Chương 3 MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.1.3. Nghệ thuật tạo dựng không gian, thời gian
3.1.3.1. Nghệ thuật tạo dựng không gian
Không gian trong tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật, đồng thời nó còn là hình thức tồn tại tất yếu của mọi thế giới nghệ thuật. Nếu không có không gian thì mọi tác phẩm sẽ là hư vô. Không gian nghệ thuật được xác định do tọa độ nhìn của chủ thể lời văn tạo ra với đủ các chiều cao, thấp, rộng, hẹp, xa, gần.
Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới con người, gắn liền với ý niệm và giá trị về con người, là nơi mà con người cảm thấy vị trí, số phận của mình gắn bó ở đó.
Thông thường không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm được miêu tả bằng hình thức không gian của đời sống, nhưng khi người ta tham gia vào không gian nghệ thuật thì khách thể của đời sống đó mang giá trị mới, và chỉ khi nào nhà văn thổi vào được không gian của mình một ý nghĩa thẩm mỹ nhất định, lúc đó mới có cái gọi là không gian nghệ thuật.
Như vậy, không gian nghệ thuật là không gian cảm nhận chủ quan của tác giả và người đọc. Nó hoàn toàn không đồng nhất với không gian hiện thực của cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, không gian là bối cảnh tự nhiên, môi trường hoạt động của nhân vật, là tầm nhìn, điểm nhìn của tác giả. Nó vừa là không gian tự nhiên vừa là sản phẩm, những ý đồ sáng tạo của tác giả. Không gian nghệ thuật của tác phẩm luôn mang tính hệ thống tạo nên thành các kiểu không gian mà chủ yếu là không gian các nhân vật.
Tóm lại, ‘‘Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy các quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hiện tượng nghệ thuật’’[186, tr.161].
Qua tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay, chúng tôi nhận thấy có nhiều hình thức tạo dựng không gian, nhưng nhìn chung có thể xác định một số kiểu không gian như:
không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt, không gian đời tư gắn với xóm ấp, sông rạch, ruộng vườn.
Mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng khác nhau. Đến với Tây bắc, chúng ta bước vào một không gian lạ, không gian có núi cao trời rộng. Một không gian đầy hoa lá rừng, có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội, những đêm trăng sóng sánh huyền ảo, những cụm màn tang mọc trong thung lũng…Còn đến miền Tây Nam bộ chúng ta bắt gặp những vườn cây ăn trái, những đồng lúa bát ngát, những rừng đước, rừng tràm ngút ngàn, những dòng sông rộn ràng ghe thuyền qua lại, những chợ nổi, những đàn vịt chạy đồng cả trăm con, rồi mùi khói đốt đòng ngai ngái buổi chiều...
Không gian ấy là nhân tố quan trọng góp phần thể hiện được những phương thức sinh hoạt đặc trưng của con người vùng sông nước.
Chỉ những ai sống và lớn lên ở nơi đây mới yêu và cảm nhận được một cách đầy đủ nhất về không gian thiên nhiên vùng sông nước với những nét đặc trưng không thể nhầm lẫn với vùng miền khác được. Đó là những loại cây mà tên gọi nghe quen thuộc, dân dã như:
mắm, đước, tràm, dừa nước,... với những kinh rạch chằng chịt mà những tên gọi rất riêng, rất Nam bộ đều gắn với với đặc điểm địa hình thổ cư nơi đây như: Kinh Mười Hai, Rạch Mũi, Rạch Ruộng… Rồi đến cả những tên ấp, tên làng, tên chợ cũng in đậm dấu ấn không gian Nam bộ như: Xóm Xẻo, Trảng Cò, Mút Cà Tha… Và sông trong Ông cá hô của Lê Văn Thảo không lầm lẫn với sông ở một nơi nào khác. Ở vùng sông này, cá hô nhiều lắm, ngày xưa có con ‘‘nổi lên lớn bằng tấm ván ngựa, vẩy ánh bạc, hai mắt lớn bằng hai cái chén, nó quẫy một cái làm mặt bằng sông nổi lê’’[183, tr.571].
Sông không thể thiếu đối với người dân Nam bộ, nó là một phần máu thịt của họ. Sông đã nuôi lớn biết bao thế hệ người dân nơi đây, họ sống nương tựa vào sông. Rất gần gũi, rất quen thuộc. Hình tượng sông là nguồn cảm hứng bất tận cho nhà văn khám phá. Nhiều truyện ngắn ĐBSCL sau 1975 viết khá thành công về sông. Có tác giả đã đặt tên cho truyện ngắn của mình là Nhớ sông, Dòng nhớ. Thế mới thấy hết được cái tình của con người nơi đây dành cho sông nước: ‘‘Bây giờ hỏi lại, Giang nói không có con kênh, con rạch nào mà ghe chưa qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng,
ngược dòng, con nước kém con nước ròng’’[169, tr.112]. Một câu chuyện hết sức đơn giản, toàn bộ diễn biến câu chuyện là hồi ức của nhân vật Giang. Một cô gái từ nhỏ đã sống lênh đênh trên sông cùng gia đình. Đến khi lấy chồng sống trên bờ, sự thiếu vắng sông nước luôn tràn ngập trong cô, Giang không thể nguôi ngoai được nỗi nhớ sông, nhớ cái tròng trành lắc lư trên ghe trong giấc ngủ. Cứ cơm nước xong xuôi, giang lại lấy xuồng trèo đi, chèo mãi, chèo mãi trên sông không định hướng… chỉ cốt là cho đỡ nhớ sông.
