CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ THEO MỤC TIÊU CỦA NHÀ QUẢN TRỊ CẤP CAO TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN KINH DOANH ĐA NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
4.2. Giải pháp vận dụng thành công phương pháp quản trị theo mục tiêu của nhà quản trị cấp cao trong các công ty cổ phần kinh doanh đa ngành
4.2.4. Nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều hành trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành
- Vai trò của việc nâng cao năng lực đội ngũ trong việc vận dụng MBO:
Như trên đã phân tích, việc vận dụng MBO gắn liền với quá trình phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, việc phân cấp và ủy quyền chỉ có hiệu quả khi đội ngũ nhân viên có động lực (làm việc vì công ty) và năng lực (có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết vấn đề). Vì vậy, để vận dụng thành công phương pháp MBO cần thiết phải nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều hành như quản trị cấp cao, quản trị cấp trung, quản trị cấp thấp và đội ngũ cán bộ nhân viên trong các công ty cổ phần kinh doanh đa ngành.
Năng lực là những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng của con người, mang tính quyết định đến hiệu quản trong công việc. Năng lực là các đặc điểm cá nhân có vai trò thiết yếu để hoàn thành công việc, hoặc quan trọng hơn là có thể tạo ra sự khác biệt về hiệu quả công việc giữa người có thành tích vượt trội và người có thành tích trung bình. Trình độ là mức hay khả năng hiểu biết cao hay thấp, sâu hay rộng về người hay sự việc. Trình độ học vấn là sự hiểu biết từ học tập, nghiên cứu, trình độ bao gồm các cấp bậc như cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... Ý thức trách nhiệm là nhận thức, thái độ của mỗi người đối với chức trách, nhiệm vụ của mình đối với người khác, đối với tổ chức. Người có ý thức trách nhiệm là người luôn nhận thức rõ và tìm cách để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức phân công, thể hiện tốt chức trách của mình với bạn bè, với đồng nghiệp, với cơ quan. Người có ý thức trách nhiệm là người nhận thức được nếu không hoàn thành công việc sẽ là người có lỗi và phải chịu hậu quả không tốt xảy ra.
Phương pháp MBO là một phương pháp quản trị khoa học, từ việc xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch cho đến công tác triển khai thực hiện đòi hỏi người vận dụng cần phải có trí tuệ, trình độ nhận thức, quyết đoán, chủ động, sáng tạo giải quyết công việc và phải là người chịu được áp lực trong công việc. Do vậy, năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều hành
đóng vai trò rất quan trọng tới kết quả vận dụng phương pháp MBO. Trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm thấp là yếu tố trực tiếp cản trở vận dụng MBO trong quản trị điều hành công ty cổ phần kinh doanh đa ngành.
- Yêu cầu về năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều hành:
Mức độ của yêu cầu tùy thuộc từng vị trí và cấp bậc của nhà quản trị, quản trị cấp cao yêu cầu về năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm cao hơn quản trị cấp trung và quản trị cấp cơ sở. Nhà quản trị cấp cao cần nhiều thời gian, công sức cho công tác hoạch định và tổ chức hơn nhà quản trị cấp trung và cấp cơ sở. Ngược lại nhà quản trị cấp cơ sở lại dành nhiều thời gian và công sức cho công tác điều khiển.
Quản trị cấp cao yêu cầu về năng lực quản trị, còn quản trị cấp cơ sở yêu cầu nhiều hơn về năng lực chuyên môn.
Nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành yêu cầu về năng lực lãnh đạo bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phán xét và kiến thức. Kỹ năng giải quyết vấn đề là khả năng sáng tạo của nhà quản trị để giải quyết các vấn đề mới và bất thường, vấn đề chưa được xác định của tổ chức. Kỹ năng này bao gồm khả năng xác định những vấn đề quan trọng, thu thập thông tin về vấn đề, phân tích và làm rõ vấn đề, và đưa ra các giải pháp, phương án giải quyết vấn đề.
Kỹ năng phán xét đề cập đến năng lực nhận thức về con người và hệ thống xã hội.
Nó cho phép nhà quản trị làm việc với những người khác để giải quyết vấn đề và vừa hỗ trợ thực thi những thay đổi trong mỗi tổ chức. Kỹ năng phán xét bao gồm khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác, hiểu biết và nhận thức được vai trò của người khác trong tổ chức, kỹ năng phán xét xã hội còn liên quan đến việc ứng xử với các thành viên khác một cách mềm dẻo, linh hoạt. Nó cũng bao gồm khả năng truyền đạt tầm nhìn của mình đến các thành viên khác một cách hiệu quả. Nhà quản trị cần có kiến thức về các sản phẩm, công việc, con người, tổ chức, và tất cả những cách thức khác nhau để gắn kết các yếu tố lẫn nhau. Kiến thức có liên quan chặt chẽ đến việc ứng dụng và thực hành các kỹ năng giải quyết vấn đề trong tổ
chức. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhà quản trị trong việc xác định các vấn đề tổ chức phức tạp và nỗ lực giải quyết chúng. Kiến thức và sự thành thạo giúp con người có khả năng tư duy về các vấn đề hệ thống phức tạp và xác định ra chiến lược khả thi cho sự thay đổi phù hợp. Khả năng này còn cho phép sử dụng các tình huống và biến cố trước đây để lập kế hoạch thay đổi. Kiến thức còn cho phép sử dụng quá khứ để xây dựng các phương án đối phó trong tương lai.
