Phong tục tập quán, hội hè đình đám

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 61 - 65)

CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ

2.2. Những cảnh sinh hoạt văn hóa nơi làng quê

2.2.1. Phong tục tập quán, hội hè đình đám

Phong tục tập quán chính là sản phẩm của cộng đồng, làng xã, gia đình và dòng họ, của huyết thống kết hợp địa vực. Nó chính là giá trị văn hóa có tính truyền thống được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Nó được thể hiện trong mỗi gia đình với gia phong đã được chuẩn mực hóa từ lâu, được thể hiện bởi một nền văn học dân gian phong phú, cuộc sống lễ hội sống động. Nó mang bản sắc của một lối sống cộng đồng.

Từ bao đời nay, làng xã Việt Nam luôn là nơi cộng đồng dân cư sinh sống, gắn bó chặt chẽ với nhau trong quan hệ kinh tế, dòng tộc và truyền những giá trị của văn hóa Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống tốt đẹp đó cũng là yếu tố tạo nên những phong tục tập quán phong phú, đa dạng. Đặc thù của người dân quê Việt Nam trên vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả đến dải đất miền Trung nhiều khó nhọc và vùng đồng bằng sông Cửu Long xa xôi đã có lịch sử từ lâu đời. Đó là tục thờ cúng tổ tiên - một trong những yếu tố “góp phần tích cực củng cố mối quan hệ dòng họ, củng cố quan niệm uống nước nhớ nguồn của người Việt”. Và tín ngưỡng cao nhất trong một làng là tục thờ Thành Hoàng làng trong đình làng. Cư dân nông thôn Việt Nam sống nhờ vào đất và nước nên tín ngưỡng phổ biến nhất trong văn hóa làng là thờ đất và nước. Đất và nước được thờ biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thờ thổ thần, thủy thần… Chẳng thế mà trong dân gian Việt Nam đâu đâu cũng có câu đối “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Bên cạnh đó còn có thần của các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nông nghiệp như mây, mưa, sấm chớp, cây cối…

Tất cả những ứng xử đó của người dân quê đã, đang và sẽ là những mỹ tục khơi dậy và nuôi dưỡng cái thiện, cái mĩ, liên kết cộng đồng đoàn kết, bình đẳng cởi mở, thương yêu nhau để duy trì sự tồn tại của chính cộng đồng ấy.

Những nét đẹp văn hóa trên đây đã từng in dấu ấn đậm nét trên các trang thơ của thi nhân Việt Nam. Song mỗi nhà thơ ở mỗi thời đại lại có những cảm nhận riêng.

Và cho dù thơ ca ít nhiều còn hạn chế hơn so với văn xuôi trong khả năng tái hiện và

phản ánh hiện thực, nhưng trong thơ ca đương đại đặc biệt là dòng thơ lục bát của những nhà thơ đồng quê như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ những nét đẹp của phong tục tập quán người dân Việt lại được nhìn, được cảm nhận hết sức chân thực sâu sắc ở cảm quan của con người thời đại nhưng tâm hồn luôn nặng trĩu hồn quê.

Khảo sát những sáng tác của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ chúng tôi nhận thấy: các anh đều làm sống lại phong tục tập quán mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam thông qua lễ hội.

Hội làng là một đặc trưng quan trọng của văn hóa làng quê. Hội làng là sinh hoạt tôn giáo, nghệ thuật, thể thao truyền thống của cộng đồng làng, là nét đặc sắc trong văn hóa làng Việt. Xuất phát từ sự mong ước và cả nhu cầu của cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển, từ sự bình yên cho từng cá nhân và gia đình, sự vững mạnh của dòng họ, sự bội thu cho mùa màng, sự sinh sôi nảy nở của con người… mà tinh thần của hội làng được duy trì và mở rộng. Hội làng thường được tổ chức ở đình, chùa. Nét văn hóa vật thể và phi vật thể ấy hòa quyện vào những mái đình, những chùa chiền, miếu mạo cổ kính và những câu dân ca say đắm. Ở những nơi ấy mùa xuân như được kéo dài hơn, như đọng lại trên mỗi môi cười, trên mỗi ánh mắt. “Lễ hội là một hiện tượng lịch sử - một hình thái sinh hoạt văn hóa sinh động, phức tạp, hội tụ nhiều mối quan hệ cộng đồng làng xã của dân tộc Việt Nam, nảy sinh và bén rễ từ sinh hoạt văn hóa làng quê”[61;155].

