Chương 2 NHỮNG CẢM HỨNG TRONG TRUYỆN NGẮN
2.3. Cảm hứng nhận thức tìm kiếm bản thể của con người
2.3.3. Con người với đời sống tâm linh
Tâm linh là điều thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Niềm tin thiêng liêng cao cả ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, khái niệm.
Trong các giai đoạn trước, cái chốn sâu kín của tâm hồn con người, cái diễn ra trong tầng sâu ý thức của con người mà người ta thường gọi là vô thức ấy chưa được chú ý đúng mực.
Đi vào chiều sâu tâm linh thuần tuý của con người là một hướng tiếp cận mới của văn học sau 1975. Sự xuất hiện con người tâm linh là biểu hiện sự đổi mới rõ rệt trong quan niệm
nghệ thuật về con người của văn học. Văn học bắt đầu đi vào một thế giới đằng sau thế giới thực - đó là thế giới tâm linh, tiềm thức, giấc mơ, vô thức.
Việc khám phá phương diện đời sống tâm linh của văn chương hiện nay là phát hiện một năng lực nhân tính thiêng liêng, phù hợp với cái đẹp, cái thiện, cũng phù hợp với tập quán sống nặng về tinh thần, tình cảm của nguời Việt. Nó đem lại sự phong phú trong cấu trúc nhân cách và góp phần xây dựng một quan niệm toàn diện về con người. Đây là một phương diện có thật không thể phủ nhận trong thực tế, và trong khi nhiều ngành khoa học khác còn có khuynh hướng phủ nhận hay nghi ngại thì văn học với khả năng khám phá riêng lại tỏ ra khá thành công.
Sau năm 1975, truyện ngắn nói chung và truyện ngắn ĐBSCL nói riêng đã bắt đầu đề cập đời sống tâm linh của con người. Khám phá đời sống tâm linh, các cây bút truyện ngắn đã chạm vào ‘‘mạch ngầm’’ của đời sống chi phối hành động, ứng xử của con người với cộng đồng, xã hội, tự nhiên và bản thân.
Một trong những nét đặc trưng của văn hoá nông nghiệp là đời sống tâm linh của con người hướng về tự nhiên, sùng bái tự nhiên.
Như chúng ta biết vùng ĐBSCL buổi ban đầu còn rất hoang sơ, rừng sâu, nước độc, nhiều thú dữ như cọp, beo, trâu rừng, cá sấu,… người dân nơi đây có ý thức nể sợ:
Đến đây đất mới lạ lùng,
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kiêng.
Trong cuộc vật lộn chống chọi với thiên nhiên để mưu sinh, người dân nơi đây không sợ hiểm nguy, gian khổ. Nhưng trong tâm tưởng họ vẫn tin có một thế lực thần linh đang ngự trị. Và họ bắt đầu tôn thờ những thế lực ấy cho đó là nguồn sức mạnh phù hộ đem đến cho họ sự bình an trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn. Trong truyện ngắn Hổ mun của Đặng Thư Cưu, ông Trì Gầm và người bạn rừng của ông - là những người từng phiêu bạt, ngang dọc trên những cánh rừng hẻo lánh, nguy hiểm đầy chết chóc. Nhưng trong tình cảm, ý thức của họ luôn có niềm tin, tôn thờ “Thần rừng”- một thế lực siêu nhiên mà bất cứ người đi rừng nào cũng phải nể sợ: “Cuộc sống dềnh ra trước mặt bằng những bí ẩn chập chờn, bằng một sức mạnh mà con người chỉ cảm qua hơi thở. Rừng lặng im nhưng chất chứa ngồn ngộn sức sống. Nó sẵn sàng dâng hiến và cũng sẵn sàng tiêu diệt”[183, tr.65]. Chính vì lẽ đó mà cha con người ăn ong phiêu bạt vào rừng để lấy mật điều trước tiên phải khấn nguyện thần
rừng: “Bác đã nghe nói tới thần rừng là bác đã biết nghề của chúng tôi rồi. Nó như một lời nguyền truyền kiếp. Phải cúng tế, phải van vái. Nhiều dân ăn ong bỏ qua tập tục này, không tin tưởng thì suốt mấy tháng liền không kiếm được một giọt mật, rồi ốm đau liên miên, vốn liếng cạn sạch, thân sơ thất sở. Ghê gớm vậy đó bác”[183, tr.63-64]. “Có gì cúng nấy bác à.
