Khái quát về thể loại thơ lục bát

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 87 - 91)

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ

3.1. Thể thơ lục bát

3.1.1. Khái quát về thể loại thơ lục bát

Lục bát là thể thơ cách luật đặc sắc của dân tộc, gần gũi với đời sống như hơi thở con người. Từ lục bát của ca dao, đến Truyện Kiều rồi thơ hiện đại, thể thơ dân tộc này đã hiện hình một cách tài hoa, đã xác định cho mình một cấu trúc hoàn chỉnh, chuẩn mực. Trong các thể thơ bền vững, lục bát có sức sống kỳ diệu, liên tục được bạn đọc yêu thích. Bảng thống kê tỉ lệ thơ lục bát trong số 1144 bài thơ ở Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000 sẽ cho ta thấy rõ điều này[13;185] :

Thể thơ(chữ)

4 5 6 7 8 Lục

bát

Tự do và hợp thể

Thơ văn xuôi

Số bài 7 118 34 95 18 221 645 6

Tỉ lệ(%) 0.6 10.0 3.0 8.3 1.5 19 56 0.5

Với tỉ lệ 19% đứng thứ hai sau thơ tự do và hợp thể, thơ lục bát vẫn chứng tỏ được khả năng và sức sống lâu bền của mình. Lí giải điều này, Nguyễn Phan Cảnh cho rằng thơ lục bát mang trong mình “những đặc trưng dân tộc về mặt văn hóa đã nén lại trong dạng dân gian để tồn tại”[13;188-198].

Các thể thức của lục bát được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát).

Về vần: cách gieo vần phổ biến là vần bằng, vừa gieo vần chân, vừa gieo vần lưng. Tiếng cuối của câu lục hiệp vần với tiếng thứ 6 của câu bát, tiếng thứ 8 của câu bát lại hiệp vần với tiếng 6 của câu lục tiếp theo.

Về luật: Theo Bùi Văn Nguyên, luật bằng trắc của thơ lục bát có thể hiểu như sau:

1 2 3 4 5 6 7 8

Dòng lục o b o tr o b

Dòng bát o b o tr o b o b

Trong đó: b là thanh bằng; tr là thanh trắc; o là linh động có thể bằng hoặc trắc.

Về luật phối thanh: các tiếng chẵn 2 và 6 là thanh b, đối nhau qua thanh tr (4), câu bát có thêm một nhịp bằng nhưng b (6) và b (8) phải đối nhau về âm vực trầm (thanh huyền), bổng ( thanh ngang).

Về đối: Thơ lục bát không quy định nhất thiết phải có đối. Tuy vậy, đặc trưng phổ biến của lục bát lại là tiểu đối. Khi thì đối ý, đối thanh, có khi lại đối cả ý và thanh.

Về nhịp: lục bát thường ngắt nhịp chẵn, mỗi nhịp 2 tiếng nhưng có thể gặp lối ngắt nhịp lẻ và xen kẽ nhịp chẵn / lẻ tùy theo nội dung cảm xúc.

* Một số biến thể trong cấu trúc của thể lục bát:

- Thanh bằng ở tiếng thứ 2 đổi thành thanh trắc. Thanh trắc ở tiếng thứ 4 đổi thành thanh bằng (ít gặp).

- Gieo vần câu bát ở tiếng thứ tư (có khi là tiếng thứ 2). Tiếng thứ tư này vốn mang thanh trắc phải chuyển thành thanh bằng (trầm).

- Câu thơ không phải là 6/8 mà có thể thêm hoặc bớt một số tiếng.

Lục bát được nghiên cứu từ rất sớm, ít nhất từ đầu thế kỷ XX trong các công trình nghiên cứu của Dương Quảng Hàm, Hoa Bằng, Đặng Việt Thanh, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Lân, Nguyễn Hồng Phong, Hoàng Xuân Hãn, Lê Trí Viễn, Phương Lựu, Trần Đình SửHầu hết các tác giả đều thống nhất: thơ lục bát có ngọn nguồn từ văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, thành ngữ) và tác phẩm thơ lục bát cổ nhất (Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao) là khoảng thế kỷ XV. Nó là “là lối văn riêng của ta mà Tàu không có”, “phát nguyên bởi ca dao phương ngôn, ngạn ngữ đời cổ”, là “thể văn tuyệt diệu của ta”[54;123], là “thể thơ quen thuộc của dân tộc mang cốt cách thuần túy Việt Nam”.

Riêng Nguyễn Xuân Kính lại có quan điểm “Ở văn học người Hán của Trung Quốc không có thể lục bát. Trong lịch sử văn học Việt Nam, lục bát có vai trò đặc biệt và có sức sống mạnh mẽ”[38;215] .

