III. Ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa có giá trị biểu trưng cao trong bộc lộ cảm xúc
1. Ẩn dụ là cách thể hiện thường gặp chủ yếu của ngôn ngữ thơ ca
Các đơn vị ngôn ngữ được nhà văn, nhà thơ sắp xếp theo chiều ngữ đoạn, lựa chọn theo chiều liên tưởng để thể hiện chủ đề, thể hiện cảm xúc trữ tình. Nói về sự lặp lại của các kết hợp tương đương, trong thơ Xuân Diệu, bài “Cảm xúc” là một ví dụ khá tiêu biểu :
“Đây là quán tha hồ muôn khách đến;
Đây là bình thu hợp trí muôn hương;
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương;
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc.”
Trong đoạn thơ trên, tất cả các từ trong cùng một hệ hình được tác giả sử dụng liên tiếp trong các câu thơ với dụng ý bộc lộ cảm xúc nhiều mặt khác nhau của tình cảm con người. Các chiết đoạn : “… quán tha hồ muôn khách đến”, “… bình thu hợp trí muôn hương”, “… vườn chim nhả hạt mười phương”, đã được tác giả sâu chuỗi tạo thành một ngữ vực nghệ thuật thể hiện rõ đặc trưng phong cách của nhà thơ. Từ
“đây” được lặp lại 3 lần trong một đoạn thơ đã không gây sự nhàm chán, mà chính sự lặp lại ấy đã tạo nên một cái gì rất riêng trong thơ Xuân Diệu – Bởi vì “đây”
trong đoạn thơ trên có sự tương hợp hài hoà với “quán”, “bình”, “vườn”… và mỗi lần lặp lại, tác giả gợi nơi người đọc một cảm xúc mới.
Về mặt lý luận, chúng tôi nhận thấy : Yếu tố về cơ sở văn hoá đã ảnh hưởng đến xu hướng sáng tác của Xuân Diệu rất nhiều. Cách dùng từ “ đây”, trong đoạn thơ trên được ảnh hưởng từ nền văn hoá phương Tây. Nền văn hoá Việt Nam, từ xa xưa
đã có tiếp xúc lâu đời với nền văn hoá Trung Hoa, cũng đã có những ảnh hưởng nhất định về mặt sáng tác, nên trong giai đoạn 1930 – 1945, các nhà thơ mới ảnh hưởng phong cách ngôn ngữ châu Âu cũng là điều dễ hiểu. “Đây” là khái niệm “không gian hoá” và cũng là hệ quả tất nhiên của việc giao lưu tiếp xúc văn hoá. Điều quan trọng là các nhà thơ mới, khi vay mượn cách diễn đạt của nền văn hoá khác, trong xu thế làm phong phú các phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ nhưng vẫn giữ được bản sắc của nền văn hoá dân tộc. Hơn nữa, phong cách ngôn ngữ tác giả còn chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác như : cách nhìn hiện thực cuộc sống, cách suy nghĩ nói năng . . . hoàn toàn là cách thể hiện riêng của người Việt.
Phong cách ngôn ngữ của bốn tác giả Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên được khảo sát theo chiều ẩn dụ trên nền tảng hình thành cách chuyển nghĩa hoàn toàn mới lạ từ cảm xúc cá nhân, từ cái nhìn về hiện thực.
Đặc điểm của ngôn ngữ thơ là thường xuyên sử dụng các đơn vị ngôn ngữ tương đương làm nên chiết đoạn mang tính thông báo nghệ thuật. Nghĩa là sức biểu đạt của cơ cấu lặp lại của kiến trúc song song chính là ở chỗ tạo ra sự đồng cảm xúc giữa người đọc và tác giả. Việc lặp lại các chiết đoạn trong văn bản thơ đã tạo nên cảm xúc trữ tình, chính nó có chức năng vừa làm mờ nghĩa của ngôn từ vừa khắc hoạ hình tượng thi ca. Nếu chúng ta càng nghiên cứu tìm hiểu thì dễ dàng thấy chức năng thẩm mỹ trong thơ ca bắt nguồn từ cấu trúc ngôn ngữ theo quan hệ kết hợp và liên tưởng. Về vấn đề này, luận án có thể minh họa thêm:
“Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây, Để linh hồn ràng buộc với muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến”.
