Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.3. Nghệ thuật sử dụng phương ngữ Nam bộ
3.3.3. Nghệ thuật sử dụng lớp từ chỉ sự vật, hiện tượng
Các nhà văn ĐBSCL đưa vào tác phẩm của mình khá nhiều lớp từ, ngữ phản ánh địa hình, cây cối, sông nước như: sông, rạch, xẻo, kinh, mương, chợ nổi, mùa nước nổi, ghe, xuồng, chòi, bình bát, bông súng, lục bình, mặt rẫy sủi phèn…
Trong lời đề từ cho truyện ngắn Nhớ sông, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện cảnh sinh hoạt của chợ nổi: ‘‘Tôi thường đứng trên cầu Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ở đó có thể trông thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sóng, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời’’[171, tr.112].
Những hiện tượng vùng sông nước cũng được phản ánh trong truyện như: Con nước kém, nước rong,…‘‘Bây giờ hỏi lại, Giang nói không có con kinh, con rạch nào mà ghe chưa đi qua,… xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước ròng’’ (Nhớ sông - Nguyễn Ngọc Tư). Đất phèn cũng là hiện tượng thổ nhưỡng đặc trưng ở ĐBSCL ‘‘mặt đất sủi lên màu phèn, chỗ đậm, chỗ nhạt như màu máu loang lổ’’ (Đất không cưu mang - Bích Ngân).
Không chỉ lớp từ gọi tên, chỉ hiện tượng, mà lớp từ ngữ biểu thị nội dung thông báo được sử dụng trong truyện tạo ra nét riêng của phương ngữ Nam bộ. Chẳng hạn, chỉ sự hoạt động ta có những từ như: thẩy, giang, ló, rinh, xốc (đỡ, nâng), lủi, rành, rầy, thòm thèm, rờ rẫm, biểu, ngó, ngoắc, bu, chỏi, rị mọ …Những tính từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật như: bự, mùi, chồm hỗm, lãng nhách, mừng húm, non choẹt, teo héo, ướt rượt, vòng vo, y chang... Những phó từ chỉ mức độ thường thể hiện cái riêng của người Nam bộ nhiều hơn như: Một cục, một chập, một hồi, một nước, cái độp, phải dè, hết trọi,… So sánh các lớp từ trên với lớp từ toàn dân, chúng ta nhận thấy phương ngữ thể hiện rõ ở cách sử dụng riêng và thói quen của người Nam bộ.
Ví dụ 1: “Chọc cho nó khỏi dám ngó mặt mình mới hả dạ chớ!” (Những người hiện đại - Nguyễn Thị Thanh Minh)[183, tr.352].
VD2: “Người phụ lái thẩy cái túi xách to cộ của tôi lên trước rồi mới xốc nách tôi nhẹ nhàng rinh lên bờ” (Quê ngoại – Thu Trang)[183, tr.615].
Ở ví dụ 1, từ “ngó ” xuất phát từ từ toàn dân, có nghĩa là nhìn, trông nhưng người Nam bộ quen dùng là “ngó”. Tương tự như thế, ở ví dụ 2, khi ném một vật gì đó đến một đích nhất định, người Nam bộ thường dùng từ “thẩy” và khi mang một vật nặng di chuyển đến chỗ khác[151, tr.1037], phương ngữ Nam bộ dùng từ “rinh”.
Ngoài những đặc điểm trên, khảo sát ngôn từ trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng ta còn thấy xuất hiện một lớp đơn vị gồm nhiều từ kết hợp với nhau thành những tổ hợp từ, những quán ngữ, được người dân Nam bộ nói thành thói quen như: mút cà tha, khoái chí tợn, tít thò lò, dơ cảy dơ hày, lẹ mồm lẹ miệng, ngọt gắt củ kiệu…Những quán ngữ này được sử dụng trong những tình huống muốn nhấn mạnh tính chất, hoạt động của các sự vật hiện tượng.
Ví dụ: “ - Tức cười thật. Ừ ! sao hồi đó anh không theo Nhiệm nhỉ?
- Rõ ngớ ngẩn, anh mải mê tít thò lò con Lạc, đâu cần biết Nhiệm cứ đẩy người ta cho chàng Thông vồ hoài à” (Vài ngày ở Cần Thơ – Mường Mán)[183, tr.331].
