CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ
2.4. Sự thay đổi của văn hóa làng quê trong cuộc sống mới
Xã hội ngày một phát triển đã tạo nên diện mạo mới cho văn hóa bất kì ở quốc gia nào. Sự phát triển đó đã làm văn hóa liên tục thay đổi và quá trình này diễn ra rất nhanh chóng. Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một vấn đề rất quan trọng đặt ra là giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế. Trên thế giới, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào đều tìm mọi cách giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa của riêng mình, vì mất bản sắc sẽ không còn là một quốc gia, một dân tộc nữa. Bản sắc văn hóa mỗi dân tộc đã đóng góp chung cho nền văn minh nhân loại, làm cho nó đa dạng, phong phú, kết tinh những tinh hoa văn hóa của các dân tộc ở khắp các châu lục. Việc giao lưu văn hóa giữa các nước trên thế giới là rất cần thiết, nó là nguồn bổ sung, làm giàu có thêm cho nền văn hóa mỗi dân tộc. Một nền văn hóa đóng cửa, khép kín sẽ khô héo, thiếu sức sống và kém phát triển. Vấn đề đặt ra là khi giao lưu, hội nhập quốc tế, không chỉ tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, mà còn phải giữ được nền văn hóa dân tộc, không đánh mất bản sắc của chính mình.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cần được quan tâm ngay trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như trong lĩnh vực nghệ thuật, đã xảy ra tình trạng không ít bạn trẻ đua nhau chạy theo nhạc rock, pop, hiphop... mà quay lưng với nghệ thuật truyền thống như hát dân ca, tuồng, chèo... Nhiều người mẹ trẻ không thuộc một bài hát ru.
Sự biến đổi còn biểu hiện trong cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ, hành vi, giao tiếp hằng ngày…Vì vậy, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cần phải dựa trên cơ sở thuần phong mỹ tục của ông cha từ bao đời để lại. Mỗi gia đình phải giữ được nền nếp gia phong, con cháu hiếu thảo, vợ chồng thủy chung, anh em thuận hòa. Khu dân cư phải có tình làng nghĩa xóm, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Điều cấp thiết hiện nay là phải xây dựng được lối sống, nếp sống thấm nhuần đạo lý của con người Việt Nam trước lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền đang hủy hoại truyền thống nhân nghĩa, truyền thống đạo đức của dân tộc.
Thơ ca nói riêng và văn học nói chung trước sự biến đổi ấy cũng có những ảnh hưởng nhất định. Ví như ảnh hưởng đến cách dùng từ, cách khai thác hình ảnh, cách cảm, cách nghĩ. Là những người thiết tha với giá trị cổ truyền, trước sự thay đổi của văn hóa trong thời đại mới, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ cũng có những băn khoăn day dứt. Tất cả những nỗi niềm ấy được các anh phủ lên trang viết với khát vọng lớn lao: gìn giữ và làm giàu có thêm văn hóa truyền thống.
2.4.1. Những mã văn hóa mới mang tính tích cực
Là những người luôn thiết tha với cội nguồn, nhưng không phải vì thế mà Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ quay lưng hoàn toàn với những biến đổi theo chiều hướng tích cực của văn hóa trong thời đại mới. Cuộc sống đô thị đã làm cho làng quê thay da, đổi thịt rất nhiều. Kéo theo đó, làng quê đang được hưởng những thứ văn minh mà chỉ có được do sự phát triển vượt bậc của xã hội, nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin, điện tử…Để tăng tính chất thời đại, tạo cho hơi thơ của mình có tính thời sự, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ đã đem đến cho thơ mình những mã văn hóa mới mà trước đây còn khá lạ lẫm. Có thể thấy, sự tác động của cuộc sống đô thị tới làng quê không phải diễn ra một chiều. Nhờ sự tác động của cuộc sống đô thị, mà làng quê được khoác trên mình những bộ cánh mới choang. Bộ cánh đó được biểu hiện ở nhiều phương diện như lối sống, cách ứng xử, trang phục, ngôn ngữ, giá cả, kiến trúc…
Xã hội phát triển có nhiều vấn đề người ta phải quan tâm. Là một công chức, cuộc sống bấp bênh, vấn đề mà mọi người quan tâm ấy là tiền lương và giá cả. Nguyễn Duy đã có cái nhìn chân thực khi anh viết : “có món ngon nào giá rẻ không em”(Chợ).
