Hình tượng con người

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 145 - 148)

Trong thế giới hình tượng nghệ thuật, quan trọng nhất vẫn là con người.

Hình tượng nhân vật là con người trong truyện ngắn dòng văn học yêu nước đô

thị miền Nam giai đoạn này khá đa dạng, thể hiện trên hai bình diện: hình tượng con người với tư cách là nhân vật trong tác phẩm và hình tượng tác giả đi liền với ý thức về vai trò xã hội và vai trò văn học của nhà văn – một vai trò được người đọc chờ đợi.

Trước hết, hình tượng nhân vật con người được nhà văn xây dựng nhằm tái hiện thời đã qua, có khi rất xa xôi: từ vua quan đến thường dân; từ công nhân, nông dân đến thư sinh, nho sĩ, binh lính; từ người anh hùng cho đến hạng tiểu nhân; đủ già trẻ, gái trai; nhiều ngành nghề; không ít quốc tịch, màu da (Việt Nam, Trung Quốc, Pháp)… Tính đa nghĩa của hình tượng con người thể hiện phổ biến ở phương diện mượn câu chuyện quá khứ (nhiều nhất là thời Pháp thuộc) với những con người quá khứ để nói hiện tại; chọn cách viết ẩn dụ, tượng trưng, bóng gió xa xôi theo lối biểu tượng hai mặt những vấn đề đương thời khó có thể đề cập. Chẳng hạn mượn vua quan xưa để chỉ giới cầm quyền, đề cập thói hung tàn bạo ngược để nói đến chính sách khủng bố đàn áp… Đó là cách để nhà văn tạo nên vỏ bọc vô bằng cớ nhằm đối phó với sự bố ráp của chính quyền. Chiếm số lượng đông đảo hơn cả là hình tượng những con người yêu nước với nhiều biểu hiện khác nhau trong cuộc chiến đấu với kẻ thù muôn mặt, với áp bức bất công, hay với những niềm đau nỗi khổ do hoàn cảnh tạo nên. Nhiều hình tượng trở thành những tính cách nổi bật, gợi lên những liên tưởng như nàng Băng - vợ Thái Phiên (Rồi máu lên hương – Nguyễn Văn Xuân), dì Bảy (Con Bảy đưa đò – Sơn Nam), Nga (Trăng lu – Lê Vĩnh Hòa)…, cả những hình tượng như Võ An Quân (Võ An Quân – Viễn Phương), Lương Sinh (Bút máu – Vũ Hạnh)…

Khác với giai đoạn sau (1965 – 1975), khi khí thế đấu tranh yêu nước phát triển đến cao độ, nhiều nhân vật từ đời sống bước vào trang sách, nhà văn trực tiếp đề cập đến hình tượng người lính viễn chinh, lính Sài Gòn, nhất là người dân vùng tạm bị chiếm… trong các truyện ngắn Nước vỗ chân cầu (Huỳnh Ngọc Sơn),

Những vòng hoa ngụy tín (Thế Vũ), Con thú tật nguyền (Ngụy Ngữ), Người bắt ruồi (Nguyễn Hoàng Thu)…

Bên cạnh hình tượng nhân vật con người, việc tìm hiểu hình tượng tác giả sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn về tác phẩm. Văn bản văn xuôi nghệ thuật bao giờ cũng là lời của người trần thuật, người kể chuyện. Nhà văn tạo ra văn bản đồng thời xây dựng hình tượng phát ngôn văn bản ấy với một giọng điệu nhất định.

Thông qua hình tượng tác giả, người đọc nhận ra ý thức xã hội và văn học, cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn. Trong nhiều truyện ngắn của Lê Vĩnh Hòa (Chiếc áo thiên thanh, Nắng đầu mùa, Vòng hoa tang, Tư đầu bò, Áo vải tim vàng), Sơn Nam (Bà đầm Phô-xi-đông, Chuyện năm xưa, Con ngựa đất, Hai con cá), Vũ Hạnh (Giọt nước mắt trên dương cầm, Tiếng khóc dưới chân pháo đài, Giấy nhãn, Ông thần bất đắc dĩ, Con tư diêm), Võ Hồng (Hoài cố nhân, Ngày xưa, Rồi trái cây sẽ chín), Văn Phụng Mỹ (Nắng đẹp miền quê ngoại, Vừng trăng bên kia sông, Aùo lụa giồng, Nguồn cảm mới, Mấy giòng thư cũ)… hình tượng nhân vật

“tôi” được các nhà văn xem là phương thức chiếm lĩnh hiện thực trực tiếp, mang sắc thái khách quan, có khả năng truyền đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc đã từng làm cho họ day dứt, trăn trở. Ở mỗi nhà văn bao giờ cũng có nhiều cách khác nhau thể hiện hình tượng tác giả. Đọc truyện ngắn Sơn Nam, người đọc luôn thấy hiện lên hình tượng một con người gắn bó với ruộng đồng, rừng núi quê hương bằng một tình yêu mãnh liệt đến xao xuyến và một lòng căm thù áp bức, bất công. Gắn bó từ lâu với mảnh đất đô thành Sài Gòn, bên cạnh những ký ức sâu đậm về mảnh đất chôn nhau cắt rốn Quảng Nam và vùng đất Tây Nguyên hoạt động thời thanh niên, truyện ngắn Vũ Hạnh còn cho thấy hình ảnh một trí thức luôn ưu tư trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội thị thành. Với Lê Vĩnh Hòa, Văn Phụng Mỹ, rõ nét nhất trong những trang văn của hai ông chính là thái độ cảm thông, phẫn nộ xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi khi chứng kiến

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 145 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)