Chương 2 NHỮNG CẢM HỨNG TRONG TRUYỆN NGẮN
2.1. Cảm hứng ngợi ca thiên nhiên và con người ĐBSCL
2.1.1. Cảm hứng ngợi ca thiên nhiên
2.1.1.1. Thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt, dữ dội
Đất nước ta đang thay đổi từng ngày. Cũng vì thế mà cảnh quan thiên nhiên cũng đã và đang biến đổi trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Nhưng ở ĐBSCL còn giữ lại ở nhiều nơi và những cảnh chưa hoặc ít bị biến đổi, đặc biệt là khu vực Bán đảo Cà Mau và Đồng Tháp Mười. Có thể xem đây là một trong những nét đặc trưng riêng của cảnh sắc thiên nhiên ĐBSCL so với vùng miền khác.
Cả nước biết tiếng rừng U Minh qua bài ca Hương tràm của nhạc sĩ Vũ Hoàng.
U Minh bốn bề là tràm Chẳng biết tháng nào nở hoa
Mà hương thơm dường như suốt mùa Ướp mật vào tóc em thở…
Nhưng có đặt chân tới đây, chúng ta mới thấy hết sự hùng vĩ của nó “trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải đâu đâu cũng là rừng. Rừng bạt ngàn…” (Đất không cưu mang - Bích Ngân). Rừng đước khoẻ mạnh và huyền bí. Những cây đước thẳng mọc tựa lưng vào nhau, cành lá như những cánh tay ken không cho sống lẫn một cây khác giống, không cho lọt
vào một vật ngoại lai. Nếu rừng đước chặt chẽ, cứng cỏi thì rừng tràm thoang thoảng hương thơm, hai bên bờ kênh nở tím hoa mua, gợi nên cảm giác thênh thang hùng vĩ.
Cảm nhận về thiên nhiên ĐBSCL phút ban đầu là nét đẹp hiền hoà, dung dị, song cũng rất hoang sơ và bí hiểm.
Với truyện ngắn Hổ Mun, Đặng Thư Cưu đã giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên ĐBSCL ở những thời khắc khác nhau. Đó là vẻ đẹp huyền bí của những cánh rừng già khi chiều xuống: ‘‘Mặt trời đỏ sậm như màu máu, hạ chầm chậm xuống mặt đầm lầy mù chướng khí. Những tia nắng cuối cùng sáng rực, lấp lánh như nhiều mũi giáo nung già lửa trong lò, đâm xuyên qua làn sương trắng. Cánh rừng bao bọc chung quanh, bắt đầu ngả màu đen sẫm’’[183, tr.58].
Và khi màn đêm buông xuống, rừng lại xao động với muôn ngàn âm thanh gợi cảm giác về một thiên nhiên hoang dã: “Gió đứng, bầy muỗi bay lào xào…. Tiếng cá sấu thở cạnh bờ sông nghe như tiếng rên trầm…”[183, tr.58]. “Tiếng hú vang lên cuồn cuộn như tiếng bão.
Nó chứa đựng một sức mạnh man dã, rừng rú. Nó trườn qua khu rừng, dội mạnh vào những gốc cây già, lướt trên chồi xanh, phá vỡ cái tĩnh mịch nặng nề và sau cùng là hòa tan vào những âm thanh rì rầm bất tận của dòng sông”.“Gió đêm bắt đầu hú ầm ầm, xa xa tiếng hổ gầm no mồi như uất nghẹn’’. ‘‘Tiếng chim lạ gào lên như âm thanh một tiếng khóc nức nở.
Rồi tiếp theo là một tràng cú rúc kinh hoàng… phía rừng già vang ầm ào như cơn gió thốc bức xoáy lên”[183, tr.70].
Đúng là đất rừng phương Nam vẫn còn vang động những âm thanh trầm trầm hoang vắng
“rừng chất chứa nghìn trùng bí ẩn, vừa quyến rũ, vừa nghiệt ngã”. Con người tới với rừng bằng sức lực mỏng manh: “Mảnh đất hoang vu này còn chứa biết bao điều mà ông không thể hiểu hết. Đời người quá ngắn ngủi trước bí mật của thiên nhiên”[183, tr.64].
Cũng với mạch cảm hứng về thiên nhiên, Bông mai giữa Đồng Tháp Mười của Lê Thanh Huệ, người đọc lại nhận ra vẻ đẹp nguyên sơ, nhưng tươi sáng, trong trẻo đến ngỡ ngàng của thiên nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười: ‘‘Mặt trời khuất sau đường chân trời, chỉ để lại những tia hồng hình nan quạt. Đám núi bằng mây bông lô xô ở đằng phía tây lúc chiều còn sáng trắng lên pha màu ngọc trai ở triền đón nắng, thẫm hơn và đi bóng ở những thung lũng bị che thì giờ đây tất cả đã bị hoàng hôn nhuộm hồng pha tím. Mấy ngôi sao lẻ loi đang nhấp nháy. Chúng tôi thu xếp ra về để lại sau lưng một vệt rừng tràm viền đường chân trời. Giữa
mênh mông màu xanh của cỏ năn, sim mua, chen vài cây tràm vừa mới đội tấm thảm hoang dại để nhô lên còn sót lại một vài cụm tràm chen chúc nhau như nấm mộ lớn của rừng’’
[183, tr.230].
