Chương 2 NHỮNG CẢM HỨNG TRONG TRUYỆN NGẮN
2.4. Cảm hứng nhận thức về đời sống văn hoá
2.4.2. Lễ hội dân gian
Ở ĐBSCL còn có nhiều lễ hội và mỗi lễ hội có một ý nghĩa riêng. Tiếng hú trong đêm hội Lăng của Nguyên Tùng, đề cập đến hội lăng Ông ở làng biển thật sinh động: “Tiếng trống chầu từng hồi dài giục giã phía bên Lăng vọng lại. Trống báo hiệu cho mọi người hội tụ để cúng lễ đầu tiên của ngày hội Lăng”[183, tr.664]. Hội lăng Ông cũng là dịp để ngư dân cầu mong cho những chuyến đi biển được thuận buồm xuôi gió và cũng là nơi diễn ra cảnh ăn uống, vui chơi, ca hát sau những ngày làm ăn vất vả trên biển trở về. “Tiếng trống, tiếng chuông, tiếng đàn hát cúng bái rộn rịp phía trong Lăng…Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chân rậm rịch chung quanh”[183, tr.668]. Đối ngư dân thì lễ hội lăng Ông là một tín ngưỡng thiêng liêng “Tôi nhớ rằng là ngày giỗ tổ của dân trong làng biển. Những người sinh ra và lớn lên ở đây dù có tha phương, ngày tết có thể không về nhưng ngày hội Lăng nhất thiết phải có mặt. Không ai bắt buộc nhưng mặc tự nhiên mỗi người phải biết”[183, tr.669].
Ngoài ra, ĐBSCL còn có lễ hội đua ghe truyền thống mang đậm dấu ấn vùng sông nước. Ông cá hô của Lê Văn Thảo đã miêu tả sinh động lễ hội đua ghe hàng năm vào những
ngày rằm tháng bảy khi con nước lớn đã tràn bờ ở cù lao nhỏ thuộc tỉnh An Giang. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi thu hút được sự cổ vũ nhiệt tình của người dân: “Từ sáng sớm người đi coi đã bu nghẹt bên hai bờ sông. Dưới sông các ghe đua sắp thành hàng ngang, các tay bơi quần áo xanh đỏ ngồi thành đội đều tăm tắp, ghe được phết thành hình rồng rắn, mũi ghe vẽ hình đầu con cá ngẩng cao lên…”[183, tr.578]. Không khí lễ hội rất sôi nổi người đi coi không phân biệt đẳng cấp. Có đủ các hạng người giàu hay người nghèo, người có địa vị hay không có địa vị, tất cả đều chung vui trong ngày lễ đua ghe này. Hội đua ghe không ăn thua, mà chỉ để cầu mong sự may mắn. Nó thể hiện tính cộng đồng của tổ chức làng xã Việt Nam truyền thống.
Có thể nói, lễ hội truyền thống được mô tả trong truyện ngắn ĐBSCL không chỉ đơn thuần là một trò chơi giải trí sau những ngày làm ăn vất vả mà nó đã trở thành một tín ngưỡng in đậm dấu ấn văn hoá sông nước, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân vùng ĐBSCL.
2.4.3. Văn hoá ẩm thực
Nói đến sự đa dạng trong đời sống văn hoá ở vùng ĐBSCL thì chúng ta không thể không đề cập đến văn hoá ẩm thực của vùng đất này.
Ẩm thực là tiếng dùng chung khái quát nói về việc ăn uống. Văn hoá ẩm thực bao gồm cách chế biến, bày biện và thưởng thức trong món ăn, thức uống từ đơn giản, đạm bạc đến cầu kỳ mỹ vị. Song, khi nói đến văn hoá ẩm thực ở một vùng, miền nào đó thì nhất thiết phải tiếp cận từ điều kiện thiên nhiên thì mới có thể nêu lên được bản sắc văn hoá đặc trưng cụ thể của vùng, miền ấy.
