GS. Trần Văn Giàu trong công trình nghiên cứu Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước, có nhận định rằng: “yêu nước là tình cảm và tư tưởng tự nhiên, phổ biến. Nhưng xưa nay, cuộc đời dâu bể, có dân không còn nước để mà yêu, có nước, mãi đến cận đại hay hiện đại mới hình thành, vì vậy tình cảm và tư tưởng yêu nước không nơi nào giống nơi nào” [60, tr. 8].
Thật vậy, tình cảm và tư tưởng yêu nước Việt Nam vốn được hình thành và phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn chặt với bao thăng trầm của lịch sử đất nước. Từ tình cảm tiến lên tư tưởng là cả một quá trình trải nghiệm, đúc kết qua thực tiễn đấu tranh. Yêu nước, từ xa xưa cũng đã nhanh chóng trở thành cơ sở tình cảm, tư tưởng của nền văn học dân tộc. Yêu nước và thương nòi bao giờ cũng gắn chặt nhau. Nước là nước của dân. Cho nên, yêu nước tất phải thương dân - những con người cùng nòi giống Tiên Rồng, dòng máu Lạc Hồng, cùng lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng nói yêu nước thương nòi được thể hiện qua nhiều hình tượng nhân vật không chỉ ở phương diện tình cảm mà còn là tâm hồn, không chỉ là nhịp rung cảm của trái tim mà còn là nỗi trăn trở, nghĩ
suy của những con người luôn muốn gắn bó cuộc đời mình với cuộc sống của đất nước và nhân dân.
Chỉ ba tháng sau khi hiệp định Genève ký kết, tháng 10-1954, trên Tập văn Ngày Mai, số 2, Lê Quang Vịnh (nguyên Thư ký Tòa soạn) đã cho đăng truyện ngắn Le lói (bút danh Xuyên Sơn) kín đáo kêu gọi thanh niên học sinh quan tâm đến thời cuộc, hướng họ đến hành động đấu tranh chống xâm lược. Thông điệp yêu nước nhà văn muốn gửi đến tuổi trẻ hoàn toàn khác với quan niệm về cuộc đời của nhân vật Ký - người học sinh rất chăm học nhưng “không ưa chánh trị”, khó chịu khi “nghe bạn bàn thời sự” - trước khi anh ta nhận hung tin cha trúng bom chết. Thật ra mọi vật không đứng im mà đang thay đổi. Và chỉ khi sự đổi thay đến với mình, Ký mới chợt nhớ lại cái chết “nằm trong lùm dứa dại” của người chú, hành động của người bạn học - Bách - khi “đi cạnh một người tù trẻ.
Hai người hình như thân với nhau lắm. Thỉnh thoảng, Bách đưa khăn tay lên mặt, không biết để lau nước mắt hay mồ hôi. Người tù xem chừng cũng cảm động lắm”
[17, tr. 39-40]… Có lẽ, từ giờ phút đó, Ký có thể hiểu vì sao người học sinh giỏi toán như Bách “ngày càng nhác học… người hắn cứ xơ xác đi. Má hắm rám lại.
Tính tình cũng đổi khác…” [17, tr. 40]. Cuối truyện, hình ảnh Ký tỉnh lại sau tai nạn có ý nghĩa như một lời thức tỉnh bao thanh niên đang tách mình ra khỏi thời cuộc. Phải hành động như người tù kia, như Bách, nếu Ký không muốn “con đường anh đi dài ra vô tận, tưởng như không bao giờ đi đến đích” [17, tr. 42].
Cũng như Le lói, trong một số truyện ngắn thời gian đầu, người đọc dễ dàng nhận thấy dư vang cuộc kháng chiến chống Pháp vừa trải qua. Hiện lên trong một số truyện ngắn là hình ảnh người cán bộ kháng chiến yêu nước thương dân phải giã từ quê hương tiếp tục lên đường chiến đấu. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người đã trải qua một thời gian dài xa cách người thân. Rồi hoà bình lập lại. Những mong cuộc trùng phùng không gì ngăn cách được nữa.
