Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.1.1. Nghệ thuật tạo dựng tình huống
3.1.1.3. Tình huống nhận thức
Tình huống nhận thức là kiểu tình huống với những sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật được đẩy tới một tình thế bất thường như đối mặt với một bài học nhận thức, bật lên một vấn đề về nhân sinh, về nghệ thuật cần phải vỡ lẽ, giác ngộ. Kiểu nhân vật của dạng tình huống này đương nhiên là nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lý tính của nó. Chất liệu cớ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát, phân tích, suy lý, đúc kết, chiêm nghiệm…mà trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật giống như một tư tưởng được nhân vật hoá.
Tình huống nhận thức luôn mở ra những vấn đề trước hiện thực đời sống mà nhà văn có sự nghiền ngẫm và lí giải theo quan niệm của mình với mong muốn đối thoại cùng người đọc.
Truyện ngắn Ông già đến từ Busan của Vũ Hồng là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là ông già đến từ Busan - vị khách ba lô lẻ và nhân vật tôi - sinh viên sử năm 3 làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Chuyến du lịch về miền sông nước Cửu Long, đi đến Bến Tre giữa hai người mới gặp nhau lần đầu tiên, theo xuyên suốt miền Tây là cả một câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời, cảm xúc, tâm sự, ước mơ và nỗi lòng… bộc lộ từ vị khách già nọ. Hai nhân vật chính đi cùng nhau không phải do ngẫu nhiên mà có nguyên nhân, giữa ông và nhân vật tôi có một điểm giống nhau đó là họ đều có một mụn thịt nhỏ ở cánh mũi phải dù nhỏ thôi nhưng hình như ý nghĩa với ông, nên thấy thân quen, gần gũi như những người đồng hương gặp nhau trên vùng đất mới trong cuộc mưu sinh, những người da vàng gặp nhau nơi xứ người. Đến Bến Tre ông hỏi và tìm đến cây Bạch Mai sống trên ba thế kỷ - Cội Bạch Mai già, sần sùi theo thời gian như chính ông đang nhìn thấy mình, tìm thấy sự đồng cảm với mình. Ông hình như cũng thấy điều mình đang tìm kiếm - gốc rễ cội nguồn của mình ở ngay cây Bạch Mai già cội này. Nó đã sống trên quê hương ông, trải qua bao nắng mưa, thăng trầm của cuộc sống, nó giống như cột mốc ghi lại bước đi vội vã của thời gian, tất cả sự đổi thay trên quê hương đều như in hằn lên lớp vỏ làm chúng ngày càng sần sùi hơn. Như khi người ta đi xa về, bốc một nắm đất trên quê hương cũng thấy lòng đầy cảm xúc, thấy nắm đất đầy ý nghĩa. Ở Bến Tre được ba ngày, ông chụp hết tấm phim này đến tấm phim khác, rồi hí hoáy vẽ phác họa những nét đơn điệu của cảnh vật đồng bằng, với ông nó rất đẹp vì đồng bằng gần gũi với con người hơn, khác xa với thành phố Busan, một nơi nhộn nhịp, ồn ào mà ông đang sống. Ông nội ông là người nói cho ông biết mình có dòng máu Việt Nam, trái lại với ông ba ông luôn trối bỏ nguồn cội của mình. Ông tự học tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt, ăn món ăn Việt và nói chuyện với cánh thủy thủ Việt Nam, thích Nguyễn Tuân. Phải chăng ông đang cố tìm lại dòng máu của mình, để cảm xúc, suy nghĩ, tiếng nói và bản thân được thuần Việt hơn, được trở về đúng gốc gác của mình. Ngày sinh nhật, ông đi qua đi lại trước đại sứ quán Việt Nam “tự chúc mừng sinh nhật mình bằng cách nhìn lá cờ Việt Nam đang bay nơi xứ người, rồi về”[182, tr.118]. Giống như người Việt Nam, một năm có 3 ngày tết cổ truyền để tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, truyền thống dân tộc
thật thiêng liêng và ý nghĩa. Nhìn lá cờ Việt Nam trong ngày sinh nhật, để thỏa nỗi lòng cố hương của ông, để thấy trong ngày mình cất tiếng chào đời, dù ở nơi đâu cũng đặt nơi chôn rau cắt rốn vào lòng, vào máu, vào tim. Lời an ủi của nhân vật tôi làm ông chạnh lòng
“không có đứa trẻ sơ sinh nào biết tự chọn cho mình đất nước”[182, tr.118]. Cũng như không có đứa trẻ nào chọn được cha mẹ, dòng máu, màu da cho mình. Nhưng đau khổ hơn với ông “Ở đất Hàn họ cho mình là người Việt, còn ở Việt nhìn tao là Hàn. Tao là kẻ không có quê hương và điều đó khiến tao đau lòng lúc tuổi già gần đến. Rồi Việt Nam cũng không đủ thời gian để nhớ ra rằng mình còn có một đứa con phải gởi nắm xương nơi đất khách quê người. Tao còn một điều ân hận với nguồn cội của mình là đã để đứa con trai út theo đoàn quân viễn chinh sang đây…”[182, tr.118]. Có lẽ giờ đây, ông thấm thía hơn ai hết niềm ao ước được tìm lại quê hương, có được nguồn cội, có được nơi để quay về khi tuổi già. Dòng máu Hàn - Việt trong người vẫn chảy, nhưng dường như chẳng nơi nào nhận ông là con
“đang ngồi nhớ về quê hương ngay chính trên quê hương của dòng máu ông đang mang mà cái quê hương đó lại chưa nhận được ông về tổ ấm”[182, tr.119]. Ông chợt khóc rưng rức như một đứa trẻ, một đứa trẻ mồ côi quê hương ngay chính tại nơi mà nó sinh ra. Rồi như không biết vô tình hay cố ý, nhân vật tôi - người dẫn đường cho ông “chợt thấy chạnh lòng khi nhớ về quê nhà Ba Tri cách đó không xa mấy”[182, tr.119]. Phải chăng, giữa hai con người đang có sự đồng cảm, hay khi chứng kiến một người đang đau khổ vì không tìm được tổ ấm, thì người ta mới giật mình quý trọng tổ ấm mình đang có. Hình như dòng máu Việt và niềm khao khát nguồn cội cũng đang xuôi chảy trong ông già đến từ Busan như vậy, âm thầm, lặng lẽ như không bao giờ cạn.
Truyện ngắn Tro bụi trên sông của Ngô Khắc Tài nói về con người tha hương, tác giả đề cập rõ nét nhất qua nhân vật hia Kim. Hia Kim sống tha hương nhưng luôn nhớ về cội nguồn của mình. Hia là một người mang nửa dòng máu Trung Hoa, nửa dòng máu Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam. Lúc nhỏ có một lần hia Kim được về Trung Quốc nhưng rồi sau đó cuộc sống bận rộn sau này hia Kim không có lần nào về nữa. Thế nhưng trong hia Kim luôn khao khát trở về cố hương. Lúc già sắp về cõi vĩnh hằng hia Kim như muốn hoài vọng về cố hương, theo rờ rẫm vách nhà, cây cối trong vườn để hồi tưởng lại cuộc đời mình.
Ông muốn trước khi chết được sờ những vật đã để lại trong ông những kỉ niệm tươi đẹp bên ông bà, cha mẹ. Và đây cũng là những giây phút thiêng liêng với cội nguồn đã lãng quên.
Trước lúc giã từ cõi đời hia Kim đã dặn dò với Tố Anh là hia mong muốn xác minh được thiêu và đem thả ra biển Hà Tiên. Có lẽ đây chính là con đường duy nhất mà hia Kim trở về với cội nguồn.
Truyện còn đặt ra vấn đề về sự khác nhau trong cách suy nghĩ về cuộc sống tâm lý của hai thế hệ. Họ là lớp người già và họ có một đời sống tâm lý rất riêng, rất phức tạp. Họ không sống vì tương lai mà sống bằng những hoài niệm của quá khứ, họ có nhu cầu được giãi bày tâm sự cũng như ôn lại chuyện xưa. Và lớp con cháu chúng ta có khi lấy làm bực mình vì những chuyện đó không hấp dẫn. Sở dĩ chúng ta có cảm giác đó là vì chúng ta chưa hiểu hết tâm sự của người già. Họ già nên họ cô đơn lắm, họ cô đơn khi bạn bè cùng trang lứa ngày một mất dần. Chỉ có bạn bè cùng trang lứa mới hiểu hết tâm sự của nhau thôi. Họ đành tìm sự cảm thông ở lớp con cháu nhưng con cháu chúng ta lại quay mặt lại với họ. Có lẽ chúng ta chưa già nên chưa thấu hiểu tâm lý của người già. Họ rất cần sự quan tâm yêu thương từ con cháu. Truyện được viết bằng cảm xúc chân thực của nhà văn, dữ dội, mạnh mẽ, song với chất trữ tình êm dịu của nó, làm người đọc xúc động, và đồng cảm với tác giả.
Với truyện Khóc hương cau, Phan Trung Nghĩa đã khắc họa rất đậm nét về cuộc đời và số phận của những người phụ nữ. Họ nối tiếp nhau, đại diện cho đức tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ ĐBSCL nói riêng.
Nói về người mẹ, bà là người “khổ từ trong trứng khổ ra”. Từ thời con gái cho đến khi lấy chồng, có con rồi, ấy mà cái cực vẫn còn đeo bám, ngay đến lúc chết bà cũng không nhắm mắt vì chưa thực hiện được ước nguyện về thăm lại quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn dù chỉ một lần. Nơi đó nào xa xôi, chỉ ở Cồn Ấu - Cần Thơ, thế mà má Nghĩa không về được… 24 năm đã qua, cũng 24 năm người phụ nữ ấy chống chọi, lận đận với cuộc sống đầy cơ cực. Và dường như bà sinh ra là để lo cho chồng, cho con, xem đó như món nợ tình, nợ nghĩa mà bà phải trả. Tuy nhiên, có một món nợ mà bà không thể trả được, đó là nợ với quê hương. Lòng người mẹ thương con, thương chồng, giàu đức hy sinh ấy tuy hoàn cảnh đưa đẩy, nên bà không về lại quê xưa, nhưng trong lòng bà luôn nung nấu, mong mỏi và canh cánh day dứt khôn nguôi một nỗi niềm nhớ quê hương. Ký ức về Cồn Ấu, về gia đình, về hương bưởi, hương cau quê nhà… là những gì còn đọng lại, rất thiêng liêng. Và cái chết bất ngờ đã chấm dứt cuộc đời cơ cực, vất vả của bà, để rồi những mong ước gần như cháy bỏng là được trở về quê nhà đã theo bà xuống nấm mồ. Khi Nghĩa lấy vợ, có gia đình thì vợ Nghĩa
cũng là một người phụ nữ đảm đang, chu đáo. Chị đã làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ mẫu mực. Với tình thương con và đức hy sinh, theo Nghĩa thì vợ là biên bản thứ hai của người má mình… Cái cực như “lây lan” mãi ra và khổ nhất vẫn là những người phụ nữ. Càng cao quý và đáng để ta khâm phục hơn khi chị không hề kêu ca, oán than dù chỉ nửa lời. Chính vì vậy, làm cho Nghĩa cảm thấy hổ thẹn về trách nhiệm của người chồng khi không gánh vác nổi những khó khăn, tủi nhục trong những tháng ngày cơ cực của vợ. Lời kể của Nghĩa về má, về vợ không đơn giản là nói về sự hy sinh, tấm lòng cao đẹp của họ, mà qua đó tác giả bộc lộ nỗi lòng của chính mình, như muốn trải lòng ra bằng một tấm lòng của một người con, người chồng… khi không lo được gì cho người thân. Giọt nước mắt của Nghĩa giờ đây không đơn thuần là nhớ về một người mẹ nữa mà nó đã trở thành nỗi niềm day dứt khi bản thân chưa được thực hiện được ước nguyện của má mình lúc sinh thời: “đắp thay má ít cục đất trên mồ mả ông bà ngoại để gội rửa tội lỗi”[182, tr.200].
Ở truyện Xe tăng và ruồi của Đoàn Văn Đạt là tình huống nhận thức về cuộc sống của loại tù “mồ côi”. Ruồi và Xe Tăng thật ra họ đều có tên, tên đàng hoàng và rất đẹp là đằng khác, nhưng “Gọi là Ruồi, đơn giản là do nó kiếm ăn bằng nghề đập ruồi. Còn Xe Tăng thì lòng vòng hơn. Số là toàn quân lao có sáu khu, đánh số từ A đến F. Mỗi khu lập ra đội xe tăng, nói cho oai, thực ra đó là những cái thùng phuy loại 200 lít, được xỏ ngang bằng cây sắt “ấp chiến lược” và thằng nào phải ghé vai vô làm công việc khổ sai này được gọi chung là xe tăng. Xe tăng chỉ chở duy nhất một mặt hàng: rác”[182, tr.41-42]. Vì miếng cơm Ruồi thà “Cụt chân còn hơn chết đói”. Chính vì lòng ích kỉ khi có ăn Ruồi cắt đứt mọi liên hệ với bạn, có ăn không mời, ăn dư sẵn sàng liệng bỏ. Khi Ruồi nhận ra thì quá muộn không thể cứu chữa được nữa. Ruồi chết do bị nhiễm trùng máu cấp tính. Xe Tăng là một người thẳng thắn, sống vì bạn luôn che chở cho bạn có ăn thì đều chia sẻ cho bạn. Khi Ruồi hành nghề mới, Xe Tăng thật thà khuyên bạn: “Ruồi a, vết thương bàn chân mầy dạo này nhẹ lắm rồi, mày cho ruồi bu suốt ngày coi chừng bị cắt cụt chân”[182, tr.45]. Vì những lời khuyên đó Ruồi cắt đứt tình bạn giữa hai người, có ăn quay lưng lại với bạn nhưng khi Ruồi đến xin lỗi thì “Xe Tăng ái ngại nhìn nó, nỗi căm giận bạn bè phản trắc bấy lâu như tiêu tan hết. Một niềm thương cảm chợt dâng lên trong lòng nó”[182, tr.53]. Khi ra tù Xe Tăng đã tìm đến thăm bạn và cầu xin ông trời “nó van vái phật trời ban cho bạn nó kiếp sau nếu được làm người thì phải là người đúng nghĩa, đừng cho ruồi nhặng bu vào”[182, tr.56].
Các kiểu tình huống trên cũng đã từng xuất hiện trong truyện ngắn ĐBSCL trước 1975, nét mới ở đây là tình huống được xây dựng giàu kịch tính hơn. Qua đó, đời sống tâm hồn và tính cách nhân vật được thể hiện sâu sắc, chân thật và sinh động hơn.
Tóm lại, dù chưa có được nhiều tình huống truyện độc đáo, nhưng thực sự cách tạo dựng tình huống trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, ở mức độ nhất định đã góp phần khắc họa tính cách nhân vật.
Nhân vật trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, được xây dựng rất đa dạng, phong phú đủ mọi tầng lớp và trên mọi lĩnh vực. Mỗi nhân vật đều có có một tính cách riêng vừa mang dáng dấp của con người thời đại nhưng lại mang đậm tính cách, phẩm chất của con người ĐBSCL mộc mạc, giản dị, hoà hiệp, trọng nghĩa, lạc quan yêu đời.
Bên cạnh đó, thông qua tình huống truyện nhà văn lí giải những vấn đề mà tác phẩm đặt ra, từ đó định hướng người đọc có nhận thức, suy nghĩ, hành động đúng đắn. Mặt khác tình huống truyện góp phần tạo sự gắn kết các nhân vật trong truyện.