ĐBSCL đâu đâu cũng đất rộng sông dài, nơi nào cũng kênh rạch chằng chịt lại lắm lung, hồ, búng, láng.., không nơi nào không nhung nhúc cá, tôm, rắn, rùa, cua ếch...đã vậy còn có cả rừng già rừng thưa, đầy rẫy chim muông, thú to, thú nhỏ. Người Nam bộ không chỉ biết kế thừa mà còn khám phá sáng tạo văn hoá ẩm thực làm cho nó ngày càng phong phú, đa dạng. Từ đó, miếng ăn, cách ăn của người Nam bộ có những cái rất đặc sắc, rất riêng. Tìm hiểu văn hoá ẩm thực được phản ánh trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, là chúng ta khám phá những nét riêng đặc trưng của văn hoá ẩm thực vùng sông nước.
Như mọi người đều biết, mỗi vùng miền có những đặc điểm riêng về thổ nhưỡng, địa lý, khí hậu, do vậy có những đặc sản riêng. ĐBSCL cũng không ngoại lệ. Món quà thực
phẩm mà thiên nhiên trao tặng cho người dân ở đây là các món ăn dân dã như canh chua cơm mẻ, cá rô mề nấu bông so đũa chấm muối ớt, cá rô kho tộ chấm bồn bồn, mắm đồng kho cá lóc chấm bông điên điển, cá lóc nướng trui chấm nước mắm dầm ớt hiểm, cá trê vàng nước chấm mắm gừng... Đúng là ‘‘Cơm trắng, nước trong, cá đồng, rau ruộng’’[125, tr.116], là những món ăn gắn bó thân thiết với con người vùng sông nước.
Muốn ăn bông súng cá kho Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Nam bộ)
Câu ca dao làm cho ta nhớ tới món canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô rất quen thuộc trong mâm cơm của người dân quê nghèo khó, lam lũ. Món ăn dân dã nhưng chứa đựng cả một giá trị lịch sử văn hoá khẩn hoang của cha ông thời trước.
Cá lóc là món ăn rất được ưa chuộng, người sành ăn thường chọn cá lóc bự để luộc vì nhiều thịt và dai. Cá lóc có thể luộc mẻ, hoặc hèm, gói bánh tráng kèm theo bún và các loại rau. Món cháo cá chế biến không cầu kỳ nhưng hương vị rất đặc biệt mà ai ăn rồi cũng sẽ nhớ mãi. Với truyện ngắn Một chữ của Đậu Viết Hương, người đọc cảm nhận hương vị đậm đà của món cháo cá lóc: ‘‘Tỉnh dậy nó ngửi thấy mùi cháo cá phảng phất. Ôi chao! cái mùi hành phi nưng nức lỗ mũi. Mùi thịt con cá đồng luộc chín tới, gỡ ra xào lại cho săn, chế vô chút nước mắm, chưa ăn đã thấy tê tê đầu lưỡi, ngọt thấu tận ruột gan’’[179, tr.140].
Trong bữa ăn của người Việt, sau lúa gạo thì đến rau. Nhiều loài bông dân dã vùng sông nước được người dân chế biến thành món rau ăn kèm cũng nhắc đến trong truyện.
Truyện ngắn Bông điên điển của Đỗ Phu, đã giới thiệu món rau được chế biến từ bông điên điển: ‘‘Mùa nước nổi, có dịp về thăm Bác Năm, tôi được mời ở lại thưởng thức món điên điển chấm cá rô kho. Hương vị của điên điển ngọt ngào kèm theo thịt cá rô kho bằng nồi đất vàng cháy làm cho bữa cơm thêm đậm đà’’[180.2. tr.100].
Còn ở truyện ngắn Mùa bông điên điển của Phương Nam, người đọc lại được thưởng thức món dưa làm từ bông điên điển: ‘‘Tâm còn được biết qua món bông điên điển làm dưa, bóp muối, trụng nước sôi ăn với cá nướng... vị đăng đắng, ngòn ngọt của bông điên điển khiến Tâm thích thú’’[179, tr.159],
Bông súng là một loại cây tự mọc, người dân ĐBSCL lấy thân cây bông súng làm rau ăn kèm với lẩu mắm, làm gỏi chua, hoặc nấu canh chua. Ở truyện Khoảnh khắc hoa quỳnh
nở, Ngô Vĩnh Nguyên giới thiệu món ăn dân dã chế biến từ bông súng: ‘‘Những cọng bông súng tươi giòn, chát chát, ngọt ngọt đậm đà hương vị đồng quê gợi Vĩnh nhớ đến những bữa cơm thửa còn ấu thơ bên bà ngoại. Cầm cọng bông súng dài, trắng nõn, chấm vào mắm kho rồi đưa đưa lên miệng, phăng dần cho đến hết’’[183, tr.427].
