3.5. Ngôn từ gợi tả, giàu chất sống hiện đại
3.5.2. Các phương tiện tu từ
Các phương tiện tu từ (từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp) cũng được các nhà văn vận dụng trong việc tổ chức lời văn nghệ thuật nhằm đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ khi hình dung, liên tưởng về hiện thực cuộc sống và con người được miêu tả, phản ánh.
3.5.2.1. Phương tiện tu từ từ vựng
Trước hết, ở cấp độ từ vựng, phương tiện tu từ đáng kể nhất là từ địa phương (Nam Bộ, Trung Bộ) được nhà văn sử dụng nhằm tạo nên sắc thái địa phương của cảnh vật và con người trong truyện. Đó là phương ngữ miền Nam trong câu văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Thẩm Thệ Hà, Lê Vĩnh Hòa…;
phương ngữ miền Trung trong câu văn Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Phan Du… Chẳng hạn có rất nhiều yếu tố đi sau tính từ chỉ mức độ trong phương ngữ miền Nam giàu sắc thái biểu cảm và chất tươi rói của cuộc sống được đưa vào tác phẩm: “Em run lập cập, quần áo ướt loi ngoi, tóc tai rối bời, môi xanh lét”
(Vừng trăng bên kia sông - Văn Phụng Mỹ) [262, tr. 37], (“xanh lét”: xanh hết mức); “Nói qua kép thì có thằng Út Trà Lọt với 6 câu vọng cổ mùi rệu thấu xương… Hai cái choàng tắm rằn dơ hầy “trịnh trọng vẹt qua hai phía”” (Trăng lu - Lê Vĩnh Hòa) [153, tr. 63], (“mùi rệu”: lâm ly ghê gớm ; “dơ hầy”: bẩn thỉu); “- Mầy ở Hòn Tre nầy mấy năm rồi ? Lớn chồng ngồng chớ đâu phải con nít mà ngu dại quá” (Hai con cá - Sơn Nam) [315, tr. 449], (“lớn chồng ngồng”: cao lớn về thể chất); “Bây giờ ảnh mập khù, cọp vật ảnh hổng chết” (Mượn tình qua ải khổ – Văn Phụng Mỹ) [261, tr. 97], (“mập khù”: to béo)… Nhiều từ xưng hô miền Trung được tìm thấy, làm tăng sắc thái địa phương trong miêu tả nhân vật: “- Tên kia!
Khai tên họ mi nghe! - Tau hỏi, mi không nghe à?” (Hương máu - Nguyễn Văn Xuân) [509, tr. 267]. Hay việc dùng các hư từ đặc trưng: “- Vịt đâu rứa? - Có phải
không hề? - Đồ chết dịch! Tôi cho một dao bây chừ! - Ừ, bằm luôn tôi mà ăn nề!
(Miếng thịt vịt - Vũ Hạnh) [113, tr. 26].
Để việc phản ánh cuộc sống và con người hiện đại thêm chân thực, sinh động, hệ thống từ lóng, từ thông tục, từ nghề nghiệp thường được các nhà văn sử dụng. Các từ lóng: “đổi dĩa” (đổi gái, Nắng đẹp miền quê ngoại – Văn Phụng Mỹ); “xổ nho”, “xài giấy năm trăm” (chửi thề, Ăn to xài lớn – Sơn Nam); từ thông tục: “o mèo” (tán tỉnh, Mối tình… đầm lai – Sơn Nam), “Chết mẹ mày” (tiếng chửi, Con trích ré – Sơn Nam); từ nghề nghiệp: “lái chuối” (chở chuối đi bán, Một cuộc đời – Văn Phụng Mỹ), “ăn ong”, “đi bông” (tìm tổ ong lấy mật, đi hút nhụy hoa, Hương rừng – Sơn Nam)… xuất hiện trong những tác phẩm khác nhau.
