Sự thích ứng của phương pháp quản trị theo mục tiêu trong điều hành công ty cổ phần kinh doanh đa ngành

Một phần của tài liệu Quản trị theo mục tiêu của nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành trên địa bàn Hà Nội (Trang 62 - 66)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ THEO MỤC TIÊU CỦA NHÀ QUẢN TRỊ CẤP CAO TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH ĐA NGÀNH

2.3. Sự thích ứng của phương pháp quản trị theo mục tiêu trong điều hành công ty cổ phần kinh doanh đa ngành

- Quản trị cấp cao không bị sa lầy vào giải quyết các công việc sự vụ hàng ngày: Công ty kinh doanh đa ngành thường có quy mô lớn, bộ máy cồng kềnh, phức tạp. Kinh doanh ở nhiều ngành nghề khác nhau, có thể ngành nghề có liên quan hoặc không liên quan. Hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, có thể

trong một quốc gia, nhưng cũng có thể ở nhiều nước. Mỗi ngành nghề có một đặc thù riêng và kinh doanh ở mỗi một vùng miền có tập quán, văn hóa khác nhau. Quản trị cấp cao ở công ty kinh doanh đa ngành phải giải quyết rất nhiều việc, từ mục tiêu chiến lược cho công ty, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, vấn đề tài chính, nhân sự ở nhiều ngành kinh doanh và ở nhiều vùng miền khác nhau. Với khối lượng công việc khổng lồ, nếu quản trị cấp cao không có phương pháp quản trị phù hợp thì sẽ bị sa lầy vào việc giải quyết các công việc sự vụ mà không còn thời gian cho những công việc chính, quan trọng hơn của quản trị cấp cao, như: Xây dựng các mục tiêu và hoạch định chiến lược dài hạn cho công ty, điều hành những việc lớn, quan trọng, ngoài ra quản trị cấp cao còn phải giành nhiều thời gian cho công tác đối nội, đối ngoại, giao lưu và thời gian riêng cho bản thân cá nhân.

Phương pháp MBO với bản chất là giao việc, quản trị cấp cao trong công ty kinh doanh đa ngành có thể vận dụng phương pháp MBO, vì họ không có nhiều thời gian và không đủ sức để quan tâm sâu, chi tiết tới từng ngành, lĩnh vực kinh doanh ở nhiều vùng miền khác nhau. Vận dụng MBO trong quản trị điều hành, công việc của quản trị cấp cao là xác định mục tiêu chung cho công ty, lúc này quản trị cấp cao cùng với cấp dưới bàn bạc, thảo luận về những mục tiêu mà cấp dưới có thể thực hiện, cùng với cấp dưới xây dựng kế hoạch thực hiện, và cấp dưới chủ động sáng tạo thực hiện kế hoạch.

Quản trị cấp cao giám sát, kiểm tra, đánh giá sự hoàn thành công việc. Như vậy, quản trị cấp cao sẽ là những người đôn đốc, kiểm tra cấp dưới thực hiện mục tiêu chung đến đâu, hiệu quả ra sao, có cần phải điều chỉnh cho phù hợp hơn không.

Các nhà quản trị cấp dưới và người thừa hành sẽ phác thảo kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu. Sau đó, quản trị cấp cao sẽ là những người tổng hợp và quyết định cuối cùng. Cách làm này có hiệu quả rất cao, phát huy được tối đa sức mạnh của tập thể, giảm bớt gánh nặng về giải quyết các sự vụ nhỏ lẻ, để cho các nhà quản trị cấp cao có thời gian và trí lực tập trung hoạch định những kế hoạch lớn và dài hạn hơn cho doanh nghiệp.

- MBO hỗ trợ quản trị cấp cao trong việc lập kế hoạch chiến lược thống nhất và xuyên suốt toàn bộ tổ chức: Đây là quá trình xây dựng chiến lược và không ngừng hoàn thiện bổ sung mục đích chiến lược khi cần thiết, trên cơ sở phân tích vị trí của doanh nghiệp trong môi trường hoạt động. Xây dựng kế hoạch chiến lược cho doanh nghiệp chính là để thực hiện tầm nhìn, mục tiêu trong tương lai của doanh nghiệp. Vì vậy, thiếu một chiến lược phát triển phù hợp thì mục tiêu của doanh nghiệp rất khó thực hiện hoặc dễ bị đi lệch hướng. Khi không có chiến lược phát triển, doanh nghiệp cũng rất khó đánh giá được mức độ thực thi của tầm nhìn.

Để tồn tại và phát triển, quản trị cấp cao cần phải xây dựng được một kế hoạch chiến lược phù hợp với doanh nghiệp của mình. Nếu không doanh nghiệp rất khó đạt được mục tiêu đề ra, không tận dụng được nguồn lực vốn có, tận dụng được cơ hội phát triển, và khó tránh khỏi những rủi ro.