Phạm Công Trứ lại đặc biệt quan tâm đến sự biến đổi đến chóng mặt ở những cái gì gọi là tân thời, là “mốt”. Xã hội đi lên, mốt tây, mốt tàu tràn ngập từ phố về làng, anh thấy mình như ngỡ ngàng trước những nét văn hóa mới mẻ ấy:
Về quê ăn Tết vừa rồi Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò (Lời thề cỏ may)
Trang phục thay đổi, thẩm mĩ đổi thay. Và kiến trúc, lối sống con người cũng đang ngày một dịch chuyển về phía hiện đại:
Nền xưa lầu hạc gác vàng nền nay siêu thị chắn ngang chân trời
bạn xưa chay tịnh vườn Bùi bạn nay quán chó dậy mùi Nhật Tân
mình xưa chân đất đầu trần mình nay bụng phệ tay cầm mô - bai…
(Xưa nay)
Hay đó là sự xuất hiện của mã ngôn ngữ mới trong thời hội nhập:
Vốn người mê nhạc say thơ
em giờ mở miệng nói “tờ” nói “cây”
(Tình cờ) Rồi:
Chào buổi sáng, chào buổi chiều Buổi trưa, buổi tối… bao nhiêu cách chào
Hỏi gì cũng phải “thanh cưu”
Lại còn “phờ lít”, “phờ liu” rối bời Không đi thì bé con người Đi thì “gâu ạp” như thời trẻ con
(Đi tây)
Cùng với những giá trị tốt đẹp vốn có của nền văn hóa truyền thống, giờ đây đã xuất hiện những mã văn hóa khác và ngày càng ăn sâu vào đời sống tinh thần của cộng đồng. Đó là nhân tố “tạo cơ hội và môi trường để nền văn hóa cổ truyền của dân tộc tiếp tục được giữ vững, thừa kế, phát triển và nâng cao, nhằm những phương hướng lớn mang dấu ấn của thời đại là độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa”[24;37].
2.4.2. Những biến thái của văn hóa trong cuộc sống mới
Xã hội đổi thay, văn hóa có nhiều xáo trộn, các thang bậc đạo đức bị đảo lộn, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc đứng trước nguy cơ bị biến mất. Điều này được các nhà thơ đặc biệt quan tâm. Hành động đó cho ta thấy cái trăn trở của những người có tâm khi cầm bút. Nguyễn Duy viết Hàng mã, Phạm Công Trứ viết Ra phố, Tình cờ, Xưa và nay, Lo, Bây giờ, Đồng Đức Bốn viết Nhà quê… để nói lên thực trạng đau lòng trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, mảnh hồn làng đang bị vấy bẩn, làng quê nói chung và văn hóa làng quê nói riêng đang đứng trước những nguy cơ mới.
Nguyễn Duy cảnh tỉnh thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của con người với môi trường sống bằng cái nhìn đầy nghiêm khắc:
Người hóa đá đá hóa vôi vôi ma quái bạc mái đời phù vân
…
vọng chi ở phía chân mây người xưa hóa đá người nay hóa gì
(Vọng Tô Thị)
Là xứ sở của đất nước nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm, mưa nhiều, chiến tranh thì rừng cây bị bom đạt hủy diệt, thời bình thì bị ảnh hưởng bởi cái khắc nghiệt của thiên nhiên, của đạo tặc. Lần đầu tiên người ta thấy thơ đề cập nhiều đến những vấn đề môi trường như thế. Đồng Đức Bốn đã hướng hồn thơ mình đến vấn đề có tính nhân loại với tư cách của một công dân đầy trách nhiệm:
Ở kia có đám cháy rừng
Lửa cao cao đến lưng chừng trời xanh Ở kia có những tàn tranh
Đám người cứ chạy vòng quanh tít mù (Đám cháy rừng)
Còn Nguyễn Duy làm mới thơ khi nói đến khái niệm y học nhưng mang tâm trạng buồn, tiếc nuối về cái thời xưa mộc mạc, chân thành trong tình yêu của cha ông:
Cái thời chưa nhiễm SIDA yêu lăn yêu lóc la đà sướng chưa
(Được yêu như thể ca dao)
Trước sự xâm lăng của đô thị, của kinh tế thị trường, xã hội đổi thay, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị biến mất. Thực trạng ấy đang đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn: Văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu?
