CHệễNG 1 VÒ TRÍ CUÛA TRUYEÄN NGAÉN
1.1.3. Phong trào đấu tranh của nhân dân và sức sống của dòng văn học yêu nước ở các đô thị
Chỉ một ngày sau hiệp định Genève ký kết, Mỹ công khai tuyên bố không chịu sự ràng buộc với các điều khoản hiệp định, âm mưu thực hiện kế hoạch xâm lược lâu dài miền Nam Việt Nam. Trong hoàn cảnh phức tạp về mọi phương diện chính trị tư tưởng, văn hóa xã hội của miền Nam sau 1954, dòng văn học yêu nước ở các đô thị giai đoạn 1954 – 1965 đã hình thành và phát triển công khai, mạnh mẽ, bất chấp sự đàn áp, khủng bố gắt gao của chế độ thống trị đương thời.
Trong bài báo “Những kiểu lẩn trốn trong văn học hiện đại” đăng trên báo Công Lý số 5, 1964, khi đề cập đến “văn học hợp pháp” của xã hội miền Nam lúc bấy giờ, Cô Phương Thảo cho rằng: “văn học hợp pháp của một xã hội là cái tiếng nói của xã hội ấy, biểu hiện trong ba phản ứng như sau: đi với xã hội, chống lại xã
hội, lẩn trốn ra khỏi xã hội”. Đi sâu vào nội dung chống lại “một xã hội thoái hóa, bất công, không đáp ứng lại đủ đầy nguyện vọng chính đáng của đông đảo những con người” ở văn học hợp pháp, tác giả khẳng định: “Tất nhiên, chống đối lại xã hội ấy, phải là văn học cách mạng” [ 436, tr. 7].
Trong bối cảnh xã hội miền Nam sau thời Ngô Đình Diệm, khái niệm “văn học cách mạng” được tác giả dùng ở đây là theo nghĩa chung nhất (tất nhiên có hàm ý). Còn “văn học cách mạng” được hiểu là tiếng nói của những nhà văn mang tư tưởng cách mạng (của giai cấp vô sản), công khai “chống đối lại xã hội”
đương thời, thì đó là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi người cầm bút phải có dũng khí và sự khéo léo của một người sống và hoạt động trong lòng đô thị miền Nam. Thực tế cho thấy, từ chính sách đàn áp, khủng bố của nhà cầm quyền, nhiều nhà văn cách mạng được “cài” lại hoạt động công khai trên mặt trận văn học đã bị bắt bớ, giam cầm. Số khác, trước nguy cơ lộ bí mật có thể xảy ra (do chính quyền lần ra manh mối, hay do những kẻ phản bội chiêu hồi khai báo), không thể tiếp tục hoạt động đã phải nhanh chóng tìm cách thoát ra chiến khu hay vùng giải phóng. Vì thế, văn học cách mạng xuất hiện trên văn đàn công khai không nhiều. Muốn tiếp tục đấu tranh công khai hợp pháp, hay “chỉ như là một sự trở về nguồn, phản ứng lại các khuynh hướng vong bản, phi dân tộc” [487, tr. 99], những nhà văn yêu nước đứng trên lập trường dân tộc, có cảm tình với cách mạng hay không, hoặc những nhà văn cách mạng được “cài” lại trong vai trò người trí thức yêu nước tiến bộ, đều phải tìm cách sao cho vừa kín đáo thể hiện được ý tưởng của mình, vừa bảo vệ được sự an toàn của bản thân hay tổ chức trước chế độ kiểm duyệt gắt gao và hàng rào an ninh văn hóa dày đặc, sẵn sàng ra tay bảo vệ chế độ đương quyền. Nói cách khác, văn học yêu nước là dòng văn học công khai “bày tỏ nỗi niềm bức xúc và tấm lòng của giới văn nghệ sĩ, cũng là
tâm trạng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trước hiện tình đất nước” [458, tr.
441].
Dòng văn học ấy ra đời và phát triển khá đa dạng, phong phú, cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị miền Nam trong từng giai đoạn. Hòa với đà phát triển chung của cuộc đấu tranh trên nhiều lĩnh vực, tiếng nói đấu tranh trên lĩnh vực văn học đã diễn ra liên tục và bền bỉ, khi trầm lắng, lúc sôi nổi quyết liệt, trong sự nhất quán mục tiêu đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất. Tuy vậy, đối với chính quyền Sài Gòn, đây là dòng văn học không hề được mong muốn.
Xét từ góc độ thể loại, việc lựa chọn thể loại sáng tác trong hoàn cảnh tiếng nói yêu nước luôn bị rình rập và bóp nghẹt, không chỉ thuần túy phản ánh ý thức sáng tác, quan điểm thẩm mỹ, năng lực sáng tạo nghệ thuật, mà còn thể hiện nhận thức xã hội, khuynh hướng tư tưởng chính trị của nhà văn. Thơ phát triển mạnh ở những thời điểm tiếng nói tình cảm cần trực tiếp được giãi bày và đi thẳng vào lòng người. Truyện tỏ ra hiệu quả khi nhà văn khó có thể trực tiếp đề cập đến thực trạng, đồng thời muốn gợi cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị.
Khi cục diện đấu tranh phát triển mạnh mẽ rộng lớn, tiếng nói yêu nước được cất lên từ lương tâm và lương tri của nhiều người, thì mọi thể loại đều được huy động, cả bút ký chính luận, biên khảo, lý luận, phê bình văn học ít xuất hiện trong những năm đầu chia cắt. Nhiều nhà văn đã chọn các thể loại sáng tác ở những thời điểm khác nhau, nhưng thể loại nào cũng gặt hái thành công như Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương với thơ và truyện; Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân với truyện và khảo cứu văn hóa; Dương Tử Giang, Vũ Hạnh với truyện và phê bình văn học…
Chọn khảo cứu văn hóa làm nhiệm vụ chủ yếu trong sự nghiệp của mình, những nhà văn như Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Toan Aùnh… đã chọn cho mình cách đóng
góp phù hợp, nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc, tình cảm yêu mến, tự hào những giá trị truyền thống cao đẹp.
Chỉ một tháng sau ngày đất nước chia đôi, tháng 8-1954, phong trào Hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập đã nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh thành Nam Bộ và Trung Bộ. Theo sự bố trí và phân công của tổ chức, một phần lực lượng văn nghệ sĩ cách mạng ở vùng tự do tập kết ra Bắc, phần còn lại về vùng đô thị, đặc biệt là trung tâm Sài Gòn để phối hợp cùng lực lượng hùng hậu tại chỗ tham gia tranh đấu. Ngay từ những tháng năm đầu, trên nhiều tờ báo tiến bộ xuất bản ở Sài Gòn như Nhân Loại, Công Lý, Điện Báo, Hừng Sáng, Duy Tân, Tiểu thuyết Thứ Năm, Tiến Thủ, Dân Chúng, Sài Gòn mới, Aùnh Sáng, Lẽ Sống…
tiếng nói của dòng văn học yêu nước đã có một sức mạnh lôi cuốn đáng kể giữa
“nhiều sách báo viết nhảm nhí, tình yêu lãng mạn, đồi trụy khiêu dâm, rồi kiếm hiệp phi thân, luyện kiếm luyện phép, đầu độc trẻ con” [164, tr. 153]. Người đọc biết đến những bài thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, phê bình… thấm đượm nội dung yêu nước và tinh thần nhân văn như Thằng bé Nam, Hai điển hình lường gạt trong văn chương: Sở Khanh và Tartuffe (truyện ngắn, phê bình văn học - Dương Tử Giang); Sắm áo Tết, Khi rừng thay lá (truyện ngắn - Bách Thảo Sương); Phù sa (tiểu thuyết - Bình Nguyên Lộc, chỉ đăng được 1/6 tác phẩm trên Nhân Loại); Mặt rỗ hoa mè, Mối tình… xóm chiếu cầu chong (truyện ngắn - Tiêu Kim Thủy); Loạn rừng xanh, Tình Yên Phượng (truyện thiếu nhi, truyện ngắn - Viễn Phương); Mưa dầm, Chiếc áo thiên thanh, Bàn tay (thơ, truyện ngắn, tùy bút - Lê Vĩnh Hòa); Đời tươi thắm (tiểu thuyết - Thẩm Thệ Hà); Người anh quý (truyện ngắn – Đinh Bằng Phi); Tình thương giọt máu (truyện ngắn – Trọng Nguyên); Ông thầy rắn ở Đại Dừa, Tìm nàng Phù Dung ở nước Tăng Cà Lẩu (truyện ngắn - Sơn Nam)… Tiểu thuyết Bão rừng (1955) của Nguyễn Văn Xuân thuộc số tác phẩm ít ỏi của thể loại này ra đời rất sớm sau gần hai mươi năm thai
nghén đã đề cập đến việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp qua các đồn điền ở Tây Nguyên. Về ký, Vũ Bằng thể hiện nỗi niềm nhớ thương da diết và gắn bó sâu nặng với Hà Nội và đất Bắc thân yêu qua Miếng ngon Hà Nội (1956). Tác phẩm không chỉ nói đến nghệ thuật ẩm thực mà còn gợi đến truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của ông cha ta. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều bài tiểu luận sắc sảo của Thiếu Sơn, Tư Mã Việt, Tân Đức, Bằng Giang, Sơn Tùng…
Hòa cùng tiếng nói yêu nước trên văn đàn từ sau 1954, nhiều cuộc biểu tình của nhân dân nổ ra khắp các đô thị đòi Ngô Đình Diệm hiệp thương với miền Bắc, tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng chính quyền vẫn cương quyết không thực thi, với lý do Việt Nam Cộng hòa không ký vào hiệp định Genève. Thay vào đó, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến rừng núi, một không khí bố ráp, đàn áp các phong trào đấu tranh yêu nước, tiêu diệt các cơ sở cách mạng, khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ diễn ra hết sức ngột ngạt, căng thẳng. Kết quả là nhiều văn nghệ sĩ yêu nước phải chịu cảnh bắt bớ, giam cầm (Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Tư Mã Việt, Tô Nguyệt Đình (cùng tháng 10-1955), Lê Vĩnh Hòa (tháng 10-1958), Vũ Hạnh, Thái Trung, Hà Kiều, Hoài Linh, Mai Quân, bà Aùi Lan...). Có người như Lý Văn Sâm bị câu lưu chỉ vì truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ (bút danh Bách Thảo Sương) in trên báo Xuân Dân Tộc 1955. Trong cuộc nổi dậy của tù nhân nhà lao Tân Hiệp – Biên Hòa (02-12-1956), Dương Tử Giang trúng đạn hy sinh. Không ít nhà văn chịu sự đày ải lâu dài qua các địa ngục trần gian mọc lên khắp miền Nam (Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Vũ Hạnh, Sơn Nam …). Số may mắn như Lý Văn Sâm rất ít, thoát được ra ngoài đến với chiến khu. Không chùn tay, chính quyền liên tục phát động các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, mà đỉnh cao là luật 10/59, cùng hàng chục sắc lệnh, chỉ thị được ban hành nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh, bóp nghẹt quyền tự do của nhân dân. Tác phẩm của dòng văn
học yêu nước luôn chịu sự rình rập và bị coi là sản phẩm của những nhà văn
“thân cộng”, có ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia”.
Bất chấp sự đàn áp mạnh tay của chính quyền, ở các đô thị miền Nam, người đọc có thể tìm thấy trên các tờ Nhân Loại, Bách Khoa, Mai, Văn, Tiểu thuyết Thứ Bảy, Duy Tân, Công Lý… những tác phẩm yêu nước với mức độ khác nhau, thuộc nhiều thể loại. Cách viết uyển chuyển kín đáo, bóng gió xa xôi, chứa đựng nhiều ẩn ý; những biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng, biểu tượng hai mặt… được các nhà văn phát huy đến tối đa. Chưa có một sự thống kê đầy đủ nào về các sáng tác được đăng hay xuất bản thành sách trước 1975 nói chung, giai đoạn 1954 – 1965 nói riêng, nhưng với những tác phẩm đăng trên báo chí, người ta có thể hình dung ra tình hình phát triển khá phong phú của thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, phê bình… trong suốt thời gian này. Tuần báo Nhân Loại bộ mới (từ tháng 5-1956) đăng tải khá nhiều các sáng tác của các nhà văn yêu nước (Tiêu Kim Thủy, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Sơn Nam, Văn Phụng Mỹ, Bình Nguyên Lộc, Lê Văn…). Ra đời sau Nhân Loại bộ mới là bán nguyệt san Bách Khoa - tục bản từ tờ Bách Khoa bình dân trước đó – đã tồn tại lâu nhất ở miền Nam đến 18 năm (1957 – 1975). Thường xuyên cộng tác là các cây bút Vũ Hạnh, Sơn Nam, Võ Hồng, Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Hiến Lê, Lưu Nghi. Ở thời thịnh nhất, những năm 1959 – 1963, tờ này bán được đến 4.500 – 5.000 bản mỗi số. Thậm chí tờ Văn mãi đến năm 1964 mới ra đời, có lúc còn tiêu thụ mạnh hơn. Trong Ban Biên tập tạp chí Mai có các nhà văn như Vũ Hạnh, Vân Trang, Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Hiến Lê… Việc cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau trong cùng một thời gian là điều bình thường trong đời sống văn học miền Nam. Đó không hoàn toàn là chuyện cơm áo, mà còn do những tác động từ phía văn đàn và phong trào đấu tranh. Từ tháng 9-1959, Bình Nguyên Lộc sáng lập riêng tờ tuần san Vui Sống qui tụ nhiều cây bút thống nhất với “một
sứ mạng độc nhứt là gây cho thanh niên một lý tưởng. Khi họ có ngọn lửa thiêng ấy trong người họ rồi, thì xa hoa, trụy lạc khỏi phải trừ, cũng bị họ khinh thường”
(Vui Sống số 1, từ 9 đến 15-9-1959). Nhiều truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Thiên Giang, Trần Kim Văn… đã được đăng ở đây. Báo chí muốn bán chạy phải dành số trang nhất định cho sáng tác. Chọn các thể loại phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh, kín đáo gửi gắm tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, nhiều nhà văn yêu nước không chỉ tìm cách đăng sáng tác của mình trên báo chí tiến bộ mà cả ở những tờ báo chí không hẳn là tiến bộ, chủ trương không phân biệt khuynh hướng chính trị, văn chương như Bách Khoa, Tiếng Chuông, Thần Chung, Tân Dân… Có nhà văn trước khi bị bắt như Lý Văn Sâm, Lê Vĩnh Hòa, các sáng tác chủ yếu là truyện ngắn, và chỉ đăng trên báo.
Trước 1960, hai thể loại phát triển hơn cả là thơ và truyện ngắn. Những nhà thơ nòng cốt như Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Truy Phong, Mặc Khải, Hà Kiều, Kiên Giang, Giang Nam… kịp thời có những sáng tác sau khi đất nước chia cắt. Bài thơ hay chấn động văn đàn một thời, Một thế kỷ mấy vần thơ (1956) của Truy Phong, nhiều người vẫn còn nhớ mãi, đã khéo nhắc nhở họa ngoại xâm và tinh thần đoàn kết Bắc Nam đấu tranh chống xâm lược. Sau 1960, đội ngũ nhà thơ trẻ có tài năng được tăng cường khiến thơ đấu tranh thêm khởi sắc.
Trong suốt những năm chế độ Ngô Đình Diệm tồn tại, các đô thị Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Đà Lạt luôn là những trung tâm tranh đấu sục sôi. Chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính quyền trên lĩnh vực văn nghệ khiến nhiều tòa soạn báo chí bị đóng cửa hoặc tạm đình bản (Công Lý, Hừng Sáng, Duy Tân, Điện Báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Gọi Đàn, Nhân Loại, Vui Sống, Ngày Mai…). Các nhà văn Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Trang Thế Hy… sau khi ra tù không thể tiếp tục hoạt động ở địa bàn Sài Gòn đã tìm ra vùng giải phóng. Phong trào bãi công của công nhân, bãi thị của tiểu thương, đấu tranh của thương phế
binh, đồng bào phật tử, sinh viên học sinh vẫn liên tục nổ ra, nhất là ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng, cứu vãn tình hình, Mỹ mưu toan để quân đội làm đảo chính lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm (01- 11-1963). Nhưng liên tiếp gần hai năm sau đó, chính quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên. “Chỉ trong vòng 19 tháng, đã có đến 13 chính phủ được dựng lên, rồi bị lật đổ… trong mắt nhiều người, nhất là giới thanh niên sinh viên, đây là thời kỳ đen tối nhất của xã hội miền Nam” [487, tr. 83]. Mâu thuẫn nội bộ giới cầm quyền càng thêm khoét sâu; phong trào đấu tranh của nhân dân được dịp bùng lên mạnh mẽ.
Từ sau 1960, nhất là từ khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, dòng văn học yêu nước đô thị đã có sự khởi sắc. Sự xuất hiện của quân đội Mỹ từ 1965 càng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân và giới trí thức văn nghệ sĩ. Nhiều tổ chức văn hóa, xã hội yêu nước, tiến bộ ra đời (Tổng hội Sinh viên - Huế, Lực lượng Giáo chức tranh đấu, Hiệp hội Văn học nghệ thuật, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc – Sài Gòn…). Tiếng nói báo chí của các tổ chức này góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh của nhân dân đô thị miền Nam,
“trong đó không loại bỏ cả những trường hợp nhờ những tờ báo, tạp chí yêu nước dẫn đường, để kịp nhận ra rằng, chính sự có mặt của người Mỹ, lối sống Mỹ là nguyên nhân của những điều tồi tệ trong xã hội miền Nam. Đồng thời, họ cũng kịp hiểu ra rằng, các chính khách Sài Gòn không đủ sức giải quyết các vấn đề chính trị – xã hội của đất nước” [487, tr. 86]. Trên lĩnh vực văn học, bên cạnh thơ, truyện ngắn, là sự xuất hiện khá nhiều tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình. Một số cây bút truyện ngắn đồng thời là tác giả của những quyển tiểu thuyết có giá trị như Võ Hồng với Hoa bươm bướm, Người về đầu non;
Bình Nguyên Lộc với Nửa đêm Trãng Sụp (1963), Đừng hỏi tại sao (1965)… Tiểu thuyết Lửa rừng của Vũ Hạnh khởi đăng trên tuần báo Mai từ số 1 (10-7-1960),