Sự vận động của truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 28 - 33)

7. Cấu trúc của luận án

1.4. Sự vận động của truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay

Từ năm 1975, đất nước bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Văn học cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng cũng chuyển mình trong tư thế dò tìm những phương thức thể hiện tốt nhất để kịp phản ánh đời sống xã hội đa dạng trước yêu cầu mới của thời đại. Truyện ngắn thu hút sức sáng tạo của các thế hệ cầm bút ở ĐBSCL. Họ là những nhà văn đến từ nhiều vùng đất khác nhưng lại có quá trình gắn bó lâu dài với cuộc sống, con người nơi đây qua các thời kỳ khác nhau. ĐBSCL nơi ‘‘đất lành chim đậu’’, nơi giàu chất liệu, tiềm tàng khả năng trên nhiều phương diện đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Nhu cầu tinh thần và khát vọng giãi bày tình cảm, cảm nhận về những đổi thay trong cuộc sống đã và đang diễn ra thôi thúc các nhà văn tìm tòi, khám phá vẻ đẹp của thời đại, cũng như chiều sâu tâm lí của thế giới nội tâm con người. Từ cơ sở đó, trên từng phương diện thể tài và từng góc độ khám phá khác nhau họ đã cống hiến cho người đọc một khối lượng khá đồ sộ truyện ngắn, trong đó nhiều truyện ngắn hay.

Năm 1996, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã chọn lọc và giới thiệu với người đọc Tuyển tập truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long 1975 - 1995. Năm 1999, Nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh chọn giới thiệu 2 tập Truyện ngắn miền Tây. Đến cuối năm 2003, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau - Ban liên lạc Hội nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL lại cho ra mắt bạn đọc Tuyển tập truyện ngắn 18 nhà văn đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2004, Nhà xuất bản Văn học chọn lọc, giới thiệu Truyện ngắn Ba tác giả đồng bằng sông Cửu Long đến độc giả.

Ngoài ra còn nhiều tập truyện ngắn của riêng từng tác giả cũng đã ra mắt bạn đọc, đáng chú ý là truyện ngắn của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau.

Có thể nói, sự xuất hiện các tuyển tập nói trên thể hiện cách nhìn đúng đắn, thái độ trân trọng trong việc khẳng định sự đóng góp và đánh dấu một bước phát triển mới của thể loại này.

Cảm nhận của chúng tôi khi tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay đó là sự phong phú về đề tài đa dạng về phong cách.

Với đặc trưng thể loại, mỗi truyện ngắn chỉ phản ánh một vài khía cạnh của cuộc sống, nhưng nếu đặt cạnh nhau với cái nhìn bao quát, người đọc có thể hình dung được những nét đặc điểm cơ bản của cuộc sống, con người và cảnh sắc của vùng đất này. Hướng khai thác mối liên hệ giữa cái hôm qua và hôm nay luôn được soi chiếu và lý giải từ nhiều chiều.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng với dân tộc Việt Nam, nỗi đau mà kẻ thù gây nên vẫn còn trong cuộc sống hôm nay. Tái hiện quá khứ để người đọc hướng về hiện tại, đó là một nguyên tắc viết về chiến tranh. Nhận thức sâu sắc điều đó, các cây bút truyện ngắn ĐBSCL đã khai thác đề tài chiến tranh trên một bình diện mới, với điểm nhìn mới để người đọc hôm nay và cả mai sau vừa cảm nhận được cái đẹp, cái cao cả, hào hùng và cả cái mất mát của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu vì tự do, độc lập, vừa giải đáp có ý nghĩa sâu sắc trước nhiều vấn đề trong đời sống con người ở nhiều thời đại…(Sau chiến tranh - Quang Thắng, Câu chuyện trên tàu - Trần Ninh Thới, Vết thương thứ mười ba - Trang Thế Hy, Cổ tích chiến tranh, Những đứa con chiến tranh - Thai Sắc…)

Trong bối cảnh của những năm đầu sau chiến tranh và thời kỳ đổi mới, người viết truyện ngắn ở ĐBSCL thường đi vào khai thác, lý giải về bình diện đạo đức của cuộc sống đời thường. Vấn đề thân phận con người trong chiến tranh và cuộc sống hôm nay luôn là

niềm suy ngẫm, trăn trở trên từng trang văn của họ. Trước bao đổi thay của cuộc sống, vấn đề tình nghĩa được nhiều người viết quan tâm. (Về với mảnh vườn xưa - Anh Đức, Xóm nghèo - Nguyễn Ngọc Tuyết, Gió đưa cây cải về trời - Nguyễn Ngọc Tư…)

Nhiều vấn đề khác trong cuộc sống đời thường được tiếp tục khai thác, đó là niềm thông cảm và lòng nhân ái, niềm tin vào cuộc sống tương lai, hãy biết trân trọng niềm hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc rất giản dị,...(Điểm tựa trắng - Lê Đình Trường, Một giờ với tương lai - Anh Động, Chuyện con người - Nguyễn Huỳnh Hiếu, Điều không tới được - Chu Hồng Hải, Con gái tôi - Nguyễn Thanh, Cha và chú tôi - Thai Sắc…)

Nhiều cuộc đời, cảnh đời đã được các cây bút truyện ngắn ĐBSCL tái hiện. Đó là những ‘‘lão nông tri điền’’, những người phụ nữ, những trẻ con, là thương binh, anh bộ đội phục viên, người nghệ sỹ... và cả những cán bộ kém năng lực, tha hoá,...(Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư, Vết thương thứ mười ba - Trang Thế Hy, Cha và chú tôi - Thai Sắc, Người dì tên đợi - Nguyễn Quang Sáng…)

Vấn đề thân phận con người được thể hiện từ nhiều phương diện và trong hoàn cảnh khác nhau nhưng điều dễ nhận ra là niềm cảm thông, trân trọng đối với con người (Nhà không có đàn ông - Dạ Ngân, Tiếng hót trong lòng - Trịnh Bửu Hoài, Khoảng khắc hoa quỳnh nở - Ngô Vĩnh Nguyên, Thảo - Đỗ Việt Phương, Người đàn ông mặc áo nâu - Phạm Thị Ngọc Điệp…), đều được khai thác theo hướng đó.

Cuộc sống mới với những trăn trở, nhất là vấn đề phục hồi, phát triển kinh tế và quản lý xã hội trong điều kiện đổi mới tư duy kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường. Với đề tài này, các cây bút truyện ngắn bày tỏ nỗi suy tư về lối sống, cách sống và muốn gửi một thông điệp: những giá trị tinh thần dần dần bị mãnh lực của đồng tiền đẩy lùi, thậm trí bị quên lãng.

Kinh tế phát triển, nhưng cuộc sống gia đình trở nên nhạt nhẽo, mối quan hệ cha con, vợ chồng không còn gắn bó như xưa (Những người hiện đại - Lê Thị Thanh Minh, Trò chơi giữa giờ - Nguyễn Đức Nghĩa, Dưới lớp tro - Mai Văn Tạo, Mùa dưa gang - Kim Quyên, Chiều Mưa - Nguyễn Kim Châu, Ba về - Lê Đình Bích, Giữa dòng nước lũ - Anh Đào, Kiều Nương - Ngô Khắc Tài, Không có cái truyện ngắn nào cả - Phạm Trung Khâu, Động cơ làm cách mạng - Đoàn Văn Đạt, Hắn và tôi - Mai Bửu Minh, Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư...)

Thiên nhiên vùng sông nước thanh bình, trù phú, với những cảnh quan còn giữ được nét hoang sơ, huyền bí, có phần khắc nghiệt dữ dội, nhưng gắn bó với con người và đời sống văn hoá đặc trưng sông nước cũng là những đề tài được tác giả truyện ngắn ĐBSCL khai thác.

Tuy nhiên, mảng đề tài về vùng ĐBSCL còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ chưa được người viết khai thác.

Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy, đa số nhà văn có cách uyển chuyển và nhẹ nhàng hơn, ít tuân thủ theo kết cấu truyền thống. Đó là lối viết giàu sức lôi cuốn người đọc bởi ngồn ngộn bao điều mới lạ của Sơn Nam khi ông quan niệm ‘‘muốn hội nhập văn học cần phải mạo hiểm, phải viết cái gì mới cho người ta đọc chứ lặp lặp đi lặp lại mãi cái cũ thì ai mà đọc’’; lối viết đầy trăn trở và lịch lãm của Trang Thế Hy; Nguyễn Quang Sáng vẫn lối viết giàu kịch tính; Anh Đức vẫn trữ tình trong sáng thiết tha trên từng trang văn; Anh Động với lối viết cẩn trọng nhưng không kém phần hóm hỉnh; Nguyễn Thanh lặng lẽ giãi bày niềm suy tư; Khai Phong sống trong ký ức về cuộc chiến tranh giữ nước; Ngô Khắc Tài lăn lóc với đời thường ở từng khu phố nhỏ; Hồ Tĩnh Tâm với lối viết duyên dáng, nhẹ nhàng bởi nhiều chi tiết xúc động và gợi cảm; Vũ Hồng với giọng văn vừa phóng khoáng, vừa thâm trầm với những truyện ngắn viết về sự giao hòa và mâu thuẫn trong lối sống, tâm lý giữa các thế hệ con người vùng Nam bộ; Lê Đình Trường sâu sắc trong việc thể hiện chiều sâu tâm hồn nhân vật. Lê Đình Bích với lối viết chặt chẽ, khúc triết và thích tìm về những huyền thoại xa xưa; Thu Trang tinh tế và giàu tính trữ tình trong việc miêu tả những ngõ ngách tâm hồn của con người; Anh Đào nặng về những tình cảm trắc ẩn nhưng đầy lòng vị tha; Dạ Ngân thường khai thác những xung đột về tình cảm và đạo đức con người; Nguyễn Ngọc Tư với lối viết hồn nhiên, đôn hậu, mang đậm không gian Nam bộ. Đặc biệt, ‘‘Chị đã sử dụng ngôn từ của địa phương Nam bộ khá thành công trong các sáng tác của mình. Điều này góp phần làm nên một văn phong riêng ở chị’’[152, tr.312].

Có thể nói, nét riêng ở cái nhìn đôn hậu và cách thể hiện chân chất, giản dị mà không giản đơn, sơ lược, không nhạt nhẽo của mỗi nhà văn ở vùng ĐBSCL đều bộc rõ trong tác phẩm. Cho dù lối viết, cách phản ánh hiện thực và mức thành công có khác nhau, nhưng điều dễ nhận thấy là sự nhanh nhạy, ý thức tìm tòi đổi mới và vươn lên trong sáng tạo của các nhà văn. Điều đó chứng tỏ họ đã bắt kịp mạch vận động và phát triển của văn học từ sau 1975.

‘‘Thực tình mà nói, ĐBSCL ngày càng xuất hiện nhiều tác giả với những những tác phẩm

mang được nhiều dấu ấn văn học. Đặc biệt là sau mỗi cuộc thi truyện ngắn ở khu vực hoặc địa phương chúng ta lại có nhiều truyện ngắn hay, mang được hơi thở cuộc sống của một vùng đất’’[123].

Tóm lại, ĐBSCL là vùng đất mới, nơi đây chứa đựng những sắc thái văn hoá riêng - văn hoá vùng sông nước. Từ sau 1975, cùng với sự phát triển, đổi mới của văn học cả nước, văn học ĐBSCL ngày càng xuất hiện nhiều tác giả với những tác phẩm mang được nhiều dấu ấn văn học. Truyện ngắn ĐBSCL đã làm tốt vai trò phản ánh đời sống và thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người nơi đây trong một giai đoạn lịch sử với nhiều biến động của vùng đất và cả nước đang trở mình vươn dậy. Và với hương sắc riêng, truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, đã lặng lẽ góp phần làm nên vẻ đẹp đa dạng, phong phú cho nền văn học dân tộc. Như nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội thảo Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long, lần thứ nhất tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang: “Đây là một khu vực văn xuôi đặc sắc, có giá trị bổ sung độc đáo cho nền văn xuôi cả nước, khó có thể hình dung rõ nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, nếu thiếu vắng văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long”[135, tr.54].

Chương 2

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)