Cái cần là do lòng thành của mình. Khi thì heo quay, thủ vĩ luộc, cũng có khi… cúng cả con gái mình”[183, tr.63]. Đời sống tâm linh là điều thần bí mà ta không thể hiểu và lý giải được
“Còn nhiều cái chất chứa ngập trong lòng cái khối đen thẫm trước mặt, trong muôn ngàn âm thanh kỳ quái của rừng đêm…Nhất là thần rừng. Cái bí lực huyễn hoặc đó có thật không? Có tham dự thật sự vào những đời sống đơn giản của những người thợ rừng hay không?…Nhiều dấu hỏi hiện ra trong đầu ông ngoằn nghèo như những con rắn hổ đất con vừa mới nở”[183, tr.64]. Và họ tìm đến niềm tin từ tín ngưỡng “Xin thần rừng cho phép cha con tôi ăn ong trong khu vực này tròn một con trăng. Tôi hứa sẽ không phá hoại của cải của rừng. Đêm trăng tròn tới tôi cho con gái tôi một trinh nữ mười tám tuổi đến tạ ơn thần rừng.
Số phận của nó tuỳ quyết định của thần rừng”[183, tr.66]. Thần thánh hóa sức mạnh của tự nhiên để lý giải những hiện tượng trong đời sống tinh thần của con người “Đêm mai tôi mời hai ông đến chứng kiến một cuộc trả lễ. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ ra đi an toàn. Hoạ hoằn…đó là số mệnh…Người khách không nói tiếp. Tiếng chim rừng rít lên thảm thiết ở một góc trời”[183, tr.69].
Sự dằn vặt, nỗi ám ảnh của con người về những lỗi lầm mà mình gây ra cũng được nhà văn lý giải từ góc nhìn tâm linh. Nỗi ám ảnh của thằng Búa (Ông Thiềm Thừ - Nguyễn Kim Trắc), khi ‘‘Ông Thiềm Thừ’’ chết, nó “nằm chiêm bao thấy hai đùi ông Thiềm Thừ không có chân, chỉ lặt lìa một mảnh da khô nhảy lom khom, còn cái đầu cóc tía bay lơ lửng trên không mắt trợn trừng, hàm răng nhe ra trắng xác nghiến trèo trẹo, trên mưa rơi vần vũ sấm chớp giăng giăng”[183, tr.630].
NV lão Ơn trong truyện ngắn Ước mơ buồn của Đỗ Tuyết Mai cũng luôn ám ảnh về tội ác do mình gây ra: “Lão mơ thấy những gương mặt trắng bợt bạt đến lôi kéo lão đi, đòi lão phải trả lại mạng sống cho họ”[183, tr.312], “lão mường tượng như có ai đó đang cầm dao giơ từ phía sau lưng lão xả tới”[183, tr.313].
Tâm linh cũng góp phần làm cho con người xích lại gần nhau, xóa bỏ mâu thuẫn trong cuộc sống đời thường, mà luật pháp không làm được.
Hai anh em ruột (Cha tôi và chú tôi - Thai Sắc) dù có mâu thuẫn cỡ nào, nhưng khi nghĩ đến ông bà, cha mẹ đã khuất thì mọi thứ mâu thuẫn đã được giải quyết “cái hàng rào giữa hai nhà đã phá bỏ từ lâu. Bàn thờ bà tôi đã chuyển về chung với ông tôi ở bên nhà chú tôi, tức nhà thờ tổ”[183, tr.512]. Đời sống tâm linh chính là sợi giây thắt chặt quan hệ những người thân trong gia đình, dòng tộc lại với nhau.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng một phương diện của đời sống tâm linh của người Việt. Với truyện Mối tình đầu, của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc cũng bắt gặp một không gian kỷ niệm mang đậm dấu ấn đời sống tâm linh của người Việt. Nhân vật Trọng trong truyện là một thanh niên còn rất trẻ nhưng đã có ý thức trong việc nâng niu, gìn giữ nếp văn hoá tâm linh bao đời của gia đình: ‘‘Nhà Trọng có một cái lạ nữa là trên bàn thờ lúc nào cũng chong đèn, ngày tháng này qua ngày tháng khác, năm này qua năm khác, ngọn đèn truyền từ đời cố Trọng, nội rồi tới Trọng, không bao giờ được phép tắt. Chiều nào chị em tôi đi ngang qua cũng thấy Trọng lọ mọ ngồi lau các bóng đèn hột vịt ám khói, châm dầu bằng cái vẻ thành kính nâng niu’’[169, tr.117]. Đời sống tâm linh còn được thể hiện ở thái độ, tình cảm của người sống trong việc chọn nơi thờ cúng. ‘‘Ngôi nhà nhỏ bé dù rách nát nhưng dì còn có một không gian dành cho linh