Tiếng nói chống xâm lăng

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 95 - 110)

Hòa với tiếng nói yêu nước thương nòi và tiếng nói chống chính thể phi nhân, trong cuộc đấu tranh chống xâm lăng, bảo vệ sự trường tồn của dân tộc, ý thức, tinh thần dân tộc luôn là vấn đề được đặt ra đầu tiên. Bàn về “Văn hóa, võ khí bảo vệ dân tộc”, ngòi bút chính luận trước 1975 Lý Chánh Trung đã khẳng định: “một dân tộc chỉ tồn tại khi nào ý thức được lý do tồn tại của nó, nghĩa là ý thức được rằng nó đáng được tồn tại và có quyền tồn tại như một dân tộc. Chưa có ý thức, chưa có dân tộc. Không còn ý thức, không còn dân tộc” [400, tr. 913]. Thật vậy, ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc làm nên sự tồn tại bền vững của một dân tộc trước các thế lực ngoại xâm. Ý thức, tinh thần dân tộc mất đi, sớm muộn dân tộc đó sẽ bị diệt vong.

Xâm lược Việt Nam, Pháp – Mỹ chưa bao giờ chạm phải một tinh thần dân tộc mạnh mẽ đến như vậy. Tinh thần ấy bắt nguồn từ tình cảm yêu nước thiết tha, sâu nặng, từ truyền thống chống ngoại xâm bền bỉ, kiên cường, kết tinh trong văn học từ Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), cho đến Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (Hồ Chí Minh) sau này. Lịch sử xưa nay ghi nhận biết bao người đã ngã xuống vì sự sống còn của dân tộc. Trước những khúc quanh lịch sử, cảm hứng dân tộc bao giờ cũng là cảm hứng sâu sắc nhất, cảm động nhất của nhà văn.

“Nhận định về mấy cảm hứng văn nghệ” ở miền Nam thời chống Mỹ, Trần Hồng

Quang đã chỉ ra: “Phải làm con người dân tộc của một dân tộc độc lập tự chủ nhiên hậu mới có cơ sở để làm con người nhân loại”[400, tr. 773].

Chính ý thức “phải làm con người dân tộc của một dân tộc độc lập tự chủ nhiên hậu” đã thôi thúc biết bao nhà văn yêu nước đã không sợ gian khổ hy sinh, dùng ngòi bút khắc họa, biểu dương tinh thần dân tộc, hành động chống xâm lược xuất phát từ khát vọng thiêng liêng là hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam. Đọc thư của một học trò trường trung học Võ Trường Toản (Sài Gòn), Lý Chánh Trung đã không kìm được xúc động trước “những dòng thống thiết” và “cảm thấy cả một dĩ vãng xa xôi bừng sống lại”. Ông đã ghi lại bức thư giàu tình tự dân tộc đó trong một bài viết của mình: “Dân tộc đây rồi!”. Bức thư có đoạn: “Chúng con đã tìm thấy dân tộc qua những làn hơi cay, dù lúc đó chúng con đã nhòa nước mắt. Chúng con đã thấm thía thế nào là yêu nước qua những vết bầm của dùi cui. Thầy ơi, … Chúng con đã nhìn thấy dân tộc, chúng con đã thấy mặt trời, nên nhà giam đã vang dậy lời ca… [400, tr. 909].

Những lời lẽ tận đáy lòng đó biểu lộ một tinh thần dân tộc mạnh mẽ luôn tìm thấy ở những người Việt Nam yêu nước, giúp họ vượt qua được những cam go, thử thách trên con đường tranh đấu chống ngoại xâm. Rất nhiều truyện ngắn của Lê Vĩnh Hòa, Tô Nguyệt Đình, Thẩm Thệ Hà, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc, Vân Trang, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân… đã dựng lại biết bao hình ảnh con người miền Nam kiên gan, bất khuất, hào phóng, bộc trực, trọng nhân nghĩa, căm thù áp bức bất công, đã kiên trì đứng lên tháo bỏ xích xiềng nô lệ của ngoại bang.