(Cảm xúc)
Cấu trúc lặp lại các chiết đoạn, khẳng định được phong cách văn chương. Dĩ nhiên, khi xác định phong cách, yếu tố không thể bỏ qua, đó là sự lựa chọn ngôn từ theo chiều liên tưởng. Về vấn đề này, trong phần tiếp theo của luận án chúng tôi sẽ lý giải tường tận hơn.
Khảo sát cách dùng từ trong đoạn thơ trên, một điều rất rõ là không phải ngẫu nhiên, tình cờ. Mà chắc chắn qua sự lựa chọn ấy nhà thơ có một dụng tâm giãi bày cảm xúc trữ tình chất thơ trong người thi sĩ. Và người đọc nắm bắt được nhiều yếu tố được khái niệm hoá như : ru với gió, mơ theo trăng, vơ vẩn cùng mây, . . . làm thành một lớp từ ngữ định hình cho phong cách nhà thơ Xuân Diệu. Quả vậy, những từ
“gió”, “trăng”, “mây”, “dây”, “tình”… được tác giả kết hợp theo cấu trúc lặp lại các
từ ngữ tương đương để nói về một chủ điểm. Điều đặc biệt rất hay ở Xuân Diệu là tuy ông, trong thoáng chốc có bâng khuâng, nhưng cách ẩn dụ sâu kín nhất nơi tác giả vẫn là ước mơ vươn lên trên cuộc sống chật hẹp, tù túng của hoàn cảnh xã hội trong giai đoạn lịch sử 1930 -1945.
Tiếp theo yếu tố truyền thống văn hoá, “hoàn cảnh sống của tác giả”, cũng là cơ sở xác định phong cách ngôn ngữ tác giả. Nhà thơ Xuân Diệu, cũng như những nhà thơ khác cùng thời, luôn luôn bị tác động bởi hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cho nên ngoài tính cách riêng tư, họ dường như có một điểm chung nào đấy. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ làm rõ ở chương hai, là chương khảo sát phong cách tác giả.
Trở lại vấn đề phong cách ngôn ngữ ẩn dụ trong cái tôi trữ tình của nhà thơ Xuân Diệu, chúng tôi chú tâm hơn về cấu trúc ngôn ngữ thơ theo hai quan hệ kết hợp và liên tưởng, đồng thời nêu lên được lớp từ được sử dụng theo cách ẩn dụ khái niệm, tạo thành một thế giới ngôn ngữ mang màu sắc cá nhân.
Việc tìm hiểu phong cách ngôn ngữ các tác giả thơ, đòi hỏi người nghiên cứu ý thức được con đường chuyển tải cảm xúc của nhà thơ được hình thành trên con đường mã hoá ngôn ngữ. Trong quá trình bộc lộ cảm xúc, mỗi nhà thơ lãng mạn tạo nên một hệ thống hình tượng về thế giới riêng của mình. Các hình tượng thơ phải được ấp ủ trong quá trình trăn trở cảm xúc, các hình tượng thơ ấy được hình thành trên cảm quan từ cuộc sống chân thật được xâu chuỗi có khi cả một quãng đời tác giả. Do đó, việc tìm hiểu phong cách ngôn ngữ nếu chỉ dừng ở cấu trúc ngôn ngữ một cách đơn thuần chắc sẽ không giải quyết được toàn bộ vấn đề mà người nghiên cứu phải đặt nó trong xu hướng tạo nghĩa ẩn dụ bằng ngữ cảnh theo cách tri nhận của nhà thơ.
