Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.4. Cơ sở lí luận về quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trung học cơ sở
1.4.2. Công tác lập kế hoạch hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên THCS
Lập kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn KHTN cho giáo viên THCS, hiểu ngắn gọn, là quá trình xác định các mục tiêu bồi dưỡng dạy học tích hợp trong các môn KHTN và lựa chọn phương thức tiến hành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để đạt mục tiêu là nâng cao năng lực dạy học tích hợp cho đội ngũ giáo viên các bộ môn KHTN tại các trường THCS.
Lập kế hoạch là một chức năng không thể thiếu của Hiệu trưởng trường THCS nhằm xây dựng, tổ chức bộ máy, phát triển nhà trường THCS theo yêu cầu và định hướng của Đảng, Nhà nước và ngành đã đề ra. Hầu hết các nhà nghiên cứu đề đồng ý rằng, lập kế hoạch là khởi đầu của mọi hoạt động, mọi chức năng quản lí khác. Nếu Hiệu trưởng trường THCS không có các kế hoạch, thì công tác quản lí gặp rất nhiều khó khăn vì không thể định hướng được đích đến, những nội dung tiêu chí thực hiện của nhà trường THCS. Khi đó, công tác kiểm tra không thể thực hiện được vì không thể xác định mức độ hoàn thành và các tiêu chí cần đánh giá. Như vậy, để chuẩn bị tốt năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho đội ngũ giáo viên tại các trường THCS thì Hiệu trưởng nhà trường phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Chức năng này do Hiệu trưởng trường THCS thực hiện theo qui trình gồm những hoạt động cơ bản:
- Tìm hiểu cơ sở pháp lí, cơ sở thực tiễn, thực trạng của trường, khả năng đáp ứng các nguồn lực. Đây là hoạt động hết sức cần thiết trong công tác lập kế hoạch của mọi cán bộ quản lí nhằm đảm bảo kế hoạch có thể thực thi trong thực tế, phù hợp với các văn bản đang có hiệu lực, cũng như tính khả thi trong quá trình thực hiện.
- Lựa chọn các mục tiêu bồi dưỡng khả thi. Trong quá trình tiến hành lập kế hoạch, người tiến hành phải xác định rõ ràng những mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn, từng mặt công tác đảm bảo phù hợp tình hình đội ngũ của nhà trường, cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu cho công tác hiện tại.
- Lựa chọn nội dung bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN phù hợp. Việc lựa chọn nội dung đảm bảo giúp giảm bớt áp lực cho đội ngũ tham gia bồi dưỡng, đồng thời giúp giáo viên tham gia có điều kiện nghiên cứu sâu và tích cực tham gia.
- Xác định các điều kiện hỗ trợ bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN. Một kế hoạch có thành công thì những điều kiện hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành. Nó tạo môi trường thuận lợi hoặc gây khó khăn cho việc thực thi một kế hoạch.
- Thiết kế các bước thực hiện bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN. Người lập kế hoạch phải hình dung ra từng bước cụ thể, càng chi tiết thì khi thực hiện càng rõ ràng và dễ dàng kiểm soát.
- Lựa chọn các biện pháp và hình thức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN phù hợp nguồn lực tại nhà trường. Trong rất nhiều biện pháp quản lí, người xây dựng kế hoạch phải lọc ra những biện pháp phù hợp nhất phục vụ cho từng kế hoạch, đó còn thể hiện tầm của người lập kế hoạch.
- Lựa chọn đội ngũ tham gia bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN. Đội ngũ chuyên gia thực hiện công tác bồi dưỡng đóng vai trò rất lới trong việc mang lại hiệu quả cho công tác bồi dưỡng. Đội ngũ bồi dưỡng đủ tầm, khai thác tốt tiềm năng sẽ mang lại hiệu quả cao, tạo hứng thú cho người tham gia, và ngược lại.
Để kế hoạch bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên tại trường THCS khoa học và mang tính khả thi thì Hiệu trưởng phải làm tốt công tác dự báo. Khi tiến hành dự báo phải nắm được: Nhu
cầu bồi dưỡng của giáo viên; Kế hoạch bồi dưỡng của cấp trên (Sở, Phòng);
Nguồn lực đội ngũ giáo viên cốt cán; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị;
năng lực tài chính.
Một bảng kế hoạch phải có những nội dung cơ bản sau:
- Mục tiêu bồi dưỡng: Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; là căn cứ để quản lí, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đối với yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019).
Như vậy đối với đội ngũ giáo viên các môn KHTN thì mục tiêu cụ thể là:
Nâng cao năng lực dạy học tích hợp môn KHTN cho giáo viên; Phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đánh giá hiệu quả bồi dưỡng của giáo viên và năng lực tổ chức, quản lí hoạt động tự học, tự bồi dưỡng giáo viên của nhà trường.
- Nội dung bồi dưỡng: Căn cứ vào nhu cầu, đặc điểm của giáo viên tại nhà trường để lựa chọn một hoặc một số nội dung, hình thức, thời gian, địa điểm và thời lượng bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp môn KHTN bao gồm một số nội dung sau: Kiến thức chuyên môn sâu của từng phân môn và kiến thức liên môn tích hợp; Bản chất dạy học tích hợp môn KHTN; các hình thức, mức độ tích hợp; Kĩ năng xây dựng chủ đề/ hoặc nội dung tích hợp;
kĩ năng khai thác những nội dung có mối liên liên quan với nội dung bài học;
Cách xây dựng các kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp; Khả năng lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học tích hợp môn KHTN; Khả năng khai thác các
kênh thông tin một cách hiệu quả; Kĩ năng giải quyết vấn đề cũng như các tình huống nảy sinh trong dạy học; Khả năng gắn lý thuyết với thực hành.
- Giảng viên tham gia bồi dưỡng, cán bộ quản lí chỉ đạo bồi dưỡng: Xác định những cán bộ, giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn sâu, nắm chắc về những định hướng chương trình và sách giáo khoa mới theo chương trình tổng thể 2018.
- Đối tượng tham gia bồi dưỡng: Xác định cụ thể đối tượng giáo viên môn KHTN tại trường THCS chuẩn bị cho chương trình tổng thể 2018.
- Hình thức tổ chức bồi dưỡng, thời gian bồi dưỡng: Dự kiến hình thức, thời gian phù hợp đặc điểm nhà trường.
- Đánh giá kết quả bồi dưỡng: Xây dựng hình thức đánh giá phù hợp như bằng các bài kiểm tra, bài viết thu hoạch, bài thực hành nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho quá trình bồi dưỡng.
- Các nguồn lực phục vụ bồi dưỡng: Dự trù nguồn tài chính, cơ sở vật chất phục vụ công tác bồi dưỡng, địa điểm bồi dưỡng, các điều kiện hỗ trơ khác.