Sinh ra ở Bình Định, nhưng từ nhỏ Lê Vĩnh Hòa (tên thật Đoàn Thế Hối) theo cha vào sống ở xã Vĩnh Hòa (tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang). Gắn bó với vùng đất Tây Nam Bộ từ thời kháng Pháp và sau đình chiến 1954, là cán bộ kháng chiến cũ ở lại đảm nhận công tác thanh vận thị xã Sóc Trăng đi sâu vào

giới học sinh và công nhân nghèo, Lê Vĩnh Hòa đã kịp thời bắt nhịp với hơi thở cuộc sống con người miền Nam ở nhiều địa phương, đặc biệt vùng đô thị, nơi ông có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Trong câu chuyện của mình, nhà văn thường chú ý khơi gợi tinh thần dân tộc, ý chí chống ngoại xâm, ngợi ca lòng yêu nước, yêu quê hương, thể hiện niềm thương cảm với những con người đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Hình ảnh anh lính bạc-ti-dăng (partisan – tiếng Pháp:

Địa phương quân) trong truyện ngắn Một chuyến đò xuôi âm thầm rời bỏ hàng ngũ lính Tây sau cái đêm buồn tang chế, khi biết được “mẹ bị bắn chết, con bị sả làm hai”, vợ “bị hãm hiếp cho đến điên cuồng” [131, tr. 335] đã gieo vào lòng người đọc niềm cảm thông hơn là oán giận. Chính tình thương yêu những người thân, cao hơn nữa là tinh thần dân tộc, đã giúp anh tỉnh ngộ, không tiếp tục đi theo con đường sai lạc chống lại nhân dân.

Trong một hoàn cảnh khác, khi giặc đến làng cùng cảnh “loạn ly gieo khắp nẻo đường quê đất nước”, hình ảnh ông Từ đình làng (Trăng rằm vẫn đẹp – Giang Châu) bỗng nhiên đâm ra rượu chè, tâng bốc, khiến dân làng trước đây

“thương mến ông bấy nhiêu, giờ lại âm thầm phẫn uất ông bấy nhiêu”. Bản thân con gái ông nhiều lần “khuyên can cha già chớ nên mãi đắm say vào vòng đen tối, nhưng Nhung nào biết được ý định của ông Từ” [15, tr. 14]. Thậm chí, ông Từ còn mở tiệc linh đình đãi lính đồn và mừng ngày cô Nhung thành hôn với sếp đồn ngoại quốc oai vệ. Tiệc hầu tàn, tất cả đều ngà ngà say, đoàn quân chống xâm lăng do Nhân (chồng sắp cưới của Nhung) chỉ huy tràn vào. Cuộc chiến đấu diễn ra và kết thúc. Trong bản tuyên dương công trạng anh hùng, người ta ngạc nhiên thấy trước hết là tên ông Từ đình làng giờ đã ra người thiên cổ, kế đến là Nhung, Nhân và các binh sĩ… Hiểu ra, dân làng cảm thấy nhớ thương ông vô hạn. “Ông đã nêu cao một tấm gương sáng chói nghìn đời, gây lòng tin nơi giặc để thừa cơ cho con gái mở cửa đồn giết giặc bảo vệ lấy giống nòi” [15, tr. 15]. Những con

người bình thường không bao giờ quên cội nguồn như ông Từ đình làng gợi nhớ bao người dân yêu nước xưa nay chỉ với tay không, lòng dũng cảm, sự mưu trí sáng tạo của mình đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược đến từ mọi phửụng.

Từ những truyện ngắn viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình, Sơn Nam đã chân thành bày tỏ nỗi niềm “Ray rức mãi đời ta, Nắng mưa miền cố thổ, Phong sương mấy độ qua đường phố, Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…” (Thay lời tựa) [315, tr. 8]. Nỗi niềm ấy chính là nguồn mạch tình cảm, tinh thần tuôn chảy dạt dào suốt cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của ông, kết đọng thành những trang viết đậm đà sắc thái Nam Bộ, không lẫn với ai khác. Là cán bộ thời kháng Pháp, từng trải nghiệm cuộc sống chiến đấu gian khổ, kiên cường, Sơn Nam có điều kiện đi sâu vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ở đó, ông tận mắt nhìn thấy biết bao tính cách con người đã được văn chương yêu nước giai đoạn trước khắc họa:

