Tính cách nhân vật chính diện

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 186 - 191)

3.4. Miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách sinh động

3.4.2. Tính cách nhân vật chính diện

Đối lập với loại tính cách nhân vật trên đây, truyện ngắn giai đoạn này còn xây dựng thành công nhiều nhân vật anh hùng, nghĩa sĩ và nhân dân lao động

thuộc mọi thành phần xã hội đã sống và chiến đấu trong lòng xã hội áp bức, bất công, cùng với sự thống trị của kẻ thù xâm lược.

Nổi bật là hình ảnh những anh hùng, nghĩa sĩ kháng chiến chống xâm lược Pháp. Những nét tính cách thường thấy là quyết tâm chiến đấu và hy sinh vì sự sống còn của Tổ Quốc và nhân dân, là ý thức không chấp nhận sống quỳ, sống nô lệ, lầm than. Bằng ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt, với vốn kiến thức văn hóa sâu rộng về nhiều lĩnh vực, “trung thành cái nhìn lịch sử bằng con mắt của dân chúng” (“Trước khi vào truyện”) [506, tr. 6], Nguyễn Văn Xuân đã làm sống lại một cách chân thực và hào hùng hình ảnh những người con ưu tú đất Quảng Nam trong phong trào kháng Pháp ở miền Trung: Tổng đốc Hoàng Diệu (Viên đội hầu), Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề (Rồi máu lên hương), Nguyễn Hiệu, Phan Bá Phiến, Hồ Học (Hương máu)… Người đọc không quên hình tượng Tổng đốc Hoàng Diệu “đá hắt mâm cháo gà rồi quay lưng đi ra” [509, tr. 290] khi nhận tin tất cả các kho đạn của thành đều bị phát nổ. Những chi tiết sống động và cũng thật xúc động như “hai tay áo của ông rách bươm, đen nghịt những khói thuốc súng” [509, tr. 288]; “Lần thứ ba, quay lại, ông vẫn thấy viên đội hầu lẽo đẽo theo sau. Tức giận, ông rút thanh gươm đeo lủng lẳng bên mình, lao vút trở lại” [509, tr. 291]. Hay trước lúc tự vẫn, nơi võ miếu “trong quang cảnh hết sức tịch mịch và lạnh ngắt. Quan Tổng đốc khấn vái rồi phủ phục, rồi lại khấn vái.

Lần phủ phục sau cùng khá lâu” [509, tr. 292], và “Lần cuối cùng, ông nhìn lại vợ chồng ông thủ từ đang quỳ hướng về ông, rồi đưa cổ vào thòng lọng, đu mình ra giữa đám lá rậm” [509, tr. 293]… đã giúp người đọc hiểu rõ khí phách và tấm lòng của một nhân vật lịch sử nổi tiếng.

Còn nhiều nữa những nhân vật anh hùng. Chọn lối miêu tả gián tiếp qua sự cảm nhận của đông đảo người “từ bốn phương kéo về” [509, tr. 354] chen chúc xem tử tội thọ hình, xen lẫn vài nét phác họa ngoại hình và nội tâm, Nguyễn Văn

Xuân nhanh chóng nắm bắt cái “thần”, khéo léo khái quát từng tính cách con người cụ thể. Đó là Thái Phiên, “chàng thư sinh bạch diện, tóc tơ rối rắm kia lại có gan sắt đá đủ làm kinh hồn, táng đởm cả một kinh thành” [509, tr. 355]; là Trần Cao Vân “cũng không lấy làm gì cao lớn, mặt hơi rỗ hoa, râu dài với chiếc áo dài rộng tay kiểu đạo sĩ không bao giờ rời nó làm cho người xem càng muốn đoán sâu, hiểu sâu thêm tư tưởng con người theo “vạn pháp quy tôn” kia đang biến chuyển ra sao ?” [509, tr. 355-356]; là Tôn Thất Đề “bị giam cầm lâu ngày, ông thị vệ tiếng tăm này vẫn phì nộn, to béo tốt tươi, núc ních đi dưới chiếc gông tạ gỗ lim như đi dưới một thứ đồ chơi bé nhỏ” [509, tr. 356]. Đều là tử tù, nhưng trước đấy họ đã

“thu phục được lòng cả một vị đế vương khiến bỏ ngai vàng để dấn thân vào đường nguy hiểm” [509, tr. 348]. Giờ đây, những con người “vì việc vua, việc nước”

[509, tr. 351] kia lần lượt được dẫn ra bãi chém An Hòa. Từng đoàn, từng lũ lính khố vàng, khố xanh, khố đỏ cùng lính Tây “hùng hổ nhịp nhàng tiến vào”,

“nhanh nhẹn bọc quanh pháp trường, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng” [509, tr. 355].

