Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.1.3. Nghệ thuật tạo dựng không gian, thời gian
3.1.3.2. Nghệ thuật tạo dựng thời gian
Thời gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Mọi hiện tượng đều tồn tại trong thời gian. Thời gian trong tác phẩm nghệ thuật tồn tại trong thời gian vật chất. Tuy nhiên, nhà văn không thể hiện đời sống theo kiểu thời gian vật lý, mà thời gian nghệ thuật là sự tập hợp của nhiều thời gian cá biệt, nó là một nhân tố cấu trúc của truyện. ‘‘Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức:
Sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này mùa khác,…tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm’’[186, tr.322]. Trật tự thời gian có thể bị xáo trộn, có khi hiện tại được kể trước, tương lai kể sau, nhưng cũng có khi tương lai đan xen hồi ức, quá khứ.
Tóm lại, dù quá khứ, tương lai, hiện tại thì thời gian cũng tập hợp nhau lại thành nhịp độ chung của sự vận động cuộc sống.
Thời gian nghệ thuật như là một biểu tượng biểu hiện một quan niệm nhất định của nhà văn về cuộc đời. Đồng thời nó còn thể hiện ý thức sáng tạo độc đáo sâu sắc của tác giả. Nói như vậy có nghĩa là thời gian nghệ thuật vừa là phương tiện của đề tài nhưng đồng thời còn là nguyên tắc tổ chức tác phẩm. Trần Đình Sử cho rằng: ‘‘Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người đọc nhận thức cảm nhận được’’[129, tr.62].
Như vậy, thời gian nghệ thuật chính là một hình tượng nghệ thuật, nó được tạo ra để đưa đến cho người đọc nhận thức về cuộc đời về số phận của con người. Thời gian nghệ thuật chính là thời gian tâm lí, diễn ra trong tưởng tượng nhưng lại tồn tại khách quan trong chất liệu ngôn ngữ của tác phẩm văn học. Khi xây dựng một tác phẩm văn học, bao giờ nhà văn cũng có ý thức xây dựng thời gian như một công cụ phục vụ đắc lực cho ý đồ triển khai thời gian nghệ thuật của mình.
Nghiên cứu thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn thế giới nghệ thuật mà nhà văn tổ chức trong tác phẩm. Đó là con đường ngắn nhất để giải mã một văn bản nghệ thuật.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, bao giờ cũng gắn liền với không gian nghệ thuật. Nó như là một phương tiện để tổ chức tác phẩm, đồng thời chúng còn là hình tượng để thể hiện sự cảm thụ của cá nhân về đời sống. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, được các nhà văn thể hiện vừa sinh động vừa độc đáo, tiêu biểu hơn cả là thời gian đan xen giữa hiện tại và quá khứ.
Đất nước thống nhất, mọi người hăm hở bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Trong niềm vui hoà bình, trong cuộc sống bận rộn đời thường, con người vẫn dành một phần tâm tưởng để sống với quá khứ, để Về với mảnh vườn xưa, nhớ về Sau cuộc chiến, và những Ước mơ buồn…
Thời gian trong tác phẩm được các nhà văn thể hiện thông qua các sự kiện, sự việc, chi tiết xảy ra trong quá khứ thông qua những mảng hồi ức của nhân vật. Dòng nhớ là một tác phẩm tiêu biểu, vẫn là cốt truyện giản dị, đời thường nhưng dưới cái nhìn tinh tế của nhà văn trong trong cách thể hiện qua dòng hồi tưởng của nhân vật tôi. Ở Dòng nhớ nỗi đau trong
quá khứ dường như cũng đang tan chảy trong dòng hiện tại. Những năm về trước má tôi những tưởng rằng xuống tận ghe ở dòng sông kia xem ‘‘tình địch’’ của mình như thế nào, người làm cho ba tôi không thể nào quên. Nhưng khi đến nơi, chứng kiến cuộc sống của dì, má tôi mới hiểu hết nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn lao mà người đàn bà dưới sông kia phải âm thầm gánh chịu. Cả hai người phụ nữ (dì và má tôi) đều nén nỗi đau nhức trong lòng để không bật thành tiếng. Chuyện buồn quá khứ nhưng đang đổ bóng xuống hiện tại, trong căn nhà nhỏ mà nỗi đau luôn trở thành nỗi ám ảnh lấy má tôi. ‘‘Má tôi cũng không kể với ba cái đêm gặp ‘‘tình địch’’ ấy, nhưng mãi mãi, mỗi khi cả nhà ăn cơm, tim má lại hiện lên hình ảnh cái rổ úp chén đan bằng nan tre đã xỉn màu, trên đó có cái dĩa, cái tô và ba cái chén, ba đôi đũa như thủa người đàn bà trên ghe còn nguyên một gia đình’’[169, tr.57]. Nỗi đau đớn không chỉ ám ảnh trong suốt cuộc đời má, mà nó còn làm tê nhức đời sống tinh thần của nội tôi. ‘‘Mà tội nhất là nội tôi, vốn mê cải lương, những bữa, những bữa nào ti vi chiếu mấy tuồng có bà mẹ chồng ác nghiệt chia rẽ duyên của con dâu là thấy nội tôi rầu. Cho tới lúc cuối đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn trong lòng câu hỏi: ‘‘Vậy ra, mình giống mấy bà đó thiệt sao?’’[169, tr.52]. Những tưởng rằng quá khứ làm vơi đi nỗi buồn của má, nhưng thực ra quá khứ càng làm tăng thêm nỗi đau, sự dằn vặt đến dai dẳng ở cuộc sống hiện tại mà má đành gánh chịu.
Thời gian quá khứ trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là những hồi ức của nhân vật tôi, người kể chuyện đan xen trên nền hiện tại. Cái tài của nhà văn là xây dựng được kiểu kết cấu thời gian theo lối vòng tròn, đầu cuối tương ứng: hiện tại - quá khứ - hiện tại, tất cả cứ dằng díu vào nhau. Mở đầu câu truyện là thời gian đang ở điểm hiện tại ba cha con chăn vịt dừng lại ở một con kinh nhỏ vắt ngang cánh đồng. Nhân vật tôi (người kể chuyện) và đứa em trai (Điền) đã cứu thoát chị đĩ đưa lên thuyền. Tiếp đến là dòng thời gian lan sang hồi ức lại cuộc đời đã trải qua của chị đĩ. Mạch truyện lôi kéo người đọc trở về quá khứ qua dòng hồi ức của nhân vật tôi về người má ngoại tình, bỏ nhà theo người đàn ông bán vải. Nối tiếp dòng kí ức, trở về với hiện tại người cha đùa cợt tình cảm với người đàn bà nhẹ dạ, mời họ lên thuyền rồi bỏ họ lại trên bờ, để lại nụ cười chua chát trên môi người cha. Câu chuyện kéo người đọc trở về với dòng thời gian hiện tại, một thời gian sau chị đĩ đã ngấm ngầm thương lượng với cán bộ xã để cứu đàn vịt…
Đặc biệt, trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư như Nhớ sông, Cánh đồng bất tận, Cái nhìn khắc khoải, Lý con sáo sang sông,...thời gian được tính theo mùa hay đặc trưng của thời tiết, khí hậu: ‘‘Nhưng chưa đầy con trăng đã thấy Giang khăn gói về bến Xã Xiệu’’[169, tr.159]. ‘‘Ông về đúng vạt đồng sau vừa chín’’[171, tr.52]…‘‘Lúc này mưa nắng thất thường.
Nắng một hơi năm bảy ngày, mưa một hơi năm bảy ngày, bà con nông dân gặt ngay mưa, lúa phơi không được, rầu muốn chết’’[171, tr.57. ‘‘Thành ra mùa du mục của chúng tôi kéo dài liên tục từ mùa mưa sang nắng, rồi lại mưa. Nhiều lúc tôi nhớ hơi con - người’’[171, tr.177].
Người dân ĐBSCL nghe gió mà liên tưởng đến mùa cưới: ‘‘Bấc về. Như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta. Da tôi mốc cời... Nước mặn rít gia.
Nghe gió này là mùa cưới đến’’[166, tr.73].
Thời gian trong truyện có khi là thời gian giao thời giữa ngày và đêm, giữa năm cũ và năm mới. Đó là thời gian thật có ý nghĩa đánh dấu sự thay đổi số phận, cuộc đời của nhân vật. Với họ, cuộc sống luôn đa sự, con người luôn đa đoan. Cho nên vận động của thời gian cũng đầy ngổn ngang, phức tạp.
Ngoài ra, qua truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng ta còn nhận thấy các nhà văn còn sử dụng thời gian ảo.
