Chương 2 NHỮNG CẢM HỨNG TRONG TRUYỆN NGẮN
2.1. Cảm hứng ngợi ca thiên nhiên và con người ĐBSCL
2.1.2. Cảm hứng về con người trong truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ
2.1.2.1. Cảm hứng ngợi ca con người nhân hậu, nghĩa tình
Yếu tố ảnh hưởng đến tính cách con người Nam bộ là môi trường tự nhiên và hoàn cảnh sinh hoạt. Giữa cái mênh mông của đồng lầy, của rừng ngập mặn, của biển cả và sông nước, con người cần phải nương tựa vào nhau. Trong hoàn cảnh và môi trường tự nhiên như vậy, con người Nam bộ lấy tình nghĩa và đạo lý làm chỗ dựa tinh thần cho sự gắn bó, liên kết giữa người với người.
Văn chương Nam bộ, ở thời kỳ nào cũng thấm đượm những trang viết ngợi ca con người nhân hậu, nghĩa tình. Truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, đề cao nhân phẩm của con người lao động nghèo. Họ có thể thiếu thốn tiền bạc, nhưng không nghèo tình, nghèo nghĩa mà giàu nhân cách, trách nhiệm. Dù có nghèo kiết xác, nhưng họ vẫn chơi hết mình và yêu hết cỡ, thậm chí sẵn sàng hy sinh bản thân để giúp nhau trong cơn hoạn nạn. Có thể nói nhân hậu, nghĩa tình là một phẩm chất nổi bật con người Nam bộ.
Quý hơn bạc vàng của Bùi Quí Khiêm là câu chuyện kể về người lính tình nguyện tên Hải. Vợ Hải chết sau một ca sinh khó. Ai sẽ là người nuôi đứa con của Hải khi anh đang chiến đấu trên nước bạn Campuchia? Chính lúc ấy thì Thảo, một cô gái trẻ trước kia cùng cơ quan với Hải đã tự đứng ra nhận lấy trách nhiệm cao cả của người mẹ, mặc cho trong cơ quan cũng như ngoài xã hội có khá nhiều lời ra tiếng vào. Do đồng lương eo hẹp, Thảo chấp nhận bán đi gần hết những món tư trang quý giá của mình để có thể nuôi đứa trẻ một cách chu đáo, dù đứa con ấy không do cô mang nặng đẻ đau. Khi nhận lấy trách nhiệm cao cả của người mẹ, ngoài tình yêu thương ra ở Thảo còn có tấm lòng nhân hậu cao cả của một con người: ‘‘Trên cuộc đời này, trong lúc mà còn rất nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra do sự chi phối của vật chất thì vẫn còn những con người tốt. Họ đã dám dũng cảm đón nhận lấy những khó khăn, những nỗi khổ đáng lý ra không phải của họ. Tấm lòng của họ không có một thứ vàng ngọc nào trên đời này quý hơn’’[185, tr.40].
Cũng với mạch cảm hứng ngợi ca, Trái tim Tháp Mười của Trần Hoàng Anh, người đọc từ chia xẻ, khâm phục sự hy sinh và tấm lòng nhân hậu của Chung ở một hoàn cảnh khác.
Chín Hùng - một cán bộ huyện uỷ - được gia đình ông Hai (cha của Chung) nuôi giấu vào
những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Những hôm thức ăn khan hiếm, cả gia đình ăn cơm với dưa mắm còn cá kho thì đưa xuống hầm bí mật cho Chín Hùng. Khi bọn lính đến nhà tìm hầm bí mật, ông Hai thà bị bắn chết chứ nhất định không khai gì cả. Hiệp định Geneve được ký kết. Chín Hùng tập kết ra Bắc. Chín Hùng và Chung thầm yêu nhau mà không ai dám nói với ai. Hai mươi mốt năm sau Chín Hùng trở về. Chung vẫn chờ nhưng Chín Hùng đã có vợ. Dù rất đau khổ nhưng Chung không nghĩ đến nỗi đau của mình mà lại có những suy nghĩ thật nhân hậu: ‘‘Anh trở về nguyên vẹn là cô vui lắm rồi. Anh còn trên thế gian này vậy là đủ. Anh hạnh phúc, vậy là cô mãn nguyện. Không thể đòi hỏi một sự toàn vẹn bởi trong chiến tranh, có những mất mát đành phải chấp nhận... Cô phải sống, phải cố gắng lên, để anh bớt mặc cảm, bớt đi sự lo lắng. Nếu cô gục ngã thì anh sẽ đau khổ, day dứt suốt quãng đời còn lại. Bây giờ không lẽ là lúc làm khổ nhau thêm?’’[184, tr.382]. Đúng như nhan đề của truyện, lòng nhân hậu của Chung chính là ‘‘trái tim Tháp Mười’’.
Cũng viết về con người nhân hậu, nghĩa tình tác giả Nguyễn Đắc Hiền lại khai thác từ người lính (NV Hùng) thời hậu chiến. Truyện ngắn Mai kể về hai chiến sĩ Hùng và Tấn. Họ là những người cùng xóm, đi tòng quân một lượt và lại ở chung một tiểu đội. Vợ chồng Hùng đã có một đứa con trai còn vợ Tấn thì đang có mang. Xuân Mậu Thân, Tấn hy sinh.
Hùng đưa thi hài Tấn về quê nhà. Khi nghe tin Tấn mất, vợ Hùng đã rước Liên (vợ Tấn) về nhà mình chăm sóc vì Liên đã đến ngày sinh nở. Ít lâu sau vợ Hùng chết vì quả pháo rơi trúng nhà mình. Sau khi chôn cất vợ Hùng, Liên đem Trí - con trai duy nhất của Hùng về nuôi. Đất nước hoà bình, Hùng trở về. Hùng thấy việc Liên chịu cực, chịu khổ nuôi con mình suốt bảy năm qua là ơn, là nghĩa vô cùng sâu đậm, không thể cám ơn bằng lời.
Với truyện ngắn Chị Mai, Nguyễn Hồng Chuyên đã thể hiện thành công nhân vật Mai - một nhân vật tiêu biểu cho lối sống nghĩa tình. Dù chồng lâm bệnh nặng, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu nhưng chị vẫn chăm sóc chồng chu đáo và đồng cảm chia sẻ nỗi đau của những người xung quanh. Ở chị luôn toả sáng vẻ đẹp dịu dàng, đôn hậu và nghĩa tình. Chị không thể nào quên được sự giúp đỡ của Tôn đối với chị khi chị lâm vào hoàn cảnh đau thương mất mát. Tình cảm đó của chị cũng là một trong những biểu hiện của vẻ đẹp đạo lí của con người Việt Nam: mang ơn ai thì không thể nào quên. Chính vì thế, chị Mai luôn ghi lòng tạc dạ công ơn của Tôn - một người lính chăm sóc cha nằm viện cùng phòng với chồng chị đã hết lòng giúp đỡ chị trong hoạn nạn. Chị cố công tìm kiếm bằng được gia đình Tôn để
“tạ ơn cho đúng đạo nghĩa tổ tiên đã dạy”. Hơn thế nữa chị Mai còn xin ba mẹ Tôn xem chị là đứa con trong gia đình để chị báo hiếu. Ngày Tết, chị dẫn các con của mình đến chúc Tết cha mẹ Tôn. Khi mẹ Tôn hấp hối chị Mai cũng có mặt như những đứa con trong gia đình.
Tình cảm đó đã làm cho mẹ Tôn hồi tỉnh trong giây lát để trăng trối với những người thân yêu trong gia đình và chấp thuận niềm mong ước của chị Mai được làm con của mẹ.
Lối sống nghĩa tình ở truyện ngắn này còn được thể hiện ở nhân vật Tôn. Trước tình huống chồng chị Mai chết, chị Mai vì quá xót thương chồng nên bất tỉnh và có nguy cơ trụy tim mạch, anh không chần chừ do dự, lập tức đưa chị lên phòng trực để cấp cứu kịp thời.
