Chương 2 NHỮNG CẢM HỨNG TRONG TRUYỆN NGẮN
2.1. Cảm hứng ngợi ca thiên nhiên và con người ĐBSCL
2.1.1. Cảm hứng ngợi ca thiên nhiên
2.1.1.3. Thiên nhiên trù phú gắn bó với con người
Nhắc đến ĐBSCL, người ta nghĩ ngay đến một vùng sông nước, miệt vườn và sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Sự thực thì ĐBSCL từ lâu đã nổi tiếng những vườn cây ăn trái, mà nhà văn Sơn Nam cho là ‘‘tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở ĐBSCL’’[125, tr.34].
Mẹ mong gả thiếp về vườn Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Ai đã từng qua Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ dù chỉ một lần, đều có ấn tượng sâu sắc về trái cây miệt vườn. Dường như đây là đứa con cưng của thiên nhiên nhiệt đới, sản phẩm của phù sa, nước ngọt, nhiệt độ và ánh sáng. Mùa nào thức ấy, loại quả nào cũng to cũng nhiều và rẻ hơn nơi khác. “ vườn chôm chôm, mận, ổi, cam xoài trĩu trái dọc đường về Cái Răng, Ô Môn bên này bến bắc và cồn nối bên kia bến Ninh Kiều. Mùi trái chín, hương mật cỏ cây, nắng gió…Tất cả như tiết ra một thứ men nồng kì diệu” (Vài ngày ở Cần Thơ - Mường Mán). “Vườn nhà ngoại không những rộng mà còn có đủ loại trái cây. Ngay trên khoảng sân này thôi cũng đủ cả chùm ruột, mận, sơ ri, những chùm mận trắng đơm đầy cành, những trái chùm ruột no tròn, bóng lưỡng…” (Quê ngoại - Thu Trang).
Về miền Tây ghé thăm những cù lao ven sông Tiền, sông Hậu, hay đi sâu về miệt vườn Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc đâu đâu ta cũng bắt gặp: “Mùi quả chín tươm mật, mùi phấn hoa lay động bởi cánh dơi quạ và các loại chim đêm” (Tiếng gọi ngàn - Đoàn Giỏi).
Không biết tự bao giờ trong dân gian đã truyền tụng nhau câu ca:
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm.
Thật vậy, đến với ĐBSCL là chúng ta đến với vựa lúa lớn nhất của cả nước, với những
‘‘cánh đồng lúa vẫn ngút ngàn căng phồng ngực đất’’ (Dòng sông lặng chảy – Hồ Tĩnh Tâm).
Truyện ngắn ĐBSCL còn giới thiệu đến bạn đọc nhiều loài sinh vật đặc sản của vùng sông nước. Dưới sông thì có cá sâu “tiếng cá sấu thở cạnh bờ sông nghe như tiếng rên trầm trầm” (Hổ mun – Đặng Thư Cưu), cá hô “lớn bằng tấm ván ngựa, vảy ánh bạc, hai con mắt lớn như hai cái chén, nó quẫy một cái làm mặt sông nổi sóng” (Ông cá hô - Lê Văn Thảo).
Và mật ong:“Một dải rừng tràm mịt mùng không nhìn thấy giới hạn. Mùi mật sực nức trong
gió và tiếng ong rộn rã một giai điệu bất tận’’ (Hổ mun - Đặng Thư Cưu). Còn trong rừng thì
“đầy rẫy những con rắn nước, rắn mai gầm, những tổ trích, trứng le le thơm sực mùi cỏ khô lót trong lau sậy” (Tiếng gọi ngàn - Đoàn Giỏi).
Chính sự phong phú, đa dạng của sản vật, mà ở ĐBSCL đã hình thành những nghề rừng gắn bó và nuôi sống nhiều thế hệ người dân nơi đây như: nghề ăn ong, đốn củi, hầm than và đặc biệt là nghề câu sấu: “Ông Trì Gầm chuyên nghề câu sấu đem bán ngoài xóm chài”
(Ông cá hô - Lê Văn Thảo). Đồng thời sản vật cũng là nhân tố chủ yếu để hình thành nên những bộ phận văn học độc đáo có một không hai như truyện trạng Bác Ba Phi ở Cà Mau.
Thiên nhiên là một môi trường sống cần thiết của mỗi con người, mỗi cộng đồng. Con người sống trong quan hệ chặt chẽ với tự nhiên – cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên là thành tố quan trọng của mỗi hệ thống văn hoá. Trong ứng xử với môi trường tự nhiên có thể xảy ra hai khả năng: những gì của tự nhiên có lợi thì con người hết sức tranh thủ tận dụng, những gì có hại thì phải ra sức đối phó để thích nghi, dung hoà. Xét về mặt định tính lẫn định lượng, có thể thấy văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên của người ĐBSCL, thì khả năng tận dụng luôn trội hơn hẳn so với việc đối phó, (chung sống với lũ). ‘‘Nếu những cư dân ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên mà xuống ĐBSCL thì chỉ thấy sông rộng, nước sâu cũng phát khiếp. Ngược lại cư dân ĐBSCL nếu không có sông rạch, không có nắng vàng mùa khô, mùa lũ Đồng Tháp Mười, không có nước nổi thì họ không chỉ buồn mà còn thất vọng’’[100, tr.147].
Người dân ĐBSCL sống chủ yếu bằng nghề nông, mọi sinh hoạt, sản xuất đều gắn liền với môi trường sông nước. Vì vậy, cuộc sống của họ còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Để tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác, người dân nơi đây phải biết tận dụng, thích nghi, dung hợp với tự nhiên- chung sống với lũ chẳng hạn.