Dĩ nhiên, khi phân tích tìm hiểu phong cách ngôn ngữ tác giả, người viết phải tuân theo một quá trình tiếp xúc tác phẩm: từ việc thống kê, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, đến phân tích tổng hợp, để từ đó có cơ sở nhận diện phong cách một nhà thơ cụ thể. Chúng tôi nhận thấy ẩn dụ là cách chuyển nghĩa trực tiếp từ các đơn vị ngôn ngữ khi các đơn vị này được đưa vào ngữ cảnh của văn bản nghệ thuật. Mục đích vươn tới của sức biểu cảm ngôn từ trong văn bản chính là ẩn dụ.
Sự lựa chọn hình ảnh cái tôi trữ tình trong hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” không phải ngẫu nhiên, ở đây có yếu tố hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn văn học 1930 -1945. Có thể nói, thơ xưa cảm xúc sáng tác hướng về thiên nhiên, nay các nhà thơ mới như được dịp trở về với con người cá nhân, trở về với cái “tôi” mà trước đó, trong thời gian tiếp xúc với nền văn hoá Trung Hoa, cái tôi ấy đã được trữ tình qua không gian rộng lớn của thiên nhiên, trăng, hoa, tuyết, nguyệt… Sự trở về với
chính mình của cái tôi trữ tình là hệ quả đương nhiên của quá trình tiếp xúc giao thoa giữa hai nền văn hoá Đông – Tây.
Nhà thơ Xuân Diệu trong cảm quan cá thể hoá hiện thực khách quan dưới góc nhìn quy chiếu của ngôn ngữ đã thể hiện những khát vọng của cái tôi trữ tình. Ngôn ngữ tác giả ưa dùng trong tập “ Thơ thơ” thể hiện rõ nét một phong cách ngôn ngữ trữ tình ảnh hưởng từ cuộc sống vùng sông nước thân quen của người Việt. Những ngữ ẩn dụ như “thuyền ngư phủ”, “bến sông”, “bến bờ”, “bờ non thẳm”, “sương”,
“trăng”, “sóng mắt”, “bờ môi”… có số lần thể hiện rất cao: “bờ” 8 lần, “sương” 9 lần, “trăng” 24 lần, “thuyền” 6 lần… Những nét tương đồng giữa “sóng” và “mắt” là kết quả của sự tương tác mà nhà thơ ảnh hưởng từ nền văn hóa sông nước, từ cách cảm, cách nghĩ của con người Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu lựa chọn các lớp từ ngữ phản ánh không gian, khung cảnh thiên nhiên từ cây cỏ, bến sông, con thuyền, đến mây trời, sông nước, trăng hoa… Những cảnh quan kia khi được miêu tả qua hình ảnh ẩn dụ, qua ý nghĩa lâm thời của ngôn ngữ đã tạo nên những khái niệm ẩn dụ có tính cá nhân rõ nét của nhà thơ.
Về mặt lý thuyết, chúng tôi nhận thấy rằng: các yếu tố cấu tạo nên nền văn hoá dân tộc đã có ảnh hưởng sâu xa đến quá trình hình thành phong cách ngôn ngữ tác giả. Những ảnh hưởng văn hoá, đã tạo thành thói quen, nét cảm nghĩ của nhà thơ.
Nên khi bàn về phong cách ngôn ngữ thì chúng tôi nhận thấy bao giờ người sáng tác cũng có một cái nhìn chủ quan về thế giới. Những hình ảnh, những hình tượng khách quan khi đi vào cảm xúc tâm lý bên trong nhà thơ, bản thân nó đã biến thành một hình ảnh chủ quan theo cảm nhận riêng của họ, và khi thế giới chủ quan ấy được bộc lộ qua ẩn dụ ngôn từ, thì các lớp từ diễn đạt ấy đã in đậm dấu ấn riêng tư của nhà thơ. Các lớp từ, ngữ ẩn dụ ấy nếu được quy chiếu thành một hệ thống thì chính nó là phong cách ngôn ngữ tác giả.
