng tong mất mùa

(Dân ơi)

Nếu quan niệm như Nguyễn Phan Cảnh: “Từ láy là tài sản có giá trị nhất của ngôn ngữ nghệ thuật”[14;82] thì với mật độ từ láy đã dùng trong thơ, Nguyễn Duy đã chứng tỏ được biệt tài sử dụng ngôn ngữ của mình.

Ngoài hệ thống từ láy, Nguyễn Duy còn sử dụng hệ thống tính từ mạnh, đặc tả để gây cười: nõn nà sao, nõn nà ghê, nõn nà chưa, trắng phật phồng, trắng chang chang, những động từ cực mạnh để tạo ấn tượng bất ngờ: nắng nhởn răng, nắng rồ sặc máu, nắng gãy loe ngoe, gió hổn hển, gió lêu lổng, gió luồn toác chỗ Càn Khôn, sóng dông dài, mây tướp chiều quê, nước vật mình, sông ộp oạp, tâm toang hoác rỗng…Bên cạnh đó, anh còn sáng tạo những ngôn ngữ nghe rất lạ tai: cái giời ơi, cái nõn nòn non, vợ trời, mắt trời, nụ đời ươi...

Ở đây có những người con

mang theo cái nõn nòn non lên rừng (Người con trai)

Mắt trời rách đá lườm ra

nắng đen trắng nhởn răng ma miệng người (Washington, mùa phơi)

Say sưa với những sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Duy còn làm mới thơ mình bằng phép chuyển đổi cảm giác trong từng câu lục bát với tần suất lớn: con chữ tong teo, tóc loay hoay bạc, cái ngon của đồng, mòn đêm, cành cong tí tách rơi từng giọt trăng, treo trong không khí một lời dở dang… Những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ trừu tượng sang cụ thể đã mang lại giá trị biểu cảm cao cho câu thơ:

Khum lòng tay hứng giọt đêm giọt đêm loang loãng rơi mềm xác hoa (Người đang yêu)

Nhờ vào tài sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Duy, người đọc như cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn về một bức tranh rất thơ mộng, về bước đi êm ái của thời gian, cũng là bước thời gian đang đi bồi hồi trong tâm hồn thi nhân, trong tâm trạng bâng khuâng, buồn man mác của người đang yêu.

Với những công hiến, sáng tạo không mệt mỏi cho nghệ thuật thi ca, Nguyễn Duy đã làm mới rất nhiều cho ngôn ngữ tiếng Việt và cũng từ đó định danh một cách đầy thuyết phục trên thi đàn. “Nếu xét về phương thức thể hiện, ta thấy sự cách tân độc đáo nhất của lục bát Nguyễn Duy chính là ở ngôn ngữ”[57;13].

Là kẻ xuất thân từ bùn đất, gắn bó chặt chẽ cuộc đời với hạt lúa củ khoai, thơ Đồng Đức Bốn cũng có những cách nói mộc mạc, rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê. Đúng như Nguyễn Thanh Toàn đã nói: “Tiếng dùng chữ dùng trong lục bát của anh là của những người đang còn gắn bó với ruộng lúa, ao rau, đang còn chèo đò tay, gánh rã vai ở các chợ quê xa…thấp tho, thập thò, thắc thỏm, tẽn tò, trêu người, nẫu kéo”[12;753]. Ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn là tiếng nói bản năng, hồn nhiên nhiều khi nét duyên nằm ngay ở sự vụng dại. Đồng thời đó cũng là thứ ngôn ngữ

được lấy từ ca dao, dân ca, thành ngữ tục ngữ. Ở điểm này Đồng Đức Bốn rất gần với Nguyễn Duy:

Tiếng chim thành tiếng võng đào Bâng khuâng tôi mắc trên rào đợi em

(Ngõ quê)

Đặc biệt là hệ thống thành ngữ anh dùng trong các câu thơ rất ấn tượng dù quen tai nhưng lại mang lại cảm xúc mới lạ. Ta hãy trở về với lối nói của cha ông từ ngàn năm trước trong thơ anh để thấy được sức sống của nó còn đến ngàn năm sau:

Tao không theo đóm ăn tàn Mày không trâu lấm vẩy càn ngõ quê

(Nói chuyện với những cây cỏ dại) Bát cơm và nắng chan sương

Đói no con mẹ sẻ nhường cho nhau (Trở về với mẹ ta thôi)

Cỏ còn kết tóc xe tơ

Huống chi chim muỗm ngẩn ngơ tháng ngày (Chia tay một trận mưa rào)

Nhà bạn cũng giống nhà tôi Mái tranh vách đất nhìn trời qua vung (Con sáo sang sông III)

Tạo nét duyên dáng, tình tứ như ca dao dân ca, Đồng Đức Bốn cũng sử dụng khá nhiều những đại từ nhân xưng quen thuộc trong ca dao: mình, ta, tôi, ai…và những câu hỏi như trong ca dao: Sao? biết đâu? Ai? Bao giờ? Đâu? Chăng?

Có ai còn nhớ đến tôi

Có thương thuyền giữa sông trôi lững lờ (Chợ Thương)

Bây giờ mưa gió về đâu?

Để tôi nhớ mãi một màu tóc xưa (Mưa gió về đâu) Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng

Chở con với mẹ qua giông bão này?

