Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.3. Nghệ thuật sử dụng phương ngữ Nam bộ
3.3.5. Nghệ thuật sử dụng lớp từ khẩu ngữ
Khẩu ngữ mang sắc thái biểu cảm cao, vừa quen thuộc, vừa bộc lộ được tình cảm của người nói. Cách xưng hô của người Nam bộ gần với lời ăn, tiếng nói hằng ngày: tui, chế, tụi bây, thằng chả, mầy, bay,.. thể hiện sự thẳng thắn, bộc trực, nhưng thoải mái trong giao tiếp.
Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn vận dụng khá thành công lớp từ khẩu ngữ vào ngôn ngữ giao tiếp của nhân vật:
‘‘- Còn tập chép bài ca, mầy đem theo không?
- Ừ, đem theo, chút nữa tao quên rồi’’ (Huệ lấy chồng)[171, tr.39].
‘‘Kệ thằng chả má ơi’’[171, tr.70]. ‘‘Tía đi nghen’’ [171, tr.108], ‘‘Tính nó cũng cứng đầu, cứng cổ hệt bây’’ (Nhà cổ)[171, tr.82].
‘‘Bây coi kìa”, “Thì bữa nào nội biểu ba lấy ghe chở nội đi, mà phải con lội hay con lội cõng nội ra ngoài”, “gần thí mồ chớ gì” (Ngọn đèn không tắt)[166, tr.12]...
Nghệ thuật xây dựng nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá sự thành công của tác phẩm. Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi thấy hầu hết các nhà văn ĐBSCL đã vận dụng khá thành công lớp từ khẩu ngữ để miêu ngoại hình, diễn tả tâm lí, tâm trạng, thái độ,... của nhân vật, mà tiêu biểu là Nguyễn Ngọc Tư.
Ở truyện Ngọn đèn không tắt, Tươi có nước da ‘‘đen giòn’’, nước da của bất cứ một cô gái miền biển nào. Nước da đen giòn là sự pha trộn giữa cái nắng và vị mặn của nước, là biểu trưng cho nét đẹp rất riêng của những cô gái vùng biển. ‘‘Tới buổi họp thì cô gái nhỏ xúi trẻ măng ngồi cuối bàn đằng này được phát biểu. Cũng tại cô ngồi khuất sau cây phát tài nên khó thấy cô. Cô có nước da đen giòn của miền biển, đôi mắt mở lớn bẽn lẽn’’[166, tr.16].
Ở truyện Thương quá rau răm, khẩu ngữ ‘‘ốm dữ dằn’’, người đọc nhận một ông già ốm đến mức chỉ còn da bọc xương. ‘‘Đêm đó, thằng Thàn ôm ông già Năm ngủ, nó kêu lên, tía ốm dữ dằn thiệt, xương tía cấn con đau quá chừng. Ông già cười, ờ, chê mai mốt không có mà ôm nghen con’’ (Cải ơi)[171, tr.14-15].
Có thể nói, sử dụng lớp từ khẩu ngữ để miêu tả ngoại hình, nhà văn sẽ tạo được nhiều nhân vật gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
Bên cạnh đó, lớp từ khẩu ngữ thể hiện trong ngôn ngữ nhân vật còn có tác dụng nêu lên tâm trạng, thái độ của nhân vật trong những ngữ cảnh nhất định:
‘‘Má à, năm nay má bao nhiêu tuổi?
A, má già rồi.
Má già rồi, ráng thương chồng má đi”[166, tr.58].
Ráng thương thể hiện thái độ của Điệp (Chuyện của Điệp) đối với má vừa gần gũi, quan tâm, vừa là sự xa cách.
Qua lớp từ khẩu ngữ, tâm lí của nhân vật thể hiện tinh tế, sắc sảo: “Ba tôi ngồi thẫn thờ. Con vịt trong giỏ để góc nhà thò đầu ra kêu cạc cạc. Lâu lắm mới lên tiếng”[166, tr.36].
Khẩu ngữ ‘‘ngồi thẫn thờ’’ diễn tả tâm trạng của NV ba tôi (Nỗi buồn rất lạ), khi nghe ông Tư Đờ bị bắt. Và những lời nói của con trai ông đã làm thất vọng về một người bạn trong chiến trường xưa. Ông không thể tin vào chính mình nữa? Con người anh hùng như thế mà bây giờ trở thành tội phạm kinh tế sao?
Khẩu ngữ còn được sử dụng để miêu tả tính cách nhân vật. Ở truyện Cánh đồng bất tận, qua khẩu ngữ ‘‘đon đả’’, đã diễn tả thái độ mạnh dạn, động tác thành thạo trong việc “hạ gục” đàn ông bằng những câu nói đưa đẩy: “Chị đon đả, chèo kéo hai người đàn ông lạ về phía mình: mấy anh thương em với, nỡ nào để cả nhà em chết đói...”[171, tr.202].
