Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên THCS
1.5.1. Các yếu tố chủ quan
Đầu tiên là nhận thức của CBQL, giáo viên về công tác bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN. Khi CBQL, giáo viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN thì công tác bồi dưỡng chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, thiếu hiệu quả.
Thứ hai, năng lực tổ chức, quản lí hoạt động bồi dưỡng giáo viên của Hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải có năng lực lập kế hoạch bồi dưỡng, xác định mục tiêu, nội dung bồi dưỡng, xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, lựa chọn báo cáo viên tham gia bồi dưỡng, huy động mọi nguồn lực để tổ chức bồi dưỡng và đánh giá kết quả bồi dưỡng một cách khách quan, công bằng.
Công tác khảo sát để tìm ra được nhu cầu bồi dưỡng cụ thể của giáo viên từng trường có ý nghĩa rất quan trọng. Công tác này giúp xác định mục tiêu, nội dung chương trình bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của đa số giáo viên trong nhà trường.
Giáo viên các môn khoa học tự nhiên là nhân vật trung tâm của hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp. Do đó, phải phát huy được tính chủ động, tích cực, tự giác của giáo viên trong hoạt động bồi dưỡng. Song song đó từng cá nhân phải xác định đúng năng lực của bản thân để xác định những nội dung cần cập nhật, bổ sung. Đồng thời, việc tham gia hoạt động bồi dưỡng phải tự
giác, tích cực tiếp nhận kiến thức, kĩ năng mới để hoàn thiện và nâng cao năng lực về dạy học tích hợp môn KHTN, phát triển chuyên môn.
Báo cáo viên được mời tham gia bồi dưỡng phải có năng lực cao trong dạy học tích hợp môn KHTN, nắm vững mục tiêu, nội dung chương trình bồi dưỡng và có phương pháp kĩ năng bồi dưỡng giáo viên, hiểu về phong cách học tập của người lớn để lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với đối tượng tham gia bồi dưỡng.
Chuẩn bị tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng phải đảm bảo đầy đủ, chính xác dựa vào những thông tin mới, cập nhật kịp thời.
1.5.2. Các yếu tố khách quan
Công tác bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN cho giáo viên các trường THCS chịu sự chi phối rất nhiều của Nhà nước và của các cấp các ngành trong đó các chính sách, văn bản chỉ đạo về hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN. Nếu nhận được sự quan tâm tạo điều kiện thì công tác bồi dưỡng sẽ trở nên thuận lợi và hiệu quả cao.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, kinh phí được cấp cho hoạt động bồi dưỡng và cung cấp các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng. Nếu không có đủ tài liệu bồi dưỡng cho từng GV hoặc trang thiết bị phục vụ các lớp bồi dưỡng thiếu, thô sơ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bồi dưỡng.
Đặc điểm về tình hình kinh tế của từng địa phương, từng trường khác nhau cũng là nhân tố cần lưu tâm trong quá trình bồi dưỡng. Bởi nó ảnh hưởng đến côngtác tổ chức, lựa chọn nội dung, hình thức,..
Bên cạnh đó, vai trò của các cấp quản lí cũng ảnh hưởng không nhỏ cho công tác bồi dưỡng năng lực cho giáo viên KHTN, thể hiện qua sự quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, địa điểm, thời điểm,… giúp mang lại hiệu quả cao cho các lớp bồi dưỡng.
Tiểu kết Chương 1
Trong chương 1 tác giả đã trình bày cơ sở lí luận về bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho GV ở trường THCS. Từ lịch sử nghiên cứu vấn đề dạy học tích hợp, bồi dưỡng giáo viên, để làm rõ cơ sở lí luận về quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn KHTN cho giáo viên ở trường THCS, tác giả đã trình bày một số khái niệm cơ bản như: Tích hợp, dạy học tích hợp, năng lực, năng lực dạy học tích hợp khoa học tự nhiên, bồi dưỡng, bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN, quản lí, Quản lí hoạt động bồi dưỡng năng dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trường THCS.
- Năng lực dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên là khả năng liên kết các đối tượng giảng dạy của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau thuộc môn Khoa học tự nhiên trong cùng một kế hoạch dạy học nhằm giúp học sinh sử dụng phối hợp những kiến thức, kĩ năng và thao tác nhất định để giải quyết một tình huống phức tạp trong thực tiễn học tập và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn liên quan đến Khoa học tự nhiên.
- Bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trường Trung học cơ sở là một hoạt động có chủ đích nhằm cập nhật kiến thức khoa học tự nhiên mới tiến bộ hoặc nâng cao trình độ giáo viên để tăng thêm năng lực, phẩm chất theo yêu cầu tích hợp của môn Khoa học tự nhiên bậc Trung học cơ sở.
Quản lí là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lí lên đối tượng quản lí nhằm đạt được mục tiêu đề ra.”
Quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trường THCS là một nội dung trong quản lí giáo dục, là một quá trình tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lí lên hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên của
giáo viên trường THCS bằng việc vận dụng các chức năng quản lí (lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra - đánh giá), nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng và cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đề ra.
Những lí luận trên là cơ sở quan trọng để tác giả khảo sát, nghiên cứu thực trạng hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN cho giáo viên ở các trường THCS. Từ đó, đề xuất các biện pháp quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN cho giáo viên ở các trường THCS nhằm chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên các môn khoa học tự nhiên tại các trường THCS trên địa bàn huyện, có những năng lực phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.