Hoặc đoạn văn:
- Ối làng xóm ơi, nó giết tui!
- Cho mày chết luôn, ai bảo mày đánh con tao!
Rồi thì những tiếng bịch, đụi, tiếng thỏ hào hển. Hai người đàn bà bấu chặt nhau. Quay cuồng không ai biết đường nào mà can nữa. Đám con nít xúm đông, xúm đỏ có vẻ khoái chí tợn…”(Xóm nghèo – Nguyễn Thị Ngọc tuyết)[183, tr.673].
ĐBSCL là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người. Trong đó người Hoa và Khmer chiếm đại đa số. Quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer đã phát sinh hiện tượng giao thoa ngôn ngữ trong giao tiếp. Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ trong truyện ngắn ĐBSCL thể hiện nhiều ở bình diện từ ngữ. Người dân vùng ĐBSCL đã sử dụng một số từ ngữ vay mượn từ các dân tộc cùng sống chung trên địa bàn, chủ yếu là dân tộc Hoa và Khmer. Nhiều từ ngữ xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần như: thốt nốt, cà ròn, đi ênh, bò hóc, số dách, miệt, ý (dì), chế (chị),... Giàu rủ:‘‘Chế hai ngủ chung với em một đêm nghe’’ (Chuyện của Điệp – Nguyễn Ngọc Tư).
Hiện tượng này vừa thể hiện được bản sắc văn hóa Nam bộ; vừa làm giàu, làm sinh động thêm vốn từ ngữ của dân tộc.
Trong ngôn ngữ giao tiếp của nhân vật, nhà văn thường sử dụng lớp từ chuyển nghĩa.
Các lớp từ này vốn là từ toàn dân theo nghĩa gốc nhưng trong quá trình sử dụng, nó phát sinh thêm nghĩa mới. Lớp nghĩa mới hay nghĩa bổ sung mang tính lâm thời, do người Nam bộ sử dụng trong những ngữ cảnh nhất định. Ví dụ: Chơi, ăn, ngon, ngọt, chạy, quậy, độp, êm, phơi xác…
Quan sát đoạn văn sau, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
“Lại có mấy năm chú lưu lạc ra vùng biển làm nghề thẻ mực, suốt ngày ngồi dang nắng trên chiếc thuyền thúng lòng cứ nơm nớp lo sợ thằng chủ ghe quên rước về coi như phơi xác luôn trên biển…” (Ông cá hô - Lê Văn Thảo)[183, tr.587].
Hoặc đoạn văn sau đây:
“Chiếc ghe của chú Sáu Dương bỗng vùng lên dữ dội nhô đầu vượt lên trên, càng lúc càng bỏ xa chiếc ghe đi kế. Tôi bật thét lên: “ Mình ăn rồi chú Sáu ơi! Hoan hô chú Sáu!”
và tôi chạy tốc trước đến khán đài”
‘‘... Một bữa có người khách vui miệng nói - Ở đây có đào kép đủ cả, ta diễn tuồng coi đi.
Đào Hồng Điệp mím môi có vẻ giận bỏ đi vô trong. Chú sáu Dương cười nói.
- Thôi mệt rồi, giang hồ phí sức rồi, lo mầm ăn thôi’’(Ông cá hô – Lê Văn Thảo)[183, tr.571].
Ở hai đoạn văn trên từ “phơi xác” và từ “ăn” được dùng theo lối chuyển nghĩa. “Phơi xác” không hiểu theo nghĩa gốc mà nên hiểu theo nghĩa phái sinh, nghĩa là chết; nghĩa chuyển của “ăn” là thắng. Tương tự nghĩa chuyển của ‘‘mần ăn’’ là làm việc để sinh nhai.
Lối chuyển nghĩa này vừa giúp cho câu văn giàu hình ảnh, âm thanh, gần gũi dễ hiểu, vừa thể hiện được sắc thái biểu cảm của người dân Nam bộ. Nhờ lớp từ ngữ này, truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, không chỉ phản ánh được đặc điểm vùng miền, cuộc sống ở miền đất Nam bộ mà còn đi sâu vào đời sống tinh thần để phản ánh những ngóc ngách tâm tư của người dân vùng sông nước.