Nguyễn Duy đã day dứt, trước sức mạnh của thời đại kinh tế thị trường, thì chốn linh thiêng trở thành nơi mắt xanh mỏ đỏ lượn lờ, hoa hậu thành món hàng để ngắm nghía, bán mua… Xã hội tồn tại đầy những thói nhố nhăng, tầm thường:
Người về khăn áo cho ma ngựa xe, khăn áo, lụa là, kim ngân
lăm lăm cái thước phàm trần làm sao đo được thánh thần em ơi
(Hàng mã)
Đó là những thực tế đau đớn của nước ta, đất nước ta sau những năm chiến tranh, cái nhìn ấy thể hiện rõ cái tôi công dân, quan điểm nhân sinh và ý thức thẩm mỹ của Nguyễn Duy trong quá trình sáng tạo thi ca là xuất phát từ tư tưởng nhân đạo, nhân văn của dân tộc ta.
Cũng với tinh thần ấy, Phạm Công Trứ xót xa trước những trò hề bịp bợm nhan nhản trong cuộc sống hôm nay:
Biển đề ngoài cửa mát xa Chập chờn điện tắt hóa ra mát gần
Biển đề cơm quán bình dân Bưng ra rặt những gà tần chim quay.
(Ra phố)
Anh thấy sự đổi thay đáng sợ của con người trong xã hội đầy cám dỗ:
Vốn là con gái nhà lành Em tôi môi đỏ mắt xanh bao giờ?
(Tình cờ)
Để rồi anh thấy mình lạc lõng, bất lực trước tốc độ đô thị hóa, văn minh vật chất đang hừng hực tiến về làng quê đẩy lùi những nếp văn hóa đẹp đã tồn tại từ ngàn đời nay:
Lối xưa xe ngựa thâm u Lối nay xe cúp vù vù khoe khoang (Xưa và nay)
Làng quê từ bao đời nay là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa lành mạnh; là nơi nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ cháu con; là nơi gặp gỡ, giao duyên của biết
bao nam thanh, nữ tú, thế mà giờ đây lối sống hiện đại đã kéo theo biết bao hệ lụy và làm mất dần những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Có thể thấy, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ bằng sự nhạy cảm của con tim, bằng cái tâm của người cầm bút đã vẽ nên bức tranh nhiều màu về văn hóa làng quê đang đứng trước sự xâm hoại của những thứ văn minh kệch cỡm để từ đó nói lên tiếng lòng của mình: phải làm gì đây trước sự xuống cấp của văn hóa, của tình người? Đó là những thổn thức vô cùng nhân bản của những tâm lòng luôn nặng nghĩa với đời.
Hành trình sáng tạo của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ nói chung, mảng thơ viết về cảnh quê, người quê, tình quê nói riêng là một quá trình khám phá cuộc sống và nghệ thuật. Bằng vào tài năng và tấm lòng của mình, các anh đã tạo ra những hình tượng thơ về làng quê với vẻ đẹp chân thật, bình dị như nó vốn tồn tại hàng ngày. Phẩm chất thẩm mỹ đó, tiếng thơ đó như một lời nhắc mọi người hãy luôn nhớ về cội nguồn của mình như những gì tốt đẹp nhất.
CHƯƠNG 3