Bên cạnh hình tượng âm thanh, các nhà văn đã thể hiện thiên nhiên như những hình tượng nghệ thuật đa nghĩa góp phần phản ánh sinh động đời sống nội tâm nhân vật. Thiên nhiên đa đạng gắn liền với cuộc sống con người ở nông thôn, thành thị hay núi rừng, sông biển. Hình tượng con người và hình tượng thiên nhiên không phải lúc nào cũng có mối quan hệ gắn bó, chan hòa. Các biện pháp nghệ thuật phóng đại, cường điệu, nhân hóa sức mạnh, vẻ đẹp của tự nhiên được các nhà văn vận dụng khá triệt để, nhất là những nhà văn thường chọn bút pháp huyền thoại huyễn hoặc, ma quái thần kỳ như Viễn Phương, Vũ Hạnh, Thẩm Thệ Hà… Trong nhiều truyện ngắn đường rừng của Vũ Hạnh và Sơn Nam, người đọc thật sự bị cuốn hút khi lần bước trước thiên nhiên núi rừng kỳ vĩ, ẩn chứa nhiều bí mật. Thiên nhiên ấy, có lúc con người nhìn nó như một ma lực thật khiếp sợ: “Kẻ thù bây giờ không chỉ trước mặt sau lưng mà đã bủa vây tứ phía. Mỗi lần gặp một cành gai bấu áo giật lại, tôi bỗng hoảng hốt như bị bàn tay núi rừng giữ lấy. Qua mỗi bước chân khua động lá khô xào xạc, tôi có cảm tưởng như nghe văng vẳng tiếng rít của loài rắn độc, tiếng gầm của giống hùm beo…” (Vượt thác – Vũ Hạnh) [114, tr. 36]. Nhưng có khi nó hiện ra thật hiền hòa: “thầy đội trố mắt hồi lâu…
Đôi ba trăm con rùa đủ cỡ, đủ loại, đang cỡi đè lên nhau, chen lấn nghe lộp cộp.
Con thì ngã ngửa, khoe cái yếm vàng lườm, bốn cẳng ngoe nguẩy bơi trong không khí. Con khác cố gắng quào vào vách hồ bằng sậy… Loại rùa nắp thì e thẹn, khép cái yếm lại, giấu kín đầu cổ vào trong mai, giống như món đồ ngon cất kỹ trong cái hộp bằng xương” (Cấm bắt rùa – Sơn Nam) [313, tr. 15].
Cuộc sống thương hồ bồng bềnh trên sông nước là nét đặc sắc của một bộ phận cư dân Nam Bộ. Trên chiếc thuyền là cái nhà nổi, thiên nhiên gắn bó với
đời sống con người được thu nhỏ đến mức tối đa như chính cuộc sống quá ư chật hẹp và nghèo khó của họ: “Một con heo đứng trước mũi một chiếc thuyền, ngơ ngác nhìn bờ rạch, rất có vẻ thèm đất để mà ủi. Một con gà nuôi trong ống tre, ló đầu ra, kêu lên những tiếng kêu kỳ dị của những con quái vật dị tướng vì thân thể của nó bị ép uổng một cách quá tàn nhẫn… Không có chiếc thuyền nào mà không trồng rau… chiều chiều họ lên đó để thưởng ngoạn thiễn nhiên, để “xem hoa nở, chờ trăng lên”” (Lại mẹ tôi tái giá – Bình Nguyên Lộc) [239, tr. 481]. Ý nghĩa cuộc sống con người được nhà văn kín đáo gửi gắm qua những hình tượng thiên nhiên được miêu tả như vậy.
Trong thế giới thiên nhiên muôn màu muôn vẻ gợi nét đặc trưng của đất và người phương Nam, người đọc còn có thể gặp những hình tượng động vật. Đó là con rắn dục tình đang sục sôi trong lòng bà cai tổng (Con rắn - Sơn Nam). Ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng hiện lên rõ ràng trong đoạn cuối khi nhà văn cho biết thêm rằng: “Vài tháng sau, bà cai tổng bỗng lớn bụng. Rồi sau tháng Giêng, bà xổ ra một đứa “thầy rắn con”…” [315, tr. 288]. Ở truyện ngắn có màu sắc ma quái thần kỳ Hai con cá (cùng tác giả), hình tượng hai con cá “là binh tướng, là gia nhân của ông hoàng” [315, tr. 450] – chỉ hoàng tử Nhựt, con vua Gia Long. Nhắc đến việc mở nước đầy gian lao của tiền nhân, Sơn Nam kín đáo kêu gọi mọi người hãy hành động yêu nước, góp phần giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử.
Đến với truyện ngắn Con thằn lằn (Vũ Hạnh), người đọc thật sự thú vị về một hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng: con thằn lằn. Từ thực tế nghiệt ngã của chốn ngục tù, liên hệ đến những câu thành ngữ dân gian như
“Thằn lằn gặm đuôi”, “Miệng lằn lưỡi mối” và đời sống của một loài sinh vật
“sống đời hèn mọn của loài sâu bọ, côn trùng” với tiếng tặc lưỡi “nhỏ nhoi, cô độc, nhưng thật gọn gàng, nổi rõ giữa vùng tăm tối âm u của chốn xà lim thấm lạnh về khuya” [116, tr. 197], nhà văn đã làm nổi rõ hình tượng nhân vật Hùng,
khi xuất hiện bên cạnh tù nhân ấy là một con thằn lằn. Trong suy nghĩ của Hùng, đời sống của con vật “Ở đâu cũng có… ngay cả cái xó tối này” có một sự gần gũi với cuộc sống phổ biến có thể tìm gặp bất cứ nơi nào trong xã hội đương thời. Đó là cuộc sống của “hạng người nép trong bóng tối cuộc đời, bóng tối của sự ngu dốt, của sự tàn bạo để rỉa xương thịt đồng bào, đồng loại” [116, tr. 189]; “sợ hãi sự thực, trốn vào xó xỉnh và lừa cơ hội để rỉa rứt những cơm thừa xương vụn của đời, tự yên thân với cuộc sống nhỏ bé, tối tăm” [116, tr. 196]; “bò ép mình xuống và chỉ ngước lên khi có hơi tiền” [116, tr. 197]; cả tiếng “tặc lưỡi về sự hèn hạ, ti tiện”… Hùng vững chí rằng “Cuộc đời của anh không một tiếng tặc lưỡi nào lớn, anh đã sống mạnh, sống hết sức mình để bênh vực cho lẽ phải, anh đã dám làm những điều anh nghĩ, không biết sợ hãi một sức mạnh nào”. Điều làm anh quan tâm là những ngày tàn tạ trong chốn ngục tù này, “anh không muốn biến thành cái tặc lưỡi khi đứng bên bờ lỗ huyệt mà bọn sát nhân đào xới” [116, tr. 198]. Bởi vì, anh tin rằng “giữa một nhân loại sôi động mỗi ngày mỗi vượt cao hơn trong sự hoàn thiện con người”, thì hình ảnh con thằn lằn hèn mọn chỉ “tượng trưng cho một thế hệ đang đi dần vào suy tàn” [116, tr. 200].
Nhiều truyện ngắn viết dưới hình thức ngụ ngôn như Chuột cù phiêu lưu, Ba trâu ba cột của Thanh Tuyền; Con khỉ kỳ diệu của Thiện Tâm chứa đựng nhiều yếu tố thần kỳ huyễn hoặc, đã xây dựng những hình tượng loài vật khác nhau, không chỉ hấp dẫn trẻ em mà còn lôi cuốn cả người lớn. Ở đây, những đặc tính loài được nhà văn chú ý để hướng vào việc xây dựng hình tượng. Chẳng hạn đời sống bầy đàn, thích tự do, nhất là sự thông minh của loài khỉ được vận dụng để xây dựng hình tượng anh Khỉ, chị Vượn, nhất là Hầu Viên; đối lập loài mãnh thú với đại diện là Hổ Chột (Con khỉ kỳ diệu). Tương tự, trâu Cò (Ba trâu ba cột) là hình tượng ẩn dụ về lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng, tình đoàn kết và niềm tin tưởng vào lý tưởng cao quý của con người.
Thế giới thực vật cũng được các nhà văn huy động vào quá trình xây dựng hỡnh tượng nghệ thuật đa nghĩa. Trong Cõy huờ xà (Sơn Nam)ứ, hỡnh tượng ẩn dụ là một loài thực vật. Rượu “rắn giao đầu” không thể thay cho tình yêu thương tự nhiên giữa trai và gái. Thói nghi kỵ, ganh ghét sẽ đánh mất lòng chân thật, thậm chí giết chết con người (như cái chết của cha con thầy thuốc rắn Năm Điền). Cây huê xà vì thế là hiện thân của tấm lòng chân thật, tình cảm yêu thương giữa con người với con người, đồng nghiệp với… đồng nghiệp.
Ở Mưa thu nhớ tằm (Bình Nguyên Lộc), cây dâu già trên mười năm tuổi được bác Y, người thợ dệt gốc phủ Điện Bàn – Quảng Nam trồng và “chừng như quí lắm” [239, tr. 517], là sự hiện thực hóa nỗi nhớ tằm “như nhớ người tình nhơn đầu” [239, tr. 518] và nỗi nhớ quê hương của bác. Vì nhớ tằm nên bác trồng cây dâu này “để sáng sáng, chiều chiều ra nhìn lá mà nhớ hén” [239, tr. 519] và cũng vì “trong Nam này, ít khi tôi được thấy cây dâu lắm, nhứt là ở Sài Gòn”, nên trồng cây dâu “cho nó giống làng tôi” [239, tr. 518]. Bác kể như vậy. Nghe bác nói về tằm mà như nói về một “người bạn”. Cây dâu trở thành hình tượng biểu tượng cho nỗi nhớ sâu nặng, da diết của bác Y.
Nhìn chung, thiên nhiên trong nhiều truyện ngắn không chỉ là hình tượng nghệ thuật gắn với môi trường sống và thử thách, góp phần bộc lộ tính cách con người, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh. Trong hoàn cảnh đấu tranh không cân sức, luôn chịu sự theo dõi, rình rập của chính quyền, hình tượng hóa thiên nhiên vừa là phương thức xây dựng hình tượng, vừa phản ánh tính đặc thù trong tư duy nghệ thuật của các nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1965.