hồn những người thân trở về trú ngụ. Đó là cha mẹ, anh em, chồng con dì đã ngã xuống. Đối với dì những người ấy không chết đi, linh hồn những người thân hoà trong cơn gió chướng thổi liên hồi vào ngôi nhà không cửa, lẩn quẩn đâu đây’’[77, tr.235]. Đời sống tâm linh còn được thể hiện ở thái độ, tình cảm của người sống đối với người đã khuất. Vĩnh (Khoảnh khắc hoa quỳnh nở - Ngô Vĩnh Nguyên) nhớ về người vợ đã khuất khi “Anh nhìn vào ánh mắt Huệ trong các bức ảnh. Đôi mắt vẫn như xưa, hồn nhiên trong sáng như nhìn thấy suốt tim gan của anh, cũng như lần đầu, mười sáu năm về trước. Anh gỡ khung ảnh Huệ xuống lau bụi. Tấm ảnh cỡ 9.12 đã ngả màu vàng úa, có chỗ đã tróc thuốc…”[183, tr.429]. Bà Năm trong truyện ngắn Đất không cưu mang của Bích Ngân, thì người chồng trong ảnh thờ luôn nhắc nhở và làm dấy lên trong bà niềm ăn năn khôn tả. Đó là những kỷ niệm đẹp nhưng cũng làm cho bà đau lòng:
‘‘Nén nhang đã tàn trên lư hương người chồng sau. Một cây nhang uốn cong lại thành hình số 9. Số 9, con số của điềm lành. Nhưng lòng bà Năm bất ổn. Luôn luôn bất ổn khi bà đứng trước bàn thờ của hai người chồng khi ấy, dù cố quên đi, trong bà vẫn cuồn cuộn niềm hạnh phúc lẫn nỗi bất hạnh xưa…Bà thắp thêm nén nhang cắm kề con số 9. Tay run run bà
chạm phải làm cho nó tan ra, tàn rơi lả tả. Bà đứng bất động, nhìn không chớp mắt vào những mẩu tàn tro’’[183, tr.367].
Trong những nỗi nhớ, dù hiện tại người thân đã không còn nhưng bàn thờ là nơi để bà Năm nhớ về quá khứ, ghi nhớ hình ảnh người chồng quá cố:
‘‘Khi thấy mẹ, cứ lặng câm như cái bóng, nó bù đắp lòng hiếu thảo bằng cách thay một bàn thờ mới bằng gỗ quí, chạm trổ công phu, cầu kỳ. Hoạ lại tấm hình ông Mười từ tấm ảnh hồi nảo hồi nào. Rồi cúng kiến linh đình, khói nhang nghi ngút. Và trong những ngày giỗ
“Bà muốn nhang khói đừng tan ra, cho bà đừng thấy rõ cái hình lạ lẫm, khăn đóng áo dài, ngồi bên bàn trà sang trọng ấy. Chồng bà chưa một ngày ung dung, chưa một lần bận áo dài, chưa một phút có vẻ thoả thuê, no đủ ấy’’[183, tr.397]. Và khi nhìn vào khung ảnh “Tuy ố vàng lỗ chỗ bà vẫn nhận rõ ánh mắt ông. Ánh mắt đó đã kéo bà lại hàng giờ…”[183, tr.397].
Với truyện ngắn về con người với đời sống tâm linh, người viết nhận ra cái ánh sáng được phát đi từ thế giới bên trong của mỗi người, cắt nghĩa được những hiện tượng thuộc về đời sống tinh thần, động cơ tạo sức mạnh của niềm tin, của hành động mỗi cá nhân một cách thuyết phục. Bởi lẽ nhờ có tâm linh, thế giới tinh thần của đời sống con người trở nên thiêng liêng, huyền diệu.
Có thể nói, chưa bao giờ văn học lại đề cập đến con người phong phú, sâu sắc, như giai đoạn từ sau 1975. Trong truyện ngắn ĐBSCL từng cá thể, từng mảnh đời thầm lặng hay sôi động đều góp phần là nên thế giới bên trong của con người đa dạng, phức tạp. Mỗi nhà văn có một quan niệm riêng, và cách thể hiện cũng không giống nhau về con người, nhưng đều tìm cách đi vào chiều sâu không cùng của tâm hồn con người, để tìm thấy niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, niềm khát khao, niềm đam mê. Và con người có dục vọng, có tha hoá đồng thời cũng biết phản tỉnh, tự nhận thức.
Tuy nhiên, điều làm cho người đọc chưa thỏa mãn là trong bức tranh con người trải dài trên 35 năm mà truyện ngắn ĐBSCL khắc họa, còn thiếu vắng những con người của thời đại mới theo đúng nghĩa của nó.
Do vậy, việc tiếp tục tìm kiếm, nhận thức và thể hiện con người của thời đại mới trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng luôn là nhiệm vụ của mỗi nhà văn ĐBSCL.