Mặt khác, Tôn còn tự tay mình làm vệ sinh thi thể cho người đã khuất một cách chu đáo. Với tình thương đối với người đã khuất, Tôn không tin được sự thật đã xảy ra, anh hi vọng sự hồi sinh của chồng chị Mai và điều này đã thôi thúc anh đang đêm đến nhà xác kiểm tra lại một lần nữa để rồi thất vọng vì sự thật đau xót đó đã xảy ra... Có thể nói, dù không quen biết nhau nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó Tôn luôn cảm thông và quan tâm giúp đỡ chị Mai như giúp đỡ chính người thân trong gia đình mình. Đây cũng chính là một nét đẹp trong lối sống cao cả nghĩa tình của con người Việt Nam.
Truyện ngắn Quê hương đôi ngả của Nguyễn Hồng Chuyên cũng ngợi ca anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống thời bình. Trong chiến tranh, họ không tiếc máu xương của mình để góp phần bảo vệ Tổ quốc. Khi chiến tranh kết thúc, họ trở về với cuộc sống đời thường như bao người khác. Các nhân vật trong truyện mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, của những người đã cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc. Vợ chồng nhân vật Vũ Thứ đều là thương binh. Họ để lại một phần thân thể của mình trong chiến tranh. Họ chiến đấu vì hạnh phúc chung của dân tộc, nhưng cuộc sống đời tư của họ lại gặp bao cảnh ngộ éo le: hai lần người vợ mang thai nhưng họ không có niềm hạnh phúc được nâng niu đứa trẻ trên tay mình;
người chú vợ với cái nhìn ích kỉ, hèn kém đã làm cho họ dù yêu thương nhau, dù là vợ chồng vẫn phải mỗi người mỗi ngả... Trong hoàn cảnh đó tình nghĩa vợ chồng vẫn luôn son sắt, họ hiểu và cảm thông sâu sắc cho nhau để cùng hăng hái trong mọi phong trào vận động quần chúng, họ dành một phần lương hưu và trợ cấp góp phần xây dựng quỹ khuyến học, nhường tiêu chuẩn xây nhà tình nghĩa cho người khác. Vũ Thứ hiểu rằng biết bao người khác còn khó khăn hơn anh và như anh. Anh muốn góp chút công sức trong khả năng có được của
mình để xây dựng quê hương. Có thể nói, cuộc sống của vợ chồng Vũ Thứ gặp biết bao khó khăn nhưng họ vẫn luôn phát huy được phẩm chất tốt đẹp của người lính trở về sau chiến tranh, họ không chỉ nghĩ về mình mà còn nghĩ về cuộc sống của những người xung quanh mình. Điều đó đã lí giải vì sao Vũ Thứ dẫu chỉ còn một mắt, một chân vẫn không chút do dự, chần chừ mà ngay lập tức quay xuồng hướng về phía ba người gặp nạn và tìm cách cứu họ thoát khỏi dòng nước lũ, cho dù anh phải hi sinh.
Truyện Cải ơi của Nguyễn Ngọc Tư có nhiều chi tiết thấm đượm tình người diễn tả cuộc hành trình ông Năm Nhỏ lặn lội đi tìm con (con riêng của vợ ông):
‘‘Ông già Năm Nhỏ lặng đi, tự hỏi, bây giờ ông lên tivi, con Cải có nhận ra ông không.
Câu trả lời là có, ông đã dắt con nhỏ đi hái xoài chín trong vườn hoang, đã chặt chối làm bè dạy cho nó lội, thả trâu, chơi diều, ông đã cõng con nhỏ đi tắt mấy vạt đồng đến khám bệnh chỗ ông bác sĩ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ giây thun khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinh trong túi áo mỗi khi ông đi chợ về…Tất cả những thứ đó, ông nhớ mồn một thì nhỏ Cải chắc chưa quên. Ông già muốn lên tivi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà rằng, về đi con, đôi trâu có sá gì’’[171, tr.13].
Có thể nói, truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, đã có những trang viết xúc động, trân trọng ngợi ca những con người có tấm lòng nhân hậu, lối sống nghĩa tình. Dù họ sinh sống, mưu sinh khắp mọi nẻo đường, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn nhận ra ở họ, những phẩm chất cao đẹp ấy.