Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.3. Nghệ thuật sử dụng phương ngữ Nam bộ
3.4.1. Giọng điệu dân dã, mộc mạc
Sau năm 1975, do những thay đổi cơ bản của hiện thực cuộc sống, cảm hứng sáng tác, tư duy nghệ thuật của văn học cũng có nhiều thay đổi. Tiếp cận hiện thực, các nhà văn đi sâu vào cuộc sống đời tư, đến gần hơn với số phận, với cuộc đời từng con người cụ thể hơn là những biểu tượng chung chung. Vì vậy, tác phẩm văn chương cũng tìm đến một thứ ngôn ngữ mang đậm tính hiện thực hơn, giản dị và đầy chất đời thường. Đa số truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, cũng tuân theo quy luật đó. Điều dễ nhận thấy nhất trong giọng điệu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, đó là giọng dân giã mộc mạc. Miêu tả cuộc sống và con người, các nhà văn đã thể hiện một giọng điệu giản dị, mộc mạc, tự nhiên như chính cuộc sống một nắng hai sương, như chính hương vị ngọt ngào của hạnh phúc, như chính những khó khăn thử thách của cuộc đời.
các tác giả có xu hướng thể hiện ngôn ngữ giản dị, đời thường. Không miêu tả và phản ánh bằng những gì cao siêu, các nhà văn chỉ dùng những lời kể bình dị, tự nhiên, thấm thía như là cuộc sống. Và chính vì thế văn học gần với cuộc sống hơn, cuộc sống trong văn học dễ được tiếp nhận hơn. Đây là đoạn miêu tả cuộc sống của một gia đình trong Đất không cưu mang của Bích Ngân:
“…Mưa nhẹ hạt một chút thì vô số muỗi rừng từ gốc cây, kẻ lá và như từng giọt mưa sinh ra, vây bủa ba người. Chúng thi nhau bấu chặt vào da thịt, hau háu hút máu. Vừa chống chọi với lũ muỗi say máu, cả ba người vừa tháo lui. Dưới chân trơn trợt, sình lầy. Hai mẹ con người đàn bà run rẩy, bấu chân vào mặt đất lần đi từng bước nhưng cứ liên tục chùi đi, vấp ngã. Ông và hai mẹ con bà Năm phải bíu vào những chang đước tua tủa như muôn ngàn cánh tay gân guốc bám vào mặt đất. Len lỏi trên những chang đước cơ man nào là ba khía, còng gió, chạy roàn roạt, vênh vang những chiếc càng xanh đỏ trêu tức sự yếu ớt của con người…”[183, tr.376].
Bằng giọng điệu chân tình mộc mạc, người đọc như thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh cuộc sống vất vả, thiếu thốn và còn biết bao khó khăn khác đang vây bủa con người. Tác giả đã đề cập đến những điều bình thường nhất của cuộc sống. Giọng văn của tác giả như phơi trải ra những gì vốn có của cuộc sống và chính điều đó làm cho người đọc dễ tiếp nhận hơn.
Giọng điệu dân dã Nam bộ trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, còn được thể hiện qua cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn. Đọc truyện Đất không cưu mang của Bích Ngân, độc giả quên rằng nhà văn đang vẽ nên một thế giới hư cấu, mà có cảm tưởng như chính mình đang nghe được những âm thanh, tận mắt chứng kiến những hình ảnh ấy: “Con cú mèo vỗ cánh phành phạch, bay đi. Ông lê chân đi tiếp được mấy bước rồi khập khựng, lảo đảo. Nỗi bất hạnh dồn dập và vắt kiệt sức ông. Ông lại té sấp trên mặt rẫy sủi phèn, loang lổ. Và lần này, ông không gượng dậy nổi nữa. Ông vĩnh viễn chia lìa nỗi thống khổ và niềm hạnh phúc đớn đau, đeo đẳng suốt một kiếp người[183, tr.395]. Từ ngữ ngắn gọn, hình ảnh quen thuộc nhưng đoạn văn có sức khái quát cao: vừa cung cấp một thông tin mang tính hiển ngôn là cái chết của ông Mười, vừa gợi một hàm ý sâu xa về số phận, niềm mong ước và cả tâm linh của con người. Ngôn ngữ của tác giả như ngôn ngữ trò chuyện của cuộc sống đời thường.
Chính cái bình thường ấy làm cho người đọc dễ tiếp nhận thông tin mà không phải thông qua lăng kính của hình tượng nghệ thuật.
Bằng ngôn ngữ bình dị, truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay đã thực sự đưa sinh hoạt đời thường của người dân vào trong tác phẩm, tạo được mối quan hệ gần gũi giữa văn học với cuộc sống. Qua đó, người đọc sẽ cảm nhận cuộc sống trong tác phẩm như chính cuộc đời ở bên ngoài.
