Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.1. Lịch sử nghiên cứu về quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trong trường
1.1.1. Những nghiên cứu trên thế giới
Quan điểm dạy học tích hợp được khởi đầu nghiên cứu, thử nghiệm vào những năm 60 của thế kỉ XX. Đến cuối những năm 90 của thế kỉ XX, vấn đề tiếp cận tích hợp trong giáo dục nhằm hình thành và phát triển các năng lực cho người học mới được nghiên cứu một cách khoa học thống nhất trên quan điểm phân tích hệ thống.
Tháng 9/1968, Hội nghị tích hợp việc giảng dạy các khoa học với sự bảo trợ của UNESCO tổ chức tại Varna (Bungari) lần đầu tiên đặt ra hai vấn đề: Vì sao phải dạy học tích hợp các khoa học? Dạy học tích hợp các khoa học là gì?
Dạy học tích hợp các khoa học được UNESCO định nghĩa tại Hội nghị phối hợp trong chương trình diễn ra tại Paris 1972 như sau: "Dạy học tích hợp các khoa học là một cách trình bày các khái niệm và nguyên lí khoa học cho phép diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau". Vào tháng 4/1973 tại Đại học tổng hợp Maryland trong Hội nghị đào tạo giáo viên để dạy
học tích hợp các khoa học, UNESCO xác định khái niệm Dạy học tích hợp các khoa học còn bao gồm cả việc dạy học tích hợp các khoa học với công nghệ học (technology) (Đỗ Hương Trà (Chủ biên), el al, 2016).
Ken Wilber trong tác phẩm “The Spectrum of Consciousness (1973)”
ông đề xuất sự liên kết kiến thức bằng nhiều cách khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề nào đó của nhận thức thế giới xung quanh. Đây được xem như một lý thuyết về sự tích hợp từ những kiến thức rời rạc thành một khối thống nhất để tương tác vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Bằng sự tích hợp này con người có thể thâm nhập vào các cấu trúc khác nhau trên cơ sở nhận thức những vấn đề then chốt thông qua sự tương tác của các mặt trong khối kiến thức được kết nối lại với nhau (Ken Wilber, 1973).
Dạy học tích hợp “Integrated teaching” là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong những năm gần đây. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đã ứng dụng vào trường học phổ thông và có những thành quả vượt trội so với hoạt động dạy học truyền thống. Tuy nhiên, sự xuất hiện thuật ngữ dạy học tích hợp mới chỉ được “khai thác” rộng rãi trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu XXI.
Tiêu biểu cho việc nghiên cứu về dạy học tích hợp đó là nhà lí luận giáo dục Pháp Xavier Roegiers. Công trình nghiên cứu của ông được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề: "Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực tích hợp ở nhà trường?". Tiếp đó, ông công bố tiếp công trình: "Một phương pháp sư phạm của hội nhập. Và tích hợp các kĩ năng có được trong giảng dạy" (Xavier Roegiers, 1996).
Theo tác giả Xavier Roegiers, sư phạm tích hợp là một quan niệm về quá trình học tập, trong đó toàn bộ quá trình học tập góp phần hình thành ở học sinh những năng lực cụ thể, nhằm phục vụ cho các quá trình học tập sau này hoặc
nhằm hòa nhập học sinh vào cuộc sống lao động. Như vậy sư phạm tích hợp tìm cách làm cho quá trình học tập có ý nghĩa thực tiễn (Xavier Roegiers, 1996).
Các nhà khoa học trên thế giới có các quan điểm chính về tích hợp như sau:
- Quan điểm tích hợp trong nội bộ môn học: Thực hiện ưu tiên tích hợp các nội dung trong từng môn học riêng lẻ.
- Quan điểm đa môn: tích hợp các nội dung giáo dục khác nhau vào chỗ thích hợp trong một môn học cụ thể. Hình thức chủ yếu của cách tích hợp này là xây dựng chủ đề riêng, lồng ghép và liên hệ nội dung giáo dục.