(Vỡ đê)

Kết hợp với những hệ ngôn ngữ đó, Đồng Đức Bốn còn sử dụng rất nhiều thành phần tình thái từ, lối ví von so sánh, ẩn dụ khi giãi bày cảm xúc để tăng sức gợi cho câu thơ :

Ối mẹ ơi đê vỡ rồi

Đồng ta trắng xóa cả trời nước trong (Vỡ đê)

Hồn tôi như một lá bùa Lửng lơ treo giữa cơn mưa đặc trời

(Vào chùa)

Cùng với đó, Đồng Đức Bốn còn sử dụng một loạt những từ, cụm từ giàu tính tạo hình cho nên cảnh vật nơi làng quê, tâm tư của nhân vật trữ tình hiện lên sinh động, tính trực quan gây ấn tượng sâu đậm: cơn bão mồ côi, vịn nắng, gom bão, cái dốc người, lời ca khắc trên lưỡi dao, thuyền tôi đậu nắng trên sông gãy sào, chải nắng vào trưa…Một đặc điểm nổi bật trong ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn đó là ngôn ngữ giàu nhạc tính. Tính nhạc trong thơ Đồng Đức Bốn được thể hiện ở cách điệp cấu trúc:

“Làm trời trời phải có sao/Làm sông sông cứ dạt dào phù sa (Về lại chốn xưa), cách phối thanh: thơ Đồng Đức Bốn cũng có sự phối thanh hài hòa của lục bát truyền thống nên câu thơ có tính nhịp nhàng uyển chuyển: “Trúc xinh cứ mọc sân đình/Tôi còn nặng một khối tình đa mang/Những câu thơ dại lang thang/Gửi người một chút hồn hoang quê mùa” (Xin người một chút mộng mơ). Không chỉ vận dụng tinh hoa của truyền thống trong cách phối điệu, Đồng Đức Bốn còn có sáng tạo riêng trong cách gieo vần phối điệu để bày tỏ cảm xúc. Việc sử dụng một loạt thanh bằng (là đặc trưng của tiếng nói Việt Nam, cũng là đặc trưng của âm vực lục bát), anh đã diễn tả sâu sắc cảm xúc trầm buồn khi nghĩ về tình yêu:

Em đi như chim về ngàn Để rơi một cánh hóa tan nát chiều

(Sông Thương ngày không em) Cũng giống như Nguyễn Duy, tìm hiểu ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn, người đọc sẽ được cảm nhận những hình ảnh thơ đẹp nhờ vào tài sử dụng ngôn ngữ của anh.

Đó là sự sáng tạo trong phép chuyển đổi cảm giác trong từng câu lục bát. Ví như: Vịn nắng thấy bão, vớt câu lục bát, mang câu lục bát ra tiêu, lời ca khắc trên lưỡi dao, tia nắng mọc trên rào…Tất cả những cái tưởng như vô hình nay lại được hình ảnh hóa thành những cái cụ thể để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ. Khắc họa những đắng chát, xót chua trong tình yêu của nhân vật trữ tình, không gì hay bằng cách cụ thể hóa nỗi đau như thế này:

Một tay cầm những xót chua Một tay vịn tiếng chuông chùa để yêu

(Xin người một khúc mộng mơ) Tìm về với dòng sông văn hóa, con thuyền thơ của Đồng Đức Bốn đã buông mái chèo ngôn ngữ giữa bộn bề những tinh hoa của ngôn ngữ Tiếng Việt để cất lên điệu riêng của mình. Ở đó mỗi câu, mỗi chứ đều như lắng sâu hương hoa của đồng nội.

Ngôn ngữ thơ Phạm Công Trứ lại nổi bật với sự giản dị, nhẹ nhàng, trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc:

Khóc cười đã rạn chân chim Kính đeo đi - ốp đã thêm một vài (Trung niên)

Đặc biệt, Phạm Công Trứ cũng sử dụng khá nhiều các đại từ nhân xưng quen thuộc của ca dao như: ai, mình, ta, tôi, em…và lối nói phiếm chỉ dân gian:

Ai thường nói nắng là mưa

Nói bão cấp bảy là chưa có gì.

(Ai) Và sâu sắc, thâm thúy với thành ngữ:

Ngựa xe đã vãn cuộc chơi Cờ tàn con tốt được thời sang sông

Gật gù đấm thẳng vào cung Được ăn cả ngã về không mất gì

(Cờ tàn)

Bên cạnh đó, anh còn sử dụng khá nhiều hệ thống từ láy, đặc biệt là những từ láy khá mới lạ (thao lao, thòn lòn) như một điểm nhấn về bức tranh làng quê: phất phơ, la đà, chập chờn, thùng thình, véo von, bao la, bám bíu, tràn trề, phiêu diêu…

Đầu trần chân đất phiêu diêu Gấu quần bám bíu cả chiều cỏ may

(Sang hè)

Có thể thấy ngôn ngữ thơ lục bát của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ in dấu đậm nét tinh hoa của truyền thống nhưng lại cũng vô cùng hiện đại. Đúng là “ngôn ngữ thơ không chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà còn được xem như là hệ quả của một quan điểm thẩm mỹ đối với đời sống”[13;195]. Đặc điểm ngôn ngữ đó đã tạo nên hồn cốt của bức tranh quê trong thơ các anh.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 108 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)