Ở ngôn ngữ nhân vật, giọng văn hoàn toàn phù hợp với lôgích nội tại, nhân vật trong truyện là những người dân quê chân chất, lớn lên từ vùng sông nước nên ngôn ngữ miêu tả nhân vật cũng được sử dụng chất liệu từ cuộc sống của người dân sông nước. Nhiều truyện ngắn đưa nguyên những lời nói ngoài đời vào trong tác phẩm, làm cho quá trình tiếp nhận văn học của người đọc dường như rút ngắn lại. Người đọc bỏ qua giai đoạn tri giác ngôn từ nghệ thuật, cảm thụ tác phẩm. Với Ông cá hô của Lê Văn Thảo, người đọc như đang được trò chuyện trực tiếp với con người ngoài đời để từ đó nắm bắt ý tưởng được chuyển tải từ tác phẩm.
‘‘Chú Sáu Dương đã nhìn lên khán đài và thấy những gì như tôi nhìn thấy chăng?
Chú lóp ngóp lội lên bờ người ướt sủng buồn rầu nói với tôi:
Tao bị trật tay lái, bậy quá! Thôi để năm sau mình hãy tính chuyện ăn thua.
Tôi vội an ủi chú:
Chị Hồng Điệp nhắn muốn gặp chú kìa!
Chú liếc nhìn tôi:
Gặp chi vậy?
Không biết , chị ấy bảo chú đến quán…
Mày đi theo tao chớ?...”[183, tr.381].
Nhân vật không thốt lên những gì cao siêu, không có những chân lí, chỉ là một giọng điệu bình thường, hồn nhiên như chính lời nói mà ta bắt gặp hàng ngày trong cuộc sống.
Nhân vật nói với nhau bằng phản ứng tự nhiên, bằng suy nghĩ bộc phá của cảm xúc. Cách nói này đã phản ánh chân thực tình cảm của con người. Nhân vật sử dụng những câu nói cực ngắn, một thứ ngôn ngữ trần trụi, nói toạc ra không cần mọi sự mĩ hóa ngôn từ. Đây là một đoạn đối thoại rất sống động khi miêu tả suy nghĩ cũng như cảm xúc của nhân vật (Người hiện đại - Lê Thị Thanh Minh):
‘‘Bên kia Nguyệt đã tìm được một đề tài mới:
Mặt mày rành rạch, vóc dáng chẳng thua ai…vậy mà đâm đầu đi lấy cái thằng thô lỗ, cục cằn, đánh vợ như cơm bữa…
Cẩm la lên có vẻ phẫn nộ:
Sao ? Sao ? Đánh nữa hả ? Đánh vợ thì quá tệ, sao không biết đánh lại!
Kim từ sau vụ Sơn lấy vợ mới thấy lên tiếng trở lại:
Ừ, đánh nó thương tích chứ giỡn à! Nhưng bà Vân cũng đáng đời lắm. Mặt mũi hãm tài, cười y như mếu , đi đứng thì lật đật. Hai đứa con còn thảm thiết hơn. Thằng lớn giống cha như đúc , mới mười tuổi đã nạt nộ mẹ, đánh em như tra ăn cướp, mà cũng đáng đời thằng ngọng lắm! Đã ngọng mà ham nói, năm tuổi mà mũi dãi lòng thòng thật phát gớm”[183, tr.349].
Giọng văn giản dị, nhưng rất thành thật được thể hiện qua những lời đối thoại thường ngày của NV Chị và Điền (Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư):
‘‘Trời đất ơi, sao vậy nè, cưng?
Chị toàn hỏi những câu khó. Chỉ nghe thôi đã đau, nói chi trả lời. Thí dụ như có lần chị hỏi ‘‘má mấy cưng đâu?’’ ‘‘nhà mấy cưng ở chỗ nào’’. Thằng Điền đổ quạu:
Biết chết liền’’[171, tr.166].
Với giọng kể tự nhiên, đậm chất dân giã làm cho người đọc có cảm giác như đang được trực tiếp nghe người Nam bộ kể chuyện. ‘‘Con cộc è ạch đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông.
Khuôn mặt ông mờ sau làn khó. Khói mắc dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông. Chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. ông rót ly rượu uống mà buồn’’[171, tr.160].
Như vậy với giọng điệu giản dị mộc mạc, người đọc dễ tiếp nhận nội dung tác phẩm, dễ hình dung được hiện thực cuộc sống trong tác phẩm. Nhờ vậy, rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn và người đọc, người đọc và tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm với con người ngoài đời. Quá trình tiếp nhận văn học thuận lợi hơn, văn chương và cuộc sống gần gũi nhau hơn.