Tham gia lễ hội là toàn dân không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Họ dự hội với sự hồ hởi, chan hòa một niềm cộng cảm. Mỗi người từ cách ăn mặc, nói năng đều có sự lựa chọn. Lễ hội được tổ chức nghiêm trang, từ các cụ già đến thanh niên đều ăn mặc đẹp nhất. Cờ xí rợp trời, chiêng trống vang lừng cuốn hút. Sự giao cảm, hòa hợp của người tham dự cũng là sự giao cảm giữa cái chung và cái riêng, cái cộng đồng và cái cá thể. Tất cả đều hướng về một miền thiêng liêng nhưng lại rất gần gũi. Trong hội làng dường như cái thần thánh và cái thế tục hòa vào nhau trong một không gian thoáng rộng của miền quê. Nét đẹp văn hóa đó đã ăn sâu vào trái tim luôn đau đáu hướng về cội nguồn của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, để một lần nữa không gian văn hóa đó lại sáng lên lấp lánh trên từng con chữ. Đúng như Bakhtin đã nói: “Hội hè (dưới mọi hình thức) là một yếu tố nguyên thủy rất quan trọng của văn hóa loài người”[4;57].

Trong tâm thức của Nguyễn Duy, ngày lễ Tết là dịp để người ta tỏ lòng tri ân sâu nặng. Hơn một lần ta bắt gặp trong thơ anh lời nguyện cầu mang ý nghĩa nhân văn cao cả:

Bạn ơi dù có thế nào

giữ cho nhau sắc hoa đào ngàn năm tốt lành lời chúc sang xuân

nén nhang bái tổ khấn thầm …dân ơi!...

(Dân ơi)

Đó không chỉ là những mối tâm tình, những xúc cảm sâu sắc mà còn là những chiêm nghiệm, những triết lí cuộc đời.

Đi lễ hội, chúng ta hiểu thêm được rất nhiều nếp phong tục đẹp đẽ của ông cha được gìn giữ qua thời gian. Họ dự hội với nhiều cảm xúc khác nhau, có người về lễ hội để gặp gỡ giao duyên, có người đi để vãn cảnh, có người đi lễ hội để cầu sự may mắn, bình an cho một năm, cho cuộc đời:

Từng đôi anh trước chị sau tưng bừng xe cúp lùa nhau lên chùa

cũng là đi hội chùa Hương

nón mê chân đất thập phương gập ghềnh

(Ghi chép Chùa Hương)

Cùng khắc họa về hình ảnh của lễ hội, nếu như Nguyễn Duy thường hướng thơ mình đến những chiêm nghiệm, những triết lí cuộc đời thì Đồng Đức Bốn lại thiên về biểu hiện tâm trạng. Trong thơ Đồng Đức Bốn, không gian của lễ hội cũng là không gian thơ đặc sắc. Trong bài Ra giêng anh lại đi tìm, anh đã nói hộ cho nhiều người cảm xúc lưu luyến, bâng khuâng khi về với Hội Lim ngày nào:

Ra giêng anh lại đi tìm

Những câu quan họ của Lim ngày nào Lời ca khắc trên lưỡi dao

Bằng tia nắng mọc trên rào còn hương Bằng cái nhớ bằng cái thương Bông hoa rụng xuống con đường thành hoa

Không gian thơ được dệt bằng âm thanh ngọt lịm lòng người của câu hát dân ca, bằng cái nắng đa tình, bằng chút hương xưa còn vấn vương sẽ mãi neo đậu trong tâm hồn những ai đã từng một lần trải lòng với Hội Lim. Về với Hội Lim là về với giai điệu chín nhớ mười thương trong câu hát cũ, để đắm hồn trong sóng mắt lung liếng, đa tình trao gửi của người quan họ khi câu hát buông lơi:

