CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.3. Tiền tố và kết quả của danh tiếng doanh nghiệp
2.3.2. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
2.3.2.1. Khái niệm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR - Corporate Social Responsibility) là một khái niệm tương đối mới. CSR thường được mỗi doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ nhìn nhận dựa vào quan điểm riêng, phụ thuộc vào điều kiện, đặc điểm phát triển của mình.
Khái niệm CSR bắt đầu vào năm 1917 khi người sáng lập doanh nghiệp Ford Motor cho rằng, ngoài việc tạo ra một phần lợi nhuận cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng quan tâm đến xã hội (Lee, 2008). Tầm nhìn của doanh nghiệp Ford đã mô tả rõ ràng rằng việc kinh doanh của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội bởi vì họ tạo ra một nguồn thu nhập cho xã hội. Hơn nữa, sản phẩm của họ giúp cho những người trong xã hội có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả đạt được của CSR được xem là tiềm ẩn, trong thời gian đầu các cổ đông không thấy mục đích của CSR và tác động của nó đến hiệu suất doanh nghiệp (Lee, 2008).
Carroll (1999) cho rằng, cha đẻ của CSR là Howard Rothmann Bowen, ông đã đưa ra khái niệm đầu tiên về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp "Trách nhiệm xã hội của những nhà kinh doanh là những nghĩa vụ phù hợp với mục tiêu và giá trị của xã hội mà nhà kinh doanh phải thực hiện khi theo đuổi chính sách và đưa ra quyết định cho hoạt động kinh doanh của mình" (Bowen, 1953: trang 6). Tuy nhiên, định nghĩa
này được cho là không rõ ràng (Clarkson, 1995). Từ đó đến nay, thuật ngữ này đã phát triển theo nhiều cách khác nhau.
Friedman (1970) cho rằng một doanh nghiệp không cần phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội, "Doanh nghiệp chỉ có một trách nhiệm duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận, gia tăng giá trị cổ đông, trong khuôn khổ luật chơi của thị trường là cạnh tranh trung thực và công bằng". Từ quan điểm này, những người phản đối CSR cho rằng các chương trình của doanh nghiệp lấy tên “trách nhiệm xã hội” chỉ là những chương trình quan hệ công chúng đạo đức giả, mà thực chất mục tiêu cuối cùng vẫn là vì lợi nhuận của doanh nghiệp mà thôi (Williams và Siegel, 2000).
Theo McGuire (1960), ông không đề cập đến các nguồn tài nguyên của doanh nghiệp sở hữu và cách sử dụng chúng, mà là các nghĩa vụ của doanh nghiệp hướng đến xã hội và ngoài các nghĩa vụ kinh tế hoặc luật pháp. Vì thế, ông trở thành tác giả đầu tiên đã có định nghĩa về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp vượt ra ngoài những giới hạn kinh tế bị áp đặt bởi luật pháp, mặc dù định nghĩa của ông không đề cập chính xác là những nghĩa vụ gì. Chỉ sau này, ông có đề cập rằng nên có sự tham gia của các tập đoàn lớn trong chính trị, phúc lợi xã hội, giáo dục, và trong mối quan hệ với nhân viên của mình.
Freeman (1984) lập luận rằng các nhà quản lý không nên chỉ tập trung vào nhu cầu của các cổ đông, mà phải đáp ứng các bên liên quan hoặc những cá nhân có ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi việc đạt được các mục tiêu của tổ chức, chẳng hạn như nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và các tổ chức cộng đồng địa phương.
Điều đó ngụ ý là sự cam kết của các hoạt động CSR không chỉ là thực thể tài chính có lợi cho doanh nghiệp. Lý thuyết này đã được mở rộng bởi Donaldson và Preston (1995), thành phần mở rộng bao gồm các thành phần luân lý và đạo đức của CSR.
Về vấn đề này, Clarkson (1995) cho rằng các doanh nghiệp quản lý mối quan hệ với các bên liên quan thay vì việc quản lý các mối quan tâm xã hội rộng lớn. Như vậy, theo lý thuyết này, các bên liên quan là các khán giả mục tiêu chính của CSR và do đó họ là những người mà các doanh nghiệp cần phải làm hài lòng (Pérez và Del Posque, 2013).
