Quan niệm về truyện ngắn và truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 21 - 26)

7. Cấu trúc của luận án

1.2. Quan niệm về truyện ngắn và truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long

Truyện ngắn là gì? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời để có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Khi xác định nội hàm khái niệm truyện ngắn, các nhà nghiên cứu đã đặt truyện ngắn trong mối quan hệ với các thể loại tự sự khác. Cách làm phổ biến là so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết. Về cơ bản, truyện ngắn và tiểu thuyết có những đặc điểm giống nhau. Phân tích 600 truyện ngắn và 300 tiểu thuyết, Helmut Bonhein đã đưa ra kết luận: “Không có yếu tố đơn lẻ nào trong nhiều định nghĩa truyện ngắn mà không thể tìm thấy trong tiểu thuyết”[43, tr.420]. Đứng trên quan điểm này, Norman Friedman, một nhà lý luận tầm cỡ về thể loại truyện ngắn cũng nhận định: “Quá trình quy nạp là thu thập một mẫu đúng về những gì được coi là truyện ngắn để kiểm tra đặc điểm của chúng trong mẫu đó và so sánh những đặc điểm này với những đặc điểm lấy ra từ mẫu đúng của tiểu thuyết”[43, tr.420]. Và Friedman cũng cho rằng :“Có thể không có sự khác biệt nào giữa truyện ngắn và tiểu thuyết (từ những yếu tố bề ngoài về độ ngắn dài); hoặc có thể kết quả tốt hơn, đó là sự khác biệt về cấp độ

chứ không phải về chủng loại”[43, tr.421]. Hay nói khác hơn, ông đã chỉ ra:“Truyện ngắn chỉ khác tiểu thuyết ở quy mô của hành động và cách thể hiện hành động ở mức độ dài ngắn (tức là khác biệt về cấp độ) chứ không có sự khác nhau về thể loại (vì cũng là hình thức tự sự hư cấu bằng văn xuôi)”[43, tr.421]. Như vậy, theo quan niệm của Friedman, nếu so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết ta sẽ thấy một trong những sự khác biệt giữa cốt truyện của truyện ngắn và cốt truyện của tiểu thuyết không phải là sự khác biệt về tầm cỡ lớn nhỏ của các hành động mà là trong cái cách trình bày các hành động đó: toàn bộ hay tóm tắt. Một truyện có thể ngắn không phải vì hành động của nó vốn nhỏ mà chủ yếu quy mô được rút gọn, tóm tắt, trình bày một cách cô đọng. Trong khi đó quy mô được mở rộng trong tiểu thuyết miêu tả toàn bộ sự việc đang được trình bày trực tiếp và cụ thể ngay từ khi hành động bắt đầu diễn ra. Đi theo hướng nghiên cứu này, Ruby.V. Redinger đã đưa ra quan điểm của mình như sau: “Truyện ngắn là một hình thức văn học, bản chất của nó bao hàm trong những từ làm thành phần tạo nên tên gọi của nó. Với tư cách là một câu chuyện, nó kể lại một chuỗi sự kiện hoặc một biến cố liên quan đến con người trong hoạt động thể chất hoặc tinh thần. Vì thế, giống mọi hình thức văn xuôi hư cấu khác, nó mô tả bằng ngôn từ và thành công của nó phụ thuộc vào sự tiếp xúc trực tiếp đạt được giữa người đọc và đối tượng miêu tả. Với tư cách là truyện ngắn, dĩ nhiên, nó không thể thực hiện mối tiếp xúc trực tiếp này bởi các phương tiện phổ biến đối với tiểu thuyết, như là xây dựng nhân vật chậm rãi, miêu tả thật chi tiết và lặp lại. Đặc biệt là nó phải miêu tả với độ nhanh nhạy và trọn vẹn giống như một tấm gương”[17, tr.19]. Dễ nhận thấy trong quan niệm truyện ngắn của Redinger cũng như Friedman, các nhà lý luận đã lưu ý đến đặc trưng ngắn của thể loại này khi so sánh nó với tiểu thuyết. Song tiêu chí này thực sự có quan trọng không? Rõ ràng trong định nghĩa truyện ngắn của Ruby V. Redinger đã cho thấy truyện ngắn không thể lệ thuộc vào tiểu thuyết về mặt kỹ thuật, nguyên tắc phản ánh… nên việc tìm hiểu truyện ngắn không thể chỉ dừng lại ở đặc điểm hình thức bên ngoài độ ngắn dài, số lượng từ mà phải xuất phát từ chính đặc trưng thể loại. Đồng quan điểm với Redinger, các nhà nghiên cứu thực sự xem trọng tiêu chí này khi đưa ra những quan niệm khác nhau về truyện ngắn.

Nhà văn Nga K.Pauxtopxki đưa ra định nghĩa: “Thực chất truyện ngắn là gì? Tôi nghĩ rằng truyện ngắn là một truyện viết ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như

một cái gì bình thường và cái gì bình thường hiện ra như một cái không bình thường”[43, tr.404].

Giáo sư văn học người Pháp D.Grojnowski viết: “Truyện ngắn là một thể loại muôn hình muôn vẻ biến đổi không cùng. Nó là một vật biến hoá như quả chanh của lọ lem. Biến hoá về khuôn khổ ba dòng hoặc ba mươi trang. Biến hoá về kiểu loại, tình cảm, trào phúng, kỳ ảo hướng về biến cố có thật hoặc tưởng tượng hoặc phóng túng. Biến hoá về nội dung thay đổi vô cùng tận. Muốn có chất liệu để kể, cần một cái gì đó xảy ra, dù đó là một thay đổi chút xíu về sự cân bằng về các mối quan hệ. Trong thế giới của truyện ngắn, cái gì cũng thành biến cố. Thậm chí sự thiếu vắng tình tiết diễn biến cũng gây hiệu quả, vì nó làm cho sự chờ đợi bị hụt hẫng”[6, tr.79].

Nhà lí luận văn học N.A.Gulaiep quan niệm: “Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ, trong đó nó khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn tập trung mô tả một sự kiện nào đó thường xảy ra trong đời của một nhân vật, hơn nữa thường bộc lộ một nét nào đó của nhân vật”[110, tr.146].

Như vậy, qua quan niệm về truyện ngắn của một số nhà nghiên cứu nước ngoài, cho thấy ưu thế lớn nhất của thể loại này là với dung lượng ít nhưng có thể truyền tải được một nội dung tư tưởng lớn. Mỗi nhà nghiên cứu đều có lý lẽ và cách lý giải khác nhau nhưng các quan niệm trên cũng có phần giống nhau. Đại đa số đều cho rằng, truyện ngắn là một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống rất riêng mang tính chất thể loại. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phác họa một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh trong đời sống tâm hồn con người.

Các nhà văn và nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng có những ý kiến khác nhau về truyện ngắn:

Đứng trên quan điểm là nhà văn, Nguyên Ngọc xác nhận: “Truyện ngắn là một bộ phận của tiểu thuyết nói chung” vì thế “không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn vốn nhiều vẻ có chuyện viết về cả một đời người, lại có chuyện chỉ ghi lại một vài giây phút thoáng qua”[144, tr.27].

Còn nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng: “Mỗi truyện ngắn là một trường hợp… Trong quan hệ giữa con người và đời sống, có những khoảnh khắc nào đó, một mối quan hệ nào đó

được bộc lộ. Truyện ngắn phải nắm bắt được cái trường hợp ấy. Trường hợp ở đây là một màn kịch chớp nhoáng, có khi là một trạng thái tâm lý, một biến chuyển tình cảm kéo dài chậm rãi trong nhiều ngày. Nhưng nhìn chung thì vẫn có thể gọi là một trường hợp”[144, tr.19]. Như vậy, trong cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Kiên, chúng ta thấy cụm từ “một trường hợp” đã thể hiện rõ tính chất của truyện ngắn: một chỉ khối lượng của tác phẩm, nghĩa là dung lượng của nó quy định trong số ít; còn “trường hợp” chỉ ý nghĩa điển hình của sự vật, sự việc, tình huống. Khi quan niệm truyện ngắn là một trường hợp có nghĩa là nhà văn đã vận dụng toàn bộ kinh nghiệm sống và bản lĩnh nghệ thuật để soi sáng đời sống tại những thời khắc tiêu biểu và từ đó vạch ra được bản chất quy luật của đối tượng phản ánh.

Vương Trí Nhàn cho rằng: ‘‘Truyện ngắn là một tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ dung lượng hạn chế, phải nói là nhỏ hơn hẳn so với thể loại khác là truyện vừa và tiểu thuyết’’[110].

Tác giả Từ điển Văn học cũng đưa ra cách nhìn nhận, xác định khái niệm truyện ngắn và trước tiên cũng khẳng định đây là hình thức tự sự loại nhỏ thường được viết bằng văn xuôi. Bên cạnh đó, công trình này đi sâu vào những nét đặc trưng làm cho truyện ngắn khác với các thể loại tự sự khác như sau:“Truyện ngắn tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống:

một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội”[142, tr.30].

Nếu tiểu thuyết là một hình thức tự sự cỡ lớn, miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển với một cấu trúc phức tạp với nhiều số phận, tính cách đan xen thì truyện ngắn là một hình thức tự sự cỡ nhỏ chỉ thể hiện một bước ngoặc, một trường hợp hay một tâm trạng của nhân vật và tính cách trong truyện ngắn được làm sáng rõ tại một thời điểm quan trọng. Nếu tiểu thuyết miêu tả quá trình thì truyện ngắn miêu tả kết quả, nếu tiểu thuyết mở ra một diện rộng thì truyện ngắn tập trung xoáy vào một điểm. Tuy nhiên, nếu hiểu dung lượng theo hiệu quả, chất lượng nghệ thuật thì truyện ngắn có quyền bình đẳng với tiểu thuyết bởi truyện ngắn phát hiện nghệ thuật đời sống theo chiều sâu. Chẳng hạn trong văn học hiện đại Việt Nam, một số tác giả đã tạo nên những truyện ngắn xét về dung lượng không thua kém tiểu thuyết. Đó là Nam Cao với Chí Phèo, Nguyễn Trung Thành với Rừng xà nu, Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu…Và gần đây là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Những tác phẩm này giống như pho chính truyện giới thiệu cuộc đời và số phận của những nhân vật:

Chí Phèo, TNú, tướng Thuấn với nhiều biến cố, những tính cách đầy bất ngờ. Nhưng sở dĩ những tác phẩm này là truyện ngắn vì nhà văn đã dồn nén chi tiết theo chiều sâu với sự thống nhất của các sự kiện trong một cách kể ngắn gọn, nghệ thuật.

Có thể nhận xét rằng: Dung lượng ngắn gọn vẫn là đặc điểm và cũng là tiêu chí đầu tiên của truyện ngắn. Ngắn gọn ở đây được hiểu là sự tỉ mỉ, cô đọng về từ ngữ, loại bỏ những gì thiếu súc tích như Maugham đã từng nhận xét: “Truyện ngắn cần phải viết sao cho người ta không thể bổ sung thêm vào đó chút gì cũng không thể rút bớt ra chút gì”[11, tr.82]. Chính sự ngắn gọn về dung lượng đòi hỏi nhà văn phải luôn luôn sáng tạo trong việc lựa chọn chi tiết các sự kiện thật sắc sảo và sắp xếp chúng thật khéo léo, chặt chẽ phù hợp với nội dung của tác phẩm.

Ở một góc độ nào đó thì bản chất quan niệm của các nhà lý luận Việt Nam có phần giống nhau khi nói về khái niệm truyện ngắn. Mỗi nhà nghiên cứu đều đưa ra một quan niệm khác nhau nhưng những quan niệm này không đối lập mà ở từng quan niệm có một sự thống nhất về yếu tố dung lượng, về phương diện phản ánh của truyện ngắn. Điều này đem lại cho khái niệm truyện ngắn mang tính khách quan, phản ánh cơ bản những đặc trưng nội tại của thể loại này. Cái chính của truyện ngắn là gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người.

Truyện ngắn là một khái niệm khó xác định cả về nội dung và hình thức. Chung quanh khái niệm truyện ngắn đã có rất nhiều ý kiến. Luận án không có ý định đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh, chính xác (và cũng không làm được điều này). Như M.Bakhtin nhận định:

‘‘Người ta cứ đưa ra định nghĩa về thể loại, chỉ ra những dấu hiệu xác định và chắc chắn của nó, rồi lại phải điều chỉnh’’[13, tr.27].

Có lẽ với truyện ngắn, thể loại năng động chỉ có thể có những tiếng nói tiếp tục, khó có tiếng nói thống nhất cuối cùng. Tất cả những ý kiến về truyện ngắn mà luận án dẫn ra ở phần trên chỉ là những tiền đề, là gợi ý để tiếp tục suy nghĩ, tìm hướng tiếp cận gần gũi hơn nữa với công việc nghiên cứu và giảng dạy truyện ngắn.

1.2.2. Quan niệm về truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL nơi trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, cũng là nơi dung nạp nhiều cư dân khác nhau từ mọi miền đất nước đến lập nghiệp và đang tồn tại nhiều tín ngưỡng dân gian cùng với một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Sau 1975, ĐBSCL lại càng có sức

hút mãnh liệt đối với các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ vì đây là một vựa lúa, một biển cả mênh mông và vườn cây trái bạt ngàn. Chính cuộc sống phong phú và hào hùng như thế đã tạo nên nguồn cảm xúc vô tận đối với những người cầm bút khắp mọi nơi khi đến với ĐBSCL, nhất là những nhà văn sinh ra, trưởng thành ở ĐBSCL. Bởi vậy, khái niệm truyện ngắn ĐBSCL theo chúng tôi có hai cách hiểu sau:

Cách hiểu thứ nhất, hiểu theo nghĩa rộng đó là những truyện ngắn của các nhà văn ở mọi vùng miền cả nước viết về ĐBSCL.

Cách hiểu thứ hai, hiểu theo nghĩa hẹp đó là những truyện ngắn do các nhà văn sinh ra, trưởng thành và công tác ở ĐBSCL viết về ĐBSCL, hoặc những nhà văn từ những miền đất khác đến làm ăn sinh sống ở ĐBSCL. Từ ‘‘tình yêu làm đất lạ hóa quê hương’’(Chế Lan Viên), các nhà văn đó xem đây là nơi đất lành chim đậu để rồi gắn bó sâu nặng và viết về vùng đất này.

Cũng có một số nhà văn có quê ở ĐBSCL đã viết nhiều về ĐBSCL nhưng sau đó chuyển về sống ở thành phố Hồ Chí Minh như: Sơn Nam, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng...

Với những truyện ngắn của các nhà văn này, chúng tôi tạm xếp vào cách hiểu thứ hai.

Thực tế, qua các tuyển tập truyện ngắn ĐBSCL từ trước đến nay, chúng tôi nhận thấy các truyện được tuyển đều nằm trong cách hiểu thứ hai.

Từ hai cách hiểu trên, chúng tôi quan niệm truyện ngắn ĐBSCL theo cách hiểu thứ hai.

Có thể ở một góc độ nào đó cần phải suy ngẫm, cân nhắc thêm, nhưng với chúng tôi đó là cơ sở để đi vào nghiên cứu và xác định đặc điểm của truyện ngắn ĐBSCL.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 21 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)