Thế nhưng, trước âm mưu chia cắt đất nước, họ phải gạt tình riêng, bước tiếp trên con đường tranh đấu chung của dân tộc. Mười năm thương nhớ (Ban Mai, Sài Gòn, 1955) của Lý Văn Sâm là câu chuyện chất chứa nhiều cảm xúc từ cuộc đời riêng của người viết, gây xúc động người đọc.
Bạn đọc cả nước từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 không lạ gì với tên tuổi của Lý Văn Sâm (1921-2000), nhà văn tiền chiến xứ Biên Hòa – Đồng Nai,
“từng làm mưa làm gió trên văn đàn miền Nam, từng phụ trách văn nghệ kháng chiến miền Nam trong Chính phủ Cách mạng miền Nam” [12, tr. 364]. Thẩm Thệ Hà gọi ông là “nhà văn của núi, rừng, sông, biển” [82, tr. 28]. Truyện ngắn đầu tay Cây nhị sông Phố đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) từ năm 1941, đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến. Viết nhiều thể loại, nhưng thành công hơn cả là truyện ngắn. Ngoài đề tài đường rừng, hai đề tài khác nổi bật trong sáng tác của ông là viết về cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc và cuộc sống của quần chúng lao động nghèo khổ vùng tạm bị chiếm.
Đề cập đến bối cảnh sau ngày đình chiến, cũng là thời gian nhà văn trở lại nội thành hoạt động báo chí và văn nghệ, Mười năm thương nhớ xây dựng hình ảnh anh cán bộ kháng chiến hăm hở trở về quê ngoại thăm lại bà con thân quyến và những nơi anh từng gắn bó với nhiều kỷ niệm ấu thơ. Thật cảm động, hình ảnh người dì ruột tật nguyền chống nạn đón chờ anh nơi bến đò, cùng bao nhiêu khuôn mặt già trẻ thân thương trong làng đã nhìn anh với tất cả tình cảm yêu thương. Nhưng rồi, những ngày phép ngắn ngủi trên quê hương qua nhanh, anh lại phải lên đường tiếp tục nhiệm vụ. Buổi tiễn đưa cũng tràn đầy tình nghĩa như buổi đón anh về. Những cuộc tiễn đưa như vậy thực tế đã diễn ra sau 1954: có người tập kết ra Bắc tiếp tục công tác, học tập, xây dựng lực lượng; có người ở lại cùng nhân dân miền Nam tranh đấu đòi chính quyền thi hành hiệp định. Trong
khi chính sách khủng bố của Ngô Đình Diệm luôn tìm cách trả thù đối với những người kháng chiến cũ.
Rất tiếc, nhiều truyện ngắn của Lý Văn Sâm đến nay vẫn chưa tìm thấy văn bản.
Nét đẹp hòa quyện giữa tình cảm và nhận thức, giữa lòng yêu nước thương nòi và ý thức về nghề nghiệp ở người thầy giáo kháng chiến được khá nhiều nhà văn quan tâm. Đó là người thầy giáo trong Khi rừng thay lá (Lý Văn Sâm), Nước cạn (Lê Vĩnh Hòa)… Trong Nước cạn, thầy giáo Liêu, một người dân yêu nước bình thường thời chiến tranh, ba mươi năm gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất từng “chia sớt bao nhiêu gian khổ, vui buồn giữa những ngày ly loạn” [153, tr.
103] được nhà văn thể hiện với những nét riêng đặc sắc: tình cảm yêu nước quyện chặt với lòng yêu nghề, yêu đất và sự nhận thức sâu sắc về sức mạnh vĩ đại của lực lượng đông đảo nhất, “lực lượng bấy lâu đã bị người ta nhận chìm trong bùn lầy đói rách, ngu muội” [153, tr. 104] - lực lượng những người nông dân. Ông thường mơ tới “những ngày đồng ruộng rộn rã tiếng cười vui, ngày nước nhà hoàn toàn độc lập, toàn dân tự do, no ấm và biết chữ trong cảnh thái bình”
[153, tr. 104]. Biết bao lớp học trò nhỏ vẫn luôn ghi nhớ lời ông dạy: “Chim kia có cánh thì bay, Con ơi! Có nước thì mày phải thương… Nước không độc lập sống làm gì con ơi !” [153, tr.104]. Sau hòa bình, dù tạm thời phải xa cái ấp Xẻo Quao làng Hòa Mỹ này, ông vẫn luôn tin tưởng rằng: “Nước cạn rồi thì nước sẽ đầy”
[153, tr. 107], dân làng Xẻo Quao rồi sẽ vượt qua những ngày tháng khốn khó.
Hình ảnh người thầy giáo hiện lên cuối truyện thật cảm động: “Ông cười. Nhưng có ai biết đâu nơi khóe mắt của ông hai dòng lệ ứa ra đang từ từ lăn xuống đôi gò má…” [153, tr.107].
Những truyện ngắn trên viết sau ngày đình chiến không bao lâu đã kín đáo cho thấy hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Hiệp định Genève không được chính quyền miền Nam thực thi. Tuy vậy, nhân dân yêu nước vẫn không ngừng nuôi dưỡng niềm mơ ước về một cuộc sống thanh bình. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho ước mơ được thực hiện, không phải cho riêng mình mà cho mọi người.
Ước mơ ấy thật có ý nghĩa với những người nông dân như lão Triệu, từng nếm trải những nỗi đau khổ do chiến tranh, chứng kiến “những đoàn trai trẻ đã bỏ xóm làng ra đi giữa một mùa lửa loạn” (Lão Triệu – Viễn Phương) [377, tr. 7].
Lão luôn “Ước gì đời hết chiến tranh… cho tuổi trẻ dịu đi đôi phần sầu khổ” [377, tr. 16]. Hành động của lão “cúi xuống vớt chiếc thây người”, bởi “không nỡ để một xác người ái quốc nổi trôi trên dòng sông lạnh, rồi xương trắng rã tan trên bờ lau cuối bãi đầu gành” [377, tr. 18] thể hiện một tình yêu chân thành với đất nước, con người, một tình cảm nhân văn cao đẹp. Lão không ngờ cái xác nổi trôi ấy chính là xác con gái mình đã bị “giặc giết chết vì cơ mưu bại lộ” [377, tr. 19]. Đau thương tưởng chừng làm cho lão gục ngã. Vậy mà không. Giữa đêm trường, trong cơn gió bão, lão nghiến răng, chèo vùn vụt về phía rừng sâu, “Lão đi theo con trai lão” [377, tr. 19]. Cũng như lão Triệu, Lương Sinh và Nhị Nương (Hương tình ma), Tiêu Lang và Mai Hương (Tiếng trúc Tiêu Lang), chàng ngư dân và cô thôn nữ (Oan tình) đều là những hình tượng nổi bật về lòng yêu nước thương nòi được xây dựng trong nhiều truyện ngắn của Viễn Phương.
Không mạnh mẽ như lão Triệu, nhưng trái tim chân thành và tâm hồn trong trắng của cô thôn nữ Loan trong Chiếc áo thiên thanh ( Lê Vĩnh Hòa) vẫn để lại trong lòng người đọc những nỗi niềm lắng đọng khi khép lại thiên truyện ngắn.
Để anh mình có tiền theo đuổi việc học hành, Loan vội vàng bán đi chiếc áo dài màu khói duy nhất mà cô rất quý. Qua lời nhắn gửi về chiếc áo màu xanh da trời - màu xanh thanh bình, màu của hòa bình - Loan kín đáo gửi gắm ước mơ của mình: “Em thích màu xanh. Xanh da trời đó anh. Sau này anh làm có tiền mua cho
em chiếc áo màu xanh da trời nghen” [153, tr. 20]. Nhưng rồi người anh đã không thể thực hiện được lời nhắn gửi quặn lòng của em vì “Một chiều ly loạn năm xưa…
em tôi đã cắn lưỡi hủy mình để giữ toàn trinh tiết” [153, tr. 21]. Lời thầm hứa cũng là quyết tâm của anh ở cuối truyện, “Anh sẽ vì em, vì anh, vì bao kiếp sống con người mà giữ lấy màu xanh” [153, tr. 21], chắc chắn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần từ ước mơ của biết bao người.
Cũng với một niềm ước mơ cao đẹp như thế, người thiếu phụ tên Xuân trong Người chị áo xanh (Trang Thế Hy) đã vò võ chờ đợi suốt mười năm trời. Chờ đợi, ước mơ một ngày yên giặc, sẽ là ngày chị gặp lại chồng – anh Trương. Hằng ngày, chị vẫn mặc chiếc áo màu xanh da trời, dù “Hàng đã cũ, kiểu đã xưa, màu đã nhạt, nhưng đó là màu thích nhứt của anh Trương” và cũng vì “màu hy vọng không bao giờ cũ được trong lòng những kẻ yêu đời” [192, tr. 50]. Chị đặt niềm tin tưởng vào một ngày yên giặc tất sẽ đến. Rồi ngày ấy đã đến, nhưng anh Trương vĩnh viễn không trở về. Chiếc áo xanh, chị vẫn mặc, nhưng trên khóe mắt…
không có lệ. Bởi chị “đang vui với cái đẹp lớn ấy” [192, tr. 50] của mọi người.
Chính niềm vui chung về một ngày đất nước yên giặc giúp chị kìm nén được nỗi buồn riêng. Nhưng trớ trêu thay, ngày ấy bây giờ lại là ước mơ. Đúng như tác giả viết: “Người chị áo xanh ơi! Ước gì mọi kẻ trên thế gian này đều yêu mến màu xanh như chị, thì cuộc đời sẽ đỡ khổ biết bao nhiêu” [192, tr. 50].
Lòng yêu nước thương nòi không chỉ gắn với ước mơ, hành động cao đẹp mà còn đi liền với nhận thức về sự hy sinh. Hy sinh vì lý tưởng của đời mình cũng là lẽ sống còn của dân tộc. Nhiều nhân vật được miêu tả như là những biểu tượng khác nhau của sự hy sinh, thể hiện những nét đẹp riêng trong tình cảm, tâm hồn những người con yêu nước miền Nam: trầm tĩnh, thầm lặng nhưng không kém mãnh liệt, thiết tha. Trong truyện ngắn Hy sinh, Hoàng Văn đã thể hiện xúc động nhân vật chị Ba, một phụ nữ miền Nam hiền hậu, chồng chết trong cuộc chiến
đấu chống giặc Tây xâm lược khi chúng “dùng quân lực mong tái chiếm Việt Nam để đặt ách nô lệ một lần nữa” [469, tr. 16]. Giặc lại đến làng, phóng hỏa đốt hết nhà cửa, bắn giết tất cả. Lo sợ bị lộ cùng với những người trốn chung, chị Ba cố dỗ con mình - bé Thu - nhưng nó vẫn không chịu nín. Chị như điên dại. Lúc cái chết đã cận kề, chị cố giữ không cho bé Thu bật lên tiếng khóc, quyết giữ lấy sinh mạng của bao nhiêu con người. Đến khi bọn giặc kéo nhau xuống tàu, chị Ba nhìn nhanh xuống mặt con. Bé Thu giờ đây chỉ còn là… một cái xác không hồn.
“Đêm đó trời mây rủ xuống thế gian bức màn tang chế, như để cho đời sáng tỏ nghĩa chữ hy sinh” [469, tr. 32].
Đó còn là những phụ nữ như Mai (Lòng tôi như hoa hướng dương – Viễn Phương) đã hy sinh một cách ngoan cường trong nhà tù thực dân, đế quốc. Từ thuở đi học, Vũ và Mai đã thương yêu nhau bằng một tình yêu trong sáng. Chiến tranh nổ ra, với tầm vông vạt nhọn trong tay, Vũ chạy theo đoàn quân cứu quốc.
