Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.3. Cơ sở lí luận về hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trung học cơ sở
1.3.1. Đặc điểm môn khoa học tự nhiên trong chương trình THCS
Môn Khoa học tự nhiên là môn học bắt buộc, được dạy ở trung học cơ sở, giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; hoàn thiện tri thức, kĩ năng nền tảng và phương pháp học
tập để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Môn Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học vật lí, hoá học, sinh học và khoa học Trái Đất.
Trong Chương trình môn Khoa học tự nhiên, nội dung giáo dục về những nguyên lí và khái niệm chung nhất của thế giới tự nhiên được tích hợp theo nguyên lí của tự nhiên, đồng thời bảo đảm logic bên trong của từng mạch nội dung.
Bản thân các môn khoa học tự nhiên là khoa học thực nghiệm. Vì vậy, thực hành, thí nghiệm trong phòng thực hành và phòng học bộ môn, ở thực địa và các cơ sở sản xuất có vai trò, ý nghĩa quan trọng và là hình thức dạy học đặc trưng của môn học này.
Khoa học tự nhiên luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Do vậy, giáo dục phổ thông phải liên tục cập nhật những thành tựu khoa học mới, phản ánh được những tiến bộ của các ngành khoa học, công nghệ và kĩ thuật.
Phương pháp dạy học chủ yếu của những môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên là phương pháp đàm thoại, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học thực nghiệm, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp dạy học theo nhóm. Mỗi phương pháp có một ưu, nhược điểm riêng mà việc vận dụng từng phương pháp cho từng vấn đề cụ thể phụ thuộc vào năng lực tổ chức, giảng dạy của từng giáo viên.
Khoa học tự nhiên là môn học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, có vai trò nền tảng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của học sinh cấp trung học cơ sở. Cùng với các môn Toán học, Công nghệ và Tin học, môn Khoa học tự nhiên góp phần thúc đẩy giáo dục STEM – một trong những hướng giáo dục đang được quan tâm phát
triển trên thế giới cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
1.3.2. Tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên ở các trường THCS
Theo luật giáo dục năm 2019: Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh (Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 2019).
Phương pháp giáo dục phổ thông phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc trưng từng môn học, lớp học và đặc điểm đối tượng học sinh; bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kĩ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập; phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục (Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 2019).
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt chỉ rõ “Củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015”.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đánh giá “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu”. Do đó trong phương hướng, nhiệm vụ đổi mới giáo dục tại văn kiện Đảng ta đã xác định “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo cấp học và trình độ đào tạo”.
Bên cạnh đó Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 nêu mục đích của việc ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên như sau:
“Làm căn cứ để giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Làm căn cứ để cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục.
Làm căn cứ để cơ quan quản lí nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;
lựa chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Như vậy giáo viên Trung học cơ sở có vai trò quyết định đến chất lượng dạy - học và giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học và khoa học về Trái Đất. Môn khoa học tự nhiên xây dựng dựa trên tinh thần tích hợp, do đó công tác bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn Khoa học tự nhiên cho đội ngũ giáo viên tại các trường Trung học cơ sở là rất cần thiết và quan trọng. Công tác này đóng vai trò then chốt trong trong việc phát triển chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung Học cơ sở và chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ năng lực theo yêu cầu phục vụ cho việc triển khai chương trình khoa học tự nhiên trong thời gian tới đối với các nhà trường Trung học cơ sở.