Phong cách ngôn ngữ thơ ca

Một phần của tài liệu Phong cách ngôn ngữ thơ ca việt nam giai đoạn 1930 1945 so sánh phương thức ẩn dụ trong thơ xuân diệu, huy cận, hàn mặc tử và chế lan viên (Trang 22 - 25)

VI. Bố cục của luận án

4. Phong cách ngôn ngữ thơ ca

Ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt tư duy của con người. Nó được tạo ra theo quy ước của từng cộng đồng dân cư, từng tộc người, từng quốc gia… Đặc biệt, ngôn ngữ thơ ca, có rất nhiều khả năng chuyển nghĩa nên các yếu tố riêng thuộc về phong cách cá nhân có ảnh hưởng rất lớn trong các thao tác lựa chọn ngôn từ, cấu trúc…

Một điều rất rõ là các lớp từ được lựa chọn đưa vào tác phẩm cụ thể bao giờ cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ nếp nghĩ, cách cảm xúc, phong tục tập quán của nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt, mỗi nhà thơ có một cách nhìn khác nhau về thế giới, và dĩ nhiên ở họ có một thế giới ngôn ngữ riêng tư mang luôn trong bản thân nó tính sáng tạo cá nhân. Nói cách khác, các lớp từ nghệ thuật ở từng nhà thơ thường có sắc thái ngữ nghĩa riêng, có tính chất lâm thời trong văn bản thơ. Đây là yếu tố góp phần tạo nên sự diễn đạt đa dạng, phong phú của vốn từ nghệ thuật. Rõ ràng, với cách hiểu này, muốn nắm bắt được nội dung, cảm xúc trong thơ, người đọc phải xác định con đường chuyển nghĩa ẩn dụ ngôn ngữ ở từng tác giả.

Nói về tình yêu, người Việt vốn được hình thành từ cái nôi của nền văn hóa sông nước, nên những từ, ngữ sau đây thường được sử dụng : sông, nước, bến, thuyền, mận, đào, giếng, trúc… Những từ “thuyền”, “bến” được lặp đi lặp lại rất nhiều trong các văn bản thơ. Trong luận án: “Phong cách ngôn ngữ thơ ca Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 : So sánh phương thức ẩn dụ trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên”, chúng tôi thống kê tần số của các lớp từ, ngữ chuyển nghĩa theo con đường ẩn dụ ở từng tác giả, với mục đích khái quát, định hình thế giới ngôn ngữ riêng của mỗi nhà thơ. Và chúng tôi chọn cách chuyển nghĩa theo con đường ẩn dụ là cách tiếp cận những văn bản thơ có thể miêu tả những hình tượng nghệ thuật thơ ca ở mỗi chủ thể sáng tác : “Nếu trước đây ngôn ngữ học truyền thống quan niệm rằng ngôn ngữ mở ra cho ta cánh cửa đi vào thế giới khách quan quanh ta thì bây giờ ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ngôn ngữ – đó là cánh cửa sổ để đi vào thế giới tinh thần của con người, đi vào trí tuệ của nó, là phương tiện để đạt đến những bí mật của các quá trình tư duy” [144;20].

Rõ ràng, bằng cách tri nhận ngôn ngữ theo chiều ẩn dụ, chúng ta có đủ cơ sở xác lập các mối quan hệ giữa thế giới ngôn ngữ tác giả và phong cách ngôn ngữ của họ.

“Phong cách ngôn ngữ thi ca” đã được hình dung theo cách nhìn thế giới qua con đường chuyển nghĩa ẩn dụ của mỗi nhà thơ.

Thông thường, mỗi từ có mối tương quan 1-1 giữa vỏ ngữ âm và ngữ nghĩa.

Nhưng như trình bày phần trên, các lớp từ trong văn bản nghệ thuật khi vào văn cảnh thường chịu một áp lực tạo nghĩa mới. Chính cái áp lực ngữ nghĩa của văn cảnh, hay nói cách khác đó là sự chuyển nghĩa, theo cách lựa chọn cá nhân tạo cho từ có nghĩa lâm thời thể hiện phong cách của người sáng tác. Vì thế, muốn xác lập phong cách thơ của một tác giả nào, con đường xác lập rõ nhất là thống kê các lớp từ, ngữ nghệ thuật, các nghĩa tu từ, các cấu trúc ưa dùng… để từ đó xác định phong cách.

Để làm rõ hơn phong cách ngôn ngữ thơ, việc tìm hiểu những đặc trưng khác nhau giữa ngôn ngữ giao tiếp thông thường và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, là cơ sở lý luận thiết định những tiền đề cơ bản cho việc nghiên cứu. Và trên cơ sở phân định cái riêng của các lớp từ chuyển nghĩa lâm thời theo cảm xúc cá nhân, giúp người đọc, người tiếp nhận dễ nhận diện phong cách ngôn ngữ.

Nói đến ngôn ngữ thơ có nghĩa là nói đến ngôn ngữ sáng tác của một nhà thơ cụ thể nào đó, hay một trào lưu, một giai đoạn thơ ca nhất định. Cùng một cách nhìn chung được ảnh hưởng từ một nền văn hóa, nhưng khi đi vào từng cá nhân sáng tác thì ngôn ngữ của họ luôn luôn in đậm cá tính, sở trường… Đó chính là phong cách ngôn ngữ. Nếu chúng ta quan sát một cách cụ thể, tinh tế thì không khó nhận ra vấn đề này. Cũng là một từ “thuyền”, nhưng trong ca dao, nó có nghĩa là tác nhân trữ tình bộc lộ của đôi nam nữ yêu đương. Cũng chính từ “thuyền” ấy, khi đi vào thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, có khác, và đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử, thì ý nghĩa của từ “thuyền” trở nên vừa trữ tình, vừa là sự định danh thế giới bằng dấu ấn ngôn ngữ rất riêng. Ngữ “sông trăng” trong câu thơ sau là một ví dụ rất tiêu biểu. Và chỉ khi nào người đọc cảm nhận nắm bắt được hiện thực qua cách diễn đạt của từ, ngữ ẩn dụ thì lúc bấy giờ mới có thể được xem là hiểu được cảm xúc của nhà thơ.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Thế giới hiện thực và thế giới ngôn ngữ trong thơ luôn luôn vận động trong quá trình khái quát hoá, trong quá trình suy tưởng của tác giả. Chính vì thế, mối liên hệ giữa hai thế giới ấy thường do chủ thể sáng tác quy chiếu theo cảm nhận riêng.

