Miêu tả hành động nhân vật

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 113 - 119)

Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

3.2. Nghệ thuật khắc họa nhân vật

3.2.3. Miêu tả hành động nhân vật

Có thể nói, nhân vật thường bộc lộ mình nhiều nhất qua việc làm, hành động. Theo Pospelov trong Dẫn luận nghiên cứu văn học, Stanislavski có chia hai kiểu cốt truyện: 1. Cốt truyện được xây dựng dựa trên ‘‘hành động bên ngoài’’ của nhân vật; 2. Cốt truyện được dựa trên ‘‘hành động bên trong’’ của nhân vật [124, tr.40]. Trong mối tương quan đó, hành động nhân vật chính là chất sống làm nên vận động của các nhân vật đồng thời cũng là chất sống để để xây dựng nên nội dung của tác phẩm văn học. Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Hành động nhân vật sẽ làm rõ hơn diện mạo của nhân vật, gắn kết nhân vật vào vận động nội tại chính bản thân nhân vật đó cũng như nối kết số phận các nhân vật vào toàn bộ tác phẩm. Hành động sẽ thể hiện tính cách nhân vật, ý đồ nghệ thuật và ý nghĩa nhân sinh mà nhà văn muốn chuyển tải qua từng nhân vật nói riêng trên phạm vi toàn bộ tác phẩm nói chung. Hành động được xem

như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm. Qua hành động nhà văn muốn để cho nhân vật của mình nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, trạng thái diễn biến bên trong nhân vật.

Tóm lại, dù ở ngoài cuộc đời hay trong tác phẩm, nếu đã là con người thì phải có hoạt động. Chính những hoạt động của nhân vật đã thể hiện rõ “con người” của nhân vật.

Trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, các nhà văn đã chú trọng miêu tả hành động bên ngoài của nhân vật.

Trước hết là hành động thể hiện nghĩa tình nhân hậu. Bình và Hoàng (Có một cơn bão như thế - Thai Sắc) trước đây là đồng đội, nhưng hiện tại Bình xem Hoàng là kẻ bất tín nên không giao thiệp mặc dù nhà họ ở cạnh nhau. Vào một đêm khi Hoàng đi vắng thì một cơn bão khủng khiếp kéo đến, gia đình Hoàng gặp nạn. Bất chấp hiểm nguy, Bình đã có hành động nhanh, mạnh, dứt khoát lao vào cứu những người thân của Hoàng:

‘‘Bằng một sức mạnh dồn nén chưa từng có, anh đứng thẳng dậy, giật, kéo, quay, móc, hất tung từng tấm tranh, từng chiếc kèo, cái cột… Anh chồm người xuống nơi người mẹ và mấy đứa con bị nạn”. Rồi anh: “đã bồng, đã ôm trên tay mình cùng một lúc cả ba mẹ con người bị nạn, anh đã chạy một cách bình thường như đang chạy giữa trời yên đất lặng..., trầy trật giữa gió bão khủng khiếp đến hàng giờ đồng hồ để tìm về căn nhà xây mái bằng vững chãi của mình…’’[184, tr.128].

Hành động đó của Bình xuất phát từ lòng yêu thương đối với con người trong hoạn nạn.

Chính lòng yêu thương đã giúp Bình vượt lên tất cả những ràng buộc trong cuộc sống đời thường của anh.

Việc làm của ông Tư và thằng Út trong truyện Mùa gác chéo của Tùng Thiện cũng thể hiện lòng nhân hậu của họ. Mưa càng lớn nước lên càng cao thì công việc “gác chéo” của hai ông cháu càng cực nhọc: “Tấm lưng đem bóng của ông còm cỏi chìm trong nước và đêm tối.

Mặc cho mưa ướt, ông cứ nhảy ùm xuống nước”[184, tr.1082]. Rồi đến lượt thằng Út “nhảy ào xuống nước. Nước quá sâu đến nỗi nó phải đeo bám vào be xuồng. Sau gần hai tiếng đồng hồ tháo dây, xốc nọc, kê hòm…cây gác chéo của hai cái hòm đã cao hơn mặt nước gần ba tấc. Lúc này ông cháu mới bắt đầu thấy lạnh. Hai hàm răng của thằng Út không làm chủ được nữa, cứ lập bập tê cứng...”[184, tr.1082]. Sau khi đã xốc nọc gác chéo lại cho cỗ áo quan cao hơn, “gương mặt ông giãn ra mãn nguyện”. Đôi mắt hai ông cháu lại nhìn đăm

đăm vào khoảng không, tất cả im lặng. Và “trước khi nhấn mạnh cây sào cho chiếc xuồng lao đi, ông Tư còn quay lại nhìn hai cỗ áo quan lần cuối”. Miêu tả việc làm của hai ông cháu trong đêm trời mưa với bao sự khó khăn, vất vả, tác giả đã làm nổi bật lên tấm lòng nhân ái bao la của họ.

Hành động của nhân vật Thảo (Quý hơn bạc vàng - Bùi Quí Khiêm), hay của nhân vật Nguyện (Trái tim Tháp Mười - Trần Thị Hoàng Anh)... và của nhiều nhân vật khác trong truyện ngắn ĐBSCL đều thể hiện được vẻ đẹp cao quý, nghĩa tình của người ĐBSCL dù phải ở trong bất cứ hoàn cảnh nào của đời sống. Dù đói khổ và tính mạng lâm nguy, con người vẫn không quên suy nghĩ và xả thân vì người khác.

Ngoài ra, nhiều truyện ngắn cũng đề cập đến hành động của tình yêu thương.

Đọc Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta không thể quên được hành động người cha cởi áo đắp cho con: ‘‘Người cha cởi áo trên người để đắp cho đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời’’[171, tr.56].

Còn ở truyện Trái tim Tháp Mười (Trần Thị Hoàng Anh) khi Nguyện bắt được Chín Hùng (một cán bộ huyện ủy đang nằm hầm bí mật trong nhà mình), anh đã rút súng định bắn Chín Hùng thì Chung đã ‘‘lao vào giữa hai người, đứng chắn trước mặt Chín Hùng. Đôi tay cô dang rộng, cặp mắt bồ câu nhìn thẳng vào mặt anh như cháy lên’’. Kèm theo đó là câu nói với giọng ‘‘rắn như thép’’: ‘‘Anh Hai, nếu anh bắn người này thì em sẽ chết theo’’. Chính hành động dũng cảm của Chung đã cứu Chín Hùng. Hành động dám đứng chắn trước mũi súng đã thể hiện rõ tình yêu mà cô dành cho anh.

Bên cạnh đó, hành động thể hiện sự tuyệt vọng, bi kịch của nhân vật cũng được nhiều truyện ngắn khắc hoạ khá thành công. Hành động như điên dại của người mẹ trong truyện Mảnh đất của Đinh Thành Nam được xuất phát từ lòng thương con vô bờ bến. Khi được tin ngôi nhà mình bị chìm xuống sông, chị vội vã về. Khi xe “chưa kịp dừng, chị nhảy xuống rồi lao đến bờ sông lở, như để tìm con, như định chấm dứt đời mình. Không còn biết gì nữa, chị vấp phải một khúc gỗ, té đập đầu vào đá”[185, tr.111]. Hành động “nhảy xuống”, “lao đến”

của chị như vô thức. Rồi những hành động vô thức khác lại đến với chị vào đêm hôm sau ở bệnh viện. Sau những tiếng thét kinh hồn như muốn lung lay cả dãy nhà điều trị của bệnh viện, “người đàn bà giật tung cửa, lao ra như một mũi tên”. Các y bác sĩ ở phòng trực đuổi theo, ôm lấy chị kéo trở lại bệnh viện. Nhưng “chị vẫn kêu gào, cố bứt khỏi những cánh tay

để lao đi”. Những hành động “giật tung cửa”, “lao ra” của chị cũng như vô thức. Sáng sớm khi cổng mở để nhận một ca cấp cứu thì chị cũng “lách cổng đi ra ngoài... Chị thẫn thờ đi đến mảnh đất củ của mình”. Rồi khi thấy con chó hung dữ xông ra (mặc dù có cánh cửa sắt to lớn ngăn lại), với bản năng tự vệ “chị vung tay dồn cả cơ thể đấm mạnh về phía trước...”.

Có thể nói suốt cả truyện, có rất nhiều hành động của nhân vật Dung như vô thức.

Nhưng thật ra những hành động vô thức ấy vốn có nguồn gốc sâu xa như trong tiềm thức:

lòng yêu thương con của chị. Chính vì thương con vô hạn nên chị trở nên điên dại khi mất con và điều ấy đã dẫn đến những hành động như điên dại của chị.

Kết thúc truyện Tiếng độc huyền và cây cột nhà gỗ sao (Thai Sắc), nhân vật ông Tám Bê đã tự sát: “...ông Tám Bê đột ngột vùng dậy, chân bước những bước dài về phía bàn thờ, đôi bàn tay thoăn thoát tháo sợi dây độc nhất nơi chiếc đàn bầu, rồi sau đó, ông dùng chính sợi dây thép mong manh ấy, tự chói đứng mình vào cột cây gỗ sao”[184, tr.112]. Sau đó

“ông Tám Bê xiết chặt hai vòng dây quanh mình bằng cái sức mạnh dồn nén của bảy mươi năm cày sâu cuốc bẩm, phát ra từ đôi tay gầy gộc, xương xẩu”[184, tr.112].

Những hành động của ông Tám Bê xuất phát từ ý thức quyết bảo vệ nơi yên nghỉ của các liệt sĩ, không thể để nơi đó biến thành trại chăn nuôi. Nhưng khi thấy mình không thể làm được việc ấy thì ông tự sát. Hành động tự sát của ông không phải là hèn nhát, là trốn chạy, mà nó mang dáng dấp của những trang nghĩa sĩ ngày xưa: tuẫn tiết để bảo vệ lẽ phải.

Truyện Tiếng bước chân của Anh Động bày tỏ thái độ phần nhiều mỏi mệt, chán chường của nhân vật anh nhà báo và cha nuôi anh - ông Hai. Họ cùng là dân cách mạng, một thời vào sinh ra tử oai hùng, nhưng đến thời bình, họ lại phải những điều bức bối, vướng mắc do những hạn chế, thiếu sót của thời bao cấp. Những hành động thể hiện sự tuyệt vọng, bi kịch tập trung chủ yếu ở nhân vật người cha. Bao nhiêu lần ông đi gặp nhiều người để chỉ xin một cái hòm để dành khi nhắm mắt là bấy nhiêu lần tiếng bước chân ông có một sắc thái khác hẳn so với lúc hăm hở ra đi: “tiếng dép lốp lại nện không đều nhau từ dưới các bậc thang lên”[180.1, tr.148], “chiều hôm ấy, tiếng bước chân của ông già bắt từ dưới nện dài lên một cách uể oải, từng tiếng gõ rời rạc, khoan nhặt đến thua buồn”[180.1, tr.149], rồi một chiều khác, “tiếng bước chân của ông già kéo đôi dép lốp rồn rột từ dưới thang gác lên”[180.1, tr.150]. Chỉ qua việc miêu tả tiếng dép, người đọc biết được những chuyến đi

“xin hòm” của ông đã mang về thất bại. Những chuyến đi đã thất bại liên tiếp. Tác giả cũng

tả vẻ mặt, giọng nói của nhân vật khi tuyệt vọng nhưng những tiếng bước chân mới chính là nỗi ám ảnh đối với người đọc về hình ảnh một con người có công với cách mạng nhưng bị lãng quên bởi nhiều yếu tố. Con người chán nản, tuyệt vọng trong sự chờ đợi một ân huệ xa vời mà lẽ ra họ xứng đáng được trao tặng một cách đầy vinh quang.

Vượt qua nỗi phấp phỏng, sự chết chóc, tang thương của chiến tranh, trở về với cuộc sống hòa bình, tự do, dân chủ, người ta vẫn không tránh khỏi những bi kịch, những tuyệt vọng. Gánh nặng áo cơm nhiều khi vẫn ghì sát đất, lý tưởng xa vời với một số người, những giá trị tưởng như vĩnh hằng có nguy cơ mai một… Người ta phải đối mặt với những thử thách nhiều khi rất lạ lẫm mà trong thời chiến chưa gặp bao giờ - những “bi kịch đời thường”. Trong hoàn cảnh đó, có nhiều người gió chiều nào ngả theo chiều ấy, ăn cây nào rào cây ấy, thức thời, thực dụng, nhưng có những người vẫn chọn cách hành xử trung thành với bản chất, tâm nguyện, lý tưởng vốn có của mình. Cách hành xử đó mang tính truyền thống, đã tồn tại từ khi họ còn phải sống trong gian khổ của chiến tranh, và bây giờ giữa thời bình, người ta vẫn không thể nào phụ nó.

Có thể nhận thấy nhân vật trong truyện ngắn ĐBSCL thường đa sầu đa cảm, dễ tổn thương, kể cả phần lớn các nhân vật nam. Các nhân vật thường lặng lẽ ưu tư với những phiền muộn, đau khổ. Phải chăng vì bề mặt cuộc sống càng lúc càng xuất hiện thêm nhiều khía - cạnh bất ngờ, có thể đâm, cứa người ta bất cứ lúc nào, và vì ý thức được điều đó nên con người ưa sầu ưa cảm? Người Nam bộ nói chung và người ĐBSCL nói riêng ưa nghĩa khí, bộc trực, thẳng thắn, có gì nói nấy nên khi gặp những điều trái ngang mà vẫn phải chịu đựng thì sẽ rất khổ sở.

Ở một phương diện khác, nhà văn miêu tả hành động của nhân vật trong truyện cũng nhằm góp phần thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

Người mù trong Người đàn bà hát rong (Vân Sinh), kiếm sống bằng cách vừa đàn hát vừa bán vé số. Những khi anh đàn thì khách qua đường không thấy anh mù bán vé số mà chỉ thấy một anh mù nghệ sĩ: “Tựa chân lên chiếc đàn độc huyền cũ kỹ, người mù hướng xa xăm thả hồn theo mặt nước sông dài”[128, tr.98]. Rồi “người mù lần dò vặn trục lên dây đàn, âm thanh trượt dài... rồi chựng lại rỉ rả, tỉ tê theo từng nhịp khẩy của que tre lên xuống nhẹ nhàng, lả lướt như như nét phóng bút của một ông đồ. Tay trái đã cụt mất bàn tay buộc anh phải nhoài người ra phía trước để đầu khuỷu tay- nơi có mấy vết chai - núng vào cây cần

hình cong như lưỡi câu, có con cá rô há miệng ngậm dây đàn. Vì thế toàn thân anh như trườn lên cung bậc “Chơi hết mình”. Hố mắt sâu thẳm đang chứa đựng nỗi niềm riêng u uẩn hay đang mê ly tột cùng?”[128, tr.99-100].

Miêu tả việc gảy đàn mà “nhẹ nhàng, lả lướt như nét phóng bút của một ông đồ”, nhà văn gợi cho người đọc thấy được trong người mù này tồn tại hai con người: con người ăn xin và con người nghệ sĩ. Con người nghệ sĩ tuy là kẻ đến sau nhưng phần lấn át con người ăn xin của anh ta.

Không cần diễn đạt nhiều, chỉ qua cử chỉ ‘‘boa’’ tiền, người đọc nhận ra ông Sáu Đèo là người ít học, bán vé số, nhưng là con người lịch thiệp, biết thưởng thức âm nhạc và trân trọng người ca.

‘‘Ông Sáu Đèo làm nghề bán vé số, có tối ông gặp Phi ở ngoài quán. Lúc thì cho hay, sao phơi giày mà để mưa ướt mem vậy. Sao đồ ăn không chịu đậy kỹ, để mèo vô ăn hết cá chiên rồi, nó còn tha cái đầu qua nhà qua. Nhưng lần nào ông cũng đứng nghe anh hát hết bản, vỗ tay xong, ông cũng‘‘boa’’, không phải cái kiểu kẹp tờ giấy bạc giữa hai ngón tay rồi phe phẩy trước nặt mặt anh, ông từ tốn rút trong túi ra tờ giấy bạc hai ngàn, nhét vào túi Phi rồi cài nắp túi cẩn thận. Trân trọng như trân trọng người nghệ sĩ’’[171, tr.106-107].

Mặt khác, miêu tả hành động cũng thể hiện bản chất của nhân vật. Trong truyện Kẻ thù của tôi của Tú Uyên, Binh chột là một tên ác ôn. Hắn là một tay đao phủ chuyên xử tử những người yêu nước bằng một con dao do hắn tự chế. Tác giả đã kể lại một lần hắn ‘‘thi hành án” giết người như sau:

‘‘Khi nghe đến tên mình cùng phát súng quen thuộc” thì “hắn liền khật khừ tiến mấy bước” đến trước mặt người sắp bị hắn giết. Rồi hắn “rút con dao chuyên nghiệp của hắn ra, vẽ vẽ mấy “chữ” gì đó trên bộ ngực của nạn nhân”. Chợt “hắn dừng lại kề mũi dao ấn từ từ...” khi thấy nạn nhân oằn oại thì hắn cười nham nhở: “Hừ...đau hả...Hà! Ráng chút nữa đi, chút nữa thôi, chút nữa hết đau liền hà”. Và sau đó “hắn vênh mặt trong tiếng cười ngợi khen của một vài đồng bọn, tay vẫn lăm lăm con dao thép hai lưỡi có chiếc cán bằng vỏ đạn đại liên bê bết máu’’[185, tr.172].

Miêu tả hành động giết người bằng cách “ấn mũi dao từ từ vào ngực nạn nhân”, tác giả đã thể hiện rõ bản chất dã man của một tên ác ôn giết người không gớm tay.

Tóm lại, qua miêu tả hành động, truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay thể hiện sự đa dạng tính cách nhân vật.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 113 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)