khẳng khái, ngoan cường, trọng nghĩa nhân, giàu tinh thần dân tộc. Dùng ngòi bút góp phần vào cuộc chiến đấu của nhân dân, Sơn Nam thường kể việc khẩn hoang, chống điền chủ, chống thực dân Pháp; từ đó, khéo léo phản ánh thực trạng, nêu lên những vấn đề bức xúc của xã hội miền Nam đương thời. Qua câu chuyện, ông tác động vào tình cảm yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí chống xâm lược của người đọc. Truyện ngắn Bà đầm Phô-xi-đông đã cho thấy sự mỉa mai nhẹ nhàng nhưng thấm thía của nhà văn với hạng người như Cô Ba, vợ lẽ Tây Đầu Đỏ tên thật là Phô-xi-đông. Từ cử chỉ đến cung cách, Cô Ba gián tiếp cho mọi người thấy rằng mình không còn là người phụ nữ Nam Bộ truyền thống:

mỗi lời nói thường kèm theo tiếng “à há” xa lạ; kiểu “cổ áo khoét rộng như hình trái tim” [315, tr. 45] chỉ tiện mặc trong phòng the; “hương vị thơm nồng ngoại lai” [315, tr. 44]; những trò “mua vui một vài trống canh” bày cho đám thanh niên

tá điền… Đó là lối sống nửa Tây nửa ta, mà những người có ăn học như thầy Hai chỉ càng thấy nhục nhiều hơn. Cô đâu biết rằng, mình cũng là nạn nhân của Tây Đầu Đỏ đa tình. Là người Việt Nam, nhưng ở Cô Ba tinh thần dân tộc đã phai nhạt đến mức khó có thể nhận ra.

Cùng loại người theo Tây, tiếng tăm của cậu Bảy Tiểu (Cậu Bảy Tiểu) trở thành nỗi khiếp đảm của dân làng Đông Thái. Hắn chỉ quen “tha hồ cướp phá dân lành nhưng tự xưng là đại diện cho công lý của … quan lớn!” [315, tr. 174].

Quan tư Ca-rê ở Rạch Giá cấp cho hắn một cái giấy đặc biệt, mạnh đến nỗi

“được quyền tiền trảm hậu tấu hoặc trảm mà chẳng cần “tấu”” [315, tr. 177]. Ông hương trưởng Tạc chết, gia đình muốn làm đám ma theo nghi lễ, phải chờ phép hắn. Trong một lần hứng chí hiếm hoi, hắn đã cho hơn hai mươi tên thổ phỉ tay chân đến bồng súng làm dàn chào để “tống biệt người bạn già”, và bất chợt nhận ra đạo binh của hắn tuy đầy đủ súng đạn nhưng còn thiếu … một cây kèn đồng!

Những kẻ sống bám gót giày giặc, đánh mất tinh thần dân tộc còn được tìm thấy trong nhiều truyện ngắn khác của Sơn Nam. Đó là Hai Tâm (Mối tình…đầm lai ) với chân tướng “bất tài, thất đức mà đòi làm ông cha thiên hạ” [315, tr. 622], thực chất chỉ giỏi đánh giặc miệng và “o mèo” kiểu Tây; là hương quản Cò (Hai mẹ con) cấu kết với Tây đoan biến bà chủ Mẹo thương con thành con tốt cho những mưu đồ cá nhân; là thầy giáo Chích (Hai ông già) cam tâm làm Việt gian vẫn mạnh miệng nói đến hai chữ “công dân” và đột ngột cảm thấy “đau xót lạ lùng” khi tên quan hai Tây Phẹt-năng “đưa tay vỗ nhẹ lên đầu … như người cha khen đứa con có hiếu” [315, tr. 481]… Ý nghĩa mỉa mai nhẹ nhàng mà thâm thúy, truyện ngắn Sơn Nam đã tác động đến tình cảm, tư tưởng người đọc, đánh thức tinh thần dân tộc, ý chí chống ngoại xâm từ những câu chuyện như những lát cắt khác nhau của đời sống con người và thiên nhiên vùng đất U Minh, hay vùng căn cứ địa cách mạng Tây Nam Bộ thời kháng Pháp ông từng gắn bó.