Có một món ăn mà có lẽ không có người dân Nam bộ nào lại không ưa thích, đó là
‘‘món mắm kho’’. Mắm được làm từ các loài cá đồng. Từ mắm người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn như ‘‘mắm kho rau ghém’’ ăn với ‘‘bông súng’’[183, tr.426], bún mắm nước lèo...
Về miền Tây nhớ ăn món ốc luộc. ĐBSCL là miền sông nước, đồng ruộng, ao đìa, kinh mương là môi trường thuận lợi cho những loài trai, ốc sinh sôi nẩy nở. Người dân nơi đây dù giàu, nghèo đều mê món ‘‘Ốc luộc chấm nước mắm sả ớt’’. Một rổ ốc, vài cọng sả, mấy trái ớt, có thêm vài lá ổi hay nửa trái khóm hoặc nửa chén mẻ thì càng ngon, càng đúng điệu. Thế là đã có mấy dĩa ốc luộc thơm phức, khói bay nghi nghút. Chén nước mắm sền sệt sả và ớt.
Có người làm xong nước mắm còn dùng tay chấm, mút lấy mút để vì vị ngon của nó. Đó là một nét đáng yêu trong văn hoá ẩm thực của người ĐBSCL.
Nếu ốc là đặc sản của nước ngọt, thì nghêu, sò lại là đặc sản của nước mặn. Nghêu, sò chế biến đơn giản, mau có ăn phù hợp khách du lịch. Hào Vũ trong truyện ngắn Một người bị bỏ quên đã đặc tả món nghêu luộc ‘‘những con nghêu trắng đục lớn hơn đầu ngón chân cái chạm vỏ nhau lách cách. Thịt nghêu mằn mặn, ngòn ngọt, cái vị mặn của nó có lẽ bởi nước biển nguyên chất mằn mặn, giọt nước biển đang đọng trên đầu lưỡi tôi’’[182, tr.380]. Còn
‘‘cháo sò’’, có vị ngọt đậm đà, quyến rũ của thịt con sò, vị mặm của biển, hương thơm của gạo rang và ngò gai, ăn vào đổ mồ hôi thú vị làm sao.
ĐBSCL kênh rạch chằng chịt, cộng thêm nhiều lùm cây, cỏ lác là nơi trú ẩn lý tưởng của những loài bò sát như rắn rùa, lươn... Từ những loài bò sát đặc sản, người dân Nam bộ đã sáng tạo chế biến những món ăn đặc trưng của vùng quê sông nước.
Truyện ngắn Chiều không lời nguyện của Trúc Phương, người đọc được thưởng thức hương vị ngọt ngào của món khô lươn: ‘‘khô lươn đem nướng lên thơm ngào ngạt’’,‘‘bữa cơm tối có mắm kho, bông súng ruộng, đĩa khô lươn và một xị rượu nếp uống lịm lưỡi...’’[180.2, tr.109].
Ngoài ra, ở ĐBSCL còn nhiều món ăn chế biến từ rùa, rắn, tôm, cua... Như cua rang me, cua gạch son luộc chấm muối tiêu chanh. Tôm hấp nước dừa, rắn hầm sả, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, rùa rang muối...
ĐBSCL còn nổi tiếng với món bánh xèo. Vết thương thứ mười ba của Trang Thế Hy, đã giới thiệu thực đơn và cách làm bánh xèo: ‘‘bột mới xay còn thơm gạo nàng hương. Nòng cốt của nhưn là những con tép bạc đất chạy nò mập tròn, đỏ ao. Kèm theo thịt ba rọi là những tai nấm mối búp chẻ đôi. Tuy là đậm thực vật nhưng nó ngon hơn bất cứ loại thịt động vật nào. Chất độn không phải là giá đậu xanh mà là củ hũ dừa xắt nhuyễn như sợi bún, vừa ngọt vừa giòn’’[182, tr.135].