Carroll (1979) giới thiệu định nghĩa hiệu quả xã hội doanh nghiệp (CSP – Corporate Social Performance) được sử dụng như một từ đồng nghĩa CSR (Wartick và Cochran, 1985). CSP là nghĩa vụ mà các doanh nghiệp phải làm cho xã hội và nó thể hiện ở các thành phần kinh tế, pháp lý, đạo đức và các thành phần khác. Bốn thành phần của CSP đều hướng về 2 điểm dẫn đầu đó là: kinh tế và xã hội. Tuy nhiên dựa trên sự quan sát của Carroll (1979) thì các doanh nghiệp nhấn mạnh hơn ở thành phần kinh tế và pháp lý, tiếp theo là đạo đức và các thành phần khác theo ý mình. Quan điểm này mô tả các chức năng của doanh nghiệp trong xã hội nơi mà họ hoạt động kinh doanh bằng cách sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của xã hội. Họ cũng có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các yêu cầu pháp lý và hoạt động kinh doanh dựa trên yêu cầu pháp luật. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần phải hoạt động theo quan niệm đạo đức và luân lý của xã hội nơi mà họ đang hoạt động và sự hưởng ứng với các vấn đề xã hội cần phải được sử dụng trên cơ sở tự nguyện (Cetindamar, 2007). Schwartz (2003) trình bày cách tiếp cận rất gần với Carroll, tuy nhiên trong mô hình của ông chỉ có ba vùng quan trọng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của doanh nghiệp, chứ không phải bốn như Carroll tuyên bố. Ba vùng là: kinh tế, pháp lý và đạo đức. Tác giả tin rằng hoạt động từ thiện không phải là một nghĩa vụ hay trách nhiệm, vì nó có thể tồn tại, có thể xảy ra, nhưng chỉ khi nó là phương diện kinh tế hay đạo đức đúng đắn.
Theo Matten và Moon (2004) CSR là một khái niệm chùm bao gồm nhiều khái niệm khác như đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù. Như vậy, bản chất của CSR là khái niệm động tùy thuộc vào bối cảnh mà nó được sử dụng.
Những quan niệm khác nhau đã được phát triển để mô tả CSR, Ví dụ, Carroll (1979) liên kết nó với hoạt động xã hội, Friedman (1970) liên kết với lợi nhuận doanh nghiệp, Freeman (1984) liên kết với các bên liên quan, Solomon (1993) đề cập đến đạo đức kinh doanh. Sau đó, Carroll (1999) xem xét vai trò của doanh
nghiệp trong xã hội…Bảng 2.6 tóm tắt nhiều cách diễn giải về CSR lấy từ tài liệu từ năm 1991-2006 của Amaeshi và Adi (2007).
Bảng 2.6. Giải thích trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR)
Giải thích Tác giả
Nguyên tắc và đạo đức trong kinh doanh
Stark (1993); Freeman (1994); Bowie (1998); Phillips (1997, 2003); Phillips và Margolis (1999); Fulop và cộng sự (2000);
Cacioppe và cộng sự (2008) Hành động có trách nhiệm với các bên liên
quan
Goodpaster (1983); Owen và cộng sự (2000); O’Dwyer (2005); Dubbink và cộng sự (2008)
Quyền công dân của doanh nghiệp Andriof và Waddock (2002); Carroll (2004); Matten và Crane (2005)
Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Carroll (1991, 2004)
Marketing xanh và doanh nghiệp xanh Hussain (1991); Crane (2000); Saha và Darnton (2005)
Trách nhiệm môi trường Kamp và Hagedorn-Rasmussen (2004) Nhân quyền Cassel (2001); Welford (2002)
Đầu tư có trách nhiệm xã hội
Jayne và Skerratt (2003); Synnestnedt và Aslaksen (2003); McLaren (2004);
Griffiths (2004); Whitehouse (2006)
Các bên liên quan Freeman (1984, 1994); Donaldson và Preston (1995); Andriot và cộng sự (2002) Tính bền vững
Korhonen (2002); Amaeshi và Crane (2006); Bansal (2005); Amaeshi và Adi (2007)
(Nguồn: Amaeshi và Adi, 2007) Từ tổng hợp các nghiên cứu trong bảng 2.6 cho thấy, CSR được hiểu theo nhiều cách khác nhau bởi tác giả khác nhau, tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu về các hoạt động trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, CSR không chỉ tập trung vào trách nhiệm đối với xã hội mà còn xem xét các thành phần kinh tế, thành phần pháp lý và đạo đức. Như vậy, nghiên cứu này xem CSR như là một khái niệm đa chiều, gồm trách nhiệm kinh tế, pháp luật, đạo đức và từ thiện (Carroll, 1999).