Cùng phản ánh bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều nhà văn khác cũng đã tìm cách nêu cao tinh thần dân tộc, khí thế chống xâm lăng qua những tấm gương anh hùng nghĩa sĩ, dù cuộc chiến đấu phải trải qua những thất bại tạm thời. Nhà văn đất Quảng Nam Nguyễn Văn Xuân được biết đến trước 1945 với hai truyện ngắn xuất hiện trên Tiểu thuyết Thứ Bảy: Ngày giỗ cha (26-6-1943) và Ngày cuối năm trên đảo (1-1945). Ông chứng tỏ được thế mạnh khi đến với mảng hiện thực gắn với bối cảnh phong trào Cần Vương chống Pháp ba tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định (Về làng, Chiếc cáng điều, Hương máu), cùng tên tuổi những lãnh tụ Nghĩa Hội như Nguyễn Duy Hiệu (tước Hồng Lô, tự Khanh, thường gọi là ông Hường), Phan Bá Phiến, Hồ Học, Tú Bính…

Nguyễn Văn Xuân không chọn viết về những năm tháng vinh quang khiến quân Pháp và Ả Rập gánh chịu nhiều thương vong, mệt mỏi chống lại lối “đánh rồi chạy, chạy rồi đánh, ngày nghỉ đêm đánh, dĩ dật đãi lao”, mà viết về giai đoạn gian nan, về “ngày tàn của Nghĩa Hội” [509, tr. 241] khi “công cuộc kháng chiến của ba tỉnh giờ đây đã rút lại còn thu hẹp trong một góc rừng núi Quế Sơn” [509, tr. 258]. Với ông, cái chết lẫm liệt của những anh hùng, nghĩa sĩ đã tiếp tục

“truyền thống oanh oanh liệt liệt với nụ cười lặng lẽ của các chí sĩ Việt Nam… gây một xúc động bất tuyệt trong lòng kẻ hậu sinh, cốt truyền tiếp một niềm tin tưởng không bao giờ dứt” [509, tr. 277]. Bằng nhiều chi tiết chắt lọc, gây ấn tượng mạnh, nhà văn đã miêu tả thành công không khí của các cao trào kháng Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX: thật anh dũng nhưng cũng đầy đau thương. Chịu trách nhiệm trước sự thất bại của Nghĩa Hội, ông Phan, ông Hường tìm đến cái chết với mong muốn “bảo toàn sinh lực, ý chí của Hội để chờ thời cơ thuận lợi sẽ hoạt động trở lại” [509, tr. 261]. Chứng kiến Phan đại nhân uống thuốc độc tự vẫn, nhiều người “không ngăn được mối xúc động mãnh liệt, phải nhét vạt áo vào họng sợ e cất lên tiếng khóc sẽ làm giảm mất không khí thiêng liêng” [509, tr.

263]. Đặc biệt, hình ảnh danh tướng Hồ Học trước khi bị bắn còn kịp “liệng mình lao tới, đá song phi vào khẩu súng và vào mặt” [509, tr. 272] tên đại tá Pháp thật đáng khâm phục, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tình cảm, tinh thần yêu nước chống xâm lược, lòng tự hào dân tộc, khác hẳn với cảnh tượng đáng xấu hổ khi “viên tổng đốc rối rít nhặt cái mũ, phồng mang trợn mắt thổi cho sạch bụi trước khi lễ phép nghiêng mình trao lại cho đại tá” [509, tr. 272].

Miêu tả hình ảnh những người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh nhân dân, bằng cảm quan lịch sử đúng đắn, Nguyễn Văn Xuân không chỉ chú ý đến vai trò của họ với tư cách là những lãnh tụ của phong trào kháng Pháp mà còn quan tâm nêu bật mối quan hệ giữa họ với quần chúng, hình ảnh của họ trong tình cảm, nhận thức của những người cùng chí hướng, lý tưởng tranh đấu. Trong Về làng, không giống những trường hợp thực dân Pháp đưa các tử tội về thọ hình ở địa phương nhằm răn đe dân chúng, ông Tú Bính xin về chết ở làng để được thấy quê hương lần cuối cùng. Ngày ông về làng, “tất cả già trẻ cùng quỳ xuống lạy ông khi ông đi qua… Không ai cầm được nước mắt khi thấy ông vẫn phương phi, vẫn trầm tĩnh đi dần từng bước vào cõi chết” [509, tr. 313]. Kết thúc truyện ngắn Hương máu, nơi pháp trường Huế, hình ảnh vị thủ lĩnh Nghĩa Hội, ông Hường – theo cách gọi của quần chúng - ngồi trong cũi lớn làm thơ tuyệt mệnh, “mỉm cười thọ hình” trong phong cách “thung dung tựu nghĩa” trước khi bị hành quyết đã tạo nên một ấn tượng và niềm cảm phục mạnh mẽ nơi người đọc. Qua hồi tưởng của người kể chuyện, một viên chức nhỏ dưới quyền Phan Bá Phiến, hình ảnh vị thủ lĩnh cùng đoàn nghĩa binh hiện lên với một sức cuốn hút mãnh liệt:

Đêm ấy, tôi ngủ và chiêm bao thấy hàng trăm kỵ sĩ ruổi rong khắp xóm làng tỉnh Quảng Nam mang theo những lá đại kỳ viết bằng chữ lớn, báo tin thủ lãnh phiến loạn đã chết... Tôi sửng sốt chạy lại thì thấy toàn những bộ mặt rất quen mà tôi đã gặp suốt ba năm trời ở

núi rừng. Nhưng khi họ trưng thẳng lá cờ, tôi không thấy hung tín nữa mà chỉ thấy một chữ “Tiệp”rất lớn. Rồi tôi lại thấy đoàn kỵ sĩ áo quần sặc sỡ hiện ra và tất cả cùng đua nhau chạy về phía sương mù [509, tr. 278].

Đó là một kết thúc đậm chất bi hùng. Dù chiến bại, người đọc vẫn vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến toàn dân chống kẻ thù xâm lược, như lá cờ báo tin chiến thắng bằng “một chữ “Tiệp” rất lớn” trên đây.

Cùng cảm hứng sáng tạo gắn với đề tài lịch sử, nhiều truyện ngắn Võ Hồng đã phản ánh hiện thực từ những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, thời kỳ chín năm kháng chiến chống Pháp, đến sau 1954. Những truyện ngắn ấy đã giúp cho những tâm hồn yêu nước ở người đọc có thể xác định đúng đắn lý tưởng của đời mình. Gắn bó suốt cuộc đời với mảnh đất Trung Bộ, với quê hương Phú Yên – Khánh Hòa, Võ Hồng đã làm sống lại hiện thực cuộc sống, con người gắn với những địa danh quen thuộc Nha Trang, Phú Yên, Tuy Hòa, Đà Lạt, Phan Rang, Lâm Viên – Ninh Thuận, Huế… trong thời kỳ dài đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Mùa gặt là truyện ngắn đầu tay của ông đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1939, với bút danh Ngân Sơn (lấy tên làng ông sinh ra). Ông chính thức bước vào làng văn từ tập truyện ngắn Hoài cố nhân (Ban Mai, 1959). Truyện ngắn đề tựa Hoài cố nhân miêu tả câu chuyện tình yêu học trò của Lý và Xuân trong một giai đoạn lịch sử phức tạp: Nhật đảo chính Pháp và xâm lăng Đông Dương, cuộc chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ trở lại cho đến khi kết thúc. Đó là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Truyện đã phản ánh một thực trạng:”Nhiều người vì không ưa Pháp nên hóa ra ưa Đức và Nhật. Thật hết sức là đơn giản. Họ không cần biết Đức thế nào, Nhật thế nào. Mặc dù vậy, họ vẫn lý luận rất hăng, thương ghét ra mặt” [175, tr. 23].

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 95 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)