Tôi về đây với Hội Lim Nghe câu xe chỉ luồn kim thuở nào

Ai người đội nón quai thao Ngực che thêm dải yếm đào làm duyên

Ở đây trên bến dưới thuyền

Hoa thơm bướm lượn để nghiêng mái chèo Người ơi để lá ngừng reo

Bướm bay lên núi xuống đèo ngẩn ngơ Người ơi em vẫn đợi chờ

Sông sâu đã nhện nhả tơ bắc cầu

Về với chùa Hương, Đồng Đức Bốn lại phủ lên đó cảm xúc vu vơ trong lòng giữa chốn thinh không độ niệm:

Chùa Hương nghi ngút hương bay

Mà sao lá rụng bàn tay xuống thềm

Chùa Hương nghi ngút hương bay Phật ngồi cũng héo cả ngày lẫn đêm

….

Bến Đục là bến Đục ơi

Sương bay thành khói lên trời lửng lơ Người đi tìm cái vu vơ

Người về cầm cái hững hờ trao tay Người đi cầu phúc cầu may Người về mưa cứ lay phay bên lòng

(Vu vơ chùa Hương) Và đó còn là cái bâng khuâng trong Mùa xuân đi phủ Tây Hồ:

Mùa xuân đi phủ Tây Hồ Nắng thì mặc nắng, gió xô mặc trời

Bây giờ mới thật tĩnh tâm

Bâng khuâng trong khói nhang trầm gặp nhau

Nói đến hội làng là người ta nghĩ ngay đến đình làng - ngôi nhà chung của làng nước, mảnh hồn của làng quê. Ngôi đình được coi như biểu tượng cho tính cộng đồng làng xã Việt Nam. Lễ hội đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa thiêng liêng nhất để người dân làng trong, làng ngoài thể hiện tính thần làng quê, thắp lên và lưu giữ văn hóa trước sự trôi chảy của thời gian. Khi tiết trời sang xuân, đất trời như rộng mở, lòng người xốn xang, đình làng khoác lên mình sắc màu, âm thanh mới. Này đây là cờ xí rợp trời, ngạo nghễ tung bay đùa vui trước gió xuân nồng nàn, và đây nữa, chiêng trống khua vang để vẫy gọi mọi người tạm gác lại những bận rộn, lo toan đời thường để đi trẩy hội mùa xuân. Không gian văn hóa đậm đà bản sắc ấy hơn một lần hiện lên sinh động trong thơ Phạm Công Trứ vẫn mãi làm ta xúc động:

Hội xuân mở ở cửa đình Trai tơ được dịp rập rình gái son

Thùng thình!... trống đánh thùng thình!...

Trai làng đang tập luyện hình đô con Gái làng môi đỏ như son

Già làng mắt sáng như còn trai tân

(Tam khúc cửa đình)

Phạm Công Trứ đã ru lòng người bằng tiếng trống chèo hội xuân đầy náo nức, làm ta say đắm với không khí xuân lãng đãng để thấy lòng mình như trẻ lại.

Có thể thấy nhiều phong tục, lễ hội thể hiện nếp sống, nếp sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng của người dân quê đã được sống lại qua những sáng tác của

Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ. Với tất cả những gì đã tái hiện trên trang thơ của mình, các anh xứng đáng được xem là những thi nhân của đồng quê, của phong tục, là biểu trưng cho tâm hồn của làng quê. Bức tranh được tạo nên bằng chất liệu của ngôn ngữ đồng quê ấy đã gieo vào lòng người những tình cảm trong sáng, tình yêu quê hương tha thiết, làm cho văn hóa Việt được bảo tồn, tỏa sáng cùng thời gian và hơn bao giờ hết chính điều đó đã làm nên chất sống đặc biệt cho thơ các anh.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)