Những ngữ ẩn dụ như “thuyền ngư phủ”, “bến sông”, “bờ non thẳm”. . ., đáng lý chúng tôi chỉ khảo sát ở chương hai, nhưng ở đây, nó được nêu lên phân tích như là định hướng cho việc nghiên cứu của luận án và dụng ý của chúng tôi là trình bày những minh họa thật cụ thể ngay trong chương lý thuyết này.
Những hình ảnh: mây nhẹ nhẹ, mấy khóm dừa, vườn thơm ngát, bể du dương…
trong cảm nhận sóng mắt, lời môi thể hiện một tình yêu thiên nhiên tình tứ trong con người lãng mạn, vội vàng. Có thể nói, quan niệm tình yêu trong Xuân Diệu thoạt nhìn có vẻ buồn, nhưng càng ngẫm nghĩ, chúng tôi càng cảm nhận nơi tác giả một sự thể hiện cuồng nhiệt, thắm thiết trong tình yêu. Nói cách khác, tại sao trong con
người Xuân Diệu, cùng một lúc, có nhiều tính cách pha trộn : con người mộng tưởng, con người cô đơn lạc loài, và con người sống nhiệt thành. Chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh các yếu tố xã hội giai đoạn lịch sử 1930 – 1945, có nhiều ảnh hưởng đến việc định hình phong cách ngôn ngữ tác giả, yếu tố ngôn ngữ qua cách nhìn ẩn dụ quả là cơ bản chủ yếu. Bởi vì qua khảo sát cách tri nhận thế giới của nhà thơ chúng ta sẽ biết họ suy nghĩ và thể hiện phong cách ngôn ngữ như thế nào.
Quan niệm sống của nhà thơ Xuân Diệu, nếu chúng ta chịu quan sát trên cứ liệu ngôn ngữ, sẽ dễ nhận ra sự tinh tế của ngôn từ, sự quy chiếu cách dùng từ ngữ thể hiện chủ đề. Nhìn vào bảng thống kê phân loại các từ ở hai tập thơ “Thơ thơ” và
“Gửi hương cho gió”, số lần các từ nói về chủ đề tình yêu được tác giả sử dụng khá nhiều trên các đoạn thơ. Những ngữ: “ân ái”, “ân ái cũ”, “ân tình”, “ái tình”, thể hiện khát khao về tình yêu trên một không gian đầy trữ tình thơ mộng. “Ánh trăng cười”, “ánh trăng rằm”, “bể du dương”, “bến đợi”, “bờ mây”, “buổi chiều êm”,
“buổi chiều xanh”… là những kết hợp rất mới lạ theo cách Xuân Diệu. Khát vọng thiết tha của nhà thơ được lồng vào không gian cũng dịu êm, dạt dào say đắm. Tuy đây đó, ít nhiều trong thơ, tác giả vẫn còn vương chút lòng buồn, ít nhiều xa xôi non thẳm, có lúc cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Diệu vẫn gợn những nỗi buồn hiu hiu, buồn bủa vây; nhưng nhìn chung thì thơ ông vẫn đậm màu lãng mạn về tình yêu, một nhà thơ lạc quan muốn sống tận hưởng ý nghĩa cuộc đời, một nhà thơ tình luôn cuống quít, vội vàng. Cuộc đời Xuân Diệu có thể nói một cách chung nhất là cuộc đời nồng nàn tha thiết.
Chương một có tính chất định hướng trên cơ sở lý thuyết về phong cách ngôn ngữ thơ ca, chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra những số liệu để chứng minh cho những vấn đề sẽ trình bày cụ thể ở chương hai : Trên số liệu thống kê 204 đoạn thơ với số ngữ ẩn dụ là 880, thì chỉ có 120 ngữ ẩn dụ thể hiện tâm trạng buồn, còn lại 760 ngữ diễn đạt nỗi niềm khao khát, ước mơ một đời sống thiết tha rạo rực (tỉ lệ 86,4%). Nếu so với ngữ ẩn dụ thể hiện tâm trạng buồn ở trên chỉ có 13,6%; thì chúng ta có thể nhận diện Xuân Diệu thuộc phong cách nhà thơ lạc quan yêu đời tuy có lúc buồn, chẳng qua cũng do ảnh hưởng ít nhiều bởi hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Về vấn đề này, Chomsky đã từng viết : “Cống hiến chủ yếu của việc nghiên cứu ngôn ngữ chính là ở chỗ nó có thể giúp cho con người hiểu được tính chất của hoạt động tâm lý cũng như những cấu trúc được tạo ra và chịu tác động của hoạt động tâm lyự, tử duy” [144;15].