Ở truyện Thổ Sầu, sự phản kháng của anh Hai (tía tôi) đối với ông trưởng ấp không thể hiện bằng hành động mà qua nét mặt, cử chỉ ‘‘ngồi im re’’, không ‘‘thưa thốt’’, ‘‘phân bua’’
gì. ‘‘Vì thái độ đó mà tía tôi bị ông trưởng xóm phê bình dữ dội. Chòm tóc thưa của ông chỉ phơ phất ngang vai tôi, tay chém vào không khí liên tục. Trưởng xóm nói: Xóm mình không tài nguyên đất cát gì hết, chỉ sống nhờ du lịch, không kéo khách tới thì thôi, sao anh hai lại đuổi khách đi. Tía tôi ngồi im re, không thưa thốt, không phân bua gì, nhưng ánh mắt lầm lì khinh khỉnh’’[172, tr.94].
Ngoài ra, khẩu ngữ cũng được vận dụng trong ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ miêu tả đem lại hiệu quả cao. Chỉ bằng khẩu ngữ “coi giò coi cẳng” (Chuyện của Điệp), người đọc cảm nhận được câu chuyện thực hơn, như chính mình đang trong hoàn cảnh của nhân vật.
‘‘Hồi mới vào đoàn, dạo diễn kiêm trưởng đoàn coi giò coi cẳng Điệp xong giao cho vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, lúc đó kép Linh Long thủ vai Tấn Lực. Sáu năm rồi, mấy vai diễn của Linh Long bây giờ Điệp toàn kêu bằng cha! Cha! Thấy buồn lắm’’[166, tr.44].
Việc sử dụng lớp từ khẩu ngữ làm phương tiện miêu tả, làm cho người đọc có cảm giác như ngữ cảnh trong truyện quen thuộc như ở ngoài đời vậy. Ở truyện ngắn Lý sang sông, Nguyễn Ngọc Tư miêu tả mùa gió bấc về thật sinh động: ‘‘Bấc về, như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta. Da tôi mốc cời. Tàu chạy lừ lừ dọc theo dòng sông, những quãng không có nhà, sậy mọc thành. Những bông sậy chín mềm, trắng phau phau. Đã nhièu bông lìa cành, trùng trình bay. Nước mặm rít da. Nghe gió này là mùa
cưới đến’’[166, tr.73]. Hình ảnh bông sậy ‘‘trắng phau phau’’, là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc ở ĐBSCL.
Hay ở truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải cũng chỉ hai từ “cũ mèm”, thì không cần giải thích gì thêm, người đọc đã hình dung ra căn nhà cũ mức độ như thế nào?: ‘‘Ở căn nhà lá cũ mèm nầy, ông có nhiều kỉ niệm, mõi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông. Nó chảy khẽ giữa những mạch máu’’[171, tr.53].
Có thể nói, lớp từ khẩu ngữ được sử trong truyện ngắn ĐBSCL, làm cho văn phong trong tác phẩm trở nên mộc mạc, giản dị, chân thực và gần với cuộc sống và tâm tư, tình cảm, tư duy của người dân vùng sông nước. Và cũng qua lớp từ khẩu ngữ, nhân vật đã bộc lộ tính cách, còn nhà văn thể hiện thái độ, tình cảm của của mình về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm.
Tóm lại, tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng ta dễ nhận ra một nét đặc trưng nổi bật đó là cách sử dụng phương ngữ Nam bộ qua lớp từ biến âm, lớp từ chỉ sự vật, hiện tượng, lớp từ chỉ địa danh, lớp từ chỉ tên người, lớp từ khẩu ngữ. Nhưng nét đặc trưng nhất của phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, đó là sự mộc mạc, chân chất, bộc trực mà luôn thắm đượm nghĩa tình. Cả người viết sinh ra lớn lên ở ĐBSCL và những người viết từ nhiều miền quê khác nhưng sống gắn bó với vùng đất này đều sử dụng phương ngữ Nam bộ hợp lý để đem lại hiệu quả nghệ thuật cao cho tác phẩm của mình. Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại được sử dụng đều rất gần gũi với cách nghĩ, cách sống, cách cảm nhận của con người ĐBSCL.
Từ ngôn ngữ miêu tả trong truyện, người đọc hình dung được vẻ đẹp trữ tình và giàu tiềm năng của một miền quê chằng chịt kênh rạch, những khu vườn trái cây sum sê, những cánh đồng lúa mênh mông,...Với khả năng và sức mạnh của ngôn từ được nhà văn sử dụng, người đọc nhận ra phần nào nét đặc điểm nổi bật về cảnh quan địa lý, lịch sử, văn hoá và tâm hồn tính cách của con người vùng đất này.
3.4. Giọng điệu
Giọng điệu với tư cách là một trong những yếu tố của hình thức tác phẩm văn học đã thể hiện được thái độ, tư tưởng, tình cảm và quan niệm thẩm mỹ của nhà văn. Giọng điệu còn là cách thể hiện lập trường xã hội, phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. ‘‘Trong giọng thể hiện cả nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn
(vì vậy giọng nhiều khi cũng có nghĩa là‘‘hơi văn’’, ‘‘văn khí’’. Đồng thời giọng cũng là cái không lẫn được. Chính tính tổng hợp và độc đáo ấy làm cho giọng trở thành nhân tố mang phong cách rất rõ. Giọng vừa liên kết các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng có chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm qui tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo kiểu nào đó, trong chính thể giọng ấy mỗi yếu tố hiện rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí mới mẻ hơn’’[163, tr.152].
Có nhiều phương cách biểu hiện của giọng điệu, như: về phương diện ngữ âm: trong, đục, nhanh, chậm,... về phương diện phong cách: phê phán hay ca ngợi, trân trọng hay mỉa mai...Vì vậy, giọng điệu trong tác phẩm văn học vừa mang tính tổng hợp tiêu biểu, vừa độc đáo, cụ thể. Nó giúp người đọc nhận ra tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, dụng ý nghệ thuật của tác giả. Hay khái quát hơn, nó giúp người đọc nhận ra được giá trị của tác phẩm. ‘‘Giọng điệu trong tác phẩm rộng hơn giọng văn. Nhiều khi ý tưởng, hệ thống hình tượng, tình điệu thẩm mỹ cũng góp phần tạo nên giọng điệu nghệ thuật của tác phẩm. Giọng điệu là một trong những yếu tố để nhận ra giá trị của tác phẩm văn học’’[113].
Như vậy, giọng điệu là một phạm trù của thi pháp học, nó thể hiện được lập trường, quan điểm cũng như tình cảm và tư tưởng của nhà văn. Đồng thời giọng điệu cũng là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất định để tạo nên phong cách của nhà văn. Một nhà văn có tài thường có một phong cách, giọng điệu riêng, tạo nên nét đặc trưng của mình, không lẫn vào ai được. Thiếu giọng kể mang dấu ấn phong cách, một truyện ngắn dù có cốt truyện ly kỳ đến đâu cũng theo thời gian mà mờ nhạt.
Văn học vận động và phát triển theo một quy luật riêng, chịu sự chi phối của hiện thực.
Giai đoạn 1945 - 1975, văn học phải trải qua những năm chiến tranh kéo dài và khốc liệt. Vì vậy, khi sáng tác, nhiều khi cách nhìn, cánh nghĩ của nhà văn bị chi phối bởi ý thức chính trị.
Với cái nhìn ấy, hiện thực được hiện lên trong tác phẩm ở giai đoạn này là hiện thực xuôi chiều, là cái đã biết và tràn đầy màu hồng. Gam màu sáng là chủ đạo trong bức tranh hiện thực, dấy lên trong lòng người đọc niềm tin bất diệt. Hoàn cảnh xã hội sau 1975, đã đổi thay, văn học đang đứng trước yêu cầu mới. Con người trở về với cuộc sống đời thường. Với tất cả những nhiêu khê bộn bề của cuộc sống, con người cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Cảm hứng phê phán hiện thực về con người trở thành cảm hứng chủ đạo của
văn học thời đổi mới. Vì thế, người ta nhận thấy trong văn học có một tiếng nói độc đáo là nói rất thật những gì đã chất chứa trong lòng con người: có thể là tiếng nói yêu thương, có thể là tiếng nói giận hờn, có thể là lời ca ngợi cũng có thể là những lời phê phán…
Cơ sở của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Cho nên, nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, chúng ta không thể xét đến giọng điệu - một phạm trù thẩm mĩ làm nên giá trị của tác phẩm.
Văn xuôi sau 1975 nói chung, truyện ngắn nói riêng được nhắc đến là thời kỳ đầy biến động và phức tạp với sự đa dạng, phong phú về giọng điệu. Có thể kể ra những giọng điệu tiêu biểu như giọng hoài nghi, giọng chất vấn, giọng tự thú, giọng lạnh lùng, sắc cạnh, giọng từng trải, lọc lõi, suy ngẫm sâu xa, giọng dân giã mộc mạc, giọng trữ tình đằm thắm…Truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay hội tụ các giọng điệu trên. Tuy mỗi người một vẻ, nhưng các tác giả đều gặp gỡ nhau ở giọng dân giã mộc mạc, trữ tình đằm thắm, hài hước và suy ngẫm sâu xa.