Ngoài các năng lực trên, các thuộc tính cá nhân của nhà quản trị cũng ảnh hưởng đến thành quả lãnh đạo: Năng lực tư duy tổng hợp, năng lực nhận thức tích luỹ, động lực và tính cách cá nhân. Năng lực tư duy tổng hợp được hiểu như là sự thông minh của một người. Nó bao gồm cách xử lý nhận thức, xử lý thông tin, kỹ năng lập luận tổng hợp, khả năng sáng tạo và tư duy khác nhau, kỹ năng ghi nhớ.
Năng lực nhận thức tích lũy đề cập đến năng lực trí tuệ có được qua việc học tập hoặc được đúc kết qua thời gian. Nó là kho kiến thức mà nhà lãnh đạo tích lũy được qua kinh nghiệm. Năng lực nhận thức tích lũy là trí tuệ học được, những ý tưởng và năng lực nhận thức con người học hỏi được thông qua kinh nghiệm. Yếu tố động lực gồm các khía cạnh đặc biệt cần thiết của động lực để phát triển kỹ năng lãnh đạo. Các nhà lãnh lão phải sẵn sàng và tích cực giải quyết các vấn đề phức tạp của tổ chức. Người lãnh đạo cũng phải mong muốn một địa vị có ảnh hưởng đối với người khác. Người lãnh đạo phải cam kết với các lợi ích xã hội mà tổ chức đó tạo ra. Tính cách là thuộc tính cá nhân có ảnh hưởng tới sự phát triển kỹ năng lãnh đạo.
Sự cởi mở, sự khoan dung, và sự ham hiểu biết có thể ảnh hưởng tới động lực của nhà quản trị trong việc cố gắng giải quyết một số vấn đề của tổ chức. Hoặc trong những tình huống xung đột, những thuộc tính như lòng tin và khả năng thích nghi có lợi đối với sự thực hiện công việc của nhà quản trị.
Ngoài ra, tùy thuộc vào quy mô hay đặc thù của từng công ty, nhà quản trị cấp cao trong công ty cổ phần kinh doanh đa ngành yêu cầu những trình độ khác nhau, nhưng nhìn chung để vận dụng thành công phương pháp MBO, một phương pháp quản trị khoa học thì nhà quản trị cần có trình độ cao nhất định, cần thiết phải
tốt nghiệp thạc sĩ về kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh... Bên cạnh đó, quản trị cấp cao cần có một ý thức trách nhiệm cao, luôn nhận thức rõ và tìm cách thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Hy sinh, phấn đấu vì mục tiêu của công ty và thực hiện thật tốt nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức phân công, thể hiện tốt chức trách của mình với bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan, đoàn thể.
- Các biện pháp nâng cao năng lực đội ngũ các nhà quản trị và cán bộ nhân viên:
Một trong những biện pháp phát triển quan trọng là trải nghiệm thực tế.
Công ty tạo các điều kiện để đội ngũ cán bộ điều hành nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm qua việc trải nghiệm công việc thực tế. Phương thức này rất quan trọng, người được đào tạo không bị gián đoạn thời gian ảnh hưởng đến tính liên tục và thường xuyên của công việc. Năng lực, trình độ được nâng lên nhanh, sát thực với công việc thực tế và phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải lựa chọn những cán bộ phù hợp, tạo điều kiện giao công việc thực tế cho họ, hỗ trợ, đôn đốc và tạo mọi điều kiện, nguồn lực để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phương thức này có hạn chế là giai đoạn đầu người được giao việc có thể chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, ảnh hưởng đến công việc như tiến độ, chất lượng và lãng phí nguồn lực. Do vậy, công ty phải có những chính sách thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời điều chỉnh để giúp người được giao việc hoàn thành tốt công việc. Qua đó nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều hành doanh nghiệp.
Biện pháp thông dụng thứ hai là phối hợp với các trường, viện nghiên cứu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản trị. Doanh nghiệp có thể cử cán bộ đi học hoặc liên kết với nhà trường đào tạo tại doanh nghiệp. Tuỳ từng vị trí, cấp bậc hay yêu cầu công việc của nhà quản trị có thể tham gia các khoá học ngắn hạn như các phương pháp quản trị, marketing, quản trị chiến lược, kỹ năng thuyết trình thuyết phục, hay các khoá học dài hạn như học nâng cao lên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ..
Những kiến thức này là rất quan trọng, nó là nền tảng cho các nhà quản trị có khả năng vận dụng các phương pháp quản trị khoa học như MBO, và cũng là những
kiến thức nền tảng để các nhà quản trị phát huy khả năng sáng tạo, năng lực và trình độ trong quản trị và điều hành các doanh nghiệp.
Thứ ba, công ty có chính sách khuyến khích nhân viên tự nghiên cứu, học tập và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm. Doanh nghiệp phải xây dựng nếp văn hóa tự nghiên cứu, học tập và chia sẻ tri thức giữa các nhà quản trị và cán bộ nhân viên với nhau. Khả năng tự học của doanh nghiệp được xem là yếu tố giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi mạnh và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro bất ngờ. Nhà quản trị phải có khả năng học tập và sáng tạo ra tri thức cho riêng mình và cần phải biết xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành một tổ chức có khả năng tự học. Nhà quản trị cấp cao phải là người làm gương cho việc tự học, và văn hóa doanh nghiệp luôn khởi nguồn và bị ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa của những người quản trị cấp cao.
Doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng khả năng tự học tốt khi nhà quản trị cấp cao là người sống với tinh thần học tập, không giấu dốt, không sợ sai, dám học cùng nhân viên. Quản trị cấp cao phải luôn quan tâm và truyền tinh thần học tập đến các cấp quản trị thấp hơn và cán bộ nhân viên trong công ty. Doanh nghiệp phải có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà quản trị và cán bộ nhân viên tích cực học tập để nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, năng lực quản trị, kỹ năng nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm.