Giọng điệu trữ tình đằm thắm

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 138 - 143)

Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

3.3. Nghệ thuật sử dụng phương ngữ Nam bộ

3.4.2. Giọng điệu trữ tình đằm thắm

Sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới văn học đã bước theo một quỹ đạo riêng, văn học chuyển từ giọng điệu ồn ào, sang trọng, đậm chất sử thi sang giọng điệu lắng đọng, trữ tình, tha thiết.

Giọng điệu trữ tình đằm thắm được thể hiện khá đậm nét trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975. Với đặc điểm của giọng điệu này cho phép nhà văn thổ lộ tình cảm của mình, trải lòng mình ra đối với con người và cuộc sống. Tính cách đặc trưng của người Nam bộ là cởi mở, mến khách, nhân hậu, giàu tình, nặng nghĩa. Vì vậy, chất giọng Nam bộ in đậm trên từng trang viết, không cứng nhắc đến cường điệu mà toát lên chất trữ tình sâu lắng.

Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy truyện ngắn của các tác giả nữ thường ẩn chứa cái nhìn cảm thông, thấu hiểu, nhân ái đối với những con người nhỏ bé, những số phận bất hạnh qua lối trần thuật trữ tình tác động sâu xa đến tâm hồn và đánh thức dậy trong lòng người đọc niềm rung cảm sâu sắc. Có lẽ giọng điệu trữ tình, đằm thắm mang màu sắc nữ tính xuất phát từ tâm hồn nhạy cảm, trái tim giàu tình yêu thương của các tác giả nữ. Trang văn của họ nhẹ nhàng, dịu lắng nhưng không kém phần sâu sắc.

Bằng giọng điệu ngọt ngào, sâu lắng truyện ngắn của Trầm Nguyên Ý Anh đã gieo vào lòng người đọc sự cảm thông, chia sẻ với những con người ‘‘chân đất’’, suốt một đời lam lũ, khổ cực, thậm chí mất cả mạng sống cho cuộc mưu sinh mà cuộc sống vẫn ngập chìm trong khốn khổ, bần hàn. Còn truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thì dịu dàng, đằm thắm, nhưng không ồn ào, lên gân mà đi sâu phân tích tâm lý con người một cách nhẹ nhàng mà sắc sảo, tinh tế.

Viết về những con người bình dị, chân chất trong cuộc sống, truyện ngắn của chị đã đem đến cho độc giả một cảm giác thư thái, an bình. Mỗi câu văn như một lời thủ thỉ, tâm tình đầy quyến rũ và tạo cảm giác mỗi truyện như một bài thơ được viết bằng văn xuôi.

Giọng điệu trữ tình trong truyện ngắn ĐBSCL còn thể hiện qua hình thức tự truyện, hình thức độc thoại. Lời văn như những lời tâm tình, bộc bạch, đưa người đọc vào thế giới tình cảm của nhân vật một cách rất tự nhiên. Lời tự chuyện của nhân vật Tám Hân (Về với mảnh vườn xưa-Anh Đức), không chỉ tái hiện cuộc sống gian khổ của người lính trong cuộc chiến tranh thần kì mà còn giúp người đọc cảm nhận được tình cảm quân dân “Bà con làng xóm đã cưu mang mấy cậu”, tình yêu chung thủy “tới tối, tôi soạn trong túi đựng hành lí, lấy ra chiếc khăn mùi xoa Trâm trao cho tôi bữa chia tay, mà tôi cất giữ trên bốn mươi năm”[183, tr.12].

Giọng điệu trữ tình là chủ âm trong truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay. Nó là một hình thức biểu hiện thái độ, tình cảm của con người vùng sông nước. Nó khơi sâu vào cảm xúc, tâm trạng của nhân vật và được thể hiện dưới nhiều sắc thái cụ thể.

Một số truyện ngắn đã đặt nhân vật vào thế giới tình cảm, thể hiện một tâm hồn đồng cảm với niềm vui, với những tình cảm cao đẹp của con người. Các tác giả đã thể hiện giọng điệu của tác phẩm qua những từ ngữ bộc lộ nội tâm nhân vật như da diết, rưng rức, chơ vơ, cô độc, lặng lẽ, chong chong, tuyệt vọng…Ở một số truyện, giọng điệu được thể hiện qua thái độ, cử chỉ của nhân vật.

Giọng điệu trong truyện ngắn “Câu chuyện trên tàu” đã thể hiện niềm tự hào về cuộc đời và nhân cách của một người lính qua sự chuyển biến nội tâm. Một anh lính trẻ bị thương hết hai chân. Một nửa mong muốn trở về quê hương thăm lại người yêu, nhưng một nửa lại không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Anh dằn vặt đau đớn không phải vì nỗi đau, sự mất mát của bản thân, lời lẽ của anh không trách móc, anh chỉ cốt lo mình cư xử không đúng mức với người thân. Bằng một giọng điệu tự nhiên, chân thật, tác giả đã đi sâu vào nội tâm của nhân vật để khám phá nhân cách của con người được thể hiện qua sự hi sinh cao đẹp.

