Những hình ảnh mang đậm hồn quê qua sự sáng tạo của ba tác giả

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 103 - 106)

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ

3.3. Xây dựng hình ảnh

3.3.2. Những hình ảnh mang đậm hồn quê qua sự sáng tạo của ba tác giả

Viết về làng quê Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ chủ yếu lựa chọn những hình ảnh bình dị, chất phác, gần gũi với đời sống người lao động chân lấm tay bùn để gợi tả vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê, tâm hồn con người làng quê chất phác, hồn hậu mà không kém phần lãng mạn. Những hình ảnh này thường là quen thuộc thậm chí có lúc người ta còn vô tình không để ý tới, nhưng qua thơ của các anh bỗng dưng như có hương, có sắc, có linh hồn. Trong thơ Nguyễn Duy là: hoa bưởi, hoa cau, hoa lục bình, hoa lau, hoa lúa, hoa phong lan…

Bưởi nhà ai chín sau vườn gió bâng quơ thả làn hương lên trời

cu cườm thong thả bay đôi về đâu hỡi lục bình trôi hững hờ (Xuồng đầy)

Rồi cả những loài Hoa dại không tên giữa bát ngàn núi rừng mà cũng không kém phần duyên dáng, hấp dẫn, sâu lắng như những khúc ca dao xưa vọng về:

Nhớ gì như thể nhớ em

nhớ im lặng trắng không tên giữa rừng mùi hương hoa dại thơm lừng từ thăm thẳm núi bỗng dưng bay về

Cùng với biểu tượng hoa, cỏ dại cũng được Nguyễn Duy sử dụng để tạo nét nghĩa mới trong biểu tượng ở thơ lục bát của mình:

Chia mình cho mọi buồn đau tan mình trong mỗi sắc màu vui tươi

những mong có ích cho người dẫu làm thân cỏ dập vùi…xá chi

(Cỏ dại)

Đặc biệt Nguyễn Duy còn đưa vào thơ mình những hình ảnh của hiện thực đời thường xô bồ, hỗn tạp để thể hiện nỗi niềm day dứt và sự tự thanh lọc tâm hồn của nhà thơ về sự đời, mong muốn tỉnh ngộ mình và tỉnh ngộ người, mong muốn mọi điều đều tốt đẹp hơn. Cho nên “vẫn là thơ lục bát đấy nhưng cái nhịp thông thường êm ngọt thì hẳn không còn nguyên”[2;11] mà nó đã trở nên “ngang ngạnh, biến hóa cựa quậy”:

Bụi mây bụi gió bụi sao bụi linh hồn lạc lao đao rối trời bụi thần thánh nhấp nhánh rơi bình tâm làm hạt bụi người mà bay

(Saint Louis 14.6.1995)

Mẫn cảm với những gì gần gũi thân thuộc, Nguyễn Duy đã gợi tả vẻ đẹp mộc mạc của làng quê bằng những câu thơ đằm thắm, mượt mà khi miêu tả cảnh sắc làng quê.

Thả hồn vào bức tranh quê của Đồng Đức Bốn, ta cũng gặp không ít những hình ảnh quen thuộc của xứ đồng. Vốn văn hóa dân gian đã ngấm sâu vào tâm hồn Đồng Đức Bốn, nên bước vào thế giới thơ của anh ấn tượng đầu tiên của độc giả là cách sử dụng hình ảnh thơ thấm đẫm chất văn hóa dân gian. Cũng như Nguyễn Duy, hình ảnh trong thơ Đồng Đức Bốn cũng rất cụ thể, giản dị, gần gũi với đời sống thôn quê. Đó là cỏ, hoa dâm bụt, hoa dong riềng, bếp lửa, gai quê, rơm rạ, bụi chuối, bờ tre, cánh đồng…

Dáng em thánh thót qua làng Tóc thơm làm cỏ vội vàng lên nhanh

(Khi em ở Thái Nguyên về) Cỏ thì dại đất thì tươi

Tiếng chim thay tiếng đười ươi thưở nào

(Dẫu tôi chót dại với mình)

Hãy về đây với bến sông Với tôi ở giữa cánh đồng heo may

(Hãy về đây với bến sông)

Đặc biệt trong thơ Đồng Đức Bốn, ta còn thấy có những hình ảnh thiên nhiên được anh xây dựng để tượng trưng cho sự gian khó của cuộc đời, như giông bão, sông sầu, đò chìm…

Sông sâu nước cả em ơi Từ trong câu hát ai người biết cho (Đêm sông Cầu)

Tôi thường đi trên lưỡi dao Tay cầm cơn bão mang vào cho em (Cơn bão cho em)

Đặc biệt là hình ảnh gai quê được Đồng Đức Bốn sử dụng với tần suất rất lớn để nói lên những cảm nhận rất riêng của anh về tình yêu chốn quê nhà, về những trải nghiệm trong cuộc đời đầy bão giông của mình. Hình ảnh gai quê đã được anh dùng với sắc màu mĩ lệ hóa để nói lên nỗi đau nhiều chiều của tâm trạng:

Suốt đời sống trên ngọn gai Chỉ khao khát chết xem ai thương mình

(Thơ gửi người tình khi tôi chết) Rồi:

Cho dù đấy có là sao Thì đây vẫn cứ gai rào ngõ quê

(Gai rào ngõ quê) Ngẩn ngơ một mối tình gai

(Xéo gai anh chẳng sợ đau)

Hình ảnh thơ luôn gắn với cá tính sáng tạo của mỗi thi nhân. Tìm hiểu hình ảnh thơ của Đồng Đức Bốn, ta thấy anh không bị mê hoặc bởi những cách tân sáng tạo quá mức mà ngược lại anh hoàn toàn tự do trong sáng tạo với những chất liệu đậm chất quê mùa, đó là chất liệu được chưng cất từ đồng đất, rơm rạ, từ mồ hôi, nước mắt của người nhà quê qua một tâm hồn luôn hướng tới cái đẹp, cái thánh thiện. Đúng như một nhận xét thơ Đồng Đức Bốn khá giầu hình ảnh, “hay mà không cầu kỳ, lạ mà không độc hại”[12;722].

Còn Phạm Công Trứ lại gọi hồn quê qua những hình ảnh dân dã nhưng vô cùng gợi cảm nơi làng quê: cỏ, giậu cúc tần, hương bồ kết, ao bèo, hoa khế, vườn chiều, chợ phiên, đom đóm, kiến…

Mà nàng tóc vẫn ngang lưng Để hương bồ kết ngập ngừng ngõ quê

(Ngõ quê) Chợ phiên đã bán giấy điều

Đêm đêm đã động trống chèo làng trong

(Tết này anh có về không)

Xúc cảm về một làng quê đồng bằng Bắc Bộ nguyên sơ, bình dị, đôn hậu là cảm hứng chủ đạo trong thơ Phạm Công Trứ. Vì vậy, đậm đặc trong thơ anh, là những mảng màu sắc, âm thanh, hình ảnh chân thực mà không kém phần sinh động, tình tứ, lãng mạn và gợi cảm nơi ruộng lúa, vườn cà:

Thổi tàn đuốc gạo đầu làng

Hè dâng vạn nến cành bàng rưng rưng (Sang hè)

Trầm mình xuống cỏ rệ đê Để nghe kiến đốt bốn bề râm ran

(Ra phố)

Vẫn những hình ảnh thân thuộc ấy, nhưng qua lắng kính thơ đậm đà “phong vị dân gian cổ điển”[55;161] của Phạm Công Trứ, nó đã hiện lên mỹ lệ, quyến rũ mang nét tư duy riêng độc đáo của anh. Này là “Vầng trăng cong chẽn lúa”, con sông không ốm mà gầy”, và đây nữa “tháng giêng như gái một con”, “sen cũng đi tu”, “cỏ may xao xác”, rồi “ Trời buông dăm bảy giọt thưa”, “nắng lặn vào trưa”...Tất cả những nét vẽ thần tình ấy cứ quấn quýt tạo nên hình ảnh làng quê Bắc Bộ rất riêng trong thơ Phạm Công Trứ. Chúng đánh thức trong ta những tình cảm cội nguồn trong trẻo.

Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ đã tạo nên bức tranh quê có sức cuốn hút mạnh mẽ. Với bất cứ ai chỉ một lần đằm mình trong thế giới ấy để rồi đọc thơ các anh, ta như thấy phảng phất linh hồn của làng mạc đang xôn xao vọng về. Thêm một lần nữa ta sâu sắc nhận ra rằng: “Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào giả dối, quá trau chuốt thì sa vào xảo trá, hoang lương, hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu giản dị, thẳng thắn và không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà rất mực chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là những đặc tính của thơ”[51;74]. Đây là phương thức xây dựng hình ảnh chủ yếu được nhiều nhà thơ sử dụng thành công, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ không nằm ngoài quy luật đó.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 103 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)