3.3. Không gian, thời gian nghệ thuật đa dạng
3.3.2. Thời gian nghệ thuật
Trong cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm văn học, bên cạnh không gian, thời gian nghệ thuật được xem là nhân tố hư cấu đầu tiên xuất hiện đồng thời với sự kiện, nhân vật, kết cấu. Ở đó, thời gian được chuyển hóa thành một ký hiệu nghệ thuật, không đồng nhất với thời gian hiện thực. Một trong những tiêu chí phân biệt truyện ngắn với tiểu thuyết chính là độ dài thời gian. F. O' Connor (1903- 1966), nhà văn Ái Nhĩ Lan, từng khẳng định: “Đối với tôi, tiểu thuyết không có gì khác hơn là sự phát triển của các sự kiện trong thời gian và ảnh hưởng của thời gian tới sự phát triển của cốt truyện”. Ông đưa ra một thí dụ để minh hoạ: “Khi bắt gặp một tiểu thuyết trong đó các sự kiện chỉ diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ, tôi cứ ngạc nhiên và tự hỏi, thế tại sao nhà văn không viết truyện ngắn cho khỏi lôi thôi” [337, tr. 111]. Quan niệm này của F. O' Connor có phần cực đoan, nhưng vấn đề chủ yếu ông muốn nhấn mạnh chính là sự khác nhau về độ dài thời gian giữa truyện ngắn và tiểu thuyết.
Vấn đề thời gian trong truyện có hai mặt cơ bản: quan niệm thời gian của nhà văn và việc tổ chức thời gian truyện. Quan niệm thời gian của nhà văn có thể được bộc lộ một cách trực tiếp hay gián tiếp qua việc tổ chức thời gian nghệ thuật, một phạm trù của thi pháp truyện.
3.3.2.1. Thời điểm
Câu chuyện xảy ra trong quá khứ thường hiện lên thông qua hồi tưởng, liên tưởng cùng sự xếp đặt các sự kiện dưới góc nhìn chủ quan của người trần thuật.
Viết về cái đã xảy ra, nhà văn có thể xác định hoặc không xác định thời điểm (như Bút máu, Chất ngọc - Vũ Hạnh, Trăng lu - Lê Vĩnh Hòa, Con én vàng - Tô
Nguyệt Đình). Đây là dụng ý nghệ thuật của nhà văn nhằm che mắt giới kiểm duyệt. Người đọc cũng không thể xác định đầy đủ mọi sự kiện diễn ra trong cuộc đời nhân vật. Không ai biết Lương Sinh (Bút máu) lớn lên “gặp thời loạn ly” là thời nào. Hay từ khi nào quan Tổng trấn Trầm Chính Hiệp (Chất ngọc) về Hào Dương thì “cảnh đói khổ càng tăng, trộm cướp mọc lên như nấm”. Xây dựng câu chuyện có sắc thái huyễn tưởng, huyền hoặc, nhà văn thường chọn thời gian có tính chất phiếm định như ở truyện cổ tích. Trong Bạch đầu sơn, Tiếng trúc Tiêu Lang, Nghiệp vương nghiệp bá (Viễn Phương) xuất hiện những cụm từ thời gian như: Ngày xửa ngày xưa…; Ngày xưa… Thuở ấy… ; Một đêm trăng đời thượng cổ…
Ngược lại, Sơn Nam hay chọn khung thời gian thời Pháp thuộc trước năm 1945 để vượt qua lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền đương thời (Anh hùng rơm, Bác vật xà bông, Cái va li bí mật, Cậu Bảy Tiểu, Chiếc ghe “ngo”, Chuyện rừng tràm, Con Bảy đưa đò, Con trích ré, Đảng “Cánh buồm đen”, Đảng xăm mình…). Ý thức xác lập thời gian cụ thể cho những câu chuyện kể ở Sơn Nam diễn ra một cách liên tục, bền bỉ. Nó không chỉ phản ánh ý thức thẩm mỹ, quan điểm nghệ thuật của nhà văn, mà còn được xem là phương cách hiệu quả nhằm đối phó với chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Sài Gòn. Về phương diện