Ở truyện Con người của Nguyễn Huỳnh Hiếu; Câu chuyện trên tàu của Trần Ninh Thới; Một quãng đời và cuộc đời của Phạm Duy Tương, đã khơi sâu vào cảm xúc, bộc lộ nỗi đau của con người bằng một giọng điệu có khi giận dữ, có khi đau đớn cũng có lúc tưởng chừng như chao đảo, tuyệt vọng và rồi bình tâm lại: ‘‘Tôi đau khổ…vì một tương lai đen tố,i…tôi muốn chết quách cho xong,…chúng tôi chai đi, chúng tôi an phận với hoàn cảnh,…niềm vui đến kèm theo bao nỗi lo,…bây giờ tôi chỉ có một mong ước[183, tr.201];

Anh lính trẻ tỉnh khô và đượm buồn,…anh hết sức đau đớn,... anh đau khổ tột cùng[183, tr.

607]; Cô ta úp mặt vào nón khóc hu hu,... cô ta phóng thẳng vào tôi luồng mắt căm thù, cay cú, điên dại,... cô ta lặng im không nhúc nhích,… cô ta dang hai tay lao đến vòng lấy cổ tô’’[183, tr.697].

Qua đoạn văn chúng tôi nhận thấy, để diễn tả sắc thái nỗi đau, nhà văn đã thể hiện nhiều giọng điệu khác nhau, đan xen vào nhau. Điều này đã thể hiện thái độ thẩm mĩ và năng lực nghệ thuật của các nhà văn về cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn sâu vào nội tâm và đời sống của con người.

Trong nhiều truyện ngắn, giọng văn trữ tình, đằm thắm đã giúp tác giả phân tích tâm lý con người một cách nhẹ nhàng mà sắc xảo. Bằng giọng kể trữ tình nhiều cảm xúc, nhiều cảnh vật, con người hiện lên mang đậm không gian văn hoá Nam bộ. Đọc đoạn văn sau đây chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

“Ba tôi là người của sông. Không phải ông nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, đôi mắt như đang nhìn da diết, mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mênh mông vậy thôi. Chơ vơ, cô độc. Tựa như ông đang ở đây mà tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi.

Và cũng y như má tôi, ba cũng không sống được mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩa.

Hồi tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạt kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối, đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi không đổi. Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đóm lửa lập lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu thiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông…”[169, tr.124-125].

Qua đoạn trích, quan sát nhân vật người cha, chúng ta nhận thấy giọng điệu người kể chuyện đã thể hiện điểm nhìn ở nhiều góc độ để nhìn nhận đánh giá con người. Trước hết, nhìn từ góc độ bên ngoài, trải trên bề mặt hiện thực được phản ánh, nhân vật người cha trong đoạn trích là một người chồng phản bội, sống với vợ nhưng tâm hồn luôn nhớ nhung, tư tưởng về một người đàn bà khác. Loại người này thường bị xã hội lên án, phê phán. Tuy nhiên nhìn từ góc độ hướng nội, giọng điệu người kể chuyện đi sâu vào từng mảng hồi ức, từng nếp nghĩ, từng chuyển biến tâm tư của nhân vật để cảm thông, chia sẻ. Người đàn ông trong câu chuyện có một tình yêu thật đẹp, thật sâu đậm với một người đàn bà không phải vợ mình. Nhưng vì trách nhiệm với vợ con, với gia đình, ông phải từ bỏ tình yêu của mình, bỏ rơi người đàn bà mà mình yêu thương. Ông phải sống trong tình trạng tình cảm bị ghìm nén, chịu đựng sự mất mát tinh thần, luôn phải sống khắc khoải, khổ đau. Ông đã đánh đổi cuộc sống bình yên cho gia đình bằng một nỗi đau của riêng mình. Nhân vật tôi, người con trong đoạn trích hiểu về cha của mình không chỉ bằng tình thương, lòng hiếu thảo mà còn bằng niềm thông cảm và sự thấu hiểu. Giọng điệu của nhân vật tôi (người kể chuyện) đã đi sâu vào những suy tư, trăn trở của nhân vật để người đọc có một cái nhìn thông thoáng hơn về tình cảm con người, về những mối quan hệ tay ba mà xã hội thường lên án. Qua đó cho thấy, tâm hồn người nông dân Nam bộ hiền lành, giản dị mà không tầm thường, nông cạn. Đi sâu vào thế giới tình cảm, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều biểu hiện rất tinh tế.

Ở một số truyện ngắn, chất giọng trữ tình qua ngôn ngữ còn được thể hiện ở tình cảm vị tha, đôn hậu của con người. Hoàn toàn phù hợp với lôgich nội tại về tính cách hiền lành, chân chất của người dân vùng sông nước. Đây là lời tâm sự về suy nghĩ của một người vợ có chồng ngoại tình: “Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút này nữa. Năm này qua năm khác, mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài

ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đâu mặt lại ngủ …Còn người ta, nhớ thương đứt ruột cũng đành ngồi đây ngó lên, giữa đường gặp nhau chỉ nhìn vậy thôi mà không chào hỏi tiếng nào. Đau lắm chớ…”[171, tr.131]. Đây là nội tâm của người vợ (má tôi) nghĩ về tình địch của mình nhưng giọng văn không phải là những lời lẽ ghen tuông ích kỉ, mà như một lời trò chuyện chân tình, nhân hậu, vị tha. Người trong cuộc chắc phải đau lắm, mất mát nhiều lắm trong hoàn cảnh như vậy, nhưng họ đã vượt lên những tầm thường của cuộc sống để biết thông cảm, chia sẻ với nhau, để dành cho nhau những nghĩa cử cao đẹp. Câu nói vừa như một lời an ủi đối với chính mình, vừa như nhắc nhở mọi người. Qua đó thể hiện được một cách tinh tế suy nghĩ, tình cảm cũng như nhân cách của con người.

Bằng giọng điệu sâu lắng nhà văn gieo vào lòng người tâm trạng và những kỷ niệm của một người con gái (NV Giang, Nhớ sông - Nguyễn Ngọc Tư), dù đã có chồng, lên đất liền sinh sống, nhưng lúc nào cũng cồn cào một nỗi nhớ sông, nhớ ghe: ‘‘Mỗi lần qua sông Cái Lớn, Giang lại nghĩ, chắc tới già, tới chết mình sẽ chẳng bao giờ rời chiếc ghe nhỏ này đâu.

Cũng khúc sông này, năm Giang mười tuổi, má Giang chết. Hôm đó trời mưa nhỏ, nhưng gió nhiều, gió tạt tay chèo liêu siêu liêu xiêu…Giang khóc điếng, bồng con Thuỷ, lồm cồm bò về đằng sau lái, Giang còn kịp nhìn thấy tóc má trôi xùm xoà phiêu phiêu trong dòng nước, rồi mất hút’’[169, tr.154].

Cũng với giọng trữ tình đằm thắm người đọc cảm nhận được tình cảm của ông Hai - ông già Nam bộ (Thương quá rau răm - Nguyễn Ngọc Tư) làm nghề nuôi vịt chạy đồng lúc nào cũng giữ mãi hình bóng người vợ một thời đầu ắp, tay gối với mình: ‘‘Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó trở thành những dòng dịu ngọt trong ông, nó chặt khẽ giữa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng... Mỗi lần đổ bánh xèo, vợ ra hái đọt lụa đứng tần ngần, ‘‘phải ảnh có nhà để ăn’’…’’[171, tr.18]. Phải là nhà văn có sự quan sát tỉ mỉ, am tường về cuộc sống của người dân quê miền Tây sông nước mới có thể viết nên những trang văn cảm động đến như vậy.

Điều dễ nhận ra là cho dù ngôn ngữ kể chuyện, hay ngôn ngữ đối thoại, thì giọng văn của các tác giả ĐBSCL luôn cởi mở, tâm tình, gắn với không gian thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của vùng sông nước. “Gió đồng nội cứ thổi lồng lộng trong đêm tháng mười, mang

theo hương tràm và mùi hương của các loài thảo mộc. Dưói ánh sao đêm, khuôn mặt Mai như trắng hơn, bầu bĩnh hơn, và đáng uyê hơn’’ (Bông mai giữa Đồng Tháp Mười – Lê Thanh Huệ)[183, tr.234].

Cũng với giọng văn trữ tình đằm thắm, Tiếng gọi ngàn của Đoàn Giỏi, người đọc như lạc trong bức tranh thiên nhiên đầy hoa thơm, mật ngọt: “Gió thổi qua rào, ve vuốt sống lưng con vá. Gió đưa đến mùi hương của các bụi lùm và những ngọn cây rừng cao, mùi nhựa chảy từ những vỏ cây nứt, mùi quả chín tươm mật, mùi phấn vàng lay động bởi cánh giơi quạ và các loài chim đêm, li ti bay vơ vẩn và ngọn gió trữ tình đón lấy mang đi gieo rắc khắp nơi...”[183, tr.168].

Giọng điệu trữ tình, đằm thắm trong sáng tác của các nhà văn ĐBSCL, đặc biệt là các tác giả nữ có sự nối tiếp truyền thống từ truyện ngắn Thạch Lam, Thanh Tịnh tạo nên vẻ đẹp riêng cho truyện ngắn thời kỳ đổi mới. Mỗi truyện ngắn có thiên hướng đi sâu vào vẻ đẹp của cuộc sống, khám thế giới tâm hồn phong phú, tinh tế của con người ĐBSCL.

Tóm lại, lời độc thoại nội tâm, lối kể chuyện, cách dùng từ, cách biểu hiện các sắc điệu tình cảm…đã tác động sâu sắc đến việc hình thành giọng điệu trữ tình đằm thắm trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975. Ý nghĩa này vừa thể hiện được bản sắc của một truyện ngắn ở khu vực, vừa thể hiện được sự chuyển biến của văn học trong thời kì đổi mới.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng Sông Cửu Long từ 1975 đến nay (Trang 138 - 143)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)