Hình tượng âm thanh

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 139 - 142)

Ở một số truyện ngắn trong những năm đầu, Viễn Phương đã chú ý xây dựng âm thanh thành những hình tượng nghệ thuật sinh động. Hiệu quả thẩm mỹ đem đến cho người đọc từ những hình tượng âm thanh này vượt xa ý nghĩa bình thường của một chi tiết hay sự kiện đời sống được phản ánh vào trong tác phẩm.

Trong Tiếng trúc Tiêu Lang (Viễn Phương), hình tượng ẩn dụ tiếng trúc bổng trầm xuyên suốt truyện ngắn chính là tiếng lòng của dân chúng Mai thôn khi rộn rã, lúc uất hận thương đau. Nhưng cũng có thể hiểu đó là tiếng gọi của non sông, là

“hồn đất nước”. Hình ảnh Mai thôn hay hình ảnh đất nước cũng đâu khác gì. Từ

“tiếng trúc kỳ diệu của Tiêu Lang đã thu góp được nét hùng vĩ của non sông Tổ Quốc” [377, tr. 43] đến điệp khúc “Cứu lấy quê hương! Cứu lấy Tiêu Lang” [377, tr. 48] trở đi trở lại nhiều lần trong phần cuối tác phẩm, thông điệp nhà văn gửi gắm thông qua hình tượng ẩn dụ tiếng trúc tưởng đã khá rõ ràng. Tương tự, từ đặc điểm âm thanh sự vật, hình tượng tiếng pháo và tiếng súng trong Nghiệp vương nghiệp bá vừa mang ý nghĩa so sánh, ẩn dụ, vừa chứa đựng ý nghĩa tượng trưng thể hiện rõ chủ đề tác phẩm. “Tiếng pháo nổ như tiếng reo cười của non sông đất nước. Khói pháo lên thơm nức như hơi thở của đồng ruộng cỏ cây. Và xác pháo đẹp chao ôi là đẹp ! Sắc pháo thắm như sắc hoa phượng, hoa đào, thắm như màu hạnh phúc” [377, tr. 54]. Tiếng pháo ấy hoàn toàn khác hẳn với “tiếng súng nổ vang trời dậy đất”, cùng với cảnh “bước chân vua tiến đến đâu là máu tuôn xác ngã, thành quách tan tành… Thế giới đã chìm trong điêu tàn, trần gian đã ngập trong biển máu” [377, tr. 56]. Và Huỳnh Đế đã có một quyết định đúng đắn khi cho chôn chặt quyển sách “Bá đạo” dạy lấy thuốc pháo làm nên thần công hỏa tiễn để làm bá chủ thiên hạ, mà chỉ giữ lại quyển “Vương đạo”, đồng thời truyền bí quyết làm pháo cho nhân dân với lòng tin tưởng rằng: “tiếng pháo của người không bao giờ biến thành tiếng súng man rợ để gieo điêu tàn tang tóc chốn trần gian” [377, tr. 57].

Ngoài mô-típ (motif) hình tượng âm thanh thức tỉnh lòng người được nhà văn thể hiện nhằm bộc lộ tâm tư tình cảm, kín đáo bày tỏ quan điểm của nhân dân đối với hiện trạng cuộc chiến tranh xâm lược, người đọc còn tìm thấy nhiều vấn đề trong đời sống xã hội miền Nam được đề cập, chẳng hạn tình trạng mua bán trong giáo dục. Trong Giọt nước mắt trên dương cầm (Vũ Hạnh), đó là âm thanh tiếng khóc nức nở của cô bé học trò tuổi còn non trẻ, vốn có một bản chất dễ cảm và một năng khiếu thông minh đặc biệt, “đem hết tấm lòng thơ ngây vào bài học, vào nghệ thuật”. Tiếng khóc ấy cất lên sau mỗi lần chiếc đàn trầm lặng được đánh thức nhằm diễn tả “những tình cảm mà em không thể hiểu biết, có thể đi cho đến lúc trọn đời em không bao giờ tìm gặp”, khiến cho người thầy với cách “dạy dỗ mua bán”, “bận tâm vào bao nhiêu cái nhỏ nhen của cuộc đời”, trong một thoáng sửng sờ đã cảm thấy vô cùng xấu hổ về sự thấp kém của mình. Như có “phép bùa”, tiếng khóc ấy đã “lột được cả cái bên ngoài biến đổi, che đậy, để lộ nguyên hình cái cá nhân ti tiểu” trong người thầy. Đó cũng chính là lúc ông nhận thức được rằng “những giọt nước mắt của người học trò nhỏ vẫn còn sáng lóng lánh trong hồn tôi, tỏa chiếu cái sự thực luôn luôn đòi hỏi vươn cao lên của ý thức con người”; từ đó mà “nghĩ đến cái nhiệm vụ thiêng liêng của một nhà giáo dục, của sự truyền cảm trong nghệ thuật, của một kẻ đàn anh đối với em nhỏ thơ ngây” [87, tr. 70]. Rõ ràng tiếng khóc đã có một sức mạnh lớn lao thanh lọc tâm hồn, tình cảm, hướng con người đến với cái cao thượng, lớn lao.

Những hình tượng nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng được xây dựng từ âm thanh sự vật, hiện tượng được đặt trong lớp vỏ kín đáo của truyền thuyết (Tiếng trúc Tiêu Lang), truyện cổ tích (Nghiệp vương ngiệp bá) cùng hình tượng chắt lọc từ thực tiễn đời sống xã hội có nhiều đổi thay (Giọt nước mắt trên dương cầm) đã cho thấy những khó khăn, phức tạp trên bước đường sáng tạo nghệ thuật của nhà

văn nhằm góp tiếng nói cho cuộc đấu tranh của nhân dân đô thị miền Nam trong những năm dài đất nước chia cắt.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 139 - 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)