này, người đọc nhận thấy có sự gặp gỡ giữa ông và Bình Nguyên Lộc. Riêng với nhà văn quê hương Tân Uyên – Biên Hòa, điều ông hết sức quan tâm còn là tính xác thực của sự kiện, sự việc. Chính vì thế, độc giả thường bắt gặp những chú thích rất cẩn thận của Bình Nguyên Lộc về thời gian xảy ra câu chuyện. Chẳng hạn ở truyện Ba con cáo, ông ghi: “Câu chuyện xảy ra năm 1954” [239, tr. 673]; truyện Nuôi ghẻ có thêm lời giải thích: “Câu chuyện này viết ra hồi trường chưa đổi tên” [239, tr. 545] khi đề cập đến trường tiểu học Trương Minh Ký…
Đề cập đến mảng truyện ngắn “đường rừng” đặc sắc của Vũ Hạnh, thời gian nghệ thuật khiến người đọc lưu tâm chính là đêm tối. Ở đây, sự đan kết hài hòa
giữa hai yếu tố không gian và thời gian nghệ thuật khiến cho bức tranh thiên nhiên trở nên sống động và lôi cuốn người đọc. Đêm tối làm cho chiều kích không gian bí mật của núi rừng trở nên vô cùng. Trên cái nền không gian – thời gian đầy thử thách đó, dấu ấn tính cách nhân vật có thêm điều kiện khẳng định hơn. Những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, ôm ấp hoài bão thực hiện lý tưởng cao đẹp của đời mình như Khánh, Hiệp, An, Dụng trong Mùa xuân trên đỉnh non cao đã cố gắng vượt qua bao khó nhọc, tiếp tục dấn bước bằng những nỗ lực cuối cùng còn lại của bản thân mỗi người để tìm đến một buôn nhỏ bỏ hoang, trước khi đêm tối rừng sâu ngự trị. Ở đây, sự đe dọa từ đêm tối đồng nghĩa với việc
“không còn có cách nào đề phòng được loài thú dữ” [113, tr. 185]. Đặc biệt, trong cảnh gió thét mưa gào, đêm tối ở núi rừng trở nên đáng sợ hơn rất nhiều (Cây đàn trong núi, Vàng tháp Hời). Người đọc không quên được hình ảnh ông Cửu (Vàng tháp Hời) mấy ngày mưa nằm ốm li bì, “nghe tiếng gió gầm thét ngoài rừng, rít lên trên mái tranh nhà và qua những giọng hú dài vẳng lại, tưởng như có những hồn oan trỗi dậy gọi mình. Ông chìm trong cơn mê sảng đầy bao ác mộng hãi hùng và co quắp lại như một cành khô sắp mục” [113, tr. 175].
Đêm tối cũng là thời gian quen thuộc trong truyện ngắn Sơn Nam. Nhưng khác Vũ Hạnh, nhà “Nam Bộ học” này thường chọn đêm tối làm khung thời gian để nhân vật phản diện bộc lộ những dục vọng khác nhau: “Hồi tối rồi, dưới tàu xảy ra sóng gió… mùi mẫn. Quan… phó sở Kho Bạc ôm ấp vợ lính mã tà, vợ thằng cai Thẹo” (Ăn to xài lớn) [315, tr. 33]; “Hồi tối, giữa đám đông người, tao che giấu mọi việc. Về đi… Mầy cũng đừng dạy phép tàng hình đó cho bất cứ người nào khác. Để tao làm ăn… lúc về già (Bà vợ thứ 10) [315, tr. 69]; “Đêm ấy, bà cai tổng uống liều thuốc thứ nhì với thái độ gượng gạo… để đi tới kết quả là nghe con vật gì cấu cào trong bụng” (Con rắn) [315, tr. 284]; “Tối nay, tôi ngủ lại nhà bà chủ Mẹo vừa kín đáo, vừa vui… Tụi nó dọ thám rồi” (Hai mẹ con) [315, tr. 45]…
Điểm nhìn nghệ thuật di động trong thời gian kể, nhiều lúc được nhà văn đề cập cụ thể trước và trong khi kể nội dung câu chuyện. Có nhiều dẫn chứng từ tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam): “Vào cuối 1945, thực dân Pháp đem binh ròng tướng mạnh qua xứ “Nam kỳ thuộc địa”… Đầu năm 1946, dân chúng ở rạch Cái Cau ăn một cái Tết không ra Tết…” (Con ngựa đất) [315, tr. 263]; “Câu chuyện xảy ra tại rạch Bình Thủy, làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, đâu cũng vào khoảng năm 1939 hoặc 1940 gì đó” (Cô Út về rừng) [315, tr. 335]; “Vào một buổi chiều ảm đạm tháng Sáu năm 1942, gió Nam thổi ròng bốn năm ngày liên tiếp…”
(Đại chiến với thầy Chà) [315, tr. 347]. Ở những truyện như Hát bội giữa rừng, Hết thời oanh liệt, ông đi xa hơn khi đưa độc giả trở về cái thuở mảnh đất miền Tây Nam Bộ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” [315, tr. 501], thậm chí có khi “cọp ta đi dạo xuống bãi sông để tìm mồi, rủi bị kẹt đuôi trong bụi dừa nước…
Rõ ràng thời ấy cọp quá lộng hành dám bỏ rừng sâu, bén mảng đến các xóm nhà sát mé sông, nơi mà chúng bị cô lập, thất thế nhứt” [315, tr. 511]. Truyện Hai cõi U Minh (tập Biển cỏ miền Tây), Sơn Nam tả cảnh ông Cai Thoại cùng anh em làm nghề đốn củi, ăn ong góp sức khẩn hoang vùng U Minh Thượng. Thời ấy, “hễ đói quá, cọp phải ăn thịt người”. Vì “con người chạy chậm dễ rượt theo, ở chỗ rậm rạp; heo rừng và nai thì nhanh chân hơn” [313, tr. 73]. Vậy mà con người vẫn quyết tâm tiến vô rừng chứ không phải chạy lui, vì lẽ “thà ở với cọp còn hơn ở với Tổng Bá” [313, tr. 69].
Tọa độ xuất phát và chuyển động của điểm nhìn trần thuật phần lớn thuộc về quá khứ và khép lại trong quá khứ. Có quá khứ xa và quá khứ gần. Có truyện, từ điểm nhìn quá khứ gần, nhà văn mở câu chuyện trải dài đến hiện tại và tương lai. Ở Thằng đưa đám, Thẩm Thệ Hà phóng cái nhìn ngược về thời điểm đã qua trong cuộc đời thằng Nả, khi “Ba và má em chết trong một trận dội bom của Mỹ”
[422, tr. 253]. Rồi bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời em. Chứng kiến nhiều cái
chết khác nhau của người thân và đồng loại, hành động Nả đi đưa bất kỳ đám tang nào ở Trảng Bàng giờ đây chẳng những không còn được xem là quái gở, bị chế giễu, ngược lại, trong câu chuyện của bọn trẻ, “anh Nả” còn xứng đáng được làm vua ở âm phủ. Riêng nhà văn, “tôi nghĩ thầm thằng Nả chẳng bao giờ được làm vua ở âm phủ, nếu quả thật có cái thế giới riêng gọi là âm phủ. Nhưng nó quả xứng đáng với cái phần thưởng được làm vua của bọn trẻ này, của tất cả những người biết giá trị của tình thương” [422, tr. 256]. Người đọc hiện tại và tương lai hẳn đồng tình với suy nghĩ đậm tinh thần nhân văn đó.
3.3.2.2. Thời gian đồng hành, đồng tuyến hoặc đảo tuyến
Kiểu đối thoại với người đọc, nói cách khác là sự đồng hành về thời gian giữa người kể và người đọc nhờ làm sống dậy quá khứ trong hiện tại, được tìm thấy khá nhiều trong truyện ngắn Sơn Nam (Chuyện năm xưa, Cô Út về rừng), Vũ Hạnh (Tiếng khóc dưới chân pháo đài, Ông thần bất đắc dĩ), Trang Thế Hy (Áo lụa giồng, Nguồn cảm mới)… Đoạn đầu Chuyện năm xưa, Sơn Nam viết: “Đây là một giai thoại từ hồi xưa, khoảng 1946, xa lơ xa lắc, đẫm mùi máu lửa. Có lẽ nhiều bạn trẻ chưa hiểu qua khung cảnh lịch sử của thời đầu kháng chiến chống thực dân Pháp nên tôi xin thuật lại. Năm ấy, tôi vừa ra khỏi cổng nhà trường…” [315, tr.
211]. Hay đoạn cuối truyện ngắn Tiếng khóc dưới chân pháo đài, Vũ Hạnh “trò chuyện” với người đọc qua nhân vật người kể chuyện “tôi” – trung úy Kh.:
“Chắc ai cũng có thể đồng ý với tôi rằng chiến tranh cho phép ta giết kẻ thù để đạt chiến thắng, để tự vệ, nhưng ta không có quyền giết những kẻ vô tội. Ai từng chiến đấu mà chẳng có lúc giết lầm ? Nhưng mặc dù ta vận dụng bao nhiêu lý lẽ để che dấu với người khác, ta vẫn không thể che dấu lòng ta…” [112, tr. 73]. Ở đây, sự tương tác giữa nhà văn và độc giả là một trong những biểu hiện của nghệ thuật trần thuật hiện đại. Điều đó được thể hiện khi người trần thuật, một mặt phải hướng về cốt truyện để đảm bảo tính chân thực khách quan; mặt khác, quan trọng
hơn, là luôn hướng về người đọc hàm ẩn hiện tại để việc “lấy xưa nói nay” trở nên sinh động, hấp dẫn, tác động mạnh đến người đọc.
Sự đa dạng trong cách xử lý thời gian của các tác giả dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam 1954 – 1965 còn được thể hiện qua kiểu thời gian đồng tuyến hoặc đảo tuyến thường gặp trong truyện ngắn. Trong nhiều truyện ngắn có màu sắc huyền thoại, cổ tích, dã sử hay lịch sử của Viễn Phương (Tiếng trúc Tiêu Lang, Bạch đầu sơn, Võ An Quân), Vũ Hạnh (Bút máu, Chất ngọc)… sự kiện, tình tiết được thể hiện nối tiếp nhau theo sự vận động nhân - quả. Thời gian ở đây tách biệt khỏi cách tính thời gian lịch sử, nhưng vẫn tuân theo sự vận động thuận chiều. Cũng có khi thời gian đảo ngược về quá khứ xa xôi tận mãi đến đời “ông cố của tôi” và khép lại trong bối cảnh “bây giờ nghĩ lại” (Ông thần bất đắc dĩ - Vũ Hạnh) [112, tr. 97-115]. Hoặc ít hơn thì “non trăm năm về trước” (Hết thời oanh liệt - Sơn Nam) [315, tr. 511]. Sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của truyện. Ở đây, thời gian của truyện đồng thời là thời gian chủ quan của người kể - đóng vai trò nhân vật “tôi” - tham gia vào câu chuyện.
Sự co lại hay duỗi ra về thời gian tùy thuộc vào nhân vật người kể - có thể ẩn hoặc hiện. Nó giúp cho nhà văn vừa tái hiện sinh động số phận, vừa diễn tả sâu sắc đời sống nội tâm nhân vật. Xin đưa ra một dẫn chứng về sự hiện diện của người kể và sự co duỗi về thời gian: “Riêng tôi vốn không ưa gì những chuyện quái đản… cho nên xin được làm thinh ở cái đoạn này để bắt đầu nói về ngày thứ tám” (Ông thần bất đắc dĩ - Vũ Hạnh) [112, tr. 100]. Như vậy, khi nào người kể, người trần thuật chạy theo diễn biến của sự kiện thì thời gian trôi nhanh, “tăng tốc”, ngược lại, khi dừng để miêu tả thì thời gian chậm lại, “hãm phanh”. Các truyện như Ba Viên, Mã Lê (Tiêu Kim Thủy); Người em ngày trước (Hòa Lạc);
Cậu Bảy Tiểu, Con ngựa đất, Hết thời oanh liệt, Chuyện năm xưa (Sơn Nam); Giọt nước mắt trên dương cầm, Tiếng khóc dưới chân pháo đài (Vũ Hạnh); Chiếc áo
thiên thanh, Nắng đầu mùa, Áo vải tim vàng (Lê Vĩnh Hòa); Mưa thu nhớ tằm (Bình Nguyên Lộc), Áo lụa giồng, Nguồn cảm mới (Văn Phụng Mỹ)… diễn tiến thời gian truyện nhanh hay chậm tùy thuộc nhân vật người kể: “tôi”.
3.3.2.3. Thời gian tâm lý, thời gian đồng hiện
Trong những truyện ngắn hồi tưởng như Tiếng khóc dưới chân pháo đài (Vũ Hạnh), Nắng đẹp miền quê ngoại (Văn Phụng Mỹ), Chuyện năm xưa (Sơn Nam), Hoài cố nhân (Võ Hồng), Mưa thu nhớ tằm (Bình Nguyên Lộc)… thời gian tâm lý, thời gian đồng hiện là những phương thức được nhà văn lựa chọn trong trần thuật nhằm thể hiện diễn biến câu chuyện qua việc bộc lộ thế giới tình cảm, tâm hồn nhân vật. Ở đây, thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai có thể đan xen vào nhau, quyện chặt với diễn biến tâm trạng, tâm tư, ký ức, hồi tưởng của nhân vật. Người kể có thể xuất phát từ một thời điểm trong quá khứ rồi mở dần đến hiện tại; quá khứ xa, quá khứ gần, hiện tại và tương lai đan cài cùng với thế giới tâm lý, tâm hồn nhân vật. Cũng có thể từ thời điểm hiện tại ngược về quá khứ gần, quá khứ xa qua thế giới bên trong nhân vật, đan cài với hiện tại và tương lai. Nhưng có lẽ trong phạm vi của truyện ngắn luôn đặt mục tiêu tranh đấu lên hàng đầu, việc phức tạp hóa nghệ thuật kể, đa phương hóa thời gian nghệ thuật chưa được các nhà văn yêu nước đặt ra một cách cấp thiết và rộng rãi như sự tìm tòi của các tác giả truyện ngắn nước ta trong vài thập kỷ trở lại đây, nhằm đổi mới phương thức phản ánh hiện thực, khẳng định cá tính sáng tạo của một nhà văn đương đại.
Hiện lên trong Nắng đẹp miền quê ngoại (Văn Phụng Mỹ) là những hồi ức của Trang - nhân vật “tôi” - về quê ngoại xa xôi hẻo lánh nằm giữa Đồng Tháp bao la: làng Mỹ Hạnh Đông. Dòng hồi ức trào tuôn dường như không dứt, khi Trang nhận được bức điện tín báo: “Bà ngoại mất… Ba má đi chịu tang… Con khỏi về”. Quá khứ xa, quá khứ gần đan xen với hiện tại. Qua nỗi nhớ của Trang, hình ảnh những người thân đã khuất nao nao hiện lên trong lòng: ông bà ngoại cùng
cuộc đời má Trang, “người đàn bà mộc mạc quê mùa nhờ có chút nhan sắc về làm dâu một nhà khá giả rồi âm thầm đau khổ trọn đời vì sự rẻ khinh tế nhị mà cay đắng của bên chồng” [262, tr. 13]. Trong một lần về thăm quê ngoại cho thỏa nỗi nhớ thương, tình cờ Trang biết được tội lỗi của mình khi trước đó theo gót giặc Pháp xâm lăng đã bán đứng em Thơm - người em con dì không biết mặt nhau.
Trở lại hiện tại, một buổi chiều đứng trước mộ Thơm trên bờ kinh Xáng, Trang tự hứa với em rằng “tâm tư u tối của anh từ đây sẽ trong sáng lần lần nhờ sự soi rọi của nắng đẹp miền quê ngoại” [262, tr. 25]. Tác giả đã khéo léo thể hiện thủ pháp đồng hiện thời gian nhằm bộc lộ nội tâm nhân vật trong nhiều đoạn văn:
Giờ đây, giặc đã yên rồi… Mấy hôm nay… Bỗng nhiên tôi nhớ đến ông ngoại, bà ngoại tôi... Tôi nhớ đến người mẹ hiền… Tôi nhớ đến dì Ba tôi và mấy người con… Tôi nhớ đến ngôi nhà ngoại tổ…
Bao nhiêu bể dâu, tang tóc đã xảy ra… ?Ai trả lời được cho tôi ? Chỉ có một cách là về thăm Mỹ Hạnh Đông miền quê ngoại… Đến nơi vào lúc xế trưa… Chiều nay, tôi đứng trước mộ của em Thơm trên bờ kinh Xáng… Em Thơm ơi !… Anh chỉ muốn hứa với em rằng… [262, tr.
19-20-21-24].
Những thành công trong xây dựng không gian, thời gian nghệ thuật cho thấy truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1965 khá linh hoạt, hiện đại trước những đòi hỏi của thực tế. Đó chính là sự tiếp nối và phát triển những thành tựu của truyện ngắn Việt Nam trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội không thuận lợi.