Văn thơ giai đoạn 1930 – 1945 là sự chuyển tiếp từ cảm nhận trữ tình về tình yêu thiên nhiên sang cảm xúc trữ tình về tâm trạng, về cái tôi cá nhân (dường như bị lãng quên trong một thời gian dài của sáng tác thơ ca). Thật vậy, khi tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây, con người Việt Nam như từ một nhịp cầu cảm xúc về vũ
trụ bao la, mênh mông, bước sang cách suy tư về thân phận mỏng manh, nhỏ nhoi của kiếp người. Đây là lúc nền văn hoá dân tộc có sự tiếp xúc đa diện : có cả cái thiên nhiên rộng lớn và có cả cái tôi cá thể :
“Chớ để riêng em phải gặp lòng em”.
(Lời kỹ nữ)
Trên phạm vi chung nhất, các nhà thơ mới đã có sự chuyển mình rõ nét về phong cách ngôn ngữ. Họ có chung một cách nhìn thế giới theo cảm xúc trữ tình cái tôi cá nhân. Thơ ca giai đoạn này rất mạnh dạn nói về cái tôi riêng tư của con người cá nhân với bao suy nghĩ nói năng hành động rất thực tế, rất gần gũi với đời sống thường ngày. Tất cả những trạng huống tâm lý của con người như : nỗi buồn, sự cô đơn trống vắng, cái bơ vơ . . . hay bao ước mơ, khát khao cháy bỏng, ước mơ một tình yêu hạnh phúc lứa đôi . . . cũng được các tác giả Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên đưa vào diễn đạt trong thơ rất đắt và đã đạt đỉnh cao về nghệ thuật thể hiện của ngôn từ .
Nhìn lại một vài tác giả thơ trước đó, như Tản Đà chẳng hạn, chỉ thống kê trên lớp từ ưa dùng của tác giả thơ, chúng ta cũng đủ thấy cảm xúc chủ đề sáng tác giữa hai giai đoạn khác nhau rất rõ nét (Trước 1930-1945 – Giai đoạn 1930-1945).
Khi tìm hiểu thơ Xuân Diệu, một điều không ai có thể phủ nhận được là trong thơ ông đã dung hợp được phong cách ngôn ngữ phương Tây và cách thể hiện giọng điệu ngôn từ Á Đông. Thật vậy, trong thơ Xuân Diệu ít nhiều tiềm ẩn lối diễn đạt của Baudelaire, Rimbaud, Verlaine… nhưng cũng chính những dòng thơ đó lại rất gần gũi, dễ đi vào lòng cảm mến của con người Việt Nam:
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm, Sao lại trách người thơ tình lơi lả?
(Cảm xúc)
Sự lựa chọn ngôn từ để bộc lộ cảm xúc thì đặc trưng này không chỉ riêng Xuân Diệu mới có; điều đáng lưu ý ở đây là qua lời thơ, tác giả đã để lại trong lòng người đọc sự yêu mến chân thành, sự say sưa như quyến rũ, cách hàn huyên rất đa tài. Những thành tựu ấy là do tác giả biết vận dụng kết quả tiếp xúc ngôn ngữ giữa hai nền văn hoá Đông và Tây. Qua lời thơ của mình, Xuân Diệu tự khẳng định một tính cách riêng nhẹ nhàng, lãng mạn. Cái lạ, cái xôn xao được Xuân Diệu bày tỏ trong những dòng thơ sau:
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời;
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi.
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
(Nguyeọt caàm)