- Quan điểm liên môn: nhấn mạnh đến sự liên kết của nhiều môn học riêng lẻ làm cho chúng tích hợp với nhau nhằm giải quyết một tình huống cho trước.
Do đó, quá trình học tập sẽ không rời rạc mà các môn học phải liên kết với nhau xung quanh những vấn đề cần giải quyết.
- Quan điểm xuyên môn: quan điểm này phát triển những kĩ năng mà học sinh có thể sử dụng trong hầu hết các môn học, trong tất cả các tình huống. Các kĩ năng này có thể được hình thành trong từng môn học riêng lẻ và có thể áp dụng ở mọi nơi. Những kĩ năng này còn gọi là kĩ năng xuyên môn (Xavier Roegiers, 1996).
Dạy học theo quan điểm tích hợp đã được ứng dụng từ những năm 80 của thế kỷ XX. Chương trình Tiểu học ở Ma-laixi-a được gọi là: "The intergrated curriculum for Primary school" (Bộ GD&ĐT Ma-lai-xi-a, 1997).
Tiến hành tích hợp sẽ dẫn tới sự xuất hiện của những bộ sách giáo khoa đa môn. Ví dụ: "bộ sách giáo khoa nhiều môn" dùng cho bậc Tiểu học nhiều nước Châu Phi - tích hợp 7 môn học: Tiếng Pháp, Toán, Sinh học, Công nghệ, Sử, Địa, Giáo dục công dân xung quanh các chủ đề khác nhau, mỗi chủ đề dạy trong hai tuần do Nhà xuất bản EDICEF xuất bản ở Pháp năm 1995.
Ngoài ra, có thể kết hợp hai bộ môn tưởng chừng rất xa nhau như Văn học và Sinh học trong công trình Nghiên cứu việc soạn thảo văn bản theo thể loại (Exploring the writing of genres) nhằm hướng dẫn cách viết các thể loại tự sự, nghị luận, thuyết minh, báo cáo,... bằng nguyên liệu của môn Thực vật học (Xavier Roegiers, 1996).
Hoạt động bồi dưỡng giáo viên luôn được các nước trên thế giới coi trọng và xem là vấn đề cơ bản trong phát triển giáo dục. Nội dung bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên được chú trọng đầu tư. Các cấp QLGD luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi giáo viên, mọi thành viên trong xã hội có cơ hội học tập suốt đời, học tập thường xuyên để kịp thời bổ sung kiến thức và đổi mới phương pháp hoạt động phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ấn Độ, vào năm 1998, các trung tâm học tập trong cả nước được thành lập nhằm tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Công tác bồi dưỡng giáo viên được tiến hành tại các trung tâm học tập đã mang lại hiệu quả.
Thái Lan, công tác bồi dưỡng giáo viên được tiến hành ở các trung tâm học tập cộng đồng từ 1998 nhằm giáo dục cơ bản, huấn luyện kĩ năng nghề nghiệp và cung cấp thông tin tư vấn cho mọi người dân trong xã hội.
Pakistan, có chương trình bồi dưỡng về sư phạm do nhà nước qui định trong thời gian 3 tháng, gồm các nội dung như giáo dục nghiệp vụ dạy học, cơ sở tâm lý giáo dục, phương pháp nghiên cứu, đánh giá và nhận xét học sinh, ...
đối với đội ngũ giáo viên mới vào nghề chưa quá 3 năm.
Ở Nhật Bản, việc bồi dưỡng và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục là nhiệm vụ bắt buộc đối với người lao động sư phạm.
Tại Hàn Quốc, việc bồi dưỡng giáo viên là qui định bắt buộc. Hoạt động bồi dưỡng giáo viên nhằm trang bị lí luận và phương pháp luận về giáo dục để nâng cao khả năng và hiệu quả giảng dạy trong lớp học. Mỗi chương trình bồi dưỡng thường kéo dài 182 giờ.
Như vậy, các công trình nghiên cứu trên thế giới đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau như nội dung, cách thức, hiệu quả,… của việc dạy học tích hợp trong nhà trường phổ thông và nội dung bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên.