CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.1. Sự cần thiết của đề tài nghiên cứu
1.1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
1.1.2.2. Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam
Các nghiên cứu về danh tiếng doanh nghiệp và các liên kết xung quanh danh tiếng doanh nghiệp tại Việt Nam còn rất hiếm. Nguyễn Hồng Hà và Nguyễn Thị Tuyết Mai (2014) đã tiến hành nghiên cứu tác động của cảm nhận về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của khách hàng đến lòng trung thành của khách hàng ngành thức ăn chăn nuôi tại miền bắc, tác giả sử dụng nghiên cứu định lượng với 238 khách hàng của những công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi lớn tại miền bắc, kết quả cho thấy danh tiếng là một biến trung gian có ý nghĩa trong mối liên kết này, cảm nhận về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của khách hàng tác động đến danh tiếng doanh nghiệp, đồng thời danh tiếng doanh nghiệp tác động đến lòng trung thành của khách hàng. Tuy nhiên nghiên cứu này tập trung vào đánh giá tác động của cảm nhận về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của khách hàng đến lòng trung thành của khách hàng, danh tiếng doanh nghiệp chưa được xem xét kỹ lưỡng trong mô hình.
Ngoài ra, một số nghiên cứu về các khái niệm riêng biệt bao gồm: nhận thức trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của khách hàng, nước xuất xứ, niềm tin của khách hàng và ý định hành vi của khách hàng. Bui Thi Lan Huong (2010) đã tiến hành nghiên cứu nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Nghiên cứu thực hiện khảo sát 198 người có trình độ từ đại học trở lên đang làm việc tại các công ty ở TP. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội. kết quả nghiên cứu cho thấy có ba thành phần của cấu trúc trách nhiệm xã hội doanh nghiệp bao gồm: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm từ thiện, trách nhiệm xã hội và môi trường. Nghiên cứu cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chào đón những công ty thực hiện trách nhiệm xã hội và những sản phẩm xanh và sạch, tuy nhiên một bộ phận lớn dân số vẫn chịu ảnh hưởng bởi chất lượng và giá cả khi quyết định mua sản phẩm. Nhằm mục đích tìm hiểu thực tiễn việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, cũng như khám phá cảm nhận của khách hàng về hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Nguyễn Hồng Hà và Nguyễn Thị Tuyết Mai (2013) đã nghiên
cứu định tính cảm nhận của khách hàng về hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi tại miền bắc Việt Nam, tác giả thực hiện 2 phỏng vấn bao gồm 7 lãnh đạo các doanh nghiệp và 10 khách hàng mua thức ăn chăn nuôi. Kết quả cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và đều đó được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao.
Ngoài ra, phần lớn khách hàng cảm nhận việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là tương đối tốt và nó ảnh hưởng đến danh tiếng, niềm tin và sự hài lòng của khách hàng. Như vậy, nhận thức trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của khách hàng tại Việt Nam đã được một số tác giả quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn những quan điểm trái ngược, đồng thời vẫn chưa có những nghiên cứu khám phá những yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của khách hàng.
Về hình ảnh nước xuất xứ, Phạm Thị Lan Hương (2014) đã tiến hành khảo sát 302 người sử dụng xe ô tô tại Tp. Đà Nẵng, nhằm mục đích đánh giá tác động của hình ảnh nước xuất xứ đến chất lượng cảm nhận và tính cách thương hiệu. Kết quả cho thấy, hình ảnh nước xuất xứ thương hiệu tác động đến chất lượng cảm nhận của khách hàng nhưng không tác động đến tính cách thương hiệu. Mặc dù đã có nghiên cứ về hình ảnh nước xuất xứ tại Việt Nam, tuy nhiên nghiên cứu này chỉ mới xem xét tác động của hình ảnh nước xuất xứ thương hiêu, chưa xem xét vai trò của hình ảnh nước sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu này không xem xét hình ảnh nước xuất xứ có ảnh hưởng như thế nào đến danh tiếng của doanh nghiệp.
Các nghiên cứu về niềm tin của khách hàng, Phạm Minh Tiến và Lê Quốc Hiếu (2015) đã nghiên cứu các nhân tố tác động đến niềm tin của khách hàng và tác động của niềm tin đến ý định mua sắm trực tuyến qua truyền hình của khách hàng.
Tác giả đã tiến hành đã khảo sát 480 khách hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy chính sách bán hàng, thông tin công bố và sự thuận tiện khi mua sắm qua kênh truyền hình có ảnh hưởng mạnh nhất đến niềm tin của khách hàng. Đồng thời niềm tin tác động tích cực đến ý định mua hàng của khách hàng. Ngoài ra, Lê Phan Hòa (2016) đã kiểm định vai trò của niềm tin trong việc giải thích ý định sử dụng dịch
vụ ATM của sinh viên tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu mẫu thuận tiện với 300 sinh viên cho thấy, niềm tin có vai trò quan trọng trong việc giải thích ý định sử dụng dịch vụ ATM của khách hàng. Như vậy, các nghiên cứu tại Việt Nam chủ yếu xem xét vai trò của niềm tin đối với ý định mua của khách hàng. Chưa có nghiên cứu nào xem xét vài trò của niềm tin trong mối quan hệ với danh tiếng, nhận thức trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và ý định mua lại của khách hàng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu về ý định hành vi cũng được thực hiện tại Việt Nam. Bùi Thanh Tráng (2013) đã nghiên cứu các nhân tố liên quan đến nhận thức rủi ro tác động đến ý định mua sắm trực tuyến của khách hàng. Nghiên cứu định lượng được thực hiện với một mẫu 300 khách hàng tham gia mua sắm trực tuyến.
Kết quả cho thấy nhận thức rủi ro tác động nghịch chiều đến ý định mua sắm trực tuyến của khách hàng. Nhận thức rủi ro gồm: rủi ro tài chính, rủi ro sản phẩm, rủi ro bảo mật thông tin và rủi ro về sự gian lận của người bán. Ngoài ra, nhằm mục đích phân tích tác động của quảng cao qua mạng xã hội đến ý định mua sắm của người tiêu dùng tại Tp. Cần Thơ. Ngô Mỹ Trân và Mai Võ Ngọc Thanh (2017) đã thực hiện nghiên cứu định lượng với 193 người tiêu dùng sống tại Tp. Cần Thơ. Kết quả cho thấy có bốn yếu tố của quảng cáo qua mạng ảnh hưởng đến ý định mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, yếu tố tính tương tác – xã hội, tính giải trí và sự cho phép có tác động cùng chiều với ý định mua sắm của người tiêu dùng, trong khi yếu tố sự phiền nhiễu có tác động nghịch chiều với ý định mua sắm của người tiêu dùng. Nguyễn Thành Công và Phạm Ngọc Thúy (2007) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu điện thoại di động. Kết quả khảo sát 434 khách hàng sử dụng điện thoại di động tại Tp. Hồ Chí minh cho thấy, có 5 yếu tố tác động đến lòng trung thành của khách hàng bao gồm:
uy tín thương hiệu, tính năng sản phẩm, giá cả cảm nhận, nhận biết thương hiệu, và thái độ đối với khuyến mãi. Nghiên cứu Nguyễn Hồ Ngọc Hân và cộng sự (2011) xem xét vai trò trung gian của sự hài lòng trong mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ và lòng trung thành của khách hàng. Kết quả khảo sát 345 khách hàng đã sử dụng dịch vụ khách hàng tại Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết và Đà Lạt cho thấy
rằng, hai thành phần của chất lượng dịch vụ là dịch vụ cốt lõi và môi trường vật chất đều ảnh hưởng đến sự hài lòng, sự hài lòng và rào cản chuyển đổi ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách hàng.
Như vậy, một số nghiên cứu tại Việt Nam mang tính tổng hợp lý thuyết, một số nghiên cứu ở phạm vi nhỏ và nghiên cứu các khái niệm riêng biệt, chưa có nghiên cứu nào đặt vấn đề nghiên cứu tương tự như nghiên cứu này. Ngoài ra, việc ứng dụng những mô hình nghiên cứu và những thang đo trước đây từ những nghiên cứu tại những nền văn hóa khác cũng như những bên liên quan khác nhau có thể tiềm ẩn nhiều khác biệt đáng kể (Fombrun và cộng sự, 2015). Vì vậy, việc nghiên cứu khái niệm danh tiếng doanh nghiệp và các mối liên kết với danh tiếng tại Việt Nam có ý nghĩa lý thuyết và thực tiễn. Đây là lý do chính đáng để thực hiện nghiên cứu trong luận án này.