Lục bát được phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Thơ lục bát ở giai đoạn cuối thế kỉ XV đến trước Truyện Kiều còn trong tình trạng chưa hoàn chỉnh, hình hài chưa cụ thể, còn xô bồ, tự do và có đôi chút lỏng lẻo. Chức năng riêng của thể loại chưa được xác định, nó được dùng theo ngẫu hứng, tự nhiên.

Đến giai đoạn sau, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đánh dấu son cho sự mẫu mực, cổ điển của thể loại lục bát. Hai yếu tố gieo vần và phối điệu đã đạt tới sự thống nhất, ổn định. Câu thơ đã xuất hiện hình thức đối. Do có đối nên sự diễn ý thơ đã có thêm khả năng mới, dòng thơ 6 hoặc 8 âm tiết được nhận thức như một tổ hợp hai đơn vị mới, mỗi đơn vị gồm 3 hoặc 4 âm tiết. Vì thế dòng thơ như dồn nén lại, ý thơ trở nên súc tích, trọng lượng hơn .

Lục bát thời kỳ nửa sau thế kỷ XIX đến những năm 30 của thế kỷ XX đều đi theo hướng mẫu mực đã được khẳng định chắc chắn từ trong Truyện Kiều, về cơ bản nó không có sự tìm kiếm, lựa chọn nào khác.

Cuối thế kỷ XIX, tác dụng của lục bát không kể chuyện được nữa mà chuyển sang nhận chức năng trữ tình làm chức năng chủ yếu. Giai đoạn này chứng tỏ khả năng phong phú của lục bát trong việc biểu đạt nội dung của tác phẩm trữ tình nhỏ. Tiêu biểu cho thể thơ dân tộc ở giai đoạn này là Tản Đà.

Lục bát trong Thơ Mới (1932 - 1945) đã có nhiều cách tân đa dạng về cả hình thức thể hiện (về gieo vần, về phối điệu…) cũng như nội dung biểu đạt .

Ngoài ra, còn có hiện tượng mới mẻ nhưng lại diễn ra ở khá nhiều tác phẩm, tác giả thời kì này là sự biến đổi về mặt cú pháp trên các dòng thơ. Ranh giới dòng thơ và đơn vị cú pháp không còn trùng khít nữa, biểu hiện ở hai hướng:

1/ Hiện tượng vắt dòng: “Cổng làng rộng mở. Ồn ào / Nông phu lững thững đi vào nắng mai”( Cổng làng, Bàng Bá Lân)

2/ Hiện tượng chấm câu giữa dòng thơ:

Lòng ta dù vỡ tan tành / cũng còn thổn thức. Buộc lành cho nhau(Lời tuyệt vọng, Thế Lữ).

Hình hài câu thơ lục bát, cách tổ chức dòng thơ cũng có nhiều cách tân lạ mắt.

Đó là xếp dòng theo bậc thang:

Đường xa ư cụ?

Quản chi

Đi gần hạnh phúc là đi xa đường

(Uống rượu với Tản Đà, Trần Huyền Trân) Hay đó là trường hợp ba dòng lục đi với một dòng bát:

Bẽ bàng, lá vẫn theo bên Si tình, lá vẫn theo bên Thuyền trôi vẫn quyến sao đêm Hào quang vẫn ngủ êm đềm trong thơ

(Tình si, Vũ Hoàng Chương)

Trong giai đoạn này, lục bát vẫn khẳng định chức năng trữ tình nhỏ nhưng theo khuynh hướng hiện đại. Đó là bộc lộ trực tiếp cảm xúc và cái tôi cá thể đầy tính chủ quan.

Lục bát sau năm 1945 đến nay được thừa hưởng những thành tựu nghệ thuật giai đoạn trước, nên đã lớn lên theo tầm vóc của dân tộc; nó mới mẻ cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.

Về nhịp, lục bát thời kỳ này có sự ngắt nhịp, phối thanh linh hoạt của Thơ mới và đẩy nó lên cao hơn khi một câu thơ được cắt thành 5 hoặc 6 tiết tấu, trong đó có đến 4 hoặc 5 nhịp 1: “ Dẫu tôi đã dán mắt nhìn/ Dẫu tôi nghiêng ngó//soi tìm quẩn quanh/

Vẫn là mười ngón tay anh/ Vẫn là mắt ấy,//mắt mình chứ ai!/ Úm ba la!/-hóa…thiên tài/Và tôi hóa kẻ nhầm,//sai,//dại,//khờ./Vỗ tay,//tôi bỗng sững sờ/Bởi yêu//người-//đã- //dối-//lừa-//được -//tôi” ( Xem ảo thuật, Thúc Hà).

