CHƯƠNG 1: VĂN HÓA LÀNG QUÊ VÀ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DUY- ĐỒNG ĐỨC BỐN - PHẠM CÔNG TRỨ
1.2. Sự thể hiện của văn hóa làng quê trong nền thơ ca dân tộc
1.2.2. Trong thơ ca trung đại
Dân tộc ta vốn yêu chuộng hòa bình, yêu văn chương, yêu cái đẹp muôn thuở của đất trời sông núi, yêu quê hương đất nước với bao niềm vui, nỗi buồn. Mười thế kỷ văn học trung đại là sự kết tinh tinh hoa của lối văn học mang nặng tính quy phạm, ước lệ tượng trưng. Nó cũng dành một chỗ đứng trang trọng để miêu tả những cảnh đẹp của quê hương. Và hơn bao giờ hết, những hình ảnh thân thuộc của quê hương luôn là nguồn thi hứng không bao giờ vơi cạn của các thi nhân. Tình cảm đó được các nhà thơ phản ánh vào những trang thơ đẹp như những bức tranh hữu tình.
Đọc những vần thơ của những nhà thơ từ Lý -Trần đến những năm cuối thế kỷ 19, ta
thấy rõ tình yêu quê hương của ông cha ta như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ xưa đến nay, trở thành truyền thống của người Việt Nam, là tâm hồn Việt Nam.
Sự thể hiện văn hóa làng quê trong văn học trung đại được phản ánh gián tiếp và cũng có khi trực tiếp qua trang thơ. Từ thế kỷ X – XIV, văn học được hình thành và phát triển trong bối cảnh phục hưng của đất nước, dân tộc và văn hóa Đại Việt. Thành tựu văn học giai đoạn này là bằng chứng về một trong những thời đại huy hoàng của quốc gia Đại Việt và nền văn hóa Đại Việt. Các nghệ sĩ ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên, mượn thiên nhiên để gửi gắm tâm sự của mình. Đó cũng chính là một cách để biểu hiện tấm lòng yêu mến những nét đẹp của văn hóa làng quê.
Xuân qua trăm hoa rụng Xuân tới trăm hoa cười
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước, một nhành mai
Một bức tranh thiên nhiên tươi mát luôn nảy nở, phát triển đã được nhìn qua lăng kinh đầy nhạy cảm của nhà sư Mãn Giác(đời Lí). Thiên nhiên mùa xuân của làng quê đã tô điểm cho cuộc đời và tác động sâu sắc đến mọi người, cuộc đời.
Với trái tim mẫn cảm với cái đẹp, Vua Trần Nhân Tông đã có những câu thơ viết về thiên nhiên trở thành mẫu mực:
Chim hót véo von, liễu nở đầy Thềm hoa chiều ảnh bóng mây bay
Một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống và rực rỡ! Ánh trăng chiều in bóng mây lên thềm, chim hót vang trong rặng liễu đầy hoa lá. Thiên nhiên - quê hương ta một buổi chiều thật gợi cảm và lộng lẫy!
Thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, đối chọi với sự tàn phá khốc liệt, thâm độc của giặc Minh là sức sống quật khởi của nền văn hóa Đại Việt. Nền văn hóa nước nhà có bị tàn phá nhưng không bị diệt vong. Truyền thống văn hóa Lí -Trần vẫn tiếp sức cho thời đại mới để Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã có thể khẳng định:
Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nguyễn Trãi nhà chính trị, quân sự, ngoại giao lỗi lạc và trên hết là một nhà thơ giàu cảm khái, luôn thả lòng mình hòa với thiên nhiên của quê hương thể hiện một sự rung động sâu xa và tinh tế trước tạo vật, thể hiện một lòng yêu đời tràn trề và sôi nổi. Trong thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông, chúng ta bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc của làng quê Việt Nam. Đó là tiếng khắc khoải của cuốc kêu khi vào hè, là hoa xoan và mưa bụi mùa xuân lất phất nơi thôn dã:
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan (Cuối xuân tức sự)
Hay đó còn là những đọt chuối xanh non, những bè rau muống, những bông sen cuối hạ còn đầy vương vấn:
Ao cạn vớt bèo cấy muống Đìa thanh phát cỏ ương sen (Thuật hứng)
Và đây nữa, một bức tranh quê thật cụ thể, sinh động. Vườn dưa, luống đậu, ngọn tre, dây khoai và những người lao động được Nguyễn Bảo miêu tả bằng cảm hứng chân thành, một niềm vui dạt dào:
Phân phất mưa phùn, xâm xẩm mây, Mặc manh áo ngắn, giục trâu cày.
Nàng dâu sớm đã gieo hạt đỏ, Bà lão chiều con xới đậu dây.
Mía cạnh giậu tre, đang nảy ngọn, Khoai trong đám cỏ đã xanh cây.
(Trừng Mại thôn xuân văn)
Cũng gợi tả vẻ đẹp thanh bình của làng quê, Thái Thuận lại đưa ta đến với hình ảnh vô cùng gần gũi và bình dị không màu mè hoa mỹ nhưng lại luôn là sức sống bền lâu khi nhắc tới làng quê Việt Nam:
Bãi phẳng triều lên ngập, Nhà nông sớm vội cày.
Vắt trâu nghe mấy tiếng, Có trắng giật mình bay
(Muộn giang)
Động lòng trước vẻ đẹp của làng cảnh Việt Nam, Lê Thánh Tông lại có cách miêu tả khác:
Chấp chảnh trời vừa mọc Đẩu tinh Ban khi trống một mới thu canh Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc
Sườn núi chim gù ẩn lá xanh, Tuần điếm kìa ai khua mõ cá Dâng hương nọ kẻ nện chày kình
Nhà nam nhà bắc đều no đủ, Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.
(Canh một)
Với một bút pháp vững chắc, tác giả đã vẽ nên khung cảnh của một cuộc sống yên ổn, ấm áp ở làng thôn. Vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương là ở cái thanh bình, yên ả đến xao lòng.
Từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, Truyện Kiều - kiệt tác văn chương Việt Nam của Nguyễn Du lại cho ta thấy những nét vẽ thần tình về cảnh sắc thiên nhiên:
Cỏ non xanh rợn chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa Hay:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Cùng với đó là lối suy nghĩ thuần khiết của một dân tộc giàu lòng nhân ái, luôn trân trọng tình cảm, để từ đó chúng ta thấy ánh lên trong từng câu chữ là tâm hồn Việt thơm ngát. Đúng như một nhận xét: “Truyện Kiều là cái gì rất Việt Nam, đậm đà tình nghĩa Việt Nam, tình nghĩa quê hương xứ sở”.
Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đến với thế giới thơ ca viết về làng quê Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Với chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến đã lột tả được những gì là đẹp nhất của quê hương xứ sở Việt Nam - cái đẹp của cảnh sắc thu Việt, cái đẹp của tình quê đậm đà. Nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét rất chính xác rằng: “ Nguyễn Khuyến là nhà thơ viết về nông thôn số một của Việt Nam”.
Có thế thấy mười thế kỷ trung đại, văn học mặc dù chịu sự chi phối sâu sắc của thi pháp cổ điển, nhưng cũng xuất hiện không ít những nhà thơ viết về làng quê Việt với những câu thơ mượt mà, đẹp đẽ ăn sâu vào trái tim người đọc. Các thi nhân đã sử dụng nhiều thể thơ dân tộc, miêu tả thành công những cảnh sắc thiên nhiên tiêu biểu của làng quê Việt Nam, những cách cảm cách nghĩ của người dân Việt. Họ đã trở về với văn hóa làng quê để khái quát nên những giá trị tốt đẹp có sức sống trường tồn, bất diệt cùng thời gian.