Nhiều nhà quản trị giành thời gian quý báu của mình ở công ty để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề. Với những đặc trưng và lợi thế của MBO có thể hỗ trợ quản trị cấp cao trong việc lập kế hoạch chiến lược cho công ty. Quản trị cấp cao có nhiều thời gian điều hành những việc quan trọng, có nhiều thời gian trong việc hoạch định chiến lược dài hạn cho công ty. MBO có thể hỗ trợ quản trị cấp cao trong việc xác định mục tiêu tổng quát cho toàn công ty, xác định mục tiêu cụ thể cho các bộ phận phòng ban. MBO hỗ trợ quản trị cấp cao xây dựng các chiến lược và kế hoạch thực hiện mục tiêu. Vận dụng MBO có sự thống nhất cao giữa chủ công ty, quản trị cấp cao và cán bộ nhân viên trong các bộ phận phòng ban về mục tiêu, chiến lược, kế hoạch thực hiện ở cấp độ công ty cũng như ở cấp độ các đơn vị kinh doanh; có được sự kết hợp mạnh mẽ giữa các thành viên của ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên nhằm vạch rõ tầm nhìn, hướng đi và các thành tựu sẽ đạt được và quyết tâm theo đuổi nó.

- MBO giúp phát triển mối quan hệ gắn kết giữa mục tiêu công việc của nhân viên và mục tiêu công việc của cấp trên: MBO tạo ra kết quả cho sự nỗ lực hoạt động của tổ chức. Sự cố gắng để đạt được mục tiêu đặt ra có thể thúc đẩy những nỗ lực sáng tạo và sự thận trọng hơn trong các hành động. Việc xác định mục tiêu được

đặt ra với tất cả các nhà quản trị. Mỗi bộ phận đều có các mục tiêu cụ thể đo lường kết quả hoạt động của nó và đánh giá sự đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp. Mặt khác, khi mục tiêu chung được phân chia thành các mục tiêu cho từng bộ phận và giao cho các nhà quản trị ở các cấp khác nhau, sẽ tạo ra một không khí làm việc hướng về kết quả. Mỗi bộ phận đều cố gắng để đạt được những kết quả, từ đó giúp cho doanh nghiệp đi đúng hướng đặt ra.

Nhà quản trị ở mọi cấp độ đều cần những mục tiêu rõ ràng. Các mục tiêu này phải thể hiện rõ yêu cầu về thành tích cho đơn vị quản lý của nhà quản trị, cụ thể là những đóng góp để đạt mục tiêu chung mà quản trị cấp cao và đội ngũ nhân viên được kỳ vọng. Ngoài ra, MBO còn thể hiện được những đóng góp mà nhà quản trị có thể kỳ vọng từ những bộ phận, phòng ban khác để giúp quản trị cấp cao hoàn thành được mục tiêu chung của doanh nghiệp.

- MBO hỗ trợ quản trị cấp cao trong việc xây dựng bản mô tả công việc thống nhất ở từng cấp độ về những khái niệm chung như mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu về trình độ: Xây dựng bản mô tả công việc thực chất là việc lập một hành trình mà các cấp cần phải theo để đạt được mục tiêu. Việc xây dựng này cho phép quản trị cấp cao đánh giá được các phương pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu trước khi đi vào thực hiện. Mặc dù, việc xây dựng bản mô tả công việc, lập chương trình không thể đảm bảo lựa chọn được phương pháp tốt nhất trong số những phương pháp có khả năng để đạt mục tiêu, nhưng nó giúp cho người thừa hành tin rằng trong đa số trường hợp đó là biện pháp tốt hơn những biện pháp khác.

Quá trình xây dựng, lập chương trình cho phép quản trị cấp cao phát hiện những sai lầm trong việc đánh giá các hành động cần phải làm để đạt được mục tiêu, và cho phép điều chỉnh mục tiêu cho đến khi đầu tư các nguồn lực vào việc thực hiện.

- Ngoài ra, sự thích ứng của MBO trong điều hành công ty kinh doanh đa ngành còn thể hiện ở một số nội dụng như: Việc sử dụng MBO cho phép quản trị cấp cao tổ chức đánh giá chất lượng công việc của nhân viên dựa trên những nhiệm vụ, mục tiêu được giao. MBO giúp chuẩn hoá một số quy trình và kỹ năng như

nguyên tắc giao việc, thảo luận, xác định mục tiêu, kỹ năng phản hồi, quy trình đánh giá cán bộ. Sử dụng MBO khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong công ty, từ đó tạo được động lực cho nhân viên cam kết đóng góp nhiều hơn…

Một phần của tài liệu Quản trị theo mục tiêu của nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành trên địa bàn Hà Nội (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)