Trong mối liên hệ với tự nhiên bao gồm đất đai, sông nước, ruộng vườn, cây cỏ, thời tiết nắng mưa…, thì dòng sông có lẽ là tình yêu sâu nặng nhất đối với người dân ĐBSCL:
‘‘Ba tôi là người của sông. Không phải ông nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, đôi mắt như đang nhìn da diết, mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mênh mông vậy thôi. Chơ vơ cô độc. Tựa như ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước từ lâu rồi’’[169, tr.8].
Có thể nói, dòng sông chính là chiều rộng và chiều sâu mang đặc trưng riêng của không gian miền sông nước.Và qua đó nhà văn cũng thể hiện cái tình, tính cách và cả tâm trạng của người dân nơi đây.
Khác với nơi thành thị, không gian ở làng quê bao giờ cũng thênh thang, rộng mở:
‘‘Đồng xanh chạy theo hình vòng cung, con kênh mới sang làn nước bạc cắt ngang giống như dây cung, giương mũi tên màu xanh hướng về chân trời bao la’’ (Đồng xanh - Ngô Khắc Tài ).
Tồn tại trong không gian chung của toàn tác phẩm còn có không gian riêng của từng nhân vật. Đó là nơi nhân vật tìm về trong sinh hoạt hàng ngày. Thường là ngôi nhà nhưng cũng có khi chỉ là một mái che trống trước trống sau (Xóm mồ côi, Lời của dòng sông - Nguyễn Lập Em). Có khi là căn nhà lá cũ mèm trong Cái nhìn khắc khoải của Nguyễn Ngọc Tư: ‘‘Ở căn nhà lá cũ mèm nầy, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giữa những mạch máu. Những khuôn mặt thân thuộc như vẫn còn đây. Ở giữa bộ ngựa này, những ngày còn sống, ba má ông vẫn thường ngồi xếp bằng uống trà. Chỗ chiếc giường tre mối mọt ọp ẹp kia, những ngày còn sống, vợ ông ngồi thêu áo gối’’[171, tr.53]. Giờ đây chỉ còn là kỷ niệm buồn sau cái chết đầy đau đớn của người vợ mà ông hằng yêu quí nhất đã bị bom giặc bắn chết. Kể từ ngày đó căn nhà trở nên hoang vắng đến lạnh người. ‘‘Nhà vắng, vườn hoang, lúc chạng vạng buồn hiu hắt. Ông đi
năm ba tháng về một lần, về đúng đồng vạt sau chín’’[169, tr.52]. Sau mỗi chuyến đi xa (vịt chạy đồng), trở về căn nhà cũ, kỷ niệm lại ùa về trong kí ức làm cho ông ứa nước mắt:‘‘chuyện buồn mà ba nhớ làm chi cho tới già vậy không biết’’[171, tr.53]. Hay một chiếc xuồng lênh đên trên trên mặt nước (Ông cá hô - Lê Văn Thảo).
Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy không gian đời tư trong truyện ngắn của các nhà văn nữ (Cải ơi, Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư; Người Cóc, Nước chảy một bên - Nguyễn Thị Diệp Mai; Khoảng cách - Trầm Nguyên Ý Anh; Đất không cưu mang - Bích Ngân…) thường là sự đổ vỡ, rạn nứt, mang vết thương lòng đau đớn xót xa.
Phải chăng, đó là nơi để nhà văn cho nhân vật của của mình ngụp lặn trong bão lửa, trong thử thách thậm chí là sự nghiệt ngã. Chỉ khi nào họ vượt qua được môi trường khắc nghiệt đó thì phẩm chất, nhân cách vàng mười thử lửa càng được toả sáng. Người đọc dễ nhận thấy là hầu hết không gian đời tư trong truyện là hình ảnh ngôi nhà, chiếc ghe, chiếc xuồng, hay túp lều nhỏ thường hoang vắng không một chút hơi ấm. Nó là biểu tượng cho sự đổ vỡ rạn nứt, đớn đau trong tâm hồn con người.
Có thể nói cách tổ chức không gian nghệ thuật như vậy, đã giúp tác giả có điều kiện đi sâu khám phá, tái hiện đời sống và thế giới nội tâm của con người, nhằm thể hiện được mối quan hệ sâu sắc giữa con người với đời sống thực tại. Mỗi nhân vật xuất hiện mở ra một không gian khác nhau của tâm tưởng của ý thức. Trong không gian đời tư của nhân vật người đọc cảm nhận được ngổn ngang những trăn trở, suy tư của họ.