CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ THEO MỤC TIÊU CỦA NHÀ QUẢN TRỊ CẤP CAO TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH ĐA NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
4.1. Xu hướng phát triển công ty cổ phần kinh doanh đa ngành
4.1.1.Xu hướng phát triển công ty cổ phần kinh doanh đa ngành ở các nước tư bản phát triển
Ở các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức.., vào khoảng những năm 1950 có rất nhiều công ty kinh doanh đa ngành. Nhưng gần đây xu hướng kinh doanh đa ngành ở những nước này đang giảm dần. Nguyên nhân là những nước công nghiệp phát triển có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng chính sách tốt, trình độ chuyên môn hóa cao theo từng ngành, dẫn đến điều kiện gia nhập ngành rất khó, cạnh tranh cao. Mặt khác, nền kinh tế phát triển đến một trình độ cao thì thị trường bắt đầu bão hòa về sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, để tạo sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ các công ty trước khi thành lập phải chuẩn bị kỹ, đủ các nguồn lực để tập trung kinh doanh tồn tại và phát triển một ngành. Khi phát triển thì cũng gặp rất nhiều những khó khăn như rào cản đến từ các đối thủ cạnh tranh rất mạnh, những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của khách hàng. Họ phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh một ngành.
Mặt khác, ở các nước này có xu hướng kinh doanh có trọng điểm, tập trung một ngành, cũng vì công ty muốn bảo tồn giá trị cổ phiếu. Việc phân tích tình hình hoạt động trong các công ty kinh doanh đa ngành phức tạp, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đánh giá lợi thế, doanh thu từng ngành cụ thể.
Do vậy, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu ở những công ty riêng biệt, kinh doanh xuất sắc hẳn trong một lĩnh vực hoạt động.
Ở những nước có nền kinh tế phát triển kinh doanh đa ngành đang có xu hướng giảm. Nhưng hiện nay trên thực tế vẫn đang tồn tại rất nhiều công ty, tập
đoàn lớn kinh doanh đa ngành phát triển rất mạnh và có ảnh hưởng rất lớn trên thị trường. Chẳng hạn sự thành công của Samsung là ví dụ cần phải bàn thêm về kinh doanh đa ngành. Hiện Samsung có mặt trên rất nhiều lĩnh vực từ thẻ nhớ, hàng tiêu dùng điện tử, điện thoại, xe hơi, hóa dầu cho đến xây dựng, bảo hiểm, tài chính, bán lẻ, giải trí... Theo đánh giá của Interbrand, giá trị thương hiệu và lợi nhuận của Tập đoàn Samsung không ngừng gia tăng trong 5 năm gần đây.
Yamaha là nhãn hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhạc cụ. Bên cạnh đó, Yamaha còn nổi tiếng là hãng xe máy lớn thứ hai trên thế giới. Hai ngành nghề này không liên quan gì nhau, từ khách hàng mục tiêu đến công nghệ sản xuất. Ngoài ra, người ta còn thấy Yamaha kinh doanh cả sân golf, xe trượt tuyết, động cơ nổ... Còn rất nhiều những công ty kinh doanh đa ngành khác thành công như: Sony, Honda, AT&T…
4.1.2.Xu hướng phát triển công ty cổ phần kinh doanh đa ngành ở Việt Nam 4.1.2.1. Đối với các công ty nhà nước
Việt Nam đang dựa vào kinh tế nhà nước là chủ đạo, xây dựng các tập đoàn kinh tế thành “quả đấm thép” là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy tình trạng kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, lãng phí, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn kinh tế nhà nước là nguyên nhân dẫn đến đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp, nợ công tăng lên. Các tập đoàn độc quyền tăng giá không kiểm soát, làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước là chủ đạo đang bộc lộ những yếu kém.
Việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô là không có cơ sở, xét cả trên lý luận và thực tiễn. Chúng ta cần phải thay đổi quan điểm, kiên định với nguyên tắc nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm khi đã được tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ từ phía nhà nước. Không sử dụng doanh nghiệp nhà nước là công cụ để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế hay để giải quyết các vấn đề xã hội, và không sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hình thức thâm dụng vốn đầu tư lớn.
Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành rất tràn lan. Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã nhận thấy sự bất cập và đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn khỏi những ngành nghề kinh doanh không liên quan đến ngành nghề chính, mà phải tập trung vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Bên cạnh đó, bản chất doanh nghiệp nhà nước là nhận tiền của nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao. Do vậy, phải tập trung kinh doanh, phát triển mạnh ngành nghề chính được giao, trở thành những tập đoàn, công ty lớn mạnh trong lĩnh vực kinh doanh của mình, có thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty cùng ngành trên thế giới.
4.1.2.2. Đối với các công ty ngoài nhà nước
Việt Nam là đất nước trải qua một thời kỳ dài chiến tranh, nền kinh tế và cơ sở vật chất chậm phát triển và bị tàn phá nặng nề. Bên cạnh đó, đất nước có một thời kỳ dài là nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, là rào cản lớn ngăn nền kinh tế phát triển. Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ xây dựng và phát triển, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tích lũy tư bản chủ nghĩa. Do vậy, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, chính sách còn yếu, chưa đồng bộ, thiếu sót rất nhiều. Trình độ nhận thức và chuyên môn của người dân chưa cao. Trình độ chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực còn thấp, dẫn đến điều kiện ra nhập ngành dễ. Bên cạnh đó nước ta còn có cơ chế đặc thù, vẫn còn phổ biến hình thức xin - cho. Doanh nghiệp mở rộng ngành, lĩnh vực kinh doanh phần lớn dựa vào nguồn vốn vay và quan hệ. Mặt khác các công ty ngoài quốc doanh có thể linh hoạt sử dụng số tiền của chính mình, họ biết phải làm gì với số tiền của họ. Ngoài ra, kinh doanh đa ngành mang lại nhiều những ưu điểm và phù hợp với đặc thù nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Do vậy, phần lớn các doanh nghiệp ngoài nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp quy mô vừa và quy mô lớn đều kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa cũng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phổ biến kinh doanh đa ngành, đó là sự hạn chế về năng lực, trình độ của đội ngũ chủ doanh nghiệp và lãnh đạo trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả điều tra hơn 63.000 doanh nghiệp trên cả nước thời gian vừa qua cho thấy 43,3% lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông. Số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sĩ trở lên chỉ chiếm 2,99%. Có thể nói, đa số các chủ doanh nghiệp và giám
đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kinh tế, kiến thức quản trị kinh doanh. Do đó, các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế về tư duy chiến lược dài hạn, kinh doanh còn mang nặng tính tự phát, theo phong trào và suy nghĩ ngắn hạn, dẫn đến phần lớn các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang kinh doanh đa ngành.
Kinh tế Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững, cùng với đó xu hướng công ty cổ phần kinh doanh đa ngành sẽ giảm dần.
Công ty cổ phần kinh doanh đa ngành xét về phương pháp luận kinh tế thì không chuyên nghiệp, nhưng thực tế ở Việt Nam vẫn đang tồn tại phổ biến hình thức kinh doanh này. Đa ngành là một hình thức phát triển của doanh nghiệp, việc xác định mức độ đa ngành vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Có nhiều nghiên cứu về đa ngành, tuy nhiên chưa có lý thuyết nào chỉ ra mối tương quan giữa đa ngành và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.