Tiếng súng kháng địch đã im. Trở về sau mười mấy năm trời, Vũ ngỡ ngàng khi nhà Mai đã hoàn toàn thay đổi, nghĩ Mai phản bội mình. Nhưng thực tế không phải vậy. Dù không trực tiếp chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Mai, nhưng qua lời kể của người bạn thân - Sinh - anh thấu hiểu tấm lòng và sự hy sinh cao cả của người yêu. Đó là lý do để “mỗi buổi chiều tà, dù mưa sa, dù gió bão vẫn có một bóng người ròm rõi vào đây đốt mấy nén hương trầm. Người gục đầu trước mộ phần cầu nguyện thành khẩn như một tín đồ trước tượng một vị thần”
[375, tr. 82]. Người đọc hiểu dụng ý của tác giả khi thường kể những câu chuyện xảy ra trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và chiếm đóng. Nhưng cả khi xây dựng bối cảnh như thế, có lúc nhà văn cũng không vượt qua được sự theo dõi, dò xét của đội quân công an, mật vụ, cùng chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính quyền. Xây dựng hình tượng những thanh niên sống có lý tưởng và ước mơ cao
đẹp, đặt vào cảnh sống đô thị nhan nhản những người trẻ tuổi thờ ơ, bàng quan với đất nước, người đọc không khó nhận ra ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
Lý giải như thế nào về những mất mát hy sinh to lớn của người dân miền Nam, nhưng vẫn không làm họ chùn bước? Đó là do họ có “một tấm lòng” [315, tr. 245] – như lời dì Bảy (Con Bảy đưa đò – Sơn Nam) tiếc nuối nhắc lại câu nói của một chàng trai “từ chỗ kính mến tới chỗ yêu thương” [315, tr. 242] mà mấy chục năm rồi không thể gặp lại, thuở dì còn là một cô gái bán bánh bò vừa hò hay, vừa có duyên, làm xao xuyến bao trai làng. Chính vì có một tấm lòng -
“lòng yêu non nước” [315, tr. 243] – mà chàng trai Bình Thủy - Phong Điền trên đây đã không thể có một lời hứa chắc sẽ trở về. Để cho cô gái bán bánh bò gốc Ba Láng trên sông xưa, giờ là dì Bảy bán thịt heo luộc, tự nguyện xem mình như người đàn bà góa chồng: “Dượng Bảy đâu còn! Cũng như không. Dì… ở góa hằng chục năm rồi mấy cháu à…” [315, tr. 244] – Dì Bảy, “con Bảy đưa đò” ngày xưa, đã trả lời như vậy với lắm người khách tò mò khi ăn món thịt heo luộc không đâu sánh được của dì. Cái tình chưa nặng mà cái nghĩa đã dày như thế. Đó là do giữa họ đã có một sự rung cảm sâu sắc về mối tình chung với nước non. Cư dân miền Nam xưa nay nổi tiếng chất phác, bộc trực, giàu nghĩa khí nên rất coi trọng tình nghĩa. Chính sợi dây thâm tình thắt chặt mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong cuộc sống, trong quan hệ đối nhân xử thế từ thuở khai hoang mở đất đã được gìn giữ, lưu truyền, hun đúc làm nên tính cách của họ. Tìm hiểu bước chân của Người Sài Gòn và những cư dân miền Nam, Sơn Nam cho rằng: “người ở Biên Hòa, Sài Gòn tận phía An Giang, bên kia sông Hậu đều là dân Ngũ Quảng làm cốt lõi. Ngũ Quảng là dân Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau thêm dinh Bình Khang (Khánh Hòa)… Họ được xem là mẫu mực về thuần phong mỹ tục, sang trọng, đối với lưu dân đến sau” [310, tr. 5-6]. Như vậy, trên bước đường Nam tiến, lưu dân miền Nam xưa vốn đã là những người