Trong thơ Hàn Mặc Tử, “bến sông trăng” vừa là một không gian trữ tình, vừa là cách mang hình ảnh thế giới khách quan ấy vào trong thế giới ngôn ngữ có tính tâm lý cá nhân của nhà thơ (thế giới ngôn ngữ Hàn Mặc Tử ).

Qua những điều trình bày trên, muốn cảm nhận được nội dung, ý nghĩa văn bản thơ, người phân tích phải nhận diện được mối quan hệ chặt chẽ giữa đối tượng miêu tả và thế giới ngôn ngữ của nhà thơ, người đọc mới nắm bắt được cách thức tri nhận của tác giả ảnh hưởng từ các đặc trưng văn hoá dân tộc, và đặc biệt phải xác định được những thói quen tiềm ẩn hình thành thế giới ngôn ngữ. Có thể nói, “từ”, “ngữ”

thơ ca tuỳ thuộc rất lớn vào các yếu tố như:

• Truyền thống văn hoá

• Phong tục, tập quán của cộng đồng ngôn ngữ

• Hoàn cảnh lịch sử

• Quan niệm, cái nhìn thế giới bằng ngôn ngữ

• Những đặc điểm ngôn ngữ

• Sở thích cá nhân trong việc lựa chọn ngôn từ

• Tài năng sáng tạo

Về truyền thống văn hoá, chúng tôi nhận thấy : đây là một tiêu chí cơ bản làm nên những đặc điểm hình thành phong cách ngôn ngữ thi ca. Những lớp từ, ngữ đi vào ngôn ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt như : Bến, bãi, biển, buổi, chiều, đồng, gió, hoa, hương, khói , lạnh, làn, lớp, mây, mùa, nắng, ngọn, nguyệt, non, nước, ráng, sông, sóng, sương, suối, thu, thuyền, trăng, trời, vườn, xuân . . . , rõ ràng chúng đã chịu áp lực, chịu ảnh hưởng đậm nét từ nền văn hoá sông nước của người Việt.

Những quan niệm về tình yêu theo phong tục của người Việt cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảm quan sáng tác của các nhà thơ mới:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn Hai người sống giữa cô đơn

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

(Người hàng xóm )

Hay :

Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người Chưa từng hẹn đến, - giữa xuân tươi Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy,

Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười.

(Nụ cười xuân)

Chúng tôi quan niệm những yếu tố thuộc về cơ tầng văn hoá có ảnh hưởng rất lớn thông qua cách nhìn ẩn dụ của người bản ngữ. Đây cũng là cách mà chúng tôi quy chiếu các tiêu chí ấy dựa trên sự chuyển nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật.

Khi khảo sát các tác giả thơ, chúng tôi không dùng các yếu tố : truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, cái nhìn thế giới bằng ngôn ngữ . . . như là một cách thức cố định, trong việc tìm ra phong cách ngôn ngữ thơ ; mà chúng tôi vận dụng phương thức chuyển nghĩa theo cách ẩn dụ khái niệm dựa trên những tiêu chí ấy theo từng ngữ vực có chủ điểm, để chỉ ra từng phong cách ngôn ngữ. Và cụ thể hơn nữa, trong văn bản thơ, từ được tạo nghĩa từ nhiều áp lực: cấu trúc văn bản, sự lựa chọn ngôn từ, dụng ý nhà thơ, tài năng sáng tạo,…

Nhân sinh quan và thế giới quan sáng tác của nhà thơ ảnh hưởng hoặc ý thức hoặc tiềm thức đối với tác phẩm của họ. Cho nên khi nghiên cứu ngôn ngữ thơ của bốn tác giả, của một giai đoạn văn học, yếu tố lịch sử ít nhiều ảnh hưởng đến nội dung chủ đề. Điều đó cũng đủ giải thích tại sao các nhà thơ mới giai đoạn 1930-1945, không phải ngẫu nhiên mà họ hay buồn, hay muốn thoát ly, và trong một giây phút chạnh lòng họ thường tuyệt vọng, bế tắc:

Đêm mưa làm nhớ không gian Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

Tai nương nước giọt mái nhà Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi.

(Buồn đêm mưa – Huy Cận)

Trên cái nền chung của các yếu tố dung hợp do tiếp xúc giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá phương Tây, cộng với tài năng sáng tạo của Huy Cận, bài thơ

“Buồn đêm mưa” là một kết quả sáng tác tiêu biểu giai đoạn 1930 – 1945.

Vấn đề còn lại ở đây, và qua nghiên cứu chúng tôi sẽ nêu lên từng phong cách ngôn ngữ một cách trung thực và đầy đủ nhất ở từng tác giả thơ.

Một phần của tài liệu Phong cách ngôn ngữ thơ ca việt nam giai đoạn 1930 1945 so sánh phương thức ẩn dụ trong thơ xuân diệu, huy cận, hàn mặc tử và chế lan viên (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(259 trang)