Ở phạm vi hiện thực khác, nhiều từ Hán Việt trong truyện ngắn Viễn Phương (Nghiệp vương nghiệp bá, Sắc lụa Trữ La, Hương tình ma), Vũ Hạnh (Bút máu, Chất ngọc), Thẩm Thệ Hà (Vũ Nương, Mã ngôi hoa tạ, Liễu Chương Đài), Lê Vĩnh Hòa (Trăng lu)… đã góp phần tái hiện khá rõ nét không gian cảnh vật, cách ứng xử, giao tiếp, xưng hô của thời phong kiến xa xôi: triều đình, vườn thượng uyển, điện Trầm hương, cội Hòe, hoàng thành, nha môn, vinh quy bái tổ, chủ soái, nội thị, Quốc vương, tướng công, Chúa công, Tổng trấn, sai nha, tam quân, tiểu thơ, hoàng huynh, chàng, thiếp, trẫm, khanh, bẩm, truyền, tâu, trình, thi lễ, đề vịnh, đàm đạo, xướng họa… Riêng nhà văn quê miền Nam thường dùng từ mượn tiếng nước ngoài (Pháp, Anh) để miêu tả sự vật, biểu đạt ngôn ngữ nhân vật phù hợp với thực tế cuộc sống vừa trải qua: “ca nô” (xuồng máy, Hòn Cổ Tron – Sơn Nam); “mơ nuy” (thực đơn, Bà đầm Phô-xi-đông – Sơn Nam); “sốp phơ”, “cà nông” (tài xế, súng lớn, Đường về quê – Sơn Nam); “cao bồi”, “sa-ten” (người chăn súc vật, hàng vải láng bóng, Chiếc quần sa-ten – Vân Trang); “xúp-lê”,
“đốc tờ” (hụ còi, bác sĩ, Thằng Bót – Lê Vĩnh Hòa); “đi-văng” (giường, Vừng traờng beõn kia soõng – Vaờn Phuùng Myừ)…
Việc chọn sử dụng các từ đồng nghĩa, từ phản nghĩa, từ láy làm cho lời văn trở nên đa dạng, gợi tả, tránh được sự đơn điệu. Xin nêu vài thí dụ: từ đồng nghĩa như “các ty, sở lạnh tanh, vắng ngắt” (Viên đội hầu – Nguyễn Văn Xuân), “ngôi sao soi đường… dẫn đạo” (Rồi trái cây sẽ chín – Võ Hồng); từ phản nghĩa: “lúc ẩn lúc hiện” (Chiếc cáng điều – Nguyễn Văn Xuân), “trong héo ngoài tươi” (Sen mùa thu – Văn Phụng Mỹ); từ láy: “Cậu tôi xăm xúi… còn tôi khập khà khập khiễng… chứa chan oán giận” (Tết giữa rừng – Vũ Hạnh); từ tượng hình, tượng thanh: “Ánh sáng rực rỡ lóng lánh… chói rạng…” (Chất ngọc – Vũ Hạnh), “tiếng kèn sếp-ga tu tu”, “Xình xịch… xình xịch” (Ngày xưa – Võ Hồng). Đặc biệt, rất nhiều tục ngữ, thành ngữ gắn với hoàn cảnh sống và con người Nam Bộ được tìm thấy trong nhiều truyện ngắn như: tục ngữ “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”
(Con Bà Tám – Sơn Nam) [313, tr. 31], “gầm tại chỗ, hổ về nhà” (Tình yêu đất – Võ Hồng) [176, tr. 96]; các thành ngữ: “Đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng” (Cô Út về rừng – Sơn Nam) [315, tr. 341], “tranh tối tranh sáng” (Chiếc quần sa-ten – Vân Trang) [463, tr. 44], “hồn phi phách tán” (Quỷ bắt heo – Vân Trang) [463, tr.
105], “trong héo ngoài tươi” (Sen mùa thu – Văn Phụng Mỹ) [261, tr. 90], “bán trời không mời thiên lôi” (Ba con cáo – Bình Nguyên Lộc) [239, tr. 673], “liên tu bất tận” (Lầu 3 phòng 7 – Bình Nguyên Lộc) [239, tr. 752], “đầu bạc răng long”
(Tre phải tàn - Bình Nguyên Lộc) [239, tr. 502], “chọc trời quấy nước” (Thằng Thu – Nguyeãn Vaên Xuaân) [509, tr. 306]…
Dễ dàng nhận thấy rằng các loại từ trên đây khi xuất hiện trong văn cảnh đã tạo ra những hiệu quả nghệ thuật đáng kể.
3.5.2.2. Phương tiện tu từ ngữ nghĩa
Để tăng cường tác dụng nhiều mặt của lời văn nghệ thuật, các nhà văn còn chú ý vận dụng các phương tiện tu từ ngữ nghĩa. Cơ sở sáng tạo ra cách dùng từ độc đáo ở đây là phép chuyển nghĩa của từ. Nhờ vào phép chuyển nghĩa, một từ
vốn dùng để chỉ một sự vật, hiện tượng nào đó có thể tạm thời chuyển sang chỉ một sự vật, hiện tượng khác trong ngữ cảnh thích hợp. Mối quan hệ giữa các nét nghĩa khác nhau của từ là điều kiện để mở rộng khả năng vận dụng từ ngữ. Các phương tiện tu từ ngữ nghĩa thường được các nhà văn sử dụng là ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, vật hóa, phóng đại, tượng trưng… Chẳng hạn nhiều ẩn dụ được Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa dùng để ngầm phản ánh một nét hiện thực nào đó như: “Bầu không khí bắt đầu nặng nề” (Bà vợ thứ 10 – Sơn Nam) [315, tr. 59], “Thật là đất bằng dậy sóng” (Anh hùng rơm – Sơn Nam) [315, 15], “Nước Xẻo Quao coi bộ muốn cạn… Nước cạn rồi nước sẽ đầy” (Nước cạn – Lê Vĩnh Hòa) [153, tr. 106- 107], “Ông mỉm cười, vò đầu chúng tôi… gương mặt nhăn nheo gân guốc tươi lên vì một niềm vui cằn cỗi của tuổi già nua” (Nắng đẹp miền quê ngoại – Văn Phụng Mỹ) [262, tr. 8]... Một biến thể của ẩn dụ là nhân hóa. Nhà văn lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của đối tượng miêu tả không phải là con người, làm cho nó trở nên gần gũi hơn, đồng thời kín đáo bày tỏ tình cảm, thái độ của mình. Trong Mưa thu nhớ tằm, Bình Nguyên Lộc đã kể về tình cảm của bác Y với con tằm mà như người ta nói đến một người bạn thân thiết: “Hén hay đau ốm lắm. Mình cực khổ với hén hết sức mà lắm khi hén bạc tình” (“hén”: hắn, giọng Quảng Nam) [239, tr. 519-520]. Ngược lại với nhân hóa là vật hóa, nghĩa là dùng những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của loài vật, đồ vật để biểu thị cho con người nhằm mục đích châm biếm hay đùa vui, kín đáo thể hiện thái độ, tình cảm của người viết. Chẳng hạn hình ảnh “viên tổng đốc rối rít nhặt cái mũ, phồng mang trợn mắt thổi cho sạch bụi trước khi lễ phép nghiêng mình trao lại cho đại tá” được Nguyễn Văn Xuân miêu tả trong Hương máu [509, tr. 272]. Phổ biến hơn, là việc sử dụng hoán dụ dựa vào mối liên hệ lô-gic khách quan giữa hai khách thể như: “Đây là một bông hoa đã về lúc phấn lợt, hương phai…” (Pì Pế Hán – Bình Nguyên Lộc) [239, tr. 709],
“Trong những bóng áo tha thiết, tôi còn mong tìm thấy bóng áo của Vân” (Ngày xưa – Võ Hồng) [177, tr. 67], “Ông là cánh tay mặt của ông Hường để trấn giữ miền Hòa Vang” (Chiếc cáng điều – Nguyễn Văn Xuân) [509, tr. 341]. Nhằm làm nổi bật bản chất của đối tượng miêu tả, gây ấn tượng mạnh ở người đọc, phóng đại dùng để tạo sự chú ý, từ đó người đọc hiểu được nội dung và ý nghĩa của sự vật, hiện tượng đến mức tối đa. Trong Nắng đẹp miền quê ngoại, Văn Phụng Mỹ đã tái hiện sinh động nét đặc trưng cuộc sống một làng quê miền Nam, Mỹ Hạnh Đông – Đồng Tháp, xa xôi và nghèo khó với “những con kinh, mùa nắng nước phèn trong như lọc nhìn thì đẹp, nhưng hớp vào chua quéo miệng… Xa hơn nữa, tôi nhớ đến những bữa cơm gạo lúa sạ, hôi mùi cỏ… ăn với cá kho mặn quíu lưỡi”
[262, tr. 9]. Chứng kiến cảnh kẻ thù hành hạ người yêu mà không nói được lời nào, nỗi đau đớn và tủi nhục của chàng trai trong truyện ngắn Oan tình được Viễn Phương diễn tả: “Chàng muốn khóc, cho ướt cả đất trời, cho trần gian ngập lụt”
[377, tr. 64]. Để đặc tả hậu quả khủng khiếp mà người cầm bút có thể gây ra, Vũ Hạnh dùng những phương tiện tu từ ngữ nghĩa như ẩn dụ và phóng đại trong truyện ngắn dã sử có yếu tố huyền thoại - Bút máu: “Vừa cầm bút lên, Sinh bỗng kinh ngạc: nghiên mực đỏ tươi sắc máu… Sinh vội buông viết, tưởng chừng bàn tay cũng thấm máu đầy” [112, tr. 23]…
Những phương tiện tu từ ngữ nghĩa trên đây chưa phải đã đủ nhưng là phổ biến hơn cả, khi tìm hiểu cái hay, cái đẹp của truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1965.
3.5.2.3. Phương tiện tu từ cú pháp
Ở cấp độ cú pháp, một số phương tiện tu từ như tỉnh lược, điệp ngữ, trường cú thường được nhà văn sử dụng để miêu tả cụ thể hiện thực, phản ánh sắc thái sống động của cuộc sống. Truyện ngắn Sơn Nam rất phong phú lời đối thoại của nhân vật. Nhiều câu tỉnh lược diễn tả chân thực tính tình bộc trực, chất phác, lối
sống bình dị, nghĩ sao nói vậy của người nông dân Nam Bộ buổi đầu khai phá:
“- Đừng động đậy, thở nhè nhẹ. Nó kìa… - Co… ọp hả? - Nói bậy xui xẻo! Ong mật. -… Bay rề qua rề lại, thấy chưa, thấp chủn trên đọt sậy kìa” (Hương rừng - Sơn Nam) [315, tr. 573]. Những đặc sắc trong khai thác đề tài góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật khó lẫn của Võ Hồng. Thế mạnh của nhà văn là thường đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Sử dụng ngôn từ nghệ thuật, bên cạnh biện pháp tu từ cú pháp lặp đầu câu, ông còn dùng nhiều điệp từ, điệp ngữ khiến câu văn hài hòa, sắc thái tình cảm con người hiện đại được khắc sâu. Một đoạn trong Ngày xưa thể hiện rõ tâm trạng nhân vật “tôi”: “Quả thật, tôi chưa có một quan niệm rõ rệt gì về tương lai của tôi, quả thật, tôi chưa định thu xếp cuộc đời của tôi như thế nào cả. Tôi còn phải sống vô định vì tôi chưa…” [177, tr. 54].
Trường cú, một phương tiện tu từ cú pháp cũng được các cây bút yêu nước ưa chuộng. Thông thường, trường cú là câu ghép chính phụ trong đó có sự đối lập được nhấn mạnh giữa hai bộ phận (thường là bộ phận thứ nhất), như nguyên nhân - kết quả, điều kiện - hệ quả, căn cứ - kết luận… Nhờ tính chất cân đối, nhịp nhàng, tiết tấu, ngữ điệu hài hòa, khả năng bổ sung lẫn nhau giữa hai bộ phận câu về mặt lô-gic, sự chặt chẽ, mạch lạc của tư duy và cách diễn đạt, trường cú tuy dài nhưng âm hưởng hấp dẫn và có sức thuyết phục mạnh. Trong lời văn nghệâ thuật Bình Nguyên Lộc, trường cú xuất hiện khá nhiều, có khi phức tạp gồm nhiều loại mệnh đề khác nhau, chẳng hạn:
Học tập được một phong độ đài các trong mười năm, cô Bảy quả là một phụ nữ thông minh / vì có nhiều cử chỉ nhỏ phải tập trong bụng mẹ tập ra, / nhiều ngôn ngữ phải bập bẹ ngay từ lúc lên hai, lớn lên mới nói được một cách tự nhiên, / nói tóm lại, // phải sống và được giáo dục lâu đời, lâu năm trong không khí quý phái mới thành quý
phái, / chớ không phải hễ trúng số độc đắc thì một sớm một chiều, sang trọng được ngay đâu.
(Không có thứ thiệt – Bình Nguyên Lộc) [239, tr. 531]
Câu trên gồm những vế có quan hệ chính – phụ, nguyên nhân – kết quả, và những vế chỉ quan hệ đẳng lập được kết nối bằng từ liên kết: nói tóm lại. Mặc dù dài, trường cú trên đây vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển, có sức thuyết phục nhờ sự tương ứng giữa các vế, nhiều giọng điệu (hầu hết là lời tác giả miêu tả nhân vật, xen lẫn lời tác giả “nói” với người đọc: chớ không phải hễ trúng số độc đắc thì một sớm một chiều, sang trọng được ngay đâu), cùng cách sử dụng những điệp từ (… nhiều… phải…, nhiều… phải… phải… không phải…), kết từ (…vì…, nói tóm lại,…
hễ… thì…) một cách linh hoạt, có mục đích rõ rệt. Ở truyện ngắn Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân… trường cú giúp cho cảm xúc người đọc nâng cao không chỉ nhờ hình ảnh, ngôn từ, quan hệ giữa các vế câu, mà còn do tiết tấu, âm điệu biền ngẫu của câu văn phù hợp với câu chuyện dã sử hay lịch sử. Vũ Hạnh đã viết về tác hại của việc bẻ cong ngòi bút như sau:
Làm cho người gái lớn lên băn khoăn sầu muộn, làm cho trai trẻ đang hăng khinh bạc, hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên ái tình, khêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ tha nhân, hát trên bi cảnh đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo ?
(Bút máu – Vũ Hạnh) [112, tr. 24-25]
Trường cú vẫn là một trong những phương tiện tu từ cú pháp trong văn chương đương đại, nhưng câu văn với âm điệu biền ngẫu ít khi tìm thấy trong truyện ngắn thời hậu chiến.
Cùng với nội dung yêu nước thấm thía và tinh thần nhân văn sâu sắc, hình thức tự sự linh hoạt, hiện đại đã góp phần làm nên diện mạo độc đáo của truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1965.
Riêng phương diện nghệ thuật, sự kế thừa thành tựu truyện ngắn các giai đoạn trước, những tìm tòi, đổi mới không ngừng về bút pháp thể hiện qua ngôn từ, hình tượng, cốt truyện, kết cấu, không gian - thời gian nghệ thuật, miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách nhân vật đã cho thấy những đóng góp đáng quý của nhà văn, ưu thế và sức sống mạnh mẽ của truyện ngắn trong bối cảnh cuộc đấu tranh gay gắt ở các đô thị miền Nam. Mỗi người một vẻ, những nhà văn tiêu biểu qua thời gian đã dần khẳng định phong cách cá nhân trong phong cách chung thời đại: Lê Vĩnh Hòa cô đọng, giàu xúc cảm; Viễn Phương mộc mạc, chân tình; Vũ Hạnh trang trọng, cổ kính; Sơn Nam thẳng tuột, giản dị, bình dân; Bình Nguyên Lộc nhiều giọng điệu, dung dị, đậm chất tùy bút; Võ Hồng tinh tế, trau chuốt, lắng đọng; Nguyễn Văn Xuân tâm huyết, trầm tĩnh, giàu cảm hứng lịch sử; Trang Thế Hy tinh tế, hóm hỉnh; Tô Nguyệt Đình thiết tha, trong sáng… Tất cả đã góp sức làm nên thành tựu cùng chỗ đứng vững chắc của dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1975) trong tình cảm, tâm hồn bạn đọc lâu nay.