CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ QUẢN TRỊ
1.4. Một số nghiên cứu trong nước về quản trị theo mục tiêu
Ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về MBO. Chỉ có một số ít nghiên cứu bài bản như điều tra, khảo sát, phỏng vấn…, nhưng ở mức độ rất hạn chế. Một số khác được biên soạn trong các cuốn sách quản trị học, quản trị kinh doanh hoặc trong một số giáo trình, nhưng chủ yếu là dịch từ các tài liệu nước ngoài, hoặc biên soạn lại. Phần còn lại là các bài báo đăng trên các trang báo mạng mang nặng cảm tính, chủ quan của người viết, chưa thể hiện cơ sở khoa học rõ ràng.
Sau đây là một số công trình nghiên cứu và một số bài báo tiêu biểu:
Bùi Doãn Nề (2002) trong luận án tiến sĩ: “Một số biện pháp quản trị theo quá trình, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp in Việt Nam”, đã đưa ra những khái niệm về quản trị theo mục tiêu (MBO), quản trị theo quá trình (MBP) và so sánh sự khác nhau giữa hai phương pháp. Tác giả cho rằng, MBO đặt trọng tâm vào kết quả và quan trọng là kết quả tài chính, do vậy, doanh nghiệp không quan tâm đến yếu tố xã hội. MBO chỉ kiểm tra khâu cuối cùng của quá trình sản xuất sản phẩm với mục đích loại những sản phẩm bị lỗi, ngăn chặn những sản phẩm này rơi vào tay khách hàng. Còn MBP đặt trọng tâm vào chất
lượng sản phẩm, MBP là điều khiển hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ và tương tác lẫn nhau, nhằm biến đổi các yếu tố đầu vào thành đầu ra, hướng tới thỏa mãn nhu cầu mong đợi của khách hàng. MBP quan tâm tới từng khâu trong quá trình tạo ra sản phẩm, là quản lý cả hệ thống tạo ra sản phẩm [3].
Những nội dung này nằm trong phần những vấn đề lý luận chủ yếu của luận án. Tác giả đã tổng hợp, biên soạn, phân tích hai phương pháp và đưa ra những nhận định đánh giá, trong đó có một số quan điểm và đánh giá về MBO chưa thật chính xác như: MBO chỉ quan tâm đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận; xem con người là một yếu tố cơ học của quá trình sản xuất; MBO vận dụng biện pháp quản trị bằng mệnh lệnh… Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng đây cũng là một cơ sở lý thuyết có thể dùng để tham khảo trong một số trường hợp cho những nghiên cứu khác về MBO.
Nguyễn Hải Sản (2005) trong cuốn sách “Quản trị học” đã dành một phần nói về MBO. Ông cho rằng MBO là một triết lý và phương pháp tiếp cận quản trị nhằm chỉ đạo quá trình hoạch định bằng cách giúp các nhà quản trị kết hợp giữa các kế hoạch chiến lược và chiến thuật. Đặc biệt, MBO cung cấp những phương tiện để biến các mục tiêu và chiến lược của tổ chức thành những kế hoạch và hoạt động chiến thuật. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra triết lý và phong cách quản trị của phương pháp MBO, tiến trình triển khai MBO gồm 7 bước như: Sứ mệnh của tổ chức; các mục tiêu chiến lược; các mục tiêu của bộ phận, nhóm và công việc; sự tham gia của các nhóm và cá nhân có liên quan; lập kế hoạch hành động; thực hiện và kiểm soát; đánh giá thành tích. Ngoài ra, tác giả cũng đã nhận xét những ưu điểm và hạn chế của MBO [14].
Bùi Mạnh Thắng trong bài viết “Phương pháp quản lý mục tiêu trong doanh nghiệp” đăng trên Tạp chí Công nghiệp số ra ngày 5/6/2010 nói về MBO và ứng dụng tại Việt Nam. Tác giả cho rằng môi trường kinh doanh đã biến đổi không ngừng dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự phát triển của internet. Thế giới ngày nay trở nên phẳng hơn, đường biên giới giữa các quốc gia trở nên mờ hơn đòi hỏi những tập quán kinh doanh mới, ít mang tính chỉ huy và
điều khiển. Trong bối cảnh đó, phương pháp MBO ra đời và được ứng dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp nước ngoài. Tác giả cũng cho rằng rất ít doanh nghiệp Việt Nam vận dụng một cách toàn diện MBO từ cấp lãnh đạo đến từng nhân viên. Hầu hết doanh nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở việc phân tích những kết quả và hạn chế trong hoạt động kinh doanh hàng năm, rồi đề ra mục tiêu cho năm sau. Việc phân bổ mục tiêu đến từng phòng ban, từng nhân viên còn nhiều lúng túng và bỡ ngỡ. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn dùng phương pháp quản trị theo thời gian (Management By Time - MBT) là chủ yếu, dẫn đến năng suất thấp, lãng phí về thời gian [4].
Bằng sự hiểu biết về MBO và quan sát thực tiễn, tác giả đã đưa ra các kết luận còn mang nhiều tính chủ quan, nhưng nó cũng gợi ra hướng tiếp theo cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam như: Các ứng dụng MBO vào các doanh nghiệp ở Việt Nam, hiệu quả việc vận dụng MBO so với các phương pháp quản trị khác…
Lương Chiến Thắng (2010) công trình nghiên cứu “Vận dụng Quản trị mục tiêu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kỹ thuật (TECHNIMEX) Thực trạng và Giải pháp”, tác giả khảo sát bằng phiếu điều tra với tổng số 72 người, trong đó 16 cán bộ quản lý, 40 nhân viên kinh doanh và 16 nhân viên kỹ thuật. Phiếu điều tra được thiết kế thành bảng hỏi nhằm xác định các vấn đề chính trong mô hình quản trị mục tiêu, như: Xây dựng, phân bổ, thực hiện mục tiêu, kiểm tra giám sát, đánh giá và các chính sách khuyến khích. Sau khi phân tích số liệu bằng Excel và SPSS, kết quả cho thấy trừ tính chủ động trong công việc được đánh giá tốt, ngoài ra hầu hết việc vận dụng các nội dung khác của MBO đều nhận được sự đánh giá thấp của nhân viên.
75,38% số nhân viên của công ty được hỏi cho rằng mục tiêu không có tác dụng thúc đẩy sự cố gắng đem hết khả năng bản thân để thực hiện; 84,72% nhân viên không cảm thấy chính sách khuyến khích có ý nghĩa trong việc khen thưởng kết quả công việc xứng đáng, kịp thời; 73,61% cho rằng nhu cầu phát triển nghề nghiệp bản thân chưa được quan tâm. Điều này dẫn đến 66,67% nhân viên có nhiều khả năng sẽ ra đi nếu nơi khác đề nghị mức lương hấp dẫn hơn. Trên cơ sở đó tác
giả đề xuất một nhóm các giải pháp như xây dựng mô hình MBO phù hợp với đặc trưng của công ty, triển khai xây dựng mục tiêu theo phương pháp từ dưới lên trên và từ trên xuống, thiết kế báo cáo công việc hàng tháng, bảng phân tích kết quả và giám sát thực hiện, bảng đánh giá công việc công bằng, hiệu quả, chính sách tiền lương và khen thưởng. Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng tùy từng đặc thù công việc có thể vận dụng kết hợp phương pháp quản trị khác, có xét đến các thách thức giới hạn nguồn lực của công ty cũng như các tác động bên ngoài [13]
Nghiên cứu vận dụng MBO trong một công ty mà MBO mới bắt đầu được đem ra vận dụng thử, lãnh đạo và cán bộ nhân viên công ty chưa hiểu nhiều về MBO, nghiên cứu cũng chưa đưa ra được các điều kiện khả thi để vận dụng hiệu quả MBO trong công ty. Nhưng đây cũng là một công trình nghiên cứu công phu, đưa ra những kết quả có cơ sở hơn so với nhiều công trình khác nghiên cứu về MBO ở trong nước.
MBO được nghiên cứu nhiều ở trên thế giới, nhưng ở Việt Nam rất ít được quan tâm và nghiên cứu. Một số nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu là những nghiên cứu ứng dụng MBO vào thực tiễn, nhưng còn rất hạn chế. Chủ yếu nghiên cứu một trường hợp cụ thể rồi đưa ra những kết luận chỉ có giá trị cho những trường hợp đó.
Ngoài ra có những nghiên cứu khác còn hạn chế hơn, thể hiện qua những bài viết rất sơ sài, phiến diện, chưa có cơ sở khoa học. Bên cạnh việc MBO chưa được quan tâm và nghiên cứu ở Việt Nam, phương pháp này ở Việt Nam cũng chưa được phổ biến. Những doanh nghiệp biết và vận dụng MBO còn ít và nếu có vận dụng thì cũng không đồng bộ và triệt để. Do vậy hiệu quả không cao và có thể dẫn đến phản tác dụng.