Tính cách nhân vật phản diện

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 182 - 186)

3.4. Miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách sinh động

3.4.1. Tính cách nhân vật phản diện

Khá nhiều nhân vật phản diện được xây dựng với ngoại hình và đời sống nội tâm sinh động. Trong số đó, không ít những tính cách đã được khắc họa khá đậm

nét. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp kết thúc, nhưng hình ảnh thực dân Pháp tiếp tục được thể hiện là thế lực đại diện cho cái xấu, cái ác, từng gây bao nỗi đau khổ cho người dân lương thiện, và là đối phương trong các phong trào kháng Pháp của văn thân, nghĩa sĩ những thập niên cuối thế kỷ XIX. Dụng ý nghệ thuật được nhà văn thể hiện kín đáo trong quá trình miêu tả, xây dựng nhân vật. Do đó, sự liên tưởng, so sánh sẽ giúp người đọc cảm và hiểu sâu hơn những gì họ đang tiếp nhận khi đối chiếu với thực tế miền Nam lúc bấy giờ.

Trước hết, chân dung những viên sĩ quan xâm lược hiện lên khá sinh động trong nhiều truyện ngắn. Trong Hương máu, Nguyễn Văn Xuân đã xây dựng khá chân thực viên đại tá Pháp “lổng chổng những mề đay xanh đỏ” [509, tr. 270] trực tiếp đến gặp “tội nhân” Hồ Học để hỏi thẳng và chiêu dụ. Những chi tiết bộc lộ tính cách viên sĩ quan thực dân không chỉ thể hiện qua hành động (sai người cởi trói, bắc ghế cho bại tướng ngồi), mà còn ở những lời thẩm vấn chất chứa nhiều hàm ý, chẳng hạn: “Ông Hồ Học ! Tôi biết ông là một sĩ quan có giá trị lớn của Nghĩa Hội. Tôi là quân nhân của một cường quốc nên bao giờ cũng trọng các quân nhân dù họ ở phe địch, nhất là những quân nhân can trường. Mà ông thì tôi biết rất can trường” [509, tr. 270]. Cả việc ông ta đích thân mở bao thuốc lá trao cho viên sĩ quan vệ sĩ đi thẳng đến mời Hồ Học. Những hành động, lời nói trên cho thấy viên đại tá quả là một tay lão luyện trong “nghề” tra khảo tội nhân. Nhưng thế thượng phong ấy chẳng được bao lâu. Đến lượt ông “đại to” bị “tội nhân” Hồ Học hạch ngược trở lại, đồng thời nhanh chóng phản đòn sau thái độ nổi giận và lời chửi rủa thô tục của y: “cái ghế dựa bằng gỗ trong tay ông đã lao tới như gió, đánh thẳng vào mặt viên đại tá”, trong khi “viên này lấy tay đỡ thì một chân ghế xoẹt qua đầu, hất cái mũ của y xuống đất” [509, tr.272]. Những chi tiết ẩn dụ đắt giá như thế này không hiếm trong truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân. Nó cho thấy sự thất bại tất yếu của bọn giặc xâm lược trên đất nước ta.

Không chỉ thâm độc, nhiều viên sĩ quan xâm lược còn rất háo gái. Bằng lối trực tả cốt bóc trần bản chất nhân vật, Văn Phụng Mỹ đã khắc họa khá sinh động hình ảnh viên trung úy Pháp chỉ huy quận lỵ nổi tiếng hảo ngọt và chứa đầy dục vọng, nhất là khi đứng trước “cái cơ thể non tơ của cô gái quê mùa, duyên dáng”

(Nắng đẹp miền quê ngoại) [262, tr 18-19]. Ở căn phòng làm việc sang trọng của y, bên cạnh khẩu tiểu liên treo trên tường là “nhiều bức ảnh thiếu nữ khỏa thân rọi lớn” [262, tr. 18]. Trong một cuộc càn quét, “Giải sầu với son phấn đô thị mãi cũng nhàm. Y muốn “đổi dĩa” và tìm chút hương đồng nội” [262, tr. 16]. Viên trung úy này đã nghĩ ra cách để bọn lưu manh tạo dựng màn kịch vu oan cô gái giấu lựu đạn dưới xuồng và những tên lính thuộc quyền ra tay “nghĩa hiệp”, rồi đưa cô thẳng về hành dinh của y. Thế nhưng, người con gái quê mùa tên Thơm ấy đã sẵn sàng chống trả để bảo vệ sự trong trắng của mình: cô lấy khẩu tiểu liên trên vách lên cò chờ sẵn, và khi viên trung úy vừa bước vào đã lãnh liền hai phát đạn. “Nhưng có lẽ cô ta mất bình tĩnh hoặc không rành xài vũ khí… Y giành được khẩu súng và tặng lại cho cô nguyên một loạt…” [262, tr. 19]. Hành động của viên trung úy không phải là cá biệt. Biết bao cô gái nông thôn và thành thị đã rơi vào vòng tay bạo ác của những tên xâm lược như vậy. Trong truyện ngắn Hai mẹ con (Sơn Nam), khi đến Xẻo Rô, việc làm đầu tiên của lão Tây đoan là cho lính dọ thám nhà đàn bà góa chồng để y đến ngủ sau tiệc rượu say. Theo lão, việc tìm đến nhà bà chủ Mẹo giàu có, sống một mình, chồng chết, còn “cần kíp hơn” cả công việc định làm ngày mai là rình bắt những nhà đặt rượu lậu và sòng cờ bạc.

Miêu tả cái “cười khoái trá như con thú dữ sắp vồ được miếng mồi ngon” [315, tr.

464], nhà văn đã làm bật lên ngọn lửa dục tình đầy toan tính đang hừng hực cháy trong lòng lão. Lão đã không cần giấu giếm với Hương quản Cò rằng: “ Tối nay, tôi ngủ lại nhà bà chủ Mẹo vừa kín đáo, vừa vui… Tụi nó dọ thám rồi” [315, tr.

465]. Oái oăm thay, bà chủ Mẹo là người Hương quản Cò “đối xử đẹp và có cảm

tình đặc biệt”. Chuẩn bị đồ ăn thức uống chờ giờ phút hàn huyên ngắn ngủi với đứa con trai - Hai Tân - buôn á phiện lậu phải lánh mặt vì giết người lén về thăm mẹ, bà muốn chết đi cho rồi khi bắt gặp cảnh trên cái giường trải chiếu bông dành để đón con “Hương quản Cò đang đấm lưng cho lão Tây đoan, lão ta say mèm… Dưới nền gạch, nào là đùi gà, xương gà, mấy cái ve chai rượu ông Cọp đen” [315, tr. 465]. Sự gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng hợp lý của hai thế lực dâm ô đã nhân đôi nỗi thống khổ của người dân, khiến tiếng nói tố cáo thêm mạnh mẽ.

Cấu kết, bợ đỡ bọn quan chức Lang Sa rồi quay lại hà hiếp đồng bào không phải là những việc làm xa lạ với loại tay chân người Việt bán rẻ lương tâm. Sơn Nam đã rất thành công trong việc tạo nên cảm giác tởm lợm nơi người đọc về những nhân vật như Cậu Bảy Tiểu (Cậu Bảy Tiểu), giáo Chích (Hai ông già), cặp rằng Be (Nhứt phá sơn lâm)… Trong Nhứt phá sơn lâm, chỉ vài nét chấm phá nhà văn đã vẽ ra chân dung cặp rằng Be, một tay chân của “chủ đường” vốn rất có thế lực với nhà cầm quyền thực dân Pháp đương thời. Xuất hiện giữa đám tay rìu nhân công nghèo khổ, hắn “mặc bành tô vàng, miệng ngậm ống vố”, kèm theo lời nói là những cử chỉ, lúc “hất hàm lên”, khi lại “nhếch mép”. Không ai lạ gì

“cái tật xỏ lá” của hắn. Người như ông Tư Châu Xương, ông Hai Cờ Đỏ, anh Tư Bình Thủy dù nghèo, thậm chí dốt nát nữa, nhưng không ai nhận thức và hành động như tay cặp rằng này. Những lời “nói dóc” của hắn, những hành động “cướp ráo” “mồ hôi nước mắt của dân tứ xứ”, có dịp đã bị mọi người vạch trần. Hắn hăm dọa, phản ứng lại anh Tư Bình Thủy bằng một câu nói thể hiện rõ nhận thức sai lầm chua chát của một tay chân: “- Tao cho Tây hay. Nó vô bắn nát óc mày.

Xứ này, xứ của Tây mày biết chưa ?” [315. tr. 747]. Xuất hiện chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng cặp rằng Be đã gây nên một ấn tượng khó quên nơi người đọc về một loại nhân vật đánh mất nhân phẩm, lương tâm, bán linh hồn cho “quỉ dữ”. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đạt đến mức chân thực, tự nhiên và sâu sắc.

Những đặc điểm tâm lý, tính cách đó được thể hiện chân phương qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của nhân vật. Đúng như nhận xét: “chỗ tài tình của Sơn Nam là sau cái bề ngoài giản dị như vậy, ông vẫn tỏ ra là một người hóm hỉnh sắc bén, ông diễn tả được những sự thực tâm lý tế nhị” (Tràng Thiên) [442, tr. 102].

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Có những người sau một thời gian lầm đường lạc lối tỏ ra hối hận, tự vấn lương tâm, lương tri của mình. Tác giả Tiếng khóc dưới chân pháo đài (Vũ Hạnh) đã có sự tìm tòi đáng trân trọng trong bút pháp miêu tả tâm lý liên quan đến vấn đề không mới, nhưng có sức hấp dẫn người đọc, góp phần tác động mạnh vào hàng ngũ đối phương đang cầm súng chống lại nhân dân. Đó là sự thức tỉnh từ cõi sâu thẳm của tình cảm, tâm hồn con người, “những sự rung động về nghĩa nhân ái, về lòng thương yêu, về tình trắc ẩn”, là “tiếng vọng của lương năng con người trong khi tha thiết đòi hỏi công bình, nhân ái”, là “tiếng kêu cứu của những con người hiện nay đang bị tàn sát, đọa đày oan uổng”, là “sự cảnh cáo thống thiết nhất của con người đang cố gắng đến cùng lực để bảo vệ cái vốn quí hóa nhất của chính mình” [112, tr. 73-74]. Đứng trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn, nhưng nhân vật trung úy Kh. có một chiều sâu tâm lý được miêu tả rất sống động và chân thực. Khi là lời tác giả, lúc là lời nhân vật, khi đứng trong cuộc, lúc như người ngoài cuộc. Chọn cách biểu hiện trạng thái hồi ức, hồi tưởng của nhân vật, Vũ Hạnh đã dùng ngòi bút không chỉ ghi nhận, mà chủ yếu là bộc lộ, giãi bày. Nhờ vậy, giữa tác giả và nhân vật có được sự nhập thân, hóa thân trọn vẹn. Phải chăng không phải đến thập niên 80 của thế kỷ XX, trong văn học Việt Nam mới xuất hiện kiểu nhân vật tự vấn, mà từ thập niên 50, người đọc đã biết đến kiểu nhân vật này ?

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 182 - 186)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)