Ở truyện ngắn Những mảnh ván thiêng của Bích Ngân, người đọc còn được biết đến một phong tục của người dân ĐBSCL. Cứ vào dịp gần cuối năm dù nhà giàu hay nghèo cũng dùng nếp để quết bánh phồng: ‘‘Vào khoảng giữa tháng chạp, cái tháng mà nhà địa chủ cũng như nhà tá điền, nhà giàu nứt đổ vách cũng như nhà nghèo rớt mùng tơi cũng đều chuẩn bị nếp để quết bánh phồng... nếp chuối, loại nếp chỉ mới vừa rang vàng trên lửa đã bốc lên mùi thơm không thể tả nổi, mùi thơm loang lạ ngào ngạt cả xóm dừa’’[109, tr.449].
Nhà văn Sơn Nam sơ kết: ‘‘Người Bắc bộ kén chọn thức ăn, như kén chọn chữ nghĩa, thưởng thức câu thơ, món ăn nào ra hương vị ấy; Người miền Trung ăn thật ít, nhưng thật ngon, theo kiểu vua chúa. Người ở Nam bộ không kén cho lắm, thích loại rau rừng’’[104, tr.49].
Còn theo Phạm Minh Thảo: ‘‘Miếng ngon miền Nam cũng thành thật như người đàn bà vậy. Ăn một miếng ngon ngay nhưng ngon không phải do vị của chính thức ăn mà là tại sả ớt làm nổi vị lên, điểm cho khẩu cái một tơ duyên ấm áp. Tôi yêu miếng ngon miền Nam nhiều vì nó lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được - và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người miền Nam’’[132, tr.103].
Khác với vùng miền khác, ẩm thực ở Nam bộ là những món ăn chân quê, mang hương vị vùng sông nước. Cách chế biến, thói quen trong ăn uống đã hình thành nét văn hoá ẩm thực của con người nơi đây.
Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay, chúng ta cũng cảm nhận được nét văn hoá làng quê qua nghề ‘‘nuôi vịt chạy đồng’’ - một nghề rất đặc trưng ở ĐBSCL: ‘‘Mùa gặt năm nào anh cũng xuôi ghe chở bầy vịt chạy đồng về xóm Rạch Giồng này. Rồi cất cái chòi
lập bằng lá chuối, quây lưới cầm vịt trên khúc đê trồng so đũa. Từ chỗ này, mỗi ngày anh lang thang lùa vịt đi ăn khắp cả vạt đồng, qua tới vườn Xóm lung. Tới khi người ta bừa đất chuẩn bị sạ vụ mới, Sáng lại ra đi’’[169, tr.107]. Nghề nuôi vịt chạy đồng tuy vất vả, nhưng có chút lang bạt:‘‘Ông làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nay ở đồng rạch Mũi, ngày mai ở nhà Phấn ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng qua những cánh đồng lúa mới vừa chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng.Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi. Chòi cắm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho ông nằm’’[171, tr.16].
Chợ nổi cũng một nét đẹp trong đời sống văn hoá của vùng ĐBSCL. Trong lời đề từ cho truyện ngắn Nhớ sông, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện cảnh sinh hoạt của chợ nổi: ‘‘Tôi thường đứng trên cầu Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ...Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. ...Những chiều tà chợ nổi đìu hiu bập bềnh. Những người đàn bà cúi đầu chăm chăm xới nồi cơm doà dạt khói, những người đàn ông xếp bằng trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng ngón chân cái, phì phà khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mui ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc’’[171, tr.112].
Đất nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, tốc độ cuộc sống công nghiệp đang hút mọi người vào guồng quay của nó. Nhưng về miền Tây chúng ta vẫn bắt gặp người dân ung dung trên những chiếc xuồng gắn máy bị mất hút đi giữa bạt ngàn màu xanh và mênh mông sông nước.
Có thể nói trong xu thế đô thị hoá, hội nhập và phát triển, ĐBSCL là nơi lưu giữ văn hoá nông nghiệp, văn hóa sông nước đậm nét nhất. Và truyện ngắn ĐBSCL đã góp phần chuyển tải nét văn hoá đặc trưng ấy đến với bạn đọc trong và ngoài nước.
Chương 3