Về phối điệu, gieo vần: cơ bản là theo quy tắc của truyền thống nhưng lục bát hiện đại có xu hướng cãi lại truyền thống êm đềm của thể loại ở chỗ sử dụng nhiều thanh trắc ở vị trí lẻ. Có một số trường hợp có sự phá cách gieo vần ở tiếng thứ tư của

câu bát theo một dụng ý nghệ thuật: “Bầm ra ruộng cấy bầm run / Chân lội xuống bùn tay cấy mạ non” (Bầm ơi, Tố Hữu).

Sự cách tân trong vắt dòng, xếp câu thơ theo kiểu bậc thang được thể hiện ở mức độ cao hơn, phổ biến hơn. Sự vắt dòng thơ không phải chỉ trong 2 dòng mà có khi đến 4 dòng, cá biệt lên đến 6 dòng. Câu thơ xếp bậc thang liên tục mỗi chữ một dòng:

Chia cho em một đời Thơ một lênh đênh một dại khờ một tôi Chỉ còn cỏ mọc bên trời

Một bông hoa nhỏ lặng

rơi mưa

dầm…

( Chia, Nguyễn Trọng Tạo)

Hiện tượng chấm câu giữa dòng cũng phổ biến và tạo được hiệu quả thẫm mĩ cao: “buồn như trăng đã lên rằm/ thương người như đã trăm năm. Tạ từ”(Tạ từ, Nguyễn Trọng Tạo).

Về chức năng biểu đạt: thơ lục bát từ sau năm 1945, nhất là từ sau năm 1975 đến nay thật phong phú, vừa trữ tình sâu đậm, vừa đầy những suy nghĩ tỉnh táo. Có thể thấy so với lục bát những giai đoạn trước, lục bát giai đoạn này đa dạng hơn về giọng điệu, phong phú hơn về nội dung. Không chỉ dừng lại việc biểu hiện những buồn thương ngậm ngùi, những nhớ nhung, lục bát giai đoạn này tiến tới biểu đạt những nội dung mới có tính chất suy lí tỉnh táo, hiện thực, chất chứa những tâm sự cá nhân trăn trở giống như các thể thơ hiện đại khác.

Văn hóa làng quê không chỉ là kết quả của sự mô tả, sự phản ánh, sự thể hiện các cảnh quê, người quê, hội hè phong tục... như là chất liệu của nghệ thuật, của thơ ca mà nó còn đòi hỏi một quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ đặc thù, đòi hỏi sự thể hiện và khẳng định văn hóa làng quê như cội nguồn của các giá trị nhân văn tích cực như cái đẹp, cái thiện. Có thể hiểu văn hóa làng quê trong thơ ca là kết quả của quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ đặc thù kết tinh từ những giá trị nhân văn tích cực của cuộc sống con người làng quê, mà sự mô tả, phản ánh, thể hiện cảnh quê, con người, phong tục, lễ hội...chính là những biểu hiện cụ thể nhất.

So với các thể thơ khác, thể lục bát - hồn phách của dân tộc Việt, với sự phối hợp hài hòa giữa dòng 6 chữ và dòng 8 chữ, cùng với nhịp điệu mềm mại và cách phối vần lưng đặc trưng của nền văn hóa Á Đông đã sống mạnh mẽ cùng với nhiều thế hệ Việt Nam từ thuở khai sinh đến nay (bắt đầu từ cuối thế kỉ 15, khi nó được sinh ra cùng với người anh em song thất lục bát). Sự dung dị, mềm mại và khả năng dung nạp được cùng lúc nhiều nội dung đa dạng của đời sống đã khiến cho thể thơ này có sức sống trường tồn. Ngay từ cấu trúc âm luật sáu- tám nhẹ nhàng, mượt mà, giản dị, hài

hoà, dễ phối thanh, thể lục bát vốn dĩ đã rất gần gũi lối nói của người dân quê, dễ nghe, dễ nhớ, phù hợp với cảm xúc, lối sống của con người Việt Nam ta. Thêm nữa, thể lục bát lại có khả năng biến hoá linh hoạt chứ không khô cứng. Nó có thể duy trì hình thức chuẩn mực cổ điển, có thể trở về với dân gian hoặc tiến lên theo thi pháp hiện đại. Trên bình diện thưởng thức, thơ lục bát cũng được dân ta ưa chuộng, gìn giữ.

“Băt đầu từ ca dao, dân ca, được phát triển qua các truyện Nôm và đạt đến sự hoàn thiện với thiên tài Nguyễn Du, thơ lục bát vẫn được phát huy sức sống mãnh liệt của nó trong nền thi ca hiện đại Việt Nam”[44;408]. Do đó, lục bát là thể thơ có thế mạnh hơn cả trong việc thể hiện nét văn hóa làng quê.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)