Tóm lại, bằng nghệ thuật lựa chọn hình ảnh đặc trưng sông nước, với tình cảm gắn bó chân thành với quê hương, các nhà văn ĐBSCL đã giới thiệu đến bạn đọc mọi miền đất nước vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của những cánh rừng nguyên sinh ở Bán đảo Cà Mau, hay nét đẹp nguyên sơ tươi sáng ở vùng Đồng Tháp Mười. Đây là nét riêng của cảnh sắc thiên nhiên sông nước, là tiềm năng của du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.
Lâu nay, trong suy nghĩ của mỗi người, ĐBSCL là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi,
‘‘nơi làm chơi ăn thiệt’’. Nhưng thực tế ở ĐBSCL đang tồn tại một thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội và có nguy cơ ngày càng gia tăng, tuy không khốc liệt như miền Bắc, miền Trung.
Nhưng trong mặt hạn chế của thiên nhiên, con người lại tìm thấy mặt thuận lợi của nó để tận dụng, để tồn tại và phát triển. Do vậy, nhận thức đúng về thiên nhiên, để có cách tiếp cận mới và ứng xử linh hoạt với nó cũng là một phương diện của cảm hứng mà chúng tôi cảm nhận được ở truyện ngắn ĐBSCL sau 1975.
Về mặt địa lý, ĐBSCL không những tiếp giáp với đất liền, mà ba mặt: đông, tây, nam đều tiếp giáp với với biển đông. Do vậy, thiên nhiên ở đây tồn tại và phát triển trong trạng thái tương phản: giữa sông và biển, mùa khô và mùa mưa, gió mùa tây nam và mùa gió chướng, lũ và hạn. ‘‘Nơi nước mặn; nước phèn; nơi nước ngọt; nơi ngập lụt gần như sình lầy mãn năm; nơi cao ráo; nơi làm ruộng làm vườn được; nơi hoang vu, cỏ lác, dưng, năn mọc lưa thưa’’[105].
Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên là nước. Không phải ngẫu nhiên mà Sơn Nam lại mượn những câu thơ tả cảnh nước lũ ở An Giang để mở đầu cho truyện ngắn Một cuộc biển dâu của mình:
Linh đinh bèo nước biết về đâu?
Đậu bến An Giang thấy những rầu, Bảy Núi mây liền, chim chíp cánh, Ba đồng nước chảy, cá vênh râu.
Cỏ rau nội quạnh, dân xanh mặt, Ba dòng nước chảy, cá vênh râu...
(Phan Văn Trị)
Đúng là nước ở miền Tây có một khuôn mặt rất khác - nước nổi và ngập mặn. Một thứ thiên tai âm thầm mà dữ dội.
Ai đã đến ĐBSCL vào mùa nước nổi đều giữ mãi ấn tượng về cảnh quan ở đây. Nước sông cuồn cuộn chảy. Các cánh đồng mênh mông nước đục ngàu. Nhà cửa, vườn tược, xóm làng như cùng nổi theo nước.‘‘Mùa nước nổi lại đến. Đồng ngập lụt mênh mông. Gò mả lạng ở giữa đồng nước như ốc đảo…Nước cứ dâng lên, dâng dâng cao mãi. Nước liếm mất nơi cao nhất của cái gò’’ (Xóm mồ côi - Nguyễn Lập Em).
Người nơi khác đến ĐBSCL thường thấy làm thú vị về cảnh quan tươi đẹp do mưa nắng điều hòa, quanh năm ít có ngày âm u. Bão to rất hiếm. Lũ lớn nhưng hiền. Nhưng khí hậu hiền hoà không có nghĩa là hoàn toàn không có biến động và những hệ lụy của nó gây ra.
Qua truyện ngắn Đất không cưu mang của Bích Ngân, chúng ta sẽ có một cái nhìn thực tế hơn về những tác động tiêu cực của thiên nhiên đến môi trường sống ở ĐBSCL. Mưa nắng hai mùa đã oi bức, ẩm thấp, lại là nơi muỗi mòng sanh sôi nảy nở. Ai đã từng sống ở vùng sâu ĐBSCL, chắc không thể quên cảnh ‘‘muỗi kêu như sáo’’ ở đây: ‘‘Mưa nhẹ hạt một chút thì vô số muỗi rừng từ gốc cây kẽ lá và như từ những giọt mưa sinh ra, vây bủa lấy ba người.
Chúng thi nhau bấu chặt vào da thịt, hau háu hút máu”[183, tr.376].
Nếu miền Bắc có bốn mùa rõ rệt, thì vùng ĐBSCL chỉ có hai mùa mưa, nắng. Nét đặc trưng ấy, cũng được miêu tả rất sinh động trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975. Ở truyện Tiếng gọi ngàn của Đoàn Giỏi, người đọc cảm nhận được thế nào là mưa, là gió và cái nắng đến cháy da ở ĐBSCL.“Tháng sáu mùa mưa, gió ẩm ướt thổi thốc liên miên trong những cánh rừng tràm U Minh thượng qua rồi, kế đó là những ngày nắng nóng cháy da kéo dài của sáu tháng mùa khô cũng trôi qua’’[183, tr.165-166].
Ở truyện ngắn Lý sang sông của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc sẽ cảm nhận cái lạnh ở ĐBSCL khác với cái lạnh buốt của mùa đông miền Bắc:
‘‘Bấc về, như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta.
Da tôi mốc cời. Nước mặm rít da’’[166, tr.73].
Tóm lại, qua truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, còn chất chứa bao điều bí ẩn, mà còn nhận ra ở vùng đất này còn có một thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội, nhưng trù phú gắn bó với con người.