Qua truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng ta hiểu được người dân vùng sông nước đã tận dụng điều kiện tự nhiên trong sinh hoạt hằng như thế nào? Bằng nghệ thuật lựa những hình ảnh gắn với vùng sông nước, Dòng sông lặng chảy của Hồ Tĩnh Tâm, bức tranh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân vùng ĐBSCL hiện ra vừa quen thuộc, lại thiết thực, nhưng vô cùng sinh động:
“Mùa nắng bốn bề chang nắng. Mùa mưa bốn bề ngát nước. Nước lên thì giăng câu đặt lờ. Nước cạn thì tát đìa bắt cá, đặt sập bẫy chuột, thổi tu huýt bắt gà nước. Căn nhà quanh
năm sặc mùi cá...”. “Rau thì bẻ ngoài đồng, bẻ bên gò. Bông lục bình, ngó sen, bông điên điển, tai tượng và cải trời, cải đất tất cả đều là rau”[183, tr.364].
Có thể nói, chính môi trường sông nước buộc con người phải lựa chọn cách thức lao động, kiếm sống, sinh hoạt cho phù hợp. ‘‘Trong lao động dân Nam bộ là những con người linh hoạt, thông minh và sáng tạo’’[122, tr.410].
Tóm lại, ứng xử linh hoạt (thiên về tận dụng hơn là đối phó) với thiên nhiên là một nét tính cách của người ĐBSCL được hình thành trong môi trường sống cụ thể - môi trường thiên nhiên sông nước.
Qua những trang viết thấm đậm cảm xúc ngợi ca thiên nhiên, người đọc có thể hình dung được vùng đất giàu tiềm năng, trù phú không chỉ nuôi sống con người mà còn là một trong những nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn con người: ‘‘Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn’’ (Chế Lan Viên).
Ai lớn lên cũng có một quê hương, một góc trời xứ sở để nhớ, để thương, để buồn vương khóe mắt, để được mong nhớ lúc đi xa và thổn thức lúc trở về. Người ta thường nói tình cảm là cái gì rất trừu tượng, nhưng nỗi nhớ của NV tôi (Dòng sông lặng chảy - Hồ Tĩnh Tâm) là cảnh vật, âm thanh thật gần gũi, thân quen: “Tôi nhớ mùa điên điển. Nhớ dòng sông đêm chảy lóc tóc dưới be xuồng…Cái đêm gió đổi mùa ấy hăng hắc mùi cỏ gà, thơm thơm mùi cỏ sữa. Hai con chuột đồng đuổi nhau rúc rích”.
Quê ngoại của Thu Trang, lại đưa người đọc về với nhưng kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ, nơi đó là những vườn cây xanh ngát, rộn tiếng ve kêu: “…vườn cây xanh ngát, râm ran tiếng ve…những buổi đi bắt dế mò cua, những buổi lang thang trên đồng tìm trái cơm nguội, hay chèo bè ra tận sông cái hái bần chín chấm muối ớt”[183, tr.619].
Tiếng hú trong đêm hội Lăng của Nguyên Tùng, thì thiên nhiên là nơi lưu giữ những hoài niệm của đứa con sau hơn 30 năm trở về chốn cũ: “bờ sông giờ đã xa hơn. Lòng sông giờ đã rộng hơn” và ánh trăng giờ đây cũng trở nên lạnh lẽo và giả tạo hơn nhiều’’, “ngoài sân những ruộng muối đầy trăng…Trăng lồng trong những khung ruộng muối đầy ắp nước càng làm tăng thêm cái ánh sáng lạnh lẽo và có phần giả tạo”[183, tr.671].
Có thể nói, thiên nhiên chính là chất men say, là nơi hò hẹn, tâm tình của bao chàng trai cô gái: “Hai người…cứ lặng lẽ lủi sâu vào đám điên điển rậm rịt như rừng. Vào mùa nước
cò trắng, cò vàng đậu kín trên những cây điên điển mềm oặt. Thấy động tiếng người chúng kêu choang choác, xõa cánh bay lên bay xuống rào rào như có bão”[183, tr.548].
Người dân sông nước Cửu Long hay yêu và hay nhớ nhưng chi tiết nhỏ nhắn, xinh xinh, hay tư lự, đa sầu đa cảm chỉ vì những kinh mương gần gũi nhất, có khi chỉ là những cây đồng cỏ nội dễ kiếm nhất.
Thiên nhiên gợi cho ta những kỷ niệm khó phai mờ về một xóm làng, miệt vườn từ đó bồi đắp cho ta một tình yêu, sự gắn bó với nơi mình sinh ra, lớn lên. Có lẽ trong mỗi con người thiên nhiên là sợi dây tâm linh ràng buộc với xứ sở cội nguồn bền chặt nhất.
Đã từ lâu cảnh sắc thiên nhiên đánh giá là có một vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc sáng tác văn chương. Thật thú vị khi đọc truyện ngắn ĐBSCL, chúng ta bắt gặp một bức tranh thiên nhiên còn giữ được nét hoang sơ, huyền bí, cũng có phần khắc nghiệt, dữ dội, nhưng trù phú và gắn bó với con người.
Đúng là thiên nhiên vùng sông nước với khuôn mặt đầy quyến rũ của nó, thoạt gặp ta yêu mến ngay, là nguồn cảm hứng vô tận tạo nên những tác phẩm có giá trị, góp phần ca ngợi quê hương xứ sở.