Rất nhiều chi tiết miêu tả cái chết oanh liệt nhưng bi thương của họ. Đặc biệt, hành động của đồ tể Ngáo “càng say càng chặt bậy”: với Trần Cao Vân, “đủ bảy nhát mới chém nổi đầu một ông già chẳng lấy gì làm to lớn”; với Tôn Thất Đề,

“chém đến chín nhát mà vẫn trơ trơ. Quân lính phải cởi trói ông ra đè ông xuống cho Ngáo lấy dao cắt cổ” [509, tr. 359] khiến người đọc hết sức tiếc thương, kính phục khí phách dũng cảm của người anh hùng; đồng thời vô cùng căm phẫn trước sự tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Những chi tiết miêu tả người vợ của Thái Phiên - nàng Nguyễn Thị Băng - với tấm lòng thương yêu chồng đến cuồng dại, “xõa hết mớ tóc đen như mun để chùi, để thấm, để bết hết cái dòng máu ít ỏi đã từ cơ thể chồng nàng đổ ra” [509, tr. 357-358], rồi khư khư giữ lấy cho đến khi “chết đi, tay vẫn đè trên đống tóc như thể sợ người ta sẽ nhẫn

tâm đem nó đi để gội rửa cái chất máu lên hương” [509, tr. 362] đã khiến không ít người đọc không thể cầm lòng trước một tấm chung tình.

Không chỉ tập trung miêu tả người anh hùng, Nguyễn Văn Xuân còn xây dựng thành công hình ảnh những nghĩa sĩ Quảng Nam yêu nước, cụ thể là nông dân Chợ Củi, với những đại diện tiêu biểu như bác Hiền, chú Từ, Thiện, Bốn, chị Mững… (Cái giỏ). Từ chỗ ngại ngần “cái đầu nó bôi gì bóng loáng, e đưa câu liêm vào nó trơn tuột, làm sao mà kéo?” [509, tr. 319], đến khi nghe lời lý giải của bác Hiền và quyết tâm của Thiện, Bốn, mọi người đã hăng hái ra tay giết Tây chỉ bằng những lưỡi câu liêm đơn giản “móc vô cái đầu nó mà giật” [509, tr. 319].

Nổi bật lên tập thể yêu nước ấy là những thanh niên như Thiện, Bốn – nhất là Bốn. Chi tiết miêu tả cái chết tai nạn của Bốn trượt chân khi nhảy xuống thuyền để đến gia nhập quân ngũ ông Hường, nhưng cái giỏ “chiến lợi phẩm” đầu tiên đựng cái đầu Tây “không rời trong lúc sống, không rời cả khi chiến đấu với tử thần” gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Cảm động hơn khi mọi người biết rằng, anh mới cưới vợ và vợ “hình như có thai” [509, tr. 332]. Truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân hấp dẫn người đọc bởi tính chân thực của nhân vật, sự kiện lịch sử được tái hiện bằng một ngòi bút sinh động, một nghệ thuật miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách nhân vật mang dấu ấn, phong cách riêng độc đáo.

Từ hình tượng người tử tù “Khám tử hình Sài Gòn” (Nắng đầu mùa), Lê Vĩnh Hòa đã cho thấy một cách thể hiện mới mẻ về người thanh niên yêu nước miền Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ Quốc như thế nào. Dưới hình thức bức thư gởi lại cho vợ, nhà văn đã đem đến cho người đọc những rung động và hiểu biết sâu sắc về tâm tư, tình cảm của Lương - chồng Uyên, cha của bé Linh - trước giờ phút hy sinh. Đứng trước biến cố thảm khốc của cuộc đời là “sáng mai anh sẽ phải chịu án tử hình” [153, tr. 73], người chồng ấy vẫn sống tràn đầy nghị lực, đồng thời muốn truyền nghị lực ấy

cho vợ và con mình. Chỗ mạnh của nhà văn khi thể hiện nội tâm nhân vật chính là sự chân thành, mộc mạc, biết kìm nén cảm xúc, không để tình cảm lấn át lý trí.

Một đoạn trong lá thư cảm động đó, Lương đã nhắn nhủ vợ: “Khi con lớn lên, em sẽ nói cho nó hiểu vì sao cha nó chết. Em hãy lấy tình thương yêu của người mẹ ấp ủ làm cho nó dịu bớt nỗi đau khổ vì thiếu cánh tay bao bọc của người cha. Em sẽ dạy cho nó biết thế nào là nghĩa vụ của một con người…” [153, tr. 75].

Bên cạnh việc chú ý khắc họa nổi bật tính cách yêu nước anh hùng, các nhà văn còn tập trung thể hiện những nét tiêu biểu trong phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, con người miền Nam nói riêng. Đó là tình yêu thương đồng bào, yêu mảnh đất quê hương, ngôi nhà thân thuộc từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm trong cuộc đời; là sống có trước có sau, chất phác, bộc trực, nhân ái, nghĩa khí, chuộng thực tế, không vọng ngoại, thông minh, sáng tạo… Ngoài bút pháp hiện thực, một số nhà văn như Viễn Phương, Vũ Hạnh, Thẩm Thệ Hà, Tiêu Kim Thủy còn sử dụng cả những biện pháp nghệ thuật thường thấy trong huyền thoại, truyện cổ tích, truyện lịch sử, truyện dã sử, truyện thần kì huyễn tưởng…

như cường điệu, khoa trương, biểu tượng, tượng trưng, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ…

để xây dựng nhân vật nhằm vượt qua chế độ kiểm duyệt đương thời. Trong hoàn cảnh miền Nam lúc bấy giờ, đó là sự lựa chọn hợp lý.

Từng nhà văn với mức độ khác nhau đã có những cố gắng trong việc xây dựng những tính cách tiêu biểu nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, sự mong đợi của độc giả, cả việc thoả mãn đòi hỏi của báo chí để sống và hoạt động. Trong hoàn cảnh đấu tranh khốc liệt, mỗi nhà văn yêu nước đều nhận thức rằng, không thể vì đầu tư cho nghệ thuật mà lỗi nhịp đấu tranh. Nói như thế không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu về nghệ thuật. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi những nhà văn miền Nam sáng tác trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động lịch sử lớn lao, phải đáp ứng được những yêu cầu như trong thời hòa bình, hội nhập hiện nay. Vả lại cần

thấy rằng, tầm đón nhận của công chúng cảm thụ luôn thay đổi, biến hóa theo sự vận động của lịch sử và tùy thuộc vào sự tác động của tác phẩm tiếp nhận.

Mong muốn tìm ra những tính cách hoặc nhân vật điển hình có thể chưa có trong truyện ngắn giai đoạn đầu này. Trong hoàn cảnh đấu tranh công khai phải luôn tìm cách tranh thủ sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng đô thị, các nhà văn cũng chưa đặt vấn đề xây dựng những tính cách đa diện, phức tạp. Tuy vậy, những tìm tòi, đóng góp của các nhà văn về phương diện miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách là rất đáng trân trọng. Nhiều nhân vật đã đọng lại lâu bền trong tình cảm yêu mến, cảm phục của người đọc: Hoàng Diệu (Viên đội hầu – Nguyễn Văn Xuân), Lương (Nắng đầu mùa – Lê Vĩnh Hòa), hương cả Binh (Con ngựa đất – Sơn Nam), Ba Viên (Ba Viên – Tiêu Kim Thủy), Sầm Hiệu (Chất ngọc – Vũ Hạnh), Bông (Áo lụa giồng – Văn Phụng Mỹ), Lão Túc (Tình yêu đất – Võ Hồng), Cộc (Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc), Điền Quân và Y Lang (Sắc lụa Trữ La – Viễn Phương), Lão Hiến (Dỡ chà – Vân Trang), Bác Quản Nhì (Bác Quản Nhì – Lê Văn), Nả (Thằng đưa đám – Thẩm Thệ Hà), Thiên Kim (Người bạn vàng – Nhất Tiếu)…

Không biết có bao nhiêu nhân vật từ cuộc sống bước vào trang sách và từ trang sách bước ra cuộc đời, chỉ biết rằng tác động từ những thành công trong xây dựng thế giới nhân vật chân thực, sinh động đến với cuộc đấu tranh đương thời là không nhỏ, và lịch sử văn học đã minh định cho những đóng góp quý báu này.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền nam giai đoạn 1954 1965 (Trang 186 - 191)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)