Chương 2 NHỮNG CẢM HỨNG TRONG TRUYỆN NGẮN
2.2. Cảm hứng phê phán cái hạn chế, cái tiêu cực trong đời sống
2.2.2. Phê phán mặt trái của đô thị hóa nông thôn
Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những tình cảm trân trọng, ngợi ca dành cho những con người với những đức tính, những cách ứng xử cao đẹp trong cuộc sống; bên cạnh việc tái hiện những bức tranh thiên nhiên thanh bình, êm ả mang đặc trưng văn hoá ruộng vườn sông nước, các tác giả truyện ngắn ĐBSCL cũng tỏ thái độ quyết liệt nhưng kín đáo bày tỏ sự không đồng tình của mình trước khá nhiều vấn đề có thể gọi là tiêu cực của xã hội trong hoàn cảnh đô thị hoá nông thôn.
Nhìn ‘‘bề ngoài’’ truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, là bức tranh tái hiện cuộc sống và sinh hoạt của người dân nghèo vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn chúng ta sẽ thấy, trong bức tranh sinh hoạt ấy, bắt đầu có sự vận động, biến chuyển theo hướng từ quê ra thành thị; từ ruộng đồng, sông nước ra những khu đô thị, khu công nghiệp đang trên đà đô thị hoá.
Và đặc biệt hơn là đằng sau những vấn đề hiện thực ấy là tiếng thở dài chua xót của nhà văn trước những va chạm, những rạn nứt và đổ vỡ những giá trị văn hoá truyền thống của làng quê nông thôn như một điều tất yếu không cách nào tránh khỏi. Nói khác đi đây cũng chính là thái độ không đồng tình của nhà văn về những mặt trái của đô thị hoá với nguy cơ tàn phá cấu trúc văn hoá làng quê nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trước hết, sự tác động của đô thị hoá đã làm cho cuộc sống của người dân quê ít nhiều bị xáo trộn. Sự êm ả thanh bình vốn có của không gian làng xã bắt đầu có sự thay đổi. Làng quê trong truyện ngắn ĐBSCL giờ đây đã xuất hiện thêm những ‘‘dịch vụ’’.
Người đọc bắt gặp cô Bông trong Bến đò xóm Miễu của Nguyễn Ngọc Tư, bị cuộc sống
‘‘nửa chợ, nửa quê’’ làm ‘‘ô uế’’ từ khi còn là cô bé còn đang độ tuổi cắp sách đến trường chỉ trong một ngày đã ‘‘lột xác’’ thành cô tiếp viên ở quán ‘‘bia ôm’’ ‘‘Đêm sầu’’ bên kia sông:
‘‘Con Bông giờ đã khác. Buổi sáng, Bông bận áo rách qua chợ, buổi chiều Bông về. Trên mình là chiếc váy ngắn, áo yếm, vai quàng hửng hờ hai cái dây nhỏ xíu có cũng vậy mà không có cũng vậy, vịn hờ cái áo khỏi tuột xuống... Người xóm qua đò xầm xì Bông đi bán bia ôm bên sông, quán ‘‘Đêm sầu’’... Bông trở về lúc hai ba giờ sáng, quần áo xốc xếch, tóc mai dính bết vào khuôn mặt đầm đà son phấn. Đôi mắt dại đi vì say, vì mất ngủ’’[169, tr.100].
Thực trạng ở nông thôn ĐBSCL có một bộ phận phụ nữ vì cuộc sống nghèo khó đã chấp nhận đánh đổi thân xác mình để tồn tại. Ai mà không nhói lòng khi đọc những đoạn văn trong Cánh đồng bất tận: ‘‘Chúng tôi gặp nhiều, rất nhiều người phụ nữ giống như chị. Cứ mỗi mùa gặt, họ lại dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những người thợ gặt, những người đàn ông giữ lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng. Họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão ra, nhìn kỹ phát ứa nước mắt’’[171, tr.160].
Nói đến thái độ phê phán của nhà văn về những mặt trái của tình trạng đô thị hoá nông thôn, không thể không bàn đến vấn đề con người ở làng quê nông thôn đang đứng trước nguy cơ đánh mất đi những phẩm chất thật thà chân chất vốn có của mình bởi những tác động và ảnh hưởng từ những cơ gió độc hại từ thành thị thổi về.
Ở nông thôn - nơi con người sống thật thà mộc mạc chân chất, nơi có những người nông dân, mà người ta quen gọi là ‘‘hai lúa’’ giờ đây đang nhen nhóm lối sống giả dối đến mức trở thành thói quen đáng sợ.
Qua cái chết đau lòng của San (NV trong truyện Ngày đùa), Nguyễn Ngọc Tư đã gián tiếp phản đối cách con người ta sống giả dối, thiếu trung thực dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, không chỉ phê phán những tác động tiêu cực ở phạm vi rộng lớn, mà ở ngay trong mỗi gia đình.
Không gian gia đình trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, mang màu xám u buồn, sự thiếu thốn tình cảm, tình thương của những đứa trẻ bởi những hoàn cảnh khác nhau. Trong đó nổi bật là vấn đề những bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm và trách nhiệm đối với những đứa con do chính mình sinh ra. Điều này lý giải tại sao, truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, lại có khá nhiều nhân vật là những đứa trẻ thơ sống trong nỗi thiếu thốn tình thương của cha mẹ, hoặc phải sớm lăn lộn mưu sinh, đặc biệt có những đứa trẻ rơi vào những bi kịch rất đáng thương.
Sói trong Ấu thơ tươi đẹp của Nguyễn Ngọc Tư, đã chịu cảnh đó. Cha mẹ nó mỗi người có một hạnh phúc riêng, nó cảm thấy bơ vơ giữa cuộc đời. Chính sự thiếu sự quan tâm của cha mẹ đã hình thành nên tính cách ngang ngược, ăn nói vô lễ của những đứa trẻ: ‘‘kiếm băng khác phát đi cha, tua đi tua lại câu này nghe chán chết’’[172, tr.61]. Có gì đáng buồn hơn khi tổ ấm của mình, cũng trở nên xa lạ:‘‘Em sợ khi mở mắt thức dạy đã nhìn thấy mẹ em mặc cái áo mẹ mua trong lúc vắng em, ra mở cửa. Vào nhà em thấy một đôi giày đàn ông xa lạ. Và cái đèn ngủ màu đỏ của em mẹ đã thay bằng thứ ánh sáng xanh tái. Có cái tủ mới trong bếp. Một vài cái đĩa CD mà em yêu thích thì mất. Em lạc giữa nhà mình và mất một nửa thời gian bên mẹ để làm quen lại’’[172, tr.73].
Và đây là bi kịch đau lòng, nguyên nhân dẫn đến chấn thương tâm hồn của hai chị em Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận:
‘‘Nên mỗi lần cha nhìn đăm đăm và mỉm cười với một người đàn bà, chúng tôi lại thắt thẻo... Cha đẩy chúng tôi trượt dài vào nỗi thiếu thốn triền miên. Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt chúng tôi bỏ đi hay chạy chốn. Chúng tôi đáng mất cái quyền được đưa tiễn, được xao xuyến nhìn những cái vẫy tay...’’[171, tr.190- 191].
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt về tình cảm làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ đa phần là do sự tan vỡ của gia đình, sự phản bội của các cặp vợ chồng.
Đây là lời cảnh báo về vấn đề gia đình, vấn đề trẻ em trong toàn xã hội. Qua đó nhà nhà văn gởi một thông điệp: muốn xây dựng môi trường đạo đức xã hội lành mạnh trước hết phải xây dựng môi trường đạo đức ngay trong từng gia đình.
Những vấn đề có tính thời sự rất nóng bỏng như ‘‘đẻ mướn’’, tình yêu đồng giới đã bắt đầu len lỏi xuống tận vùng sâu, vùng xa cũng được đề cập, phản ánh rất kịp thời, như Làm
mẹ, Tình thầm của Nguyễn Ngọc Tư… Điều này cho chúng ta thấy hiện đang có sự xâm lấn khá nhanh của mặt trái đời sống đô thị đối với những giá trị văn hóa làng xã ở nông thôn.
Ngoài ra, truyện ngắn ĐBSCL cũng dự báo về những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá đang diễn ra ở mạnh mẽ nông thôn đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.
Việt Nam là nước nông nghiệp, cuộc sống của người nông dân luôn gắn bó với đất đai, ruộng đồng. Cánh đồng là không gian sinh sinh tồn của người nông dân từ bao đời nay.
Nhưng rồi đây những cánh đồng sẽ được thay bằng những khu công nghiệp, những khu đô thị hào nhoáng, những sân gôn…Thế nhưng, liệu sự hào nhoáng bề ngoài có thật sự mang đến hạnh phúc cho người dân nông thôn? Có lẽ, trong tương lai cùng với quá trình đô thị hoá, những cánh đồng bao la sẽ bị thu hẹp dần: ‘‘Những cánh đồng trở thành đô thị;... những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành’’[171, tr.208]. Những cánh đồng chết do quá trình đô thị hoá mà người nông dân mất dần ruộng đất. Nói một cách khác, cánh đồng là biểu tượng cho sự băng hoại văn hoá (vật thể và phi vật thể), do sự tha hoá của đời sống con người.
Có thể nói, sự trăn trở là lời cảnh báo, là khả năng dự cảm của nhà văn về thực trạng bức thiết những tác động tiêu cực trong xã hội ở thời kỳ công nghiệp hóa.
Quá trình đô thị hoá không chỉ tác động đến đời sống tinh thần của con người mà xâm hại đến môi trường tự nhiên. Thực tế ai cũng nhận thấy, khi khoa học - kỹ thuật phát triển thì đời sống của con người ngày một tốt hơn, nhưng trái lại, nó cũng đang ngấm ngầm tách con người ra khỏi môi trường tự nhiên.
Nhiều truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay (Ông thiềm thừ của Trần Kim Trắc, Trò chơi giữa giờ của Vũ Đức Nghĩa, Chim hạc bay về và Bầy chim sổ lồng của Ngô Khắc Tài,…) đã đề cập đến tình trạng môi trường thiên nhiên bị xâm hại.
Qua mỗi trang viết, nhà văn muốn nhắn gửi đến mọi người thông điệp: hãy bảo vệ môi trường tốt đẹp của tự nhiên, vì khi môi trường đó mất đi thì không thể nào tìm lại được.
Đồng thời thể hiện tình cảm thiết tha của con người gắn bó với thiên nhiên, nỗi ray rứt khi thiên nhiên bị tàn phá, huỷ diệt:
‘‘Ngày xưa ấy, cứ đưa tay lên trời là túm được chim cò, thò vô hang là nắm gọn lươn, rắn chuột, tuột xuống nước là tóm lấy cả loài cá, có từng đàn siếu cao lêu nghêu đi từng
đàn, từng đàn trên ruộng, đàn vịt trời hàng trăm ngàn con bay mát cả một góc trời như một đám mây’’.
Thế mà bây giờ ‘‘những cánh đồng tràm thành than, thành khói, những con rạch, con sông giờ chỉ chuyên chở đủ thứ con người thải ra và đồng ruộng nực mùi thuốc độc có còn chỗ nào yên lành để cho vạn vật trú ngụ, sinh sôi...’’ (Đôi tay – Mai Bửu Minh).
Có thể nói, các nhà văn ĐBSCL với cách nhìn và sự cảm nhận riêng đã đề cập đến thực trạng và hậu quả của sự tàn phá, xâm hại môi trường thiên nhiên; đồng thời nhắn nhủ mọi người trong cuộc sống hôm nay phải biết sống hoà mình vào thiên nhiên, phải biết yêu thương những loài vật bé nhỏ. Mặt khác phải có ý thức giữ gìn, chống lại những thế lực đang tìm cách hủy diệt môi trường tự nhiên tươi đẹp.
2.2.3.Phê phán tác động tiêu cực của kinh tế thị trường
Cảm hứng phê phán càng phát triển mạnh hơn trong xã hội khi mà nền kinh tế thị trường đã bộc lộ rõ những ‘‘khuyết tật’’ của nó. Những giá trị tinh thần dần bị mãnh lực của đồng tiền đẩy lùi về phía sau, thậm chí bị quên lãng. Mỗi người như một cá thể phức tạp trong suy nghĩ và trong hành động. Thế giới tinh thần, đời sống nội tâm, tiềm thức, bản năng vô cùng phong phú. Nhiều cây bút đã thâm nhập cuộc sống để khám phá thế giới phức tạp của con người trong xã hội nhiều biến đổi. Đi làm cách mạng cũng lắm kẻ có động cơ không tốt. Tốt xấu lẫn lộn trong cùng một con người, rất khó nhận ra. Lợi ích vật chất được xem là tiêu chuẩn hàng đầu cho mọi lựa chọn. Người ta sống giả dối, nịnh nọt để được thăng quan tiến chức. Tình yêu là hơi thở, là nhịp đập của cuộc sống, hai người đến với nhau xuất phát từ những rung động thật sự trong tâm hồn, đồng cảm sẻ chia buồn vui, cay đắng và hôn nhân phải được xây dựng trên cơ sở tình yêu. Thế nhưng tình yêu, hôn nhân cũng có khi trở thành sức bật để con người tiến thân. Quang (NV trong Phiên toà không bị cáo - Nguyễn Thị Kỳ), lợi dụng tình yêu để được thăng tiến công danh, sự nghiệp. Sức mạnh của tình yêu chân chính đã không chiến thắng được sự tham vọng của Quang. Những cảm xúc yêu đương thật sự với Yến buổi ban đầu đã bị xóa nhòa, để Quang dễ dàng lao vào vòng xoay cuộc đời, giành lấy địa vị phó giám đốc công ty kinh doanh. Đồng thời để cân bằng với địa vị, công danh của Quang thì người vợ phải là Diễm chứ không phải là Yến. Một người vợ có học vị, có bằng cấp, có lý lịch sạch sẽ để Quang ngày càng củng cố địa vị của mình, chứ không phải là một cô y tá bình thường và có vết đen trong hồ sơ lý lịch. Quang đã bất chấp qui luật của
một tình yêu chân thành, chỉ cần Quang được thăng tiến, được kính trọng, vị nể và được nhiều người mến mộ ao ước một mái ấm như gia đình Quang. Trong cuộc sống có biết bao điều được người ta bao bọc, che đậy nhưng có lẽ sự giả dối thì không thể nào che giấu mãi.
Diễm - nhân vật xưng tôi trong truyện đã nhận ra bộ mặt giả dối của Quang. Ẩn sau nét dịu dàng, ân cần là một trái tim sắc lạnh và tàn nhẫn. Quang thờ ơ, ghẻ lạnh trước sự tồn tại của người mà mình từng yêu thương đang vướng vào con đường tù tội và cả đứa con thơ giống anh như đúc. Quang đã chà đạp lên tình yêu mà trong lòng vẫn ung dung, bình thản. Phần người của Quang đã không đủ mạnh để thức tỉnh phần con, để Quang có thể ân hận về những việc làm sai trái, lỗi lầm của mình. Chỉ có tiếng thét của Diễm, mong rằng nó sẽ thức tỉnh lương tâm Quang “Đó là phiên tòa không có bị cáo vì em và anh - đứa bỏ bạn trong cơn hoạn nạn, đứa ung dung chà đạp lên tình yêu”[183, tr.288]. Phiên tòa xét xử Yến, người ngồi ghế bị cáo thật sự sẽ là ai? Tòa án pháp lý xét xử Yến thì Quang cũng sẽ phải gánh chịu hình phạt nặng nề từ tòa án lương tâm; mà tòa án lương tâm là tòa án tối cao để phán xét tội ác xuất phát từ tâm hồn, tinh thần của con người.
Có thể nói, mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang làm không ít người tự đánh mất mình. Sau chiến tranh, mỗi người lại trở về với cuộc sống đời thường, trở về với tất cả những gì họ từng gắn bó. Cuộc đời đang mở ra trước mắt họ với nhiều dự định, ước mơ và khát vọng, nhưng đồng thời họ phải đối mặt với biết bao gian truân, thử thách mới trong cuộc sống đời thường nhiều đổi thay, biến động. Lối sống chạy theo đồng tiền và bị đồng tiền chi phối đã làm băng hoại nhân cách, đạo đức của không ít người trong xã hội. Vì tiền, họ sẵn sàng thực hiện những hành vi trắng trợn, chà đạp lên đạo lí, dân chủ và công bằng xã hội.
Nhân vật Ly trong truyện ngắn Một lẽ sống của Anh Đào là điển hình cho lối sống thực dụng, xem nhẹ chuẩn mực đạo đức, nhân cách trong xã hội hiện nay. Cái chết bất ngờ và đau đớn của Ly, một phần là cái giá phải trả cho cuộc sống vương giả, chạy theo đồng tiền và bất cần đời của Ly. Cái chết như thức tỉnh con người nhận thức về một lối sống vật chất, xa hoa không phải được đem lại bằng công sức, bằng lao động mà bằng những mánh khóe, lọc lừa, lợi dụng. Thế nhưng, ẩn sau đó là vấn đề nhức nhối, day dứt hơn. Đó là mặt tiêu cực của một số cán bộ bị suy đồi về mặt nhân cách, đạo đức. Cái chết của Ly liên quan đến một người hiện lên lờ mờ, nhập nhòe dưới vầng trăng đêm cuối tháng. Cái ác, lối sống giả đạo đức dường như được che đậy, khỏa lấp rất kỹ lưỡng và kín đáo: “Chỉ có tôi là hiểu nó đến đây
chờ một người, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói, có ích gì! Mặc dù đau xé lòng, tôi vẫn cắn môi không khóc, chỉ cố tìm hiểu nó chết lúc nào. Có phải lúc con chim ăn đêm chao mình, lúc đồng hồ buông một tiếng lỏng, hay lúc bóng thủ trưởng tôi thấp thoáng?”[183, tr.80].
Ở truyện ngắn Thị trấn đồng bằng của Đào Ngọc Chương, sự ra đi của vợ Diễn với người đàn ông giàu có, có chức quyền một phần là do sự vô tâm, thờ ơ và có cả hèn nhát của Diễn “Diễn chỉ tồn tại như một người chạy vòng ngoài và được vợ nuôi”[183, tr.51]. Với Diễn hạnh phúc có thể đến bất ngờ trong niềm vui thì cũng có thể nhanh chóng ra đi trong niềm đau thương, nuối tiếc. Bên cạnh niềm vui còn có nỗi buồn và con người có thể “Có rất nhiều điều vui nhưng tránh làm sao được một vài mất mát”[183, tr.52].
Một điều dễ nhận ra là thái độ phê phán của các nhà văn ĐBSCL thường nhẹ nhàng không gay gắt thường thấy ở các nhà văn miền Bắc. Như Dương Hướng với Bến không chồng; Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma; Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh; và đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Những bài học nông thôn…
Tóm lại, cảm hứng phê phán trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, là những câu hỏi phản biện mà nhà văn đặt ra cho người đọc, với một thái độ nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc. Điều này phù hợp với cách sống, môi trường sinh hoạt của người ĐBSCL.