CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU HIỆN VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DUY, ĐỒNG ĐỨC BỐN, PHẠM CÔNG TRỨ
2.2. Những cảnh sinh hoạt văn hóa nơi làng quê
2.2.2. Cảnh sinh hoạt đời thường của con người lao động chân lấm tay bùn
Về với làng quê là chúng ta về với cuộc sống của những con người lam lũ mà tràn đầy tình nghĩa, những tâm hồn mộc mạc mà ngát hương như thứ hương hoa của đồng quê, trong vắt như nước giếng làng quê.
Đọc thơ Nguyễn Duy, ta không chỉ thấy anh trải lòng với những cái nhỏ bé, bình thường, giản dị mà anh còn “đặc biệt thấm thía cái đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù, gian khổ, không tuổi, không tên”[62;5]. Vì thế, bức tranh sinh hoạt làng quê qua cảm nhận của anh đầy nhọc nhằn, lam lũ. Những con người là chủ nhân khai sinh ra văn minh làng xã đang phải đối mặt với nhiều nỗi cơ cực trong cuộc sống đời thường đã ám ảnh tâm hồn anh:
Vẫn đồng cạn vẫn đồng sâu chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa
mồ hôi đã chảy ròng ròng máu và nước mắt sao không thấy gì
(Về đồng)
Bên cạnh việc khắc họa cảnh sinh hoạt đầy nhọc nhằn, lam lũ với giọng trầm buồn, Nguyễn Duy còn đưa nét bút hướng đến mảng màu khác, mang đến cái vui say khỏe khoắn của con người nhà quê trong lao động, dựng xây:
Hòn đất là hòn đất trời
thành vuông gạch dẻo tay người nhào nên hòn đất là hòn đất mềm
qua nghìn độ lửa chắc bền dài lâu
(Bài ca người làm gạch) Dù cuộc sống nơi làng quê lam lũ còn nhiều vất vả, cực nhọc nhưng nhà thơ vẫn không thôi hi vọng vào sức mạnh tiềm tàng của người dân quê mình - một tinh thần vượt khó - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã thấm vào nếp cảm, nếp nghĩ của người dân quê qua bao đời:
Quê mình đó phải không anh đau thương mấy vẫn ngọt lành bên trong
(Đất đỏ, nước xanh)
Cùng hát khúc tình tang quê mùa, Đồng Đức Bốn có nhiều bài thơ viết về cuộc sống nhà quê nhưng dường như anh không tô đậm vào một hoạt động nào khác ngoài những tất bật lo miếng cơm manh áo. Một cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn mà chính anh cũng đã phải nếm trải:
Tôi vừa lo được miếng cơm Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò
Tôi vừa vượt bão mưa to Chân đã phải lội đi mò sông sâu (Đời tôi)
Không nhìn cuộc đời bằng cái nhìn thi vị hóa, thơ Đồng Đức Bốn để ta rung cảm trước chất thơ từ chính những cảnh sinh hoạt đời thường còn lắm gian truân, thật đáng thương của người nhà quê trước văn minh đô thị đang tiến về làng quê:
Ngả nghiêng mấy lão thợ cày Rượu say vác cả cối chày nện nhau
(Chờ đợi tháng ba)
Cuộc sống của người làng quê trong thơ Đồng Đức Bốn hiện lên thật đa dạng.
Đó không chỉ là những người gắn bó với ruộng đồng, một nắng hai sương hi sinh thầm lặng trong nghèo khó, cơ cực:
Nhà quê chân lấm tay bùn Mẹ đi cấy lúa rét run thân già
(Nhà quê)
mà còn là những cuộc mưu sinh đày nhọc nhằn thấm bao mồ hôi, nước mắt trước sự nhen nhóm, xâm lăng của cuộc sống đô thị:
Lề đường trong những chiếc lều Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày
(Chờ đợi tháng ba) Lấy mảnh trai chắp thành hoa
Bố tôi đem bán ngoài ga chợ buồn (Bố tôi) Và:
Mẹ mua lông vịt chè chai Trời trưa mưa nắng đôi vai lạ gầy
…
Lời rao chìm giữa gió sương Con nghe cách mấy thôi đường con đau
(Trở về với mẹ ta thôi) Cái nghèo ám ảnh đến cả tiếng chuống chùa, cả cõi thiền thần phật:
Miếu thờ phật tượng ngồi đau Cửa thiền rêu đã lên màu cổ xưa Tháng ba vắng tiếng chuông chùa Bây giờ tôi đợi bóng vua qua làng
(Chờ đợi tháng ba)
Tìm trong thơ anh, ta thấy “hầu như Đồng Đức Bốn chỉ viết về thôn quê với công việc đồng áng của người nông dân, những công việc mà hàng ngày chính anh phải đảm đương, và đôi khi cũng viết về thành phố song vẫn là cái nhìn, cái nghĩ của một anh nhà quê ra tỉnh song có nét tinh tế, hóm hỉnh của riêng anh”[12;770-771].
Cùng viết về cuộc sống sinh hoạt của người làng quê, nhưng Phạm Công Trứ lại có cái nhìn khác với Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn. Nét sinh hoạt thường ngày của người dân quê không có cái buồn thảm mà tràn ngập niềm vui trong mùa mới:
Mùa màng rối bấn búi thêm Ngày rồi hai bữa cơm đèn làng tôi
Đường làng bề bộn rơm phơi Trong rơm có cả tiếng cười trẻ con (Mùa màng)
Và đó là niềm vui hạnh phúc khi được tắm mình trong bao la của cỏ cây, hoa lá đồng quê để cất lên nhựa sống:
Rong chơi cho hết một ngày Mai tớ về với xá cày làng ta
Lại trần mình giữa bao la Gội mưa, đội nắng làm ra mùa màng
(Ra phố)
Viết về cảnh sinh hoạt đời thường nơi làng quê, cả Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ đều đưa vào thơ mình hình ảnh rất quen thuộc trong nếp sinh hoạt của người dân quê tự ngàn xưa, đó là chợ quê. Chợ quê là một phần văn hóa không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Chợ làm nên những tập quán, tạo lời ăn tiếng nói, hình thành phong thái ứng xử. Chợ làng là thị trường của tổng, của huyện tạo ra mối liên làng. Chợ là nơi trao đổi hàng hoá của cư dân địa phương. Chợ đặt ở làng nào, xã nào thường lấy tên của làng, xã ấy mà gọi. Nói nôm na đó là loại chợ quê.
Quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài cái lều lợp gianh, lợp lá trên mấy cái cọc xiêu vẹo. Có khi không có lều quán mà chỉ là một bãi đất trống. Người bán bày sản phẩm thành hàng, thành dãy hai bên lối đi. Chủng loại hàng hoá, đa phần là những sản vật địa phương do vậy mà thay đổi theo mùa, vụ. Chợ quê cũng có sự “phân cấp” một cách tự nhiên thành chợ làng, chợ xã, chợ huyện, chợ tỉnh… Người ta gọi chợ theo cấp hành chính và quy mô chợ cũng từ đó mà to dần lên. Ngày nay chỉ còn dấu vết chợ quê ở làng, ở xã, còn chợ huyện, chợ tỉnh hầu như đã biến thành những trung tâm buôn bán lớn trong vùng. Do nhu cầu trao đổi, mua bán nên ngày nào cũng họp chợ. Vì vậy mà mất đi phiên chợ truyền thống ngày trước.
Chợ quê lại có hai loại, chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên họp vào những ngày theo một chu kỳ nhất định. Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám, có nghĩa là phiên chợ họp vào những ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám hàng tháng (theo âm lịch). Gần đây nhiều chợ chọn ngày chủ nhật làm phiên họp chính. Phiên chợ chính bao giờ cũng đông người hơn phiên chợ xép (chợ họp không
đúng phiên). Ngoài những sản phẩm địa phương, ở chợ phiên mặt hàng đa dạng hơn bởi sự góp mặt của các hàng công nghiệp đắt tiền [76].
Chợ quê trong thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ được miêu tả trong sự kết hợp giữa cái truyền thống và hiện đại và có nhiều tên gọi khác nhau. Nó không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa của làng quê.
Hình ảnh chợ quê trong thơ Đồng Đức Bốn hiện lên đầy ám ảnh. Đó có thể là không gian chợ tạm vắng vẻ, thưa thớt, buồn thiu vẫn thường thấy ở bất kì vùng quê nào:
Chợ làng mở dưới gốc đa Nhà quê đem mấy con gà bán chơi
(Nhà quê)
Hay có thể là những chiếc lều nhỏ xác xơ mọc ngay bên đường:
Lề đường trong những chiếc lều Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày Hoặc những nhếch nhác đến cám cảnh như thế này:
Khói nhà ai cứ mọc ngang Con nhà ai cứ lang thang chợ chiều
(Chờ đợi tháng ba) Tiếng ve xé nát đôi bờ
Chợ Thương để nắng bơ phờ trên sông (Chợ Thương)
Dưới cảm quan của Đồng Đức Bốn chợ quê hiện lên với nhiều dáng hình, cảm xúc. Chợ như nhuốm đầy tâm trạng. Và dù có là chợ buồn, chợ chiều, chợ nghèo hay chợ Thương thì tất cả chúng đều có mẫu số chung ấy là chợ gắn với cái tiều tụy, xác xơ, bơ phờ nơi làng quê còn lắm gian nan. Trên phông nền xám ngắt, tiêu điều ấy là những cảnh sinh hoạt đơn điệu và buồn tẻ của những kiếp người bần hàn, lam lũ.
Qua bức tranh thơ viết về nét đẹp phong tục, cảnh sinh hoạt đời thường của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, người đọc cảm nhận được ngòi bút của các anh đầy ắp những chi tiết của đời sống con người nơi làng quê, tiềm ẩn tầng văn hóa lâu đời mà nổi bật nhất là lòng chân thành, tình nghĩa qua phong tục tập quán quê hương. Tìm về với phong tục, tập quán, về với cảnh sinh hoạt còn lắm gian truân của người dân quê là các anh đang trên hành trình tìm về với hồn xưa đất nước, tìm thấy giá trị của dân tộc mình để có ý thức bảo vệ, đấu tranh chống lại sự lai căng hỗn tạp, và gìn giữ lấy quốc hồn, quốc túy tích tụ ngàn đời. Đó là việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả.