Với các Hiệp hội ngành nghề

Một phần của tài liệu Quản trị theo mục tiêu của nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành trên địa bàn Hà Nội (Trang 159 - 165)

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ THEO MỤC TIÊU CỦA NHÀ QUẢN TRỊ CẤP CAO TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH ĐA NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI

4.3.2. Với các Hiệp hội ngành nghề

Chia sẻ tri thức mới: Hiệp hội ngành nghề có thể hỗ trợ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tạo điều kiện cho các nhà quản trị cấp cao và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp có thêm cơ hội học tập, nâng cao năng lực, trình độ. Hiệp hội cũng có thể tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, mời các chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm để các nhà quản trị và cán bộ quản lý có điều kiện gặp nhau, chia sẻ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo. Tạo ra các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tạo nên khí thế, tinh thần doanh nhân cạnh tranh lành mạnh, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.

Giới thiệu về MBO: Giới thiệu và phổ biến phương pháp MBO và các phương pháp quản trị khoa học, hiện đại khác tới các doanh nghiệp. Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm vận dụng phương pháp MBO tới các nhà quản trị cấp cao và cán bộ quản lý trong các công ty cổ phần kinh doanh đa ngành.

Liên kết các doanh nghiệp trong nỗ lực hợp tác, cùng xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch: Vận dụng MBO đòi hỏi môi trường kinh doanh minh bạch và liêm chính. Trong điều kiện ở Việt Nam, việc tạo dựng môi trường kinh doanh như vậy không chỉ là nỗ lực của Chính phủ mà còn cần tới sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từng doanh nghiệp riêng lẻ khó có thể tạo nên ảnh hưởng do còn lo ngại mất lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác khi tuân thủ nguyên tắc liêm chính trong kinh doanh. Hiệp hội ngành nghề có thể là nơi để các doanh nghiệp cùng cam kết tuân thủ nguyên tắc này.

KẾT LUẬN

Công ty cổ phần kinh doanh đa ngành tồn tại khách quan trong giai đoạn lịch sử hiện nay ở Việt Nam là quy luật tất yếu. Nhưng để quản trị tốt công ty kinh doanh đa ngành là một thách thức, nhà quản trị cấp cao có thể vận dụng phương pháp MBO. Là một phương pháp được vận dụng phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp biết và vận dụng thành công.

Qua các phương pháp tổng hợp, phân tích từ các dữ liệu thứ cấp, luận án đã tổng hợp, phân tích nghiên cứu về MBO ở trong và ngoài nước, cơ sở lý luận về MBO của nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành. Kết quả phỏng vấn sâu một số nhà quản trị cấp cao trong các công ty, các chuyên gia kinh tế, dữ liệu khảo sát bằng phiếu điều tra được phân tích, so sánh nhóm, phân tích hồi quy và nghiên cứu tình huống, luận án đã đưa ra những đánh giá chung, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân những khó khăn và những bài học thành công của nhà quản trị cấp cao vận dụng phương pháp MBO. Các nhà quản trị cấp cao đều nhận thấy MBO là một phương pháp quản trị phù hợp với công ty cổ phần kinh doanh đa ngành. Lợi ích của MBO được nhận thức rất rõ như giúp tránh sa lầy vào các công việc sự vụ, thúc đẩy việc xác định mục tiêu và kế hoạch rõ ràng cho các cấp quản trị. Các nhà quản trị cấp cao đều thừa nhận MBO giúp nâng cao kết quả điều hành và mang lại kết quả kinh doanh tốt, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản trị cũng như của nhân viên. Kết quả phân tích hồi quy khẳng định thêm hiểu biết về MBO và mức độ vận dụng rộng rãi và thường xuyên MBO có tác động rõ nét tới kết quả kinh doanh của công ty.

Nghiên cứu cũng rút ra một số bài học cho việc vận dụng thành công MBO ở các công ty cổ phần kinh doanh đa ngành như: Thứ nhất, việc xây dựng chiến lược phát triển rõ nét, phù hợp, có cơ sở về thị trường và nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho việc vận dụng tốt phương pháp MBO. Tuy nhiên, nhiều khi chiến lược phát triển chỉ là hình thức hoặc không đủ cụ thể. Đặc biệt, khi công ty không có khả năng dự báo tốt hay năng lực xây dựng chiến lược hạn chế thì chất lượng bản chiến

lược không cao. Đối với công ty cổ phần kinh doanh đa ngành, việc có một chiến lược phát triển dài hạn, rõ nét càng quan trọng vì nó định hướng các thị trường và sản phẩm mà công ty tham gia cạnh tranh. Tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược phát triển là một thách thức với rất nhiều công ty cổ phần kinh doanh đa ngành trên địa bàn Hà Nội. Một trong những lý do chính là vì công ty tham gia nhiều mảng thị trường và sản phẩm, cần nhiều thông tin và ý kiến chuyên gia mà công ty chưa có nhiều khả năng kết hợp. Thứ hai, công ty cần phải chuyển hóa chiến lược phát triển dài hạn thành các kế hoạch kinh doanh. Trên thực tế, các công ty trong mẫu khảo sát đều có kế hoạch kinh doanh hàng năm. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa kế hoạch hàng năm với chiến lược dài hạn còn yếu và sự gắn kết giữa các lĩnh vực kinh doanh trong cùng một kế hoạch cũng còn yếu. Những công ty có kết quả vận dụng khả quan chính là những công ty có kế hoạch chi tiết và có độ gắn kết cao. Một vấn đề khác nữa trong kế hoạch là sự linh hoạt. Kế hoạch đặt ra như một văn bản sống, và mục tiêu có thể thay đổi tùy điều kiện môi trường. Nghiên cứu tình huống cho thấy do thiếu thông tin và thiếu quy trình lập kế hoạch bài bản, công ty dễ rơi vào tình huống đưa ra mục tiêu không sát với thực tiễn. Kết quả khảo sát cho thấy MBO có thể đạt kết quả tốt khi có sự linh hoạt trong cân nhắc thay đổi mục tiêu. Thứ ba, MBO gắn liền với việc phân công, phân cấp, và ủy quyền. Việc phân công, phân cấp và ủy quyền phải phù hợp với điều kiện của công ty, đặc biệt là động lực và năng lực của cán bộ các cấp. Nghiên cứu cho thấy quá trình này còn rất khó khăn trong điều kiện Việt Nam khi nhân viên chưa thực sự gắn bó với công ty và chưa đạt chuẩn mực năng lực cần thiết. Thứ tư, năng lực trình độ và động lực của cán bộ các cấp còn yếu và không đồng bộ là một điểm yếu ảnh hưởng tới kết quả vận dụng MBO. Quản trị cấp đều khẳng định năng lực của cán bộ các cấp là điều kiện tiên quyết cho việc vận dụng MBO. Tuy nhiên, thực tế có rất ít công ty có sự đồng bộ về năng lực trong đội ngũ cán bộ. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù nhận thức rõ sự cần thiết của phân cấp, phân quyền, song quản trị cấp cao vẫn thấy rất khó thực hiện khi năng lực cán bộ cấp dưới không đảm bảo. Khi nhiệm vụ được giao vượt quá năng lực, kết quả hoạt động sẽ không đạt yêu cầu và làm ảnh hưởng tới kết quả chung.

Bên cạnh đó, luận án đưa ra một số giải pháp nhằm vận dụng thành công phương pháp MBO, như: Xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển của công ty;

xây dựng kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tác nghiệp; thực hiện phân công, phân cấp và ủy quyền trong quản trị điều hành; nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều hành; vận dụng phương pháp MBO phải phù hợp với đặc điểm và điều kiện của mỗi công ty cổ phần kinh doanh đa ngành.

Như các nghiên cứu khác, luận án không tránh khỏi một số hạn chế. Thứ nhất, mẫu nghiên cứu khảo sát còn nhỏ do có ít công ty cổ phần kinh doanh đa ngành trên địa bàn khảo sát. Điều này đã ảnh hưởng tới việc thực hiện các phân tích định lượng. Thứ hai, việc thu thập các dữ liệu khách quan về vận dụng MBO và kết quả kinh doanh của các công ty là rất khó. Dữ liệu chủ yếu là đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp.

Mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, nhưng kết quả nghiên cứu của luận án là đảm bảo độ tin cậy. Những kết quả này nếu được triển khai trong thực tiễn, được nhà quản trị cấp cao vận dụng vào quản trị điều hành công ty cổ phần kinh doanh đa ngành, vốn là những doanh nghiệp phức tạp, cồng kềnh, khó quản trị sẽ trở nên đơn giản hơn. Doanh nghiệp được quản trị tốt hơn và là nhân tố quan trọng đưa doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ

1. Nguyễn Kế Tuấn - Nguyễn Việt Cường (2014), “Phát triển khu công nghiệp gắn với đô thị hoá và phát triển bền vững ở Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học:

Chiến lược đô thị hoá gắn với phát triển bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 12/2014, trang 185 - 192.

2. Nguyễn Việt Cường (2015), Vận dụng phương pháp quản trị theo mục tiêu trong các công ty cổ phần kinh doanh đa ngành, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số tháng 6/2015, trang 62 - 63.

3. Nguyễn Việt Cường (2015), Giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng phương pháp quản trị theo mục tiêu tại Công ty Cổ phần Kosy, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số chuyên đề tháng 7/2015, trang 36 - 37.

Một phần của tài liệu Quản trị theo mục tiêu của nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành trên địa bàn Hà Nội (Trang 159 - 165)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)