Nét nổi bật của thời gian ảo là thời gian của những giấc mơ. Mơ là môtíp nghệ thuật nhằm nêu lên những vấn đề triết lý về cuộc sống con người. Mơ là thời gian đặc biệt, là biểu tượng của vô thức, của đời sống tâm linh. Mơ là thời gian không xác định, là sự chắp nối, xâu chuỗi liên tục hay đứt đoạn của những ám ảnh vô thức.
Nhiều truyện ngắn ĐBSCL sau 1975 sử dụng thời gian giấc mơ nhằm lí giải chiều sâu nội tâm của nhân vật. Thời gian giấc mơ thường ngắn ngủi, chớp nhoáng nhưng loé sáng, soi rọi, lí giải nội tâm của nhân vật một cách hiệu quả. Nội dung giấc mơ ứng với từng loại nhân vật. Giấc mơ của lão Ơn trong Ước mơ buồn - Đỗ Tuyết Mai, luôn ám ảnh về tội ác mà mình gây ra: ‘‘Hơn một năm trở lại đây, lão thường hay nằm mơ thấy ác mộng. Trong mơ, lão hay vùng đạp, bức xé như đang quần trở lại một lực mạnh vô hình. Đó là những lúc mơ thấy những gương mặt trắng bợt bạt đến lôi kéo lão đi, đòi lão phải trả lại mạng sống cho họ’’[183, tr.312]. Còn ở truyện Ông thiềm thừ của Trần Kim Trắc, thì ‘‘thằng Búa nằm chiêm bao thấy hai cái đùi ông thiềm thừ không có thân, chỉ lặc lìa một mảng da khô nhảy lom khom, còn cái đầu cóc tía bay lơ lửng trên không mắt trợn trừng, hàm răng nhe ra trắng xác
nghiền trèo trẹo, trên mưa rơi vần vũ, sấm chấp giăng giăng. Sợ quá nó kêu ré lên, mồ hôi ướt đẫm’’[183, tr.630]. Đây là những giấc mơ báo oán.
Thời gian trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975 không phải là thời gian được sắp xếp theo trật tự tuyến tính, nó không tuân theo một quy luật logic nào. Ở đây là thời gian kí ức, của các sự kiện trong quá khứ được dẫn dắt bởi dòng cảm xúc chợt hiện về. Người viết truyện đã biết xây dựng thời gian trong khoảnh khắc, những khoảng dừng cho chúng ta suy ngẫm, nó là cầu nối tâm giao giữa tác giả với độc giả. Chính vì thế, sự vận động của nhân vật trong thời gian này cũng đầy ngổn ngang, phức tạp như chính con người họ vậy.
Có thể nói cách tổ chức thời gian như vậy đã giúp tác giả có điều kiện đi sâu khám phá, tái hiện đời sống và thế giới nội tâm của con người, nhằm thể hiện được mối quan hệ sâu sắc giữa con người và đời sống thực tại.
Thông qua các biểu hiện đa dạng của thời gian nghệ thuật, ta thấy nhà văn có khả năng vô hạn trong việc nới lỏng hay mở rộng cốt truyện. Cốt truyện hoàn toàn có thể mở rộng đến tối đa, thậm chí truyện ngắn có thể được làm cho dài ra với ngồn ngộn các sự kiện như trong tiểu thuyết. Nhà văn có thể làm được điều đó bằng cách gia tăng miêu tả dòng ý thức của nhân vật. Thông qua sự nhớ lại, sự thuật lại, sự ám ảnh, những giấc mơ, những kỷ niệm, những viễn tưởng, những độc thoại… mà cảnh đời của mỗi nhân vật càng có thêm nhiều chi tiết, nhiều sự lý giải. Trong một truyện có khi có nhiều đoạn dài là những dòng ý thức của nhân vật nào đó. Nếu ví cốt truyện như một cái cây thì trong trường hợp này, cái cây có rất nhiều nhánh nhóc tạo nên một dáng vẻ sum xuê. Việc nới lỏng, mở rộng cốt truyện, gia tăng miêu tả dòng ý thức của nhân vật là cách làm của không ít nhà văn ĐBSCL sau 1975, đặc biệt tập trung ở các cây bút trẻ.
Nổi bật nhất là Nguyễn Ngọc Tư. Ở truyện của chị, cốt truyện thường xuyên được nới lỏng và nhân vật lúc nào cũng ngồn ngộn tâm trạng. Nhà văn ít khi đứng ngoài miêu tả dưới góc độ của một người quan sát, trần thuật mà thường để cho nhân vật của mình tự bộc lộ tất cả, tự nói lên tất cả tâm trạng hỉ - nộ - ái - ố bằng những lời độc thoại. Nhân vật hiển hiện như một con người tự do bộc lộ cảm xúc của mình, không bị tác giả chi phối qua sự trần thuật gián tiếp (lời kể). Đặc biệt, sự biểu hiện của dòng ý thức này cũng rất đa dạng. Có thể trong một truyện mỗi nhân vật đều có dòng ý thức của mình, làm thành một thế giới tâm lý sống động.
Gió lẻ của Nguyễn Ngọc Tư là một truyện ngắn có dung lượng khá lớn so với thể loại.
Cốt truyện chính thực ra khá đơn giản: hai người đàn ông trên xe tải cho một cô gái đi cùng và cuối cùng, ông Buồn đã có được cô gái. Việc đó khiến cho Dự ghen, muốn giết ông Buồn để rồi dẫn đến cái chết của cả Dự và cô gái. Nhưng xoay quanh cả ba nhân vật này là những câu chuyện quá khứ dài như không bao giờ hết. Nhân vật cô gái khi thì được xuất hiện bằng tiếng tự xưng “em” (có đến 77 đoạn văn), khi thì được tác giả gọi bằng “cô”. Khi được xuất hiện bằng tiếng tự xưng “em”, mọi sự kiện đều được diễn ra qua dòng ý thức của nhân vật cô gái. Truyện có 19 khúc (được ngăn cách bằng 3 dấu *) và có sự luân phiên lần lượt giữa khúc nhà văn miêu tả dòng ý thức của nhân vật cô gái (nhân vật xưng “em’’) và khúc nhà văn miêu tả với vai trò người trần thuật (cô gái được gọi bằng “cô”) cho đến hết truyện. Qua dòng ý thức của một nhân vật chịu nhiều bất hạnh, toàn câu chuyện mang hơi hướng lạnh lẽo, cô độc, ảm đạm của một cơn “gió lẻ”. Có thể thấy rõ rằng, trong truyện Nguyễn Ngọc Tư, dòng ý thức của nhân vật gần như luôn luôn được thể hiện bất chợt, và thường không được báo trước bằng những dấu câu quen thuộc mà tiếng Việt vẫn thường làm như dấu hai chấm, dấu ngoặc kép. Chẳng hạn như đoạn văn sau đây: ‘‘Nhưng nói-giống-người thì em cũng phải nói những lời dối, gây đau, nói để giày vò nhau… Biết đâu, em sẽ vừa nói vừa nôn thốc nôn tháo. Biết đâu em sẽ vừa nói vừa khóc” trong truyện Gió lẻ [172, tr.161]. Hay một đoạn khác trong truyện Huệ lấy chồng của Nguyễn Ngọc Tư: “Điềm dặn, “Bây giờ mầy khóc cho đã đi, để mai lúc rước dâu thì ráng nhịn, cô dâu mà khóc, son phấn trôi tèm lem, thấy rầu lắm”. Trời đất, buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi.
Con gái lấy chồng, hỏi ai không tủi?” [171, tr.38]. Người đọc được dẫn dắt tự nhiên từ vị trí người quan sát đến vị trí xâm nhập thẳng vào nội tâm nhân vật, không qua rào đón, giới thiệu.
Việc nới lỏng cốt truyện, gia tăng miêu tả dòng ý thức của nhân vật của nhiều cây bút trẻ đã góp phần làm nên một diện mạo khá riêng biệt của truyện ngắn ĐBSCL sau 1975.
Điều đó thể hiện tâm trạng con người có nhiều trăn trở, suy tư trong một cuộc sống mới với bộn bề những điều mới mẻ, thử thách và cũng nói lên được bản tính đa sầu đa cảm của những con người miệt vườn sông nước Cửu Long.
Tóm lại, không gian, thời gian trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975 là yếu tố để thể hiện điểm nhìn của tác giả về cuộc đời thông qua hình tượng nhân vật, là hình thức cắt nghĩa con người, đem đến cho người đọc những khám phá mới. Ngoài ra thời gian, không gian nghệ thuật trong truyện ngắn còn thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn và góp phần xây dựng hình tượng nhân vật, bộc lộ chủ đề tư tưởng